Đánh giá bình luận việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền của trẻ em ở Việt Nam

Đánh giá bình luận việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền của trẻ em ở Việt Nam


Đánh giá bình luận việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền của trẻ em ở Việt Nam
Đánh giá bình luận việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền của trẻ em ở Việt Nam

MỞ ĐẦU

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là câu nói bao hàm đầy đủ ý nghĩa về Trẻ em. Đấy là tương lai của nhân loại, của thế giới, của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng và mỗi gia đình…Vì vậy nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ngày 10/2/1948 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua và tuyên bố Nghị Quyết số 217A về Quyền con người. Tại điều 25, Liên hợp quốc đã thông báo rằng: “Trẻ em có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt, tất cả trẻ em trong hay ngoài giá thú đều được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau”.

Nhiều thập kỷ qua, việc chăm sóc trẻ em ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã được quan tâm ở những mức độ khác nhau, song do các yếu tố chủ quan và khách quan như thiên tai, mất mùa, chiến tranh, hoặc do trình độ dân trí thấp… trẻ em vẫn còn phải gánh chịu những nỗi đau, những thiệt thòi, vẫn bị giết hại trong những cuộc chiến, thậm chí vẫn bị bắt buộc cầm súng ra trận, hoặc phải tự lao động quá sớm, bị mua bán, xâm hại… Chính vì vậy ngày 20/11/1989 Liên hợp quốc đã thông qua và phê chuẩn “Công ước về quyền trẻ em” bao gồm 54 điều khoản có hiệu lực từ ngày 20/11/1990.

NỘI DUNG

I.Những thành tựu đã đạt được trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền của trẻ em ở Việt Nam

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực kiên trì, cùng với những phát triển to lớn về kinh tế-văn hoá-xã hội, trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em trên con đường sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã có nhiều điều khoản quy định riêng về bảo vệ quyền của trẻ em như: Hiến pháp năm 1992; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (12/8/91); Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (12/8/91); Luật Bảo vệ môi trường (27/12/93); Luật Ngân sách nhà nước (20/3/96); Luật Giáo dục (2/12/98); Bộ luật Hình sự (21/12/99); Luật Hôn nhân và gia đình (9/6/2000) v.v… Để thực hiện việc bảo đảm và thúc đẩy quyền của trẻ em, Chính phủ đã thành lập một cơ quan cấp Bộ là Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, mặt khác Chính phủ còn rất quan tâm chú trọng ban hành nhiều chính sách về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, dinh dưỡng, chính sách giáo dục, phổ cập tiểu học, phúc lợi xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và chính sách chăm lo phát triển văn hoá tinh thần cho trẻ em, ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống và bị lạm dụng sức lao động; phòng ngừa trẻ em bị xâm hại nhân phẩm, danh dự, trẻ em bị xâm hại tình dục; phòng chống tệ nạn sử dụng ma túy trong trẻ em…

Để đảm bảo “Quyền được sống và được phát triển của trẻ”, Việt Nam đã cụ thể hóa luật pháp, chính sách thành hàng loạt chương trình, biện pháp liên quan tới bảo vệ quyền sống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em,… Các số liệu thực tế đã chứng minh hiệu quả của hoạt động này. Ở cấp toàn quốc và địa phương, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể, tỷ lệ trẻ từ 0 – 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí đạt kết quả cao, tỷ lệ trẻ  từ 3 – 5 tuổi được đến trường mầm non ở các địa phương khá cao (khoảng 95% – 98%); số trẻ em bị tai nạn,  thương tích giảm đáng kể; các điều kiện về nước sạch, vệ sinh môi trường… được cải thiện. Tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 5,8%  (năm 1990) xuống còn 3,28% (năm 2003); tỷ lệ không thiếu vitamin A đạt 100%; tỷ lệ  mắc sởi giảm 82,1% so với năm 1986; tỷ lệ chết sởi giảm 97,3% so 1986; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai chỉ còn 30%.

Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đề ra của chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 1991-2000, như tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo 3-5 tuổi đạt 37% so với mục tiêu 35-40%; tỷ lệ trẻ em 14 tuổi học hết tiểu học đạt 90% so với mục tiêu 90%; tỷ lệ bỏ học tiểu học còn 4% so với mục tiêu dưới 6%; tỷ lệ từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 94% so với mục tiêu 90%; tỷ lệ số trường học thực hiện giáo dục thể chất đạt 60% so với mục tiêu 50%.

Nhà nước có nhiều chính sách nâng cao đời sống văn hoá cho trẻ em. Đến năm 2000 đã có 50,8% tổng số huyện, quận có cơ sở văn hoá vui chơi cho trẻ em, vượt mục tiêu đề ra là 50%. Một số chỉ tiêu cơ bản về văn hoá vui chơi cho trẻ em đã tăng qua các năm: Nhà văn hoá thiếu nhi từ chỗ chỉ có 226 năm 1997 đã tăng lên 261 năm 2001; Số lượng chương trình phát thanh cho trẻ em tăng từ 365 chương trình năm 1997 lên 708 năm 2001; thời lượng phát sóng chương trình truyền hình cho trẻ em  từ 4.875 phút năm 1997 lên 7300 phút năm 2001.

