MỘT VÀI GỢI MỞ NGHIÊN CỨU VỀ SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ CỦA VIỆT NAM (BLDS 2015)

MỘT VÀI GỢI MỞ NGHIÊN CỨU VỀ SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ CỦA VIỆT NAM (BLDS 2015)

NGUYỄN HỒNG HẢI – Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp

“Nghiên cứu này chưa đề cập đến việc pháp điển hóa vào BLDS, mối quan hệ với các Luật thương mại, Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật nhà ở…; và những vấn đề Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện trong tương lai”.

A. TRIẾT LÝ PHÁP LÝ CƠ BẢN[1] – {2]

I. Tiếp cận phổ quát

1. Bảo đảm BLDS là luật của tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự; luật của các quan hệ thị trường và phù hợp với tập quán, thông lệ quốc tế.

2. Bảo đảm được 2 giá trị căn bản nhất của xã hội kinh tế thị trường là chủ thể bình đẳng, tự do – tự nguyện trong quan hệ tư; nhà nước, cơ quan nhà nước khi tham gia quan hệ tư bình đẳng với các chủ thể khác; hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ tư.

3. Việc sửa đổi BLDS phải đặt trong sự tồn tại, vận hành của cả hệ thống thể chế kinh tế thị trường, hệ thống văn bản pháp luật tư[3] và trong sự phát triển đa dạng, không ngừng của kinh tế – xã hội.

Trong đó, BLDS có vị trí, vai trò là nền tảng pháp lý, “Hiến pháp” của hệ thống pháp luật tư. Quy định của Bộ luật phải có tính khái quát, ổn định, khả thi, không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện tại mà còn phải dự báo tốt, đáp ứng một cách tốt nhất sự thay đổi liên tục của thực tiễn, tạo nền tảng cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật tư trong tương lai.

Các luật chuyên ngành có vai trò cụ thể hóa sự bình đẳng, tự do – tự nguyện trong quan hệ tư thuộc các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác nhau bằng các điều luật chi tiết.

4. Xung đột trong quan hệ tư được giải quyết dựa trên các giải pháp gần nhất với công lý. Quyền yêu cầu dân sự và tiếp cận công lý của người dân phải được bảo đảm thực hiện. Tòa án với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng. Đa dạng hóa các loại nguồn của luật dân sự và thứ tự ưu tiên các loại nguồn này để các thiết chế tài phán có đủ công cụ pháp lý cần thiết, kịp thời giải quyết các yêu cầu của người dân.

5. Kế thừa, phát triển quy định còn phù hợp với thực tiễn, các giá trị văn hóa, tập quán, đạo đức tốt đẹp của Việt Nam; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là các nước có truyền thống pháp luật tương đồng với Việt Nam.

II. Cấu trúc của Bộ luật dân sự

1. Việc cấu trúc BLDS theo cấu trúc Institutiones của BLDS Pháp hay theo cấu trúc Pandekten của BLDS Đức đều không phải là sự lựa chọn mới mẻ với Việt Nam. Bởi vì, trong lịch sử và hiện tại cả hai hệ thống cấu trúc của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa đều đã và đang có những ảnh hưởng đáng kể đến pháp luật Việt Nam.[4]

Trong quá trình sửa đổi BLDS, cũng đã có nhiều tranh luận khoa học về việc lựa chọn cấu trúc nào cho BLDS mới và cấu trúc Pandekten đã được nhà làm luật Việt Nam lựa chọn. Ngoài việc tránh sự xáo trộn quá lớn về cấu trúc so với BLDS 2005 thì việc lựa chọn này còn được dựa trên những ưu điểm phù hợp với bối cảnh Việt Nam:

(i) Thống nhất được các nguồn luật khác nhau trong một hệ thống pháp luật duy nhất mà không gây xáo trộn quá lớn đến hệ thống pháp luật hiện hành;

(ii) Bảo đảm BLDS vừa có được tính ổn định vừa có thể thích nghi tốt với những thay đổi rất nhanh của thực tiễn Việt Nam;

(iii) Bảo đảm BLDS vừa có được những chuẩn mực pháp lý có giá trị phổ quát của nhân loại, vừa có thể mang bản sắc riêng của Việt Nam; không làm phát sinh chi phí quá lớn về thời gian, nguồn lực do được thụ hưởng kho tàng kiến thức, thành quả về lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của các nước;

(iv) Tạo cơ sở, động lực cho một hệ thống pháp luật tư năng động, phù hợp thực tiễn và hướng đến công lý; góp phần xây dựng môi trường tranh luận khoa học giữa Tòa án, thẩm phán, Luật sư, công chứng viên, giới nghiên cứu, đào tạo luật học… từ đó góp phần hình thành, phát triển các chuẩn mực ứng xử pháp lý được xã hội công nhận.

