KHÁI NIỆM VỀ HỘI TRONG PHÁP LUẬT CỘNG HÒA PHÁP VÀ GÓP Ý HOÀN THIỆN KHÁI NIỆM VỀ HỘI CỦA VIỆT NAM

TS. NGUYỄN VĂN QUÂN – Học viện Khoa học xã hội

HIẾN PHÁP NĂM 2013:

“Điều 25 

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015:

“Điều 2. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

“Điều 74. Pháp nhân

2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

“Điều 76. Pháp nhân phi thương mại

1. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

“Điều 82. Thành lập, đăng ký pháp nhân

1. Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.

3. Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.”

“Điều 101. Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân

1. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.”.

CIVILLAWINFOR (Cập nhật, không có mục đích phản biện tác giả)

Việc tìm hiểu, nghiên cứu về tự do hiệp hội ở các quốc gia khác là nhằm góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật về tự do hiệp hội phù hợp với yêu cầu thực tế và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã cam kết. Pháp là một trong những quốc gia có luật về hội sớm nhất (1901) và có sinh hoạt hội đoàn sôi động, với hơn 1,3 triệu hội đang hoạt động, ngân sách hoạt động 70 tỉ euros. Bài viết giới thiệu về khái niệm hội theo pháp luật của Pháp, từ đó đưa ra một số đề xuất góp phần hoàn thiện pháp luật về hội của Việt Nam.

1. Khuôn khổ pháp lý của quyền về hội tại Pháp

1.1Tự do về hội trong luật của Pháp

Hiến pháp hiện hành của Pháp không có điều khoản về lập hội. Tuyên ngôn nhân quyền 1789 cũng không nhắc tới, nhưng quyền lập hội được xem như một nguyên tắc căn bản có giá trị hiến định thông qua các phán quyết của Tham chính viện (Conseil d’Etat) và Hội đồng bảo hiến (Conseil constitutionnel).

Từ ngày ban hành Luật về hội năm 1901, trải qua những thay đổi chính trị, chính quyền đã nhiều lần tìm cách hạn chế tự do lập hội bằng cách diễn dịch một số điều khoản theo chiều hướng họ muốn, hoặc tìm cách thay đổi Luật về hội năm 1901. Nhưng những ý đồ đó đã bị vô hiệu hóa bởi Tham chính viện và Hội đồng bảo hiến, đặc biệt qua án lệ nổi tiếng: “Phán quyết của Tham chính viện ngày 11/7/1956 về “Hội ái hữu của người An Nam ở Paris và ông Nguyen-Duc-Frang”[1]. Sự việc như sau:

Tháng 3 năm 1953, những người sáng lập Hội ái hữu của người An Nam ở Paris, quốc tịch Việt Nam, làm thủ tục thành lập một hội, khai báo như người Pháp, nghĩa là nộp tờ khai lập hội ở Tòa tỉnh trưởng, mà không xin phép trước như quy định về trường hợp hội người nước ngoài. Ngày 30/4/1953, Bộ trưởng Nội vụ viện dẫn Chương IV Luật về hội năm 1901 về hội của người nước ngoài, tuyên bố sự thành lập vô hiệu.

Vụ việc được đưa lên Tham chính viện, cơ quan tố tụng hành chính tối cao của Pháp. Trong bản án ngày 11/7/1956, Tham chính viện nhận định, Việt Nam thời đó thuộc Liên hiệp Pháp và người Việt Nam không thể bị xem như người nước ngoài mà là dân thuộc Liên hiệp Pháp. Theo Điều 81 Hiến pháp Đệ tứ Cộng hoà, thì “tất cả người dân Pháp và dân thuộc Liên hiệp Pháp đều có tư cách là công dân của Liên hiệp Pháp, được hưởng những quyền và tự do do Chương mở đầu của Hiến pháp này bảo đảm”. Do đó, “những nguyên tắc căn bản được những đạo luật của nền Cộng hoà thừa nhận”, được Chương mở đầu của Hiến pháp khẳng định lại và được áp dụng trong nước Pháp đối với những công dân của Liên hiệp Pháp. Và như vậy, Tham chính viện tuyên bố “tự do lập hội là một nguyên tắc căn bản của nền Cộng hòa”.

Đây là một án lệ rất quan trọng, bởi vì lần đầu tiên, Tham chính viện đã chính thức xác định tự do lập hội là một trong những nguyên tắc căn bản được xác định trong Chương mở đầu của Hiến pháp, bên cạnh những nguyên tắc căn bản khác, nghĩa là một nguyên tắc hiến định.

Luật ngày 09/10/1981 đã hủy bỏ các quy định bó buộc đối với các hiệp hội có yếu tố nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Pháp (do người nước ngoài thường trú tại Pháp hoặc người có quốc tịch nước ngoài lập và điều hành). Có nghĩa là người nước ngoài có quyền tự do về hội như người quốc tịch Pháp.

Các hiệp hội có trụ sở tại ba tỉnh thuộc Alsace-Moselle không chịu sự điều chỉnh của Luật về hội năm 1901, mà là Luật năm 1908 (Bộ luật Dân sự địa phương có nguồn từ luật Đức, từ Điều 21 đến 79, do trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, vùng lãnh thổ này từng thuộc về Đức). Luật này có một số điểm khác biệt so với Luật về hội năm 1901 được áp dụng trên phần còn lại của lãnh thổ Pháp: yêu cầu hội phải có bảy thành viên sáng lập thay vì hai; việc đăng ký lập hội được tiến hành tại tòa án địa phương để lưu vào “danh bạ các hội”; việc công bố việc đăng ký lập hội được tiến hành trên báo chí địa phương.