Quyền của trẻ em được bảo vệ và được bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử đã được ghi nhận tương đối đầy đủ trong hệ thống pháp luật và được bảo đảm thực hiện trong thực tiễn. Chính sách bình đẳng và không phân biệt đối xử trong tiếp cận dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, các chương trình ở Trung ương và địa phương đã được triển khai và cải thiện. Trẻ em được bình đẳng tiếp cận các cơ hội trong giáo dục, y tế và mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, về cơ bản, đã được thực hiện rất tốt ở nhiều địa phương. Đặc biệt, từ sau khi Quốc hội thông qua hai luật mới là Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) và triển khai thực hiện hai luật đó một cách sâu rộng trên phạm vi toàn quốc, ý thức tôn trọng pháp luật trong việc nuôi dạy con cái để giảm thiểu mọi hành vi ngược đãi, phân biệt đối xử hoặc bạo hành đối với trẻ em đã có chuyển biến rõ rệt. Tình trạng kỳ thị giới đối với trẻ em gái đã giảm đáng kể. Tỷ lệ trẻ em gái và trai tại bậc giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt mức gần tương đương, việc tái hòa nhập mạnh mẽ của trẻ em khuyết tật vào hệ thống giáo dục phổ thông… là sự phản ánh bước tiến quan trọng về quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em không dựa trên bất cứ sự phân biệt đối xử nào.

Về Quyền được bảo vệ của trẻ”, Nhà nước và chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng (như trẻ em thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, trẻ khuyết tật, trẻ vô gia cư, trẻ sống chung với HIV/AIDS…). Nhiều mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng đã và đang được thực hiện thí điểm và nhân rộng. Bên cạnh đó, lợi ích tốt nhất cho trẻ em là một quy tắc đã được ghi nhận và bảo đảm bằng các nguyên tắc hiến định, luật định và thực tiễn tư pháp. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định nhiều điều khoản, theo đó lợi ích tốt nhất cho trẻ em phải luôn được bảo đảm trong hoạt động tố tụng hình sự và dân sự. Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, lợi ích tốt nhất của các em luôn được Nhà nước quan tâm, bảo đảm. Hiện nay, số trẻ mồ côi, không nơi nương tựa được Nhà nước chăm sóc chiếm 74,38% trong tổng số trẻ em mồ côi; khoảng 75,85% số trẻ tàn tật được chăm sóc dưới các hình thức khác nhau tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước và tại các mô hình dựa vào cộng đồng, khoảng 84,1% số trẻ em lang thang được quản lý và chăm sóc; trẻ em lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, bị lạm dụng, xâm hại, bị buôn bán đã được các cơ quan chức năng can thiệp và từng bước giải quyết kịp thời.

Về “ Quyền được tham gia và tôn trọng ý kiến của trẻ”, trẻ em được tham gia các tổ chức, đoàn thể phù hợp với nguyện vọng và tâm lý của các em. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 18 triệu trẻ em là thành viên của các tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong, Đội Tuyên truyền măng non, nơi các em có thể tham gia văn nghệ, tổ chức diễn đàn, tuyên truyền về quyền trẻ em, về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, gìn giữ môi trường và nhiều vấn đề xã hội khác… Các em đã có cơ hội nói lên tiếng nói của mình, đối thoại với lãnh đạo các cơ quan dân cử, như Quốc hội và hội đồng nhân dân, lãnh đạo của Nhà nước, Chính phủ về những vấn đề liên quan tới trẻ em. Trẻ em Việt Nam cũng tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Diễn đàn khu vực “Chúng em nói về HIV/AIDS” nhân dịp Hội nghị tư vấn khu vực Đông Á – Thái Bình Dương về trẻ em và HIV/AIDS được tổ chức tại Hà Nội…

Theo Báo cáo của Chính phủ, cho đến nay, cả nước có 44 câu lạc bộ “Phóng viên nhỏ” với 2.500 thành viên chính thức đang hoạt động ở 22/63 tỉnh, thành phố. Các câu lạc bộ quyền trẻ em như câu lạc bộ “Trẻ đường phố”, câu lạc bộ “Sống khỏe mạnh” được duy trì và mở rộng. Hơn 100 trường trung học cơ sở đã triển khai chương trình giáo dục sống khỏe mạnh và kỹ năng sống cho học sinh. Thông qua chương trình này, các em được nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, đặc biệt các kỹ năng về phòng ngừa HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản… Hàng loạt hoạt động khác cũng đã được tổ chức nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em, như tổ chức ngày trẻ em sáng tạo, trang web Trẻ em với báo chí…

Việt Nam đã và đang quan tâm một cách sâu sắc đến việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em và tích cực trong các hoạt động ngăn ngừa loại bỏ các nguy cơ xâm hại trẻ em.

