TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ MÀ MỘT BÊN LÀ NHẠC SỸ HOÀI AN: TRÁI PHÁP LỆNH NHƯNG KHÔNG TRÁI LUẬT, CÓ VÔ HIỆU?

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ MÀ MỘT BÊN LÀ NHẠC SỸ HOÀI AN: TRÁI PHÁP LỆNH NHƯNG KHÔNG TRÁI LUẬT, CÓ VÔ HIỆU?

CIVILLAWINFOR Tổng hợp

1. Nội dung vụ việc (1)

TAND TP.HCM tuyên thỏa thuận giữa nhạc sĩ Hoài An và ông Lê Văn Năm vô hiệu, buộc nhạc sĩ Hoài An phải trả lại số tiền đã nhận để làm album cho con ông Năm.

Ngày 24-8, TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu chấm dứt hợp đồng của nguyên đơn, buộc nhạc sỹ Hoài An hoàn trả cho nguyên đơn số tiền 10.000 USD đã nhận, tương đương 227 triệu đồng.

Đây là vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Năm (54 tuổi, ngụ Bình Thạnh) và bị đơn là ông Võ Đại Hoài An (nhạc sĩ Hoài An).

Theo đơn khởi kiện, năm 2012 do muốn con trai mình là Lê Hoàng Dũng trở thành ca sĩ nên ông Năm gặp nhạc sĩ Hoài An.

Hai bên ký hợp đồng kinh tế với nội dung nhạc sĩ Hoài An sẽ thực hiện cho con trai ông một album gồm 9 bài hát gồm nhiều thể loại, phải đảm bảo chất lượng và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian thực hiện hợp đồng là hai năm kể từ ngày ký.

Phía ông Năm sẽ được sở hữu album và có trách nhiệm đảm bảo lịch thu âm, luyện tập, cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh.

Chi phí sáng tác là 1.000 USD/bài, hoà âm 100 – 150 USD/bài, phí quản lý, thực hiện 2.000 USD/tháng…

Ông Năm đã hai lần giao tiền, trong đó có một lần giao 10.000 USD. Tuy nhiên, theo ông Năm, sau khi nhận tiền, nhạc sĩ Hoài An đã không thực hiện nên ông khởi kiện đòi lại tiền.

Phía bị đơn cho rằng đã thực hiện đúng cam kết sáng tác 9 bài hát, tổ chức thu âm để ra album độc quyền cho Lê Hoàng Dũng, tư vấn chiến dịch phát hành và xây dựng thương hiệu, quảng bá, viết bài giới thiệu trên báo, cử người làm trợ lý, hướng dẫn, tư vấn xin giấy phép phát hành album.

Tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng Dũng lại không đảm bảo lịch trình thu âm, tự ý bỏ về Mỹ khiến việc thu âm kéo dài gây thiệt hại, lỗi thuộc nguyên đơn nên bị đơn không đồng ý hoàn lại chi phí đã nhận.

Theo tòa, hợp đồng hai bên ký là hợp đồng dịch vụ nhưng hình thức thỏa thuận thanh toán là USD là vi phạm quy định về quản lý ngoại hối do đó hợp đồng vô hiệu, buộc nhạc sĩ Hoài An phải trả lại số tiền đã nhận.

2. Trái pháp lệnh nhưng không trái luật, có vô hiệu?

2.1. NGUYỄN KIỀU BÍCH TUYỀN (2) Điều 1 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, có hiệu lực từ 1-1-2014, quy định trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác “không được thực hiện bằng ngoại hối”.

Như vậy, hợp đồng giữa ông Lê Văn Năm và ông Võ Đại Hoài An đã vi phạm quy định của pháp lệnh vừa nêu. Nhưng nếu như trước đây, điều 122 Bộ luật Dân sự 2005 (hết hiệu lực từ ngày 1-1-2017) quy định một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là có mục đích và nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của “pháp luật”, thì nay, điều 117 của Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) lại quy định một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là không vi phạm điều cấm của “luật”. So với quy định hiện hành, hợp đồng giữa các bên nêu trên chỉ vi phạm quy định trong “pháp lệnh” quản lý ngoại hối chứ không vi phạm quy định của “luật” nên việc tuyên hợp đồng vô hiệu xem chừng chưa thỏa đáng.

Thật ra, không riêng trường hợp vừa nêu, hiện có rất nhiều quy định cấm thực hiện một số giao dịch được thể hiện dưới hình thức văn bản dưới luật như pháp lệnh, nghị định, thông tư… Để giải quyết những vấn đề tương tự, nên chăng thay cụm từ “vi phạm điều cấm của luật” trong điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 thành “vi phạm điều cấm của pháp luật” như trong Bộ luật Dân sự 2005?

