MÔT SỐ BÂT CẬP TRONG THỦ TỤC CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

MÔT SỐ BÂT CẬP TRONG THỦ TỤC CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

NGUYỄN THỊ THÙY DUNG – Tòa kinh tế, TAND TP.HCM

Việc xem xét, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia khác là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại giữa Việt nam với các quốc gia khác là một trong những hoạt động tư pháp thể hiện thiện chí của Nhà nước Việt Nam trong xu thế hội nhập với thế giới.

Pháp luật của Việt Nam quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài được quy định tại chương XXXV của Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015 (BLTTDS 2015), có hiệu lực ngày 01/7/2016. Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn đề cập đến các nội dung: Quy định của pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; thực tế giải quyết các yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số đề xuất kiến nghị, đề xuất.

I. Quy định của pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

1.1 Các loại quyết định của Tòa án nước ngoài được xem xét, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

– Bản án, quyết định của Toà án nước ngoài

Theo điểm a và b khoản 1 Điều 423 BLTTDS 2015 thì các bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài gồm :“Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động” hay “quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài”.

– Quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài

Khoản 2 Điều 423 BLTTDS 2015, “Quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài cũng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam” như bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này”.

Lưu ý những bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài phải có hiệu lực pháp luật. Khoản 3 Điều 427 BLTTDS 2015 quy định “Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi quyết định của Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đó có hiệu lực pháp luật”.

1.2 Việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại khi xem xét yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài việc xem xét, công nhận và cho thi hành theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia đó là thành viên, BLTTDS 2015 còn có quy định  “bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại” (điểm b khoản 1 Điều 423 BLTTDS 2015)..

1.3 Chủ thể yêu cầu về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

– Đối với yêu cầu công nhận và cho thi hành

Theo khoản 1 Điều 425 BLTTDS 2015, “Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu”.

Với quy định trên, người yêu cầu “công nhận và cho thi hành tại Việt Nam” là “Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ”. Tuy nhiên, để người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ “có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành”, điều luật còn đặt ra điều kiện.:“vào thời điểm yêu cầu” thì “cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành”. Do đó, nếu thiếu điều kiện vừa nêu thì họ chưa được yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam”.

1.4 Nơi gửi đơn yêu cầu về công nhận và cho thi hành quyết định nước ngoài

Điều 432 BLTTDS 2015 quy định đơn yêu cầu được gứi “đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định cùng là thành viên”. Thực ra, trong số 18 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước khác, chỉ có 6 điều ước quốc tế có nội dung “quy định đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu kèm theo được chuyển qua Bộ Tư pháp”. Đối với “yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam”, Điều 447 BLTTDS 2015 có quy định tương tự với nội dung đơn yêu cầu được gửi “đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Cũng tương tự như vậy đối với “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài”, Điều 451 BLTTDS 2015 quy định đơn yêu cầu được gửi “đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Điều đó có nghĩa là việc phải qua trung gian Bộ tự pháp chỉ bắt buộc khi điều ước quốc tế có nội dung về chủ đề này và thực tế điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có nội dung theo hướng phải qua trung gian Bộ tư pháp là không nhiều.

Bên cạnh đó, BLTTDS 2015 còn quy định khả năng gửi đơn trực tiếp đến Toà án nếu không thuộc các trường hợp nêu trên. Cụ thể, đối với yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, Điều 432 BLTTDS 2015 quy định đơn yêu cầu được gứi đến “Tòa án Việt Nam có thẩm quyền quy định tại Bộ luật này để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó”. Đối với “yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam”, Điều 447 BLTTDS 2015 có quy định với nội dung đơn yêu cầu được gửi đến “Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án không công nhận bản án, quyết định dân sự đó”. Cũng tương tự như vậy đối với “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài”, Điều 451 BLTTDS 2015 quy định đơn yêu cầu được gửi đến “Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó”.