II.Những điểm hạn chế trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền của trẻ em ở Việt Nam, nguyên nhân và một vài giải pháp khắc phục

Mặc dù đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, thực hiện quyền trẻ em, nhưng chúng ta vẫn còn những bất cập, hạn chế và thách thức nhất định liên quan đến việc hiện thực hóa đầy đủ và nâng cao không ngừng khả năng thụ hưởng các quyền con người của trẻ em. Một trong những tồn tại và thách thức lớn nhất là điều kiện kinh tế – xã hội đất nước còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ở nông thôn. Hệ thống dịch vụ y tế ở nhiều địa phương còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Hệ thống giáo dục và chất lượng giáo dục, đào tạo còn chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện và chưa thực sự tạo ra cơ hội tiếp cận bình đẳng trong thực hiện quyền được học tập của trẻ em. Tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt diễn biến phức tạp. Nhận thức của gia đình, xã hội, các cấp, các ngành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đôi lúc còn chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể nhận thức của nhiều người dân đối với việc thực hiện quyền của phụ nữ và trẻ em còn hạn chế, bản thân họ vẫn xem vấn đề bạo lực gia đình, vi phạm quyền con người là việc riêng của từng cá nhân, chuyện của từng gia đình và chưa dám công khai ra xã hội và cầu cứu sự giúp đỡ của các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em. Chính vì thế, tình trạng vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em vẫn còn tồn tại và có nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực và nhận thức của một bộ phận cán bộ trong việc hoạch định chính sách, pháp luật, thực thi pháp luật và làm công tác thực tiễn về vấn đề quyền trẻ em, cũng như nhận thức của một bộ phận nhân dân, xã hội và các bậc phụ huynh về pháp luật và quyền trẻ em còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em cả nước hiện vẫn ở mức gần 20%, cho thấy mức độ tái suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam còn cao. Tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em đa phần ở các hộ gia đình nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hay trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực tế này đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của các chủ thể nghĩa vụ trong việc bảo đảm và thực thi đầy đủ quyền cho trẻ em.

Để vượt qua những thách thức này và tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, thực hiện quyền trẻ em,  ở cấp độ quốc gia, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền trẻ em; tăng cường năng lực ban hành, thi hành và bảo vệ pháp luật của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; ban hành các chính sách hiệu quả và thiết thực hơn nữa nhằm hỗ trợ cho các hộ nghèo và trẻ em nghèo trong tiếp cận hệ thống giáo dục, dịch vụ y tế, tư pháp nhằm bảo vệ và hiện thực hóa đầy đủ các quyền của trẻ em. Cần có những biện pháp, chế tài và xử lý nghiêm minh mọi hành vi bạo hành với trẻ em, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em, cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc tôn trọng, bảo đảm và thực thi quyền trẻ em… Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa cơ chế giám sát hiện nay của Quốc hội, các ủy ban chuyên trách trực thuộc Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động thực hiện quyền trẻ em. Cần hoàn thiện cơ chế giám sát có sự tham gia của cộng đồng, xây dựng cơ chế giám sát có sự tham gia của trẻ em.

KẾT LUẬN

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990 và Công ước này đã được dịch, in ấn, phát hành rộng rãi bằng những cuốn sách nhỏ có thể bỏ túi. Nội dung Công ước được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần giác ngộ và giáo dục, bồi dưỡng một thái độ đúng đắn về việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên vẫn còn không ít trẻ em đang phải sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn mọi bề, chưa được ăn no mặc ấm, chưa được đi học, phải lao động quá sức mình, thậm chí có nơi có lúc còn xảy ra tình trạng bạo hành hay buôn bán trẻ em. Đó là những tệ nạn xã hội hoàn toàn trái ngược với bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Chừng nào trên trái đất còn trẻ em đói rét, còn trẻ em bị ngược đãi, bắn giết, chừng nào trẻ em còn chưa được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển đúng cách thì Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vẫn là tiếng chuông báo hiệu, nhắc nhở mọi người, nhắc nhở mọi quốc gia hãy hành động vì tương lai tốt đẹp của trẻ em.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em 1989
  • Hiến pháp năm 1992
  • Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 1991
  • Luật Phổ cập giáo dục tiểu học 1991
  • Luật Giáo dục 1998
  • Bộ luật Hình sự 1999
  • Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
  • Luật Hôn nhân và gia đình 2000
  • Nghị Quyết số 217A về Quyền con người của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua và tuyên bố ngày 10/2/1948
  • Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007
  • Luật Bình đẳng giới năm 2006

 

1900.0191