2. BLDS mới được kết cấu thành 5 phần:

– Phần thứ nhất. “Qui định chung”: gồm những qui định chung có tính khái quát hóa cao, có hiệu lực không chỉ cho toàn bộ Bộ luật mà còn cho cả hệ thống pháp luật tư, như: nguyên tắc cơ bản của pháp luật tư, địa vị pháp lý của thể nhân, pháp nhân, tài sản, hành vi pháp lý, đại diện, thời hạn và thời hiệu;

– Phần thứ hai. “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” – Vật quyền: quy định quan hệ giữa người với tài sản;

– Phần thứ ba. “Nghĩa vụ và hợp đồng” – Trái quyền: quy định về quan hệ giữa người với người;

– Phần thứ tư. “Thừa kế”: quy định về việc chuyển dịch tài sản và nghĩa vụ của người chết để lại;

– Phần thứ năm. “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”: quy định về xung đột pháp luật.

Như vậy, về cơ bản BLDS mới của Việt Nam mang kết cấu chung của các BLDS thuộc hệ thống Pandekten, tuy nhiên cũng có hai điểm đặc thù (Xem sơ đồ):

· Phần “Gia đình” không được kết cấu vào trong Bộ luật;[5]

· “Xung đột pháp luật” được kết cấu thành một phần riêng trong BLDS.[6]

clip_image002

3. BLDS dù được kết cấu chặt chẽ theo cấu trúc Pandekten, nhưng nội dung của Bộ luật không phải là hệ thống “đóng” mà là hệ thống có tính “mở”, chấp nhận luật chuyên ngành có những quy định khác BLDS[7] và cũng để mở cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thêm quy định của BLDS đáp ứng những thay đổi của thực tiễn.[8]

4. Quy định của Bộ luật là quy định chung của toàn bộ hệ thống pháp luật tư, có tính khái quát, trừu tượng hóa cao. Song bên cạnh đó, Bộ luật cũng có những quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng, những ngoại lệ, giới hạn của quy định chung;[9] những quan hệ có tính điển hình, ổn định cao của quan hệ tư.[10]

5.  BLDS có một số quy định mang bản sắc văn hóa riêng, phù hợp với một quốc gia đa dân tộc, đa bản sắc văn hóa, tập quán như Việt Nam như, quyền về họ, tên, dân tộc, giám hộ, sở hữu chung, thừa kế…[11]

III. Các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự

1. Nguyên tắc bình đẳng[12]

Mọi thể nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương bình đẳng với chủ thể khác khi tham gia quan hệ tư.[13]

2. Nguyên tắc tự do ý chí[14]

Chủ thể xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm dân sự về chúng. Chủ thể thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, việc không thực hiện quyền dân sự không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác. Ví dụ:

– Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản, chủ thể có vật quyền khác được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được luật định;

– Chủ thể được tự do giao kết hợp đồng, tự do thỏa thuận về nội dung hợp đồng;

– Trường hợp chủ thể có thỏa thuận trong hợp đồng về bồi thường thiệt hại thì áp dụng theo thỏa thuận của các bên;[15]

– Chủ thể được tự do liên kết, hợp tác để xác lập, thực hiện quyền dân sự;[16]

– Thể nhân được tự do ý chí trong chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Bên cạnh đó, tự do ý chí cũng phải chịu những giới hạn bởi luật định, như: không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, các giới hạn vật quyền, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, thực hiện, chấm dứt hợp đồng, lãi suất, chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế…

3. Nguyên tắc trừu tượng hóa – tách biệt

Để tách biệt giữa vật quyền và trái quyền trong cùng một giao dịch dân sự, Bộ luật quy định ba thời điểm pháp lý: (i) Thời điểm hợp đồng có hiệu lực; (ii) Thời điểm chuyển quyền sở hữu, vật quyền khác; (iii) Thời điểm phát sinh hiệu đối kháng với người thứ ba[17]. Trong đó:

Thời điểm hợp đồng có hiệu lực làm phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa các bên kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác[18].