2.2. LS. KIỀU ANH VŨ (KAV Lawyers) (3)Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Kiên Bích Tuyền đã chỉ ra một điểm mới rất chính xác của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) so với Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005), đó là BLDS 2015 quy định một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là có nội dung, mục đích không vi phạm điều cấm của “luật”, trong khi BLDS 2005 quy định không vi phạm điều cấm của “pháp luật”. Từ đó, tác giả nhận định vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ (được thỏa thuận thanh toán bằng đô la Mỹ) giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Năm và bị đơn là ông Võ Đại Hoài An (nhạc sĩ Hoài An) như sau: “So với quy định hiện hành, hợp đồng giữa các bên nêu trên chỉ vi phạm quy định trong “pháp lệnh” quản lý ngoại hối chứ không vi phạm quy định của “luật” nên việc tuyên hợp đồng vô hiệu xem chừng chưa thỏa đáng”. Tuy vậy, trong vụ này, cần căn cứ vào thời điểm xác lập hợp đồng và việc thực hiện giao dịch.

Áp dụng bộ luật dân sự nào?

Theo thông tin đã được công bố, hợp đồng tranh chấp đã được giao kết và thực hiện từ năm 2012. Thời điểm đó BLDS 2005 đang có hiệu lực và BLDS 2015 chưa được ban hành. BLDS 2015 chỉ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 và theo điều 688 của bộ luật này về điều khoản chuyển tiếp thì được áp dụng BLDS 2015 đối với giao dịch dân sự xác lập trước đó trong trường hợp “giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của bộ luật này”. Cũng theo điều này của BLDS 2015, những giao dịch đang thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của bộ luật này; những giao dịch được thực hiện xong trước ngày bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của BLDS 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS 2005 để giải quyết.

Khoản 1 điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cũng nêu rõ: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.

Với các quy định như vậy, có lẽ, đối với hợp đồng tranh chấp nêu trên, việc áp dụng BLDS 2005 sẽ phù hợp hơn, và việc tòa án căn cứ BLDS 2005 cho rằng hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng đô la Mỹ là vi phạm pháp lệnh về quản lý ngoại hối, vi phạm điều cấm của pháp luật và tuyên hợp đồng vô hiệu là có cơ sở.

Điều cấm của “luật” hay “pháp luật”?

Cũng theo tác giả Nguyễn Kiên Bích Tuyền, “hiện có rất nhiều quy định cấm thực hiện một số giao dịch được thể hiện dưới hình thức văn bản dưới luật như pháp lệnh, nghị định, thông tư… Để giải quyết những vấn đề tương tự, nên chăng thay cụm từ “vi phạm điều cấm của luật” trong điều 117 BLDS 2015 thành “vi phạm điều cấm của pháp luật” như trong BLDS 2005?”.

Rõ ràng, quy định “điều cấm của pháp luật” có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với quy định “điều cấm của luật”. “Luật” là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, còn “pháp luật” là toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả luật và các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư…). Do đó, nếu quy định “điều cấm của pháp luật” như BLDS 2005 thì rủi ro giao dịch dân sự bị vô hiệu, hợp đồng bị tuyên vô hiệu sẽ rất cao và có thể dẫn đến sự tùy tiện. Chưa kể, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành luật lại quy định nhiều điều cấm hơn cả luật, thậm chí “đá” luật, vượt luật.

Hậu quả của giao dịch dân sự hay hợp đồng vô hiệu cũng ảnh hưởng rất lớn đến các bên. Giao dịch dân sự bị vô hiệu thì xem giao dịch đó chưa hề được xác lập và các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…

Với tinh thần tôn trọng thỏa thuận tự nguyện giữa các bên, hạn chế việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu quá nhiều, tùy tiện… BLDS 2015 đã sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là nội dung, mục đích không vi phạm điều cấm của “luật”. Đây là sửa đổi có tính tiến bộ nên được giữ nguyên và cần được áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

SOURCE:

1. BÁO TUỔI TRẺ ĐIỆN TỬ – https://tuoitre.vn/thua-kien-nhac-si-hoai-an-phai-tra-10000-usd-cho-ca-si-tre-1374634.htm

  1. THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN ĐIỆN TỬ – http://www.thesaigontimes.vn/164336/Trai-phap-lenh-nhung-khong-trai-luat.html

  2. THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN ĐIỆN TỬ – http://www.thesaigontimes.vn/164789/Vi-pham-dieu-cam-cua-luat-hay-phap-luat.html

1900.0191