Như vậy, đối với trường hợp không có điều ước quốc tế buộc gửi đơn qua trung gian của Bộ Tư pháp, người có quyền yêu cầu được gửi đơn trực tiếp tới Toà án. Thực ra, “quy định cho phép đương sự gửi hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành đến thẳng Tòa án Việt Nam mà không phải gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam để chuyển cho Tòa án Việt Nam là quy định phù hợp với thông lệ quốc tế; giảm bớt được khâu trung gian, tiết kiệm được nguồn lực nhân sự và tài chính của Nhà nước cũng như của đương sự trong vấn đề này"

1.5 Không xét xử lại vụ việc đã được giải quyết theo quy định nước ngoài

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 438 BLTTDS 2015: “khi xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành, Hội đồng không được xét xử lại vụ án đã được Tòa án nước ngoài ra bản án, quyết định”.

Toà án không được “xét xử lại” nhưng điều đó không có nghĩa là Toà án không được “xem xét lại”. Bởi lẽ, Toà án không được công nhận và cho thi hành quyết định nước ngoài tại Việt Nam khi “việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (khoản 8 Điều 439 BLTTDS 2015) hay khi “việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (điểm b khoản 2 Điều 459 BLTTDS 2015). Do đó, khi xem xét áp dụng quy định vừa nêu, nhiều khi Toà án phải xem xét lại (không xét xử lại) vụ việc để biết được việc công nhận và cho thi hành có trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hay không.

1.6 Thời hiệu yêu cầu cho công nhận và thi hành

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 432 BLTTDS 2015 thì “trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định cùng là thành viên hoặc Tòa án Việt Nam có thẩm quyền quy định tại Bộ luật này để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó”.Trường hợp người làm đơn chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn (khoản 2 Điều 432 BLTTDS 2015).

Liên quan đến vấn đề này, khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi năm 2014) có quy định “trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”.

Quy định trên được hiểu thời hiệu 3 năm  là thời hạn để người được thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tiến hành các thủ tục yêu cầu nhằm trao cho bản án, quyết định của Toà án nước ngoài khả năng được thi hành tại Việt Nam, còn thời hiệu 5 năm vừa nêu được áp dụng sau khi bản án, quyết định của Toà án nước ngoài đã nhận được khả năng thi hành tại Việt Nam.

Điểm b khoản 1 Điều 433 BLTTDS 2015 còn có quy định đơn yêu cầu phải nêu “địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam”.

1.7 Đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo

Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phải đáp ứng một số nội dung nhất định về người được thi hành (điểm a khoản 1 Điều 433 BLTTDS 2015), về người phải thi hành (điểm b khoản 1 Điều 433 BLTTDS 2015) và yêu cầu của người được thi hành (điểm c khoản 1 Điều 433 BLTTDS 2015). Đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp (khoản 2 Điều 433 BLTTDS 2015).

1.8 Chuyển, thụ lý hồ sơ và xét đơn yêu cầu công nhận cho thi hành

Điều 435 BLTTDS 2015 quy định “trường hợp Bộ Tư pháp nhận được đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 434 của Bộ luật này thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền”.

Kế tiếp đó là thủ tục thụ lý hồ sơ của Toà án, Điều 436 BLTTDS 2015 quy định “trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến hoặc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu kèm theo do người có yêu cầu gửi đến, Tòa án căn cứ vào các điều 363, 364 và 365 của Bộ luật này để xem xét, thụ lý hồ sơ và thông báo cho người có đơn yêu cầu, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam, Viện kiểm sát cùng cấp và Bộ Tư pháp”. Quy định vừa nêu đề cập tới việc Toà án “xem xét, thụ lý hồ sơ” nên tuỳ vào hoàn cảnh mà Toà án căn cứ vào hai điều luật vừa được liệt kê để thụ lý hay từ chối thụ lý. Trong thời hạn 05 ngày nêu trên, Toà án phải “thông báo” cho một số đối tượng được nêu trong điều luật và không lệ thuộc vào việc các đối tượng này có nhận được thông báo trong thời hạn 5 ngày hay không.

Bên cạnh đó, BLTTDS 2015 còn quy định về việc chuẩn bị phiên họp xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành với thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý (Điều 437). Trong giai đoạn này, Toà án có thể ra quyết định tạm đình chỉ hay đình chỉ việc xét đơn yêu cầu trong một số trường hợp.

Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp đơn yêu cầu, BLTTDS 2015 còn quy định trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án cấp sơ thẩm có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định (khoản 6 Điều 438 BLTTDS 2015). Việc cho phép áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như nêu trên là thuyết phục để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án sau này.

1.9. Trình tự xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Toà án

việc xét đơn yêu cầu được tiến hành tại phiên họp do Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán thực hiện, trong đó một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Phiên họp được tiến hành với sự có mặt của người được thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ; nếu một trong những người này vắng mặt lần thứ nhất thì phải hoãn phiên họp. Khi xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành, Tòa án chỉ được kiểm tra, đối chiếu bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu với các quy định.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, đương sự, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo quyết định đó; trường hợp đương sự, người đại diện hợp pháp của họ không có mặt tại phiên họp xét đơn yêu cầu thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được quyết định đó. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 437 và khoản 5 Điều 438 của Bộ luật này. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 07 ngày, của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được quyết định (Điều 442 BLTTDS 2015).

Khi xem xét kháng cáo hay kháng nghị, Toà án nhân dân cấp cao có thể giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; Sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; Tạm đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị; Đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị; Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm; Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 437 của BLTTDS (khoản 3 Điều 443 BLTTDS 2015).

II- Các bất cập trong thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam

Trong thời gian 3 năm  (từ 2014 đến 2016),TANDTP.HCM  chỉ  thụ lý giải quyết 14 đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Trong đó, có 2 trường hợp bị Tòa án Việt Nam bác yêu cầu, 3 trường hợp Tòa án đình chỉ, 6 trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu, 2 trường hợp bị Tòa án đình chỉ và trả lại đơn vì Tòa án không có thẩm quyền giải quyết do người phải thi hành không cư trú tại Việt Nam; 1 trường hợp đang tạm đình chỉ vì người bị yêu cầu không có mặt tại Việt Nam.

Qua thực tế giải quyết vụ việc, người viết nhận thấy một số bất cập cần phải có các quy định hoặc hướng dẫn thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

2.1. Vấn đề người có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2004 (Điều 344) cũng như BLTTDS 2015 (Điều 425) chỉ quy định người được thi hành (hoặc đại diện hợp pháp của họ) có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà không quy định những chủ thể khác có quyền này. Như vậy, nếu như một chủ thể khác mà Tòa án Việt Nam cho rằng không phải là người được thi hành nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thì có khả năng Tòa án Việt Nam sẽ từ chối thụ lý vì lý do họ không có quyền. Cho đến nay, Tòa án tối cao cũng chưa có hướng dẫn thế nào là người được thi hành và trong thực tế đã có những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài Tòa án không thể xác định bên nào là người được thi hành, chẳng hạn như các bản án, quyết định về quan hệ hôn nhân mà trong đó Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn, không có giải quyết tranh chấp về tài sản.

Mặt khác, không phải bao giờ người muốn Tòa án Việt Nam công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài cũng là người được thi hành. Thực tế có thể có trường hợp chính người phải thi hành muốn yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài vì bản án này có lợi cho họ, bất lợi cho người được thi hành, chẳng hạn như trường hợp Tòa án nước ngoài bác hầu hết hoặc phần lớn yêu cầu của nguyên đơn (đồng thời là người được thi hành). Khi đó, người phải thi hành chấp nhận thi hành để bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không phải bị bên kia tiếp tục kiện ra Tòa án Việt Nam hoặc Tòa án một nước khác nhằm tìm kiếm một phán quyết có lợi hơn cho bên khởi kiện.

Đối chiếu với pháp luật quốc tế, chúng ta có thể thấy có sự khác biệt so với luật Việt Nam trong việc quy định về vấn đề này. Công ước La Haye ngày 01/02/1971 về công nhận và cho thi hành QĐTANN (tại Điều 13) chỉ quy định bên đương sự tìm kiếm sự công nhận hoặc yêu cầu sự thi hành (the party seeking recognition or applying for enforcement) sẽ cung cấp một số tài liệu cho cơ quan có thẩm quyền chứ không đề cập đến khái niệm “người được thi hành” như BLTTDS của Việt Nam. Tương tự, Công ước Brussels ngày 27/9/1968 về thẩm quyền và sự thi hành phán quyết dân sự và thương mại (tại Điều 26 và Điều 31) cũng chỉ quy định chung chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là bất kỳ bên nào có liên quan (any interested party) chứ không quy định chủ thể có quyền là “người được thi hành”.