Thời điểm chuyển quyền sở hữu, vật quyền khác được xác định theo quy định của BLDS hoặc luật khác có liên quan (Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật HNGĐ, Luật chứng khoán…);[19] trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp không có cả hai căn cứ trên thì tính từ thời điểm tài sản được chuyển giao cho bên có quyền.[20]

Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba được xác lập từ thời điểm đăng ký hoặc thời điểm bên có quyền nắm giữ, chiếm giữ tài sản. Liên quan đến vấn đề này, Bộ luật quy định: (i) Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch của người thứ ba không bị vô hiệu;[21] (2) Trường hợp biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền ưu tiên thanh toán theo quy định của BLDS hoặc luật khác có liên quan.[22]

4. Nguyên tắc ràng buộc bởi hợp đồng[23]

Kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết, kể cả trong thực hiện trách nhiệm dân sự (Ví dụ: trường hợp có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không có thỏa thuận vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm); hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Các bên phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự. Việc hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bị coi là vi phạm hợp đồng nếu không dựa trên căn cứ theo thỏa thuận hoặc luật định. Trường hợp hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.

5. Nguyên tắc thiện chí, trung thực[24]

Chủ thể phải xác lập, thực hiện chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực; không được lạm dụng quyền dân sự của mình thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Ví dụ:

– Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng;

– Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho chính mình;

– Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản mà một bên không thiện chí, hợp tác khắc phục hậu quả thì bên kia có thể yêu cầu Tòa án điều chỉnh hợp đồng;

– Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản cho bên bảo đảm trong một thời hạn hợp lý.

6. Lỗi[25]

(i) Lỗi của bên vi phạm nghĩa vụ (theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng) được xác định theo nguyên tắc suy đoán. Trường hợp bên vi phạm nghĩa vụ có hành vi gây hậu quả bất lợi cho bên có quyền thì bên vi phạm bị suy đoán là có lỗi, phải thực hiện trách không thiện chí, hợp tác khắc phục hậu quả thì bên kia có thể yêu cầu Tòa án điều chỉnh hợp nhiệm dân sự đối với bên có quyền.[26] Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ trong một số trường hợp trách nhiệm dân sự vẫn phát sinh dù không có lỗi[27] hoặc chỉ phát sinh khi có căn cứ bên vi phạm có lỗi.[28]

(ii) Trường hợp bên có quyền không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại xảy ra hoặc không hạn chế thiệt hại cho chính mình thì chủ thể này bị xác định là có lỗi và không được yêu cầu bồi thường đối với thiệt hại mà đáng nhẽ bản thân họ có thể ngăn chặn, hạn chế được.

Trường hợp có việc vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên có quyền thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

(iii) Bên vi phạm nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu việc vi phạm nghĩa vụ là do sự kiện bất khả kháng hoặc do bên có quyền hoàn toàn có lỗi.

(iv) Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của họ.

7. Tài sản[29]

(i) Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.[30]

(ii) Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền sử dụng đất, quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác.

(iii) Làm rõ hơn mối quan hệ giữa đất đai thuộc sở hữu toàn dân với quyền của người sử dụng đất trong quan hệ tư (Quyền sử dụng đất là quyền tài sản, quyền bề mặt…).[31]

(iv) Việc đăng ký tài sản phải được công khai.

8. Nguyên tắc giải quyết quan hệ tư bằng các giải pháp gần với công lý[32]

(i) Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

(ii) Tòa án chỉ được áp dụng quy định về thời hiệu khi có yêu cầu của chủ thể. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

(iii) Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

(iv) Đa dạng hóa nguồn luật và thứ tự ưu tiên áp dụng các nguồn luật:

– Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ tư trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự[33], nếu vi phạm hoặc luật chuyên ngành không có quy định thì quy định của BLDS được áp dụng;
– Trường hợp không có quy định của pháp luật và các bên không có thỏa thuận thì áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự, nếu không có cả tập quán, quy định tương tự thì Tòa án, thẩm phán có quyền lựa chọn một trong các công cụ pháp lý “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”, “án lệ” hoặc “lẽ công bằng” để giải quyết vụ việc dân sự.[34]

B. MỘT SỐ CHẾ ĐỊNH CƠ BẢN

I. Vật quyền[35]

Quan hệ giữa người với tài sản trong BLDS mới được thiết kế lại cả về cấu trúc và nội dung trên nền tảng lý thuyết vật quyền. Trong đó:

1. Bộ luật quy định tách biệt quan hệ thực tế giữa người với tài sản với quan hệ pháp lý giữa người với tài sản.[36]

2. Đối với quan hệ thực tế giữa người với tài sản, Bộ luật bổ sung chế định chiếm hữu độc lập với quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thay vì quy định chiếm hữu là kết quả của quyền sở hữu, một quyền năng của chủ sở hữu trong BLDS 2005.[37]

3. Đối với quan hệ pháp lý giữa người với tài sản, bên cạnh quyền sở hữu, Bộ luật bổ sung các quyền trực tiếp khác đối với tài sản của những người không phải là chủ sở hữu (Bộ luật gọi là “quyền khác đối với tài sản” ) như là cấu thành của hệ thống vật quyền mà trong đó, quyền sở hữu giữ vị trí trung tâm[38] (Xem sơ đồ).[39]

clip_image004

4. Bộ luật ghi nhận 3 quyền khác đối với tài sản (tạm gọi là các vật quyền khác) là quyền đối với bất động sản liền kề (địa dịch),[40] quyền hưởng dụng[41] và quyền bề mặt,[42] đồng thời quy định khá đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của vật quyền của 3 quyền này và mối quan hệ giữa chúng với quyền sở hữu. Trong đó:[43]

4.1. Chủ thể vật quyền khác trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác;[44]

4.2. Vật quyền khác được xác lập, thực hiện theo luật định; không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật vật quyền khác; chủ thể vật quyền khác có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.[45]

4.3. Vật quyền khác có thể được xác lập theo luật định, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc (đối với địa dịch còn có căn cứ xác lập theo địa thế tự nhiên). Vật quyền khác có hiệu lực đối với mọi thể nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.[46]

4.4. Vật quyền khác vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp luật có quy định khác; Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có vật quyền khác đối với tài sản đó.[47]

4.5. Chủ thể vật quyền khác được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi luật định nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác;[48]

4.6. Chủ thể vật quyền khác phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc luật quy định khác.[49]

5. Quyền sở hữu, vật quyền khác bị giới hạn trường hợp có tình thế cấp thiết, bảo vệ môi trường, trật tự, an toàn xã hội, ranh giới, mốc giới bất động sản… Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.[50]

6. Hình thức sở hữu được quy định dựa trên sự khác biệt trong cách thức thực hiện quyền năng của chủ sở hữu mà không dựa trên yếu tố chủ thể như trong BLDS 2005[51]. 3 hình thức sở hữu được ghi nhận trong BLDS là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.

II. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[52]

1. BLDS ghi nhận 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự[53] theo hai cách tiếp cận: (1)Bảo đảm nghĩa vụ theo luật định[54] và Bảo đảm nghĩa vụ theo thỏa thuận[55]; (2) Bảo đảm đối nhân[56] và Bảo đảm đối vật[57]. Bộ luật đã phát triển bảo lưu quyền sở hữu bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán tài sản thành một biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo thỏa thuận; phát triển cầm giữ tài sản trong thực hiện hợp đồng song vụ thành một biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo luật định.

2. Nghĩa vụ được bảo đảm có thể là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ, nghĩa vụ hiện có hoặc nghĩa vụ trong tương lai. Nghĩa vụ trong tương lai là nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên không cần thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ trong tương lai và thời hạn thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.

3. Người thứ ba[58]có thể thỏa thuận với bên có quyền (chủ nợ) hoặc thỏa thuận với cả chủ nợ và bên có nghĩa vụ (bên nợ) về việc người thứ ba cam kết thực hiện biện pháp bảo đảm có tính chất đối nhân (bảo lãnh)[59] hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm có tính chất đối vật – bằng tài sản (thường là thế chấp, cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho bên nợ. Việc bảo đảm nghĩa vụ dân sự bằng tài sản của người thứ ba có thể ở dạng thứcdùng tài sản của người thứ ba để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên nợ hoặc ở dạng thức bên bảo lãnh dùng tài sản của mình để bảo đảm chính nghĩa vụ bảo lãnh của mình.