2.2. Vấn đề thẩm quyền của Tòa án Việt Nam

Điều 344 BLTTDS 2004 cũng như Điều 425 BLTTDS 2015 đều quy định người được thi hành (hoặc đại diện hợp pháp của họ) có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu. Đồng thời Điều 35 BLTTDS 2004 cũng như Điều 39 BLTTDS 2015 đều quy định Tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài cư trú, làm việc (nếu là cá nhân) hoặc có trụ sở (nếu là tổ chức) hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Như vậy, nếu người phải thi hành không cư trú, làm việc (nếu là cá nhân) hoặc không có trụ sở (nếu là tổ chức) tại Việt Nam hoặc không có tài sản nào liên quan đến việc thi hành tại Việt Nam thì Tòa án Việt Nam sẽ từ chối giải quyết vì không có thẩm quyền.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, có những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà trong đó không thể xác định được ai là người phải thi hành và ai là người được thi hành. Ví dụ: Những bản án ly hôn của Tòa án nước ngoài chỉ tuyên cho các bên được ly hôn mà không có giải quyết tranh chấp về tài sản và con chung . Khi thụ lý những đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài như thế, các Tòa án Việt Nam thường lúng túng khi xác định ai là người phải thi hành để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án và thực tế đã có trường hợp Tòa án Việt Nam ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu với lý do người phải thi hành (là người chồng hoặc người vợ của người nộp đơn – thường là công dân Việt Nam) không có cư trú tại Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn. Điều này gây khó khăn, thiệt thòi cho công dân Việt Nam khi đã được Tòa án nước ngoài cho ly hôn nhưng vì bản án đó chưa được Tòa án Việt Nam công nhận nên họ vẫn phải khởi kiện ra Tòa án Việt Nam để có được bản án ly hôn nếu muốn kết hôn lần nữa (trong khi người chồng hoặc người vợ ở nước ngoài đã có thể kết hôn hợp pháp với người khác nhờ có bản án ly hôn của Tòa án nước ngoài).

Có thể thấy rõ sự bất hợp lý đó qua trường hợp cụ thể sau đây: Ngày 07/8/2009, Tòa án tối cao British Columbia Canada xử cho ông DTH được ly hôn với bà DTNH theo Bản án ly hôn số E080672, giữa hai người không có con chung và tài sản chung. Ngày 21/9/2009, bà DTNH nộp đơn đến Bộ Tư pháp yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án ly hôn của Tòa án nói trên. Sau khi thụ lý đơn, ngày 26/01/2010, áp dụng Điều 344 BLTTDS 2004, Tòa án nhân dân TPHCM đã ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu vì cho rằng Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền do ông DTH đang cư trú tại Canada, không có nơi cư trú tại Việt Nam. Cũng với lý do tương tự như vậy trong năm 2009, bà GNP (cư trú tại Việt Nam) đã bị Tòa án nhân dân TPHCM từ chối giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của một Tòa án Hoa Kỳ xử việc ly hôn giữa bà với ông TDD (cư trú tại Hoa Kỳ).

Hoặc Quyết định số 133/2010/QĐST-HN ngày 26 tháng 01 năm 2010, Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đình chỉ giải quyết vụ án với lý do“việc nộp đơn yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài chỉ được Toà án xem xét trong các trường hợp cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu. Do ông Hiếu cư trú tại Canada nên bà Hà chưa đủ điều kiện để yêu cầu Toà án giải quyết công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Toà án nước ngoài”.

2.3 .Vấn đề nguyên tắc có đi có lại

Như phần trên đã trình bày, nguyên tắc có đi có lại được Tòa án xem là điều kiện để ho áp dụng bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trong trường hợp người yêu cầu không thuộc các nước mà Việt Nma tham gia ký kết tương trợ tư pháp…Thực tế, nguyên tắc này đã tồn tại trong BLTTDS trước đây và đã có trường hợp đơn yêu cầu về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài chưa được xem xét ở Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc này. Do đó, khi thụ lý vụ việc, thẩm phán thường có văn bản hỏi cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp chưa rõ.