4. Tài sản bảo đảm có thể là động sản và bất động sản, có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Bất động sản có thể là đối tượng của cầm cố nếu luật định.[60]Việc thế chấp quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền đất được xác định theo tiêu chí quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền thuộc một chủ sở hữu hay thuộc chủ sở hữu khác nhau.[61]

Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm; tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được; tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.[62]

5. Trong biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo thỏa thuận có sự phân tách giữa thời điểm hợp đồng bảo đảm có hiệu lực và thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng.[63]
6. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm[64] hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm theo luật định. Các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau, bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.[65]

7. Bên nhận bảo đảm chỉ được xử lý tài sản bảo đảm khi có căn cứ theo thỏa thuận hoặc theo luật định và phải tuân thủ quy trình về xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp bên đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản cho bên nhận bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, không được tự mình thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm trừ trường hợp luật có quy định khác.[66]

Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo thỏa thuận của bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm, nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán nghĩa vụ của bên bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm.

II. Hợp đồng[67]

1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (bên được đề nghị).[68]

2. Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết; trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác; bên vi phạm nghĩa vụ về thông tin trong giao kết hợp đồng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.[69]

3. Trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên thì sự im lặng của bên được đề nghị được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.[70] Trường hợp bên đề nghị giao kết không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý.[71]

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo thời điểm giao kết bằng lời nói. Trường hợp có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.[72]

5. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.Trường hợp bên soạn thảo (bên giữ vai trò chủ động diễn giải ý chí trong giao kết hợp đồng) đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.[73]

6. Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng, điều kiện giao dịch chung; trình tự, thể thức công khai thực hiện theo quy định của pháp luật.[74]

7. Trường hợp người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ thì lợi ích phát sinh từ hợp đồng thuộc về bên mà nếu hợp đồng không vì lợi ích của người thứ ba thì họ là người thụ hưởng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.[75]

8. Phạt vi phạm được áp dụng khi có thỏa thuận. Mức phạt do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật quy định khác. Trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.[76]

9. Trường hợp bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ thì bên có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Bên có quyền còn có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại; theo yêu cầu của bên có quyền, Tòa án có thể buộc bên có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho bên có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc. [77]

10. Trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận thì một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án: (i) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; (ii) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.[78]

11. Một bên có thể tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng nếu bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.[79]


CHÚ THÍCH:

[1] Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã 3 lần ban hành BLDS 1995, 2005 và 2015. BLDS 1995 và 2005 đã có những tiếp cận phổ quát chưa thực sự phù hợp dẫn tới chúng vẫn chưa là BLDS đúng nghĩa. Đa phần những nội dung trong bài viết này đề cập đến những cải cách trong xây dựng BLDS năm 2015 so với lần ban hành 1995, 2005. BLDS 2015 có 689 điều, được bố cục thành 5 phần, 27 chương, trong đó giữ nguyên 81 điều, kế thừa và sửa đổi 573 điều, bổ sung 70 điều, bãi bỏ 123 điều so với BLDS 2005,

[2] Để phục vụ cho việc sửa đổi BLDS, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng kết về lý luận, tổng kết thực tiễn thi hành BLDS năm 2005 tại 21 Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và 19 Bộ, ngành, tổ chức khác ở Trung ương, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức hàng trăm hội thảo với quy mô và thành phần tham dự đa dạng (các nhà khoa học, thẩm phán, công chứng viên, luật sư, đăng ký viên, doanh nghiệp, ngân hàng, hiệp hội xã hội – nghề nghiệp, người dân…); nhiều tổ chức, chuyên gia nước ngoài đến từ Nhật, Pháp, Đức… đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng chính sách, xây dựng và hoàn thiện dự thảo BLDS …

[3] Việt Nam có một hệ thống luật chuyên ngành ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác nhau.

[4] Các BLDS từng có ở Việt Nam hoặc chịu ảnh hưởng cả về mặt cấu trúc Institutiones của BLDS Pháp (Tập Dân luật Giản yếu Nam Kỳ 1883, Bộ Dân luật Bắc kỳ 1931, Bộ dân luật Trung Kỳ 1936, Bộ Dân luật của Việt Nam Cộng hòa 1972) hoặc ảnh hưởng bởi quan điểm pháp chế XHCN của Liên xô và các nước Đông Âu cũ và cấu trúc Pandekten của BLDS Đức (BLDS 1995 và 2005). Ngay trong BLDS 1995, 2005 mặc dù chịu ảnh hưởng bởi cấu trúc Pandekten, nhưng chúng lại được viết tương đối đơn giản theo cách cho ai cũng có thể hiểu được của Institutiones, vừa thiếu mức độ trừu tượng hóa, vừa không có sự liên kết giữa các phần, các chương, các điều luật.

[5] Một phần chịu ảnh hưởng của pháp luật Sô Viết, Đông Âu cũ, một phần do ảnh hưởng của gia đình rất sâu đậm đến từng cá nhân và xã hội nên Việt Nam đã có luật riêng về hôn nhân và gia đình ban hành vào các năm 1959, 1986, 2000 và 2014. BLDS 1995 và 2005 cũng không có Phần “Gia đình”

[6] Trong BLDS 1995, 2005 đều có phần này. BLDS của Bang Louisiana (Hoa Kỳ) theo cấu trúc BLDS Pháp có Phần xung đột pháp luật. Tôi cho rằng, xung đột pháp luật chỉ là trường hợp đặc biệt khi một hoặc cả hai bên chủ thể là người nước ngoài hoặc sự kiện pháp lý xảy ra ở nước ngoài, quy định một Phần cho vấn đề này là không phù hợp với việc bảo đảm tính trừu tượng, khái quát hóa, thống nhất của BLDS, nhất là về cơ bản đã được quy định ở Phần “Quy định chung”. Trường hợp cần thiết, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cần được quy định bằng một luật riêng về tư pháp quốc tế.

[7] Nếu không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tư (Đ.3 và Đ.4)

[8] Có thể thấy tính “mở” quy định tại các điều 4, 5, 6, 9, 13, 18, 37, 39, 75, 76, 131, 149, 160, 161, 246, 247, 258, 259, 268, 269, 297, 298, 405, 406, 418, 431, 442…

[9] Điều 2, 4, 10, 13, 14, 15, 74, 97, 98, 99, 106, 117, 160, 466, 468…

[10] Quy định về năng lực hành vi của cá nhân, giám hộ, hành vi pháp lý (giao dịch dân sự – BLDS), đại diện, thời hiệu, hợp đồng mua bán, hợp đồng vay tài sản, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thừa kế…

[11] Ví dụ điều 5, 7, 26, 29, 52, 53, 231, 603, 644, 645, 651, 654, …

[12] Điều 3.1, Đ. 97-100

[13] Bộ luật cũng đã loại bỏ các quy định tạo ra sự “đặc quyền” của Nhà nước trong quan hệ tư, được quy định khác phổ biến trong BLDS 2005, như: BLDS có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Nhà nước (Đ.1), nguyên tắc bình đẳng không có nội dung nhà nước bình đẳng với chủ thể khác khi quan hệ dân sự (Đ.5)…

[14] Điều 2, 3, 9, 10, 117, 138, 160, 163, 171, 186, 398, 418, 420, 624, 626, 631, 644…

[15] Điều 13, 360

[16] Trong quan hệ sở hữu, chủ sở hữu có thể thỏa thuận cho chủ thể khác xác lập quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt trên tài sản của mình (Đ.246, 258, 268); trong quan hệ hợp đồng, chủ thể có thể thỏa thuận về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm (Đ.504 – 512)…

[17] Tuy nhiên, BLDS mới vẫn chưa giải quyết tốt trong việc tách biệt giữa giao dịch làm xác lập vật quyền khác với thời điểm vật quyền khác xác lập hiệu lực công khai.