Chẳng hạn, liên quan đến đơn yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành bản án số 302/2008 (ngày lưu hồ sơ 17/06/2010) của Đặc khu hành chính Hồng Kông – Tòa sơ thẩm Tòa án tối cao, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã có Công văn số 1247 ngày 26/05/2011 gửi Bộ Ngoại giao để xác minh về việc Việt Nam và Đặc khu hành chính Hồng Kông có ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định Dân sự của nhau hay không hoặc có áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nhau hay không. Do thời hạn chuẩn bị giải quyết vụ việc đã hết nhưng chưa có kết quả trả lời của Bộ Ngoại giao nên Toà án đã phải quyết định “Tạm đình chỉ giải quyết việc dân sự” (Quyết định số 302/2011/QĐ-TĐC-DSST ngày 22/06/2011 của Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh).

2.4. Vấn đề thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận hoặc không công nhận quyết định, bản án nước ngoài

BLTTDS 2004 quy định có hai thủ tục giải quyết riêng biệt liên quan đến yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài: Một là thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và hai là thủ tục giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam. Trong khi đó, BLTTDS 2015 quy định có 3 thủ tục giải quyết riêng biệt liên quan đến yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, ngoài 2 thủ tục tương tự như BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 còn quy định bổ sung một thủ tục nữa là thủ tục giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (không kèm theo điều kiện không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam).

Theo quan điểm của người viết, việc phân biệt các thủ tục như trên của BLTTDS Việt Nam là rối rắm không cần thiết, thậm chí không hợp lý. Chẳng hạn, đối với yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam, làm sao để Tòa án đang giải quyết yêu cầu không công nhận có thể biết bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài này không có đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong khi thẩm quyền thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận có thể thuộc một Tòa án khác. Mặt khác, tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, có thể chưa có đơn yêu cầu thi hành tại Việt Nam nhưng không có gì bảo đảm sau đó bên kia không có đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đó.

Đối chiếu với pháp luật quốc tế, chúng ta có thể thấy các công ước quốc tế đã dẫn ở phần trên không có sự phân biệt các thủ tục như BLTTDS Việt Nam mà họ chỉ phân biệt các yêu cầu: Công nhận và cho thi hành; công nhận (không kèm theo yêu cầu cho thi hành) và không công nhận. Đồng thời, họ cũng không phân biệt chủ thể có quyền yêu cầu là người được thi hành hay người phải thi hành mà chỉ quy định chung là người có quyền, lợi ích liên quan.

2.5. Vấn đề không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài vì lý do việc công nhận và cho thi hành QĐTANN tại VN sẽ “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”

Tương tự như đối với phán quyết trọng tài nước ngoài, Khoản 6 Điều 356 BLTTDS 2004 cũng như Khoản 8 Điều 439 BLTTDS 2015 đều có quy định bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đó tại Việt Nam “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, thế nào là “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” thì hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi.

Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trong đó có giải thích cụm từ “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, việc giải thích này vẫn còn rất chung chung, chưa cụ thể, hơn nữa, văn bản này chỉ hướng dẫn việc áp dụng Luật Trọng tài thương mại 2010 để giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong nước, không hướng dẫn BLTTDS để giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.

Do khái niệm “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” chưa được hướng dẫn cụ thể, các Thẩm phán Việt Nam chưa có cách hiểu thống nhất nên trong thực tiễn giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam cũng như yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong nước, đã có sự áp dụng không thống nhất, thậm chí có trường hợp có dấu hiệu lạm dụng, gây bức xúc cho bên được thi hành.

Trong khi đó, các công ước quốc tế cũng như luật quốc gia của các nước khác không dùng cụm từ “nguyên tắc cơ bản của pháp luật” như luật Việt Nam thường dùng mà chỉ dùng cụm từ “chính sách công” hoặc “trật tự công” (nguyên văn tiếng Anh là “public policy”).