[18] Đ. 401, Đ.310.1, Điều 319.1

[19] Ví dụ: Luật đất đai quy định thời điểm chuyển quyền sử dụng đất tính từ thời điểm đăng ký

[20] Đ.161

[21] Đ.133

[22] Đ.297

[23] Đ. 401, 417, 423, 428, 436.2, 427.2 …

[24] Khoản 3 Đ.3, Đ. 10, 300, 362, 420, khoản 5 Đ. 585

[25] Đ.360, 364, 584, 585…

[26] Quy định này đồng nghĩa với việc bên bị vi phạm chỉ cần phải chứng minh thiệt hại là có thật và do hành vi trái pháp luật của bên vi phạm gây ra mà không cần phải chứng minh lỗi của bên vi phạm. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ như tại chú thích 19 và 20.

[27] Ví dụ: bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường (Đ. 602)

[28] Ví dụ: Quy định của Đ.605 về lỗi của người thi công trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại; Đ. 460 và 461 về lỗi của người tặng cho tài sản dẫn tới thiệt hại cho người được tặng cho

[29] Đ.105 – Đ.115

[30] Xem thêm Đ.108.

[31] BLDS mới không kết cấu “Chuyển quyền sử dụng đất” là Phần riêng trong BLDS vì xác định quyền sử dụng đất là tài sản, giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất là giao dịch dân sự. Những vấn đề đặc thù sẽ được quy định ở Luật đất đai. Ngoài ra, tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó; tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán (Đ.431).

[32] Đ. 4, 5, 6, 14, 15…

[33] Đ.3

[34] Việc áp dụng án lệ đang được triển khai trong thực tiễn tố tụng ở VN. TANDTC đã có cổng thông tin riêng về công khai bản án, quyết định của Tòa án và Cổng thông tin về án lệ.

[35] Phần thứ hai “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” (Đ. 158 – 273).

[36] Tuy nhiên, bên cạnh chế định chiếm hữu (quan hệ thực tế), BLDS mới vẫn quy định nội dung của quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu (quyền năng pháp lý) dẫn đến nguy cơ nhầm lẫn trong nhận thức và áp dụng pháp luật.

[37] Xem Đ.179-185. Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 của BLDS. Tuy nhiên, chiếm hữu lại phát sinh hiệu lực pháp lý như một quan hệ giữa người chiếm hữu và tài sản được pháp luật thừa nhận, điều chỉnh và có hiệu lực suy đoán quyền (được suy đoán là ngay tình, trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó).

[38] 3 quyền này như là kết quả tách một phần quyền sở hữu để tạo ra một quyền độc lập. Cụ thể:

– Quyền đối với bất động sản liền kề (Địa dịch): giới hạn một phần quyền sử dụng của chủ sở hữu đối với bất động sản của mình nhằm phục vụ cho việc khai thác một hoặc nhiều bất động sản khác thuộc sở hữu của người khác;

– Quyền hưởng dụng: tách quyền sử dụng (bao gồm quyền dùng và thu hoa lợi) ra khỏi quyền sở hữu;

– Quyền bề mặt: được xây dựng bằng việc “cắt lát” một bất động sản thành nhiều tầng không gian nhỏ và xác lập quyền sở hữu riêng biệt đối với phần bất động sản gắn với từng tầng không gian đó.

[39] Quy định về tài sản (khái niệm, cách thức phân loại tài sản) được chuyển sang quy định tại Phần thứ nhất “Quy định chung”. BLDS 2005 chỉ ghi nhận chủ sở hữu là người có quyền trực tiếp đối với tài sản.

[40] Đ.245-256. Quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền). Địa dịch còn tồn tại chừng nào các bất động sản liên quan còn tồn tại và nhu cầu hưởng quyền vẫn còn cho dù bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền đã được chuyển giao cho chủ thể khác. Quyền này được phát triển từ chế định “Sử dụng hạn chế bất động sản liền kề” trong BLDS 2005.

[41] Đ.257-266. Quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân. Pháp luật dân sự trước thời điểm BLDS mới được ban hành cũng đã ghi nhận một số trường hợp có quyền hưởng dụng: quyền sử dụng rừng thuộc sở hữu nhà nước; quyền lưu cư của một bên vợ, chồng trên nhà thuộc sở hữu của bên kia sau khi ly hôn; quyền của vợ, chồng của người để lại di sản đối với di sản của người chết để lại trong trường hợp Tòa án hạn chế phan chia di sản.

[42] Quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Chủ thể quyền bề mặt được sở hữu những tài sản được tạo lập trong thời hạn quyền bề mặt có hiệu lực. Trường hợp quyền bề mặt được chuyển giao một phần hoặc toàn bộ thì chủ thể nhận chuyển giao được kế thừa quyền bề mặt theo điều kiện và trong phạm vi tương ứng với phần quyền bề mặt được chuyển giao.

[43] Quyền sở hữu đương nhiên có các dấu hiệu pháp lý này, nhưng đầy đủ và mạnh hơn nhiều so với các vật quyền khác.

[44] Đ.159.1: Mặc dù quy định này dùng để định nghĩa quyền khác đối với tài sản mà không bao hàm quyền sở hữu nhưng về bản chất pháp lý thì tự thân quyền sở hữu đã mang đặc tính đó, thậm chí đầy đủ, mạnh hơn hơn bất kỳ quyền nào khác đối với tài sản.

[45] Đ.160.1, Đ.163.1

[46] Ví dụ, Luật Đất đai quy định những biến động về đất phải được đăng ký. Tuy nhiên cách quy định của BLDS vẫn chưa thực sự bảo đảm tính minh bạch, công khai của vật quyền khác. Quan điểm của Bộ Tư pháp Việt Nam: vật quyền khác được xác lập theo quy định của luật hoặc xác lập theo địa thế tự nhiên (nếu là địa dịch) thì không cần phải đăng ký vì bản thân quy định của luật (hoặc địa thế tự nhiên) đã bảo đảm được về công khai quyền, còn đối với vật quyền khác được xác lập theo thỏa thuận hoặc theo di chúc thì cần phải đăng ký để công khai việc xác lập quyền theo ý chí của chủ thể và thời điểm có hiệu lực đối kháng phát sinh kể từ thời điểm đăng ký quyền.

[47] Đ.160.1, Đ.166.2

[48] Đ.160.3

[49] Đ.162.2

[50] Đ.2.2, 9, 10, 163.2, 171-178.

[51] BLDS 2005 quy định 6 hình thức sở hữu: Sở hữu nhà nước; Sở hữu tập thể; Sở hữu tư nhân; Sở hữu chung; Sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chínhtrị – xãhội; Sở hữu của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

[52] Đ.292-250

[53] Cầm cố tài sản, Thế chấp tài sản, Đặt cọc, Ký cược, Ký quỹ, Bảo lưu quyền sở hữu, Bảo lãnh, Tín chấp và Cầm giữ tài sản.

[54] Cầm giữ – Biện pháp bảo đảm không phát sinh từ giao dịch mà từ hoàn cảnh đặc thù.

[55] Cầm cố, thế chấp, đặc cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh và tín chấp

[56] Bảo lãnh và tín chấp

[57] Cầm cố, thế chấp, đặc cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ

[58] Một hoặc nhiều cá nhân, pháp nhân

[59] Ngoài Bảo lãnh, Bộ luật còn quy định biện pháp tín chấp

[60] Tuy nhiên, Luật đất đai hiện hành chưa cho phép cầm cố quyền sử dụng đất.

[61] Điều 318, 325, 326.

[62] Tuy nhiên, trong trường hợp không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định khác thì một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ phải có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm.

[63] Đ.310, 319, 331.

[64] Biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có thỏa thuận hoặc luật định.

[65] Đ. 297, 308

[66] Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 30/06/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép tổ chức tín dụng thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm nếu việc thu giữ được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã được đăng ký và không thuộc đối tượng tranh chấp đang được giải quyết tại Tòa án. Nghị quyết này cũng cho phép cho phép Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm.

[67] Đ.385-569

[68] Đ.386

[69] Đ.387

[70] Đ.393.2

[71] Đ.394.1

[72] Đ.400.2

[73] Đ.398, 404.6,

[74] Đ.405-406

[75] Đ.416.2

[76] Đ. 418

[77] Đ. 419

[78] Đ.420

[79] Đ.423.

SOURCE: Kỷ yếu Hội thảo “LEGAL REFORMS IN ASEAN EMERGING ECONOMIES – A HISTORICAL PERSPECTIVE AND CHALLENGES FOR THE FUTURE” và Tuần giảng “Pháp luật dân sự Châu Á” tháng 10/2017 tại Đại học KoBe Nhật Bản.

1900.0191