Nhiều chuyên gia cho rằng khái niệm “chính sách công” hoặc “trật tự công” cũng có nội hàm tương tự như khái niệm “nguyên tắc cơ bản của pháp luật” nên dù luật của Việt Nam có dùng thuật ngữ “trật tự công” như luật các nước thì cũng không làm cho vấn đề trở nên rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, theo quan điểm riêng của người viết, khái niệm “trật tự công” có nội hàm hẹp hơn nhiều so với khái niệm “nguyên tắc cơ bản của pháp luật”, nó gắn liền với lợi ích công cộng của xã hội chứ không phải chỉ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Do đó, nếu dùng thuật ngữ “trật tự công” khi quy định các căn cứ để không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thì chỉ khi nào về nội dung, bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài xâm phạm lợi ích công cộng hoặc lợi ích của Nhà nước Việt Nam, Tòa án Việt Nam mới không công nhận phán quyết đó, và như vậy, sẽ hạn chế rất nhiều sự lạm dụng căn cứ về nội dung phán quyết để không công nhận. bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

2.6. Vấn đề lệ phí giải quyết yêu cầu công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam

Trước đây Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và hiện nay là Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 chỉ có quy định về lệ phí giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam mà chưa có quy định về lệ phí giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, việc bổ sung quy định này là việc làm ngay.

2.7. Vấn đề xác định cơ quan có thẩm quyền nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

BLTTDS 2015 quy định người được thi hành, người phải thi hành, người có quyền lợi ích hợp pháp liên quan có quyền gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đến Bộ Tư pháp theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan. Quy định này sẽ gây bối rối cho người nước ngoài vì họ không biết được có hay không điều ước có liên quan để gửi đơn đến đúng nơi quy định là Bộ Tư pháp hoặc Tòa án cấp tỉnh nơi người phải thi hành cư trú, có trụ sở hoặc có tài sản liên quan đến việc thi hành.

III. Một số kiến nghị

Để khắc phục các thiếu sót nói trên, góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Tòa án Việt Nam, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm đến các giải pháp như sau:

3.1. Sửa đổi BLTTDS theo hướng quy định chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là người có quyền, lợi ích liên quan đến bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà không phân biệt là người được thi hành hay người phải thi hành.

3.2. Bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án trong BLTTDS theo hướng: Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi người phải thi hành cư trú, có trụ sở, có tài sản liên quan đến việc thi hành hoặc nơi người yêu cầu cư trú. Trường hợp cả người phải thi hành và người yêu cầu đều không cư trú tại Việt Nam, không có tài sản liên quan đến việc thi hành tại Việt Nam (như trường hợp bản án ly hôn mà cả hai bên đều đang cư trú ở nước ngoài đã dẫn ở trên) thì nên giao cho Tòa án của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM giải quyết (đương sự có thể lựa chọn một trong hai Tòa án).

3.3. Không nên phân biệt thủ tục giải quyết theo các yêu cầu: Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (không kèm theo điều kiện không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam) mà chỉ cần quy định một thủ tục chung cho cả yêu cầu công nhận và yêu cầu không công nhận (không phân biệt có hoặc không có yêu cầu thi hành).

3.4. Sửa đổi BLTTDS theo hướng thay cụm từ “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” bằng cụm từ “trái với trật tự công cộng”. Trường hợp BLTTDS chưa được sửa đổi theo hướng như trên thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần có Nghị quyết hướng dẫn giải thích cụ thể hơn thế nào là “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” để các Thẩm phán áp dụng luật cho thống nhất.

3.5. Sửa đổi BLTTDS theo hướng người yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nộp đơn trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền mà không phải nộp đơn qua Bộ Tư pháp như hiện nay, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. BLTTDS nên nói rõ những nước mà Việt Nam với nước đó đã có thỏa thuận nơi gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là Bộ Tư pháp.

3.6 Bổ sung quy định về lệ phí giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.

Trên đây chỉ là các ý kiến mang tính cá nhân của người viết, rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, góp ý của các đồng nghiệp và những người quan tâm.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TP.HCM

Trích dẫn từ: tand.hochiminhcity.gov.vn

1900.0191