1.2. Định nghĩa về hội trong pháp luật của Pháp

Quyền lập hội ở Pháp dựa chủ yếu vào Luật về hội ngày 01/7/1901. Theo quy định của luật này, hội là “hợp đồng giao kết hai hoặc nhiều người cùng đóng góp, bằng kiến thức và sinh hoạt thường xuyên, vào việc thực hiện một mục đích không phải là mục đích để chia lời. Về mặt hiệu lực, hiệp hội được điều chỉnh bởi các nguyên tắc chung của pháp luật áp dụng cho hợp đồng và trái vụ” (Điều 1). Như vậy, có thể thấy, pháp luật về hội của Pháp nhấn mạnh vai trò của tự do thỏa thuận, đồng thời khẳng định vai trò của pháp luật về hợp đồng và nghĩa vụ.

Điều 2 Luật về hội năm 1901 quy định: Các hội được thành lập một cách tự do không cần giấy phép hoặc khai báo trước, nhưng chỉ có năng lực pháp lý khi được những người sáng lập công bố sự thành lập theo các quy định của Điều 5. Như vậy, theo quy định của Luật về hội năm 1901, ở Pháp tồn tại hai dạng hội: hội không khai báo và hội khai báo. Việc khai báo là điều kiện để hội có được tư cách pháp nhân.

Hội không khai báo: Các hội không khai báo được dự liệu bởi Luật về hội năm1901 được xem như thỏa ước đơn giản giữa các thành viên, và như thế, hội dạng này không có năng lực chủ thể độc lập. Nói khác đi, có thể thành lập hội mà không cần tiến hành một thể thức nào đối với chính quyền. Chỉ cần có ít nhất là hai người đứng ra sáng lập, cùng nhau soạn thảo một hợp đồng – điều lệ của hội, nêu ra mục đích và quy định những thể thức điều hành, thông báo cho những người quan tâm đến mục đích nhắm tới của hội rồi đưa ra đại hội sáng lập chuẩn y. Như vậy, một hội hiện hữu trong thực tế khi có điều lệ, tổ chức, nêu ra mục đích và quy định những thể thức điều hành.Tuy nhiên, hoạt động của một hội không công bố, dù hợp pháp, bị hạn chế vì thiếu tư cách pháp nhân. Nghĩa là các hội dạng này không thể tham gia tố tụng dân sự, ký kết hợp đồng, nhận các khoản tặng cho, tài trợ, cũng như sở hữu tài sản riêng. Tuy nhiên, hội không khai báo có thể thu lệ phí của thành viên và bảo vệ mình trước tòa án trong một số trường hợp.

Hội khai báo: Do những hạn chế liên quan đến tư cách pháp nhân đối với các hội không khai báo, đại đa số hội chọn thể thức khai báo (đăng ký) để có đầy đủ tư cách pháp lý. Người sáng lập chỉ việc nộp một tờ khai (déclaration) ở Tòa tỉnh trưởng, nơi có trụ sở của hội. Trong tờ khai, kê rõ tên, mục đích, trụ sở của hội cũng như tên, nghề nghiệp, quốc tịch và địa chỉ của những người có trách nhiệm quản lý hội. Tờ khai cũng ghi rõ cách thức chỉ định thành viên cũng như cách thức sửa đổi điều lệ của hội. Cùng với tờ khai phải đính kèm hai bản điều lệ. Trong thời hạn 5 ngày, Tỉnh trưởng sẽ cấp giấy biên nhận[2]. Sau khi có được biên nhận của Tỉnh trưởng, hiệp hội có thể công bố sự thành lập trên Công báo. Bắt đầu từ thời điểm này, hội có tư cách pháp nhân và hiện hữu đối với bên thứ ba.

Một khi hội đã hợp thức hoá thể thức khai báo, Tỉnh trưởng buộc phải cấp giấy biên nhận. Nếu từ chối vì bất cứ lý do gì đều có thể bị xem là một hành động vượt quyền hạn, bên khai báo có thể khởi kiện ra toà hành chính có thẩm quyền.

Hội có tư cách pháp nhân kể từ khi công bố việc đăng ký trên Công báo (chi phí khoảng 40 euros), việc công bố này phải được tiến hành sau khi khai báo tại Tòa tỉnh trưởng trong vòng 1 tháng kể từ ngày có giấy biên nhận do Tỉnh trưởng cấp.

Tỉnh trưởng có thể đề nghị tòa án thẩm quyền rộng (TGI) có thẩm quyền về mặt lãnh thổ đánh giá xem liệu mục đích hoạt động của hội tiến hành khai báo có phi pháp hay gây nguy hại cho trật tự công cộng hay không. Vì quyền lập hội là một nguyên tắc hiến định, nên phần lớn các quyết định từ chối việc đăng ký hội của cơ quan hành chính sẽ bị tòa án hành chính hủy bỏ.

2. Định nghĩa về hội trong pháp luật Việt Nam và một số đề xuất

2.1 Định nghĩa về hội

Ngay từ khi ban hành các văn bản về hội đầu tiên của nước ta, khái niệm “hội” đã được đề cập. Sắc lệnh số 52/SL ngày 22/4/1946 về thể thức xin lập hội của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Điều 1 có nêu: “Hội là một đoàn thể có tính cách vĩnh cửu gồm hai hoặc nhiều người giao ước hiệp lực mà hành động để đạt mục đích chung; mục đích ấy không phải để chia lợi tức”. Sắc luật 038-TT/SLU ngày 22/12/1972, sửa đổi Dụ số 10 ngày 6/8/1950 quy định thể lệ lập hội (ban hành dưới chế độ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại), Điều 1 đưa ra một định nghĩa về hội như sau: “Hội là giao ước của nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hoạt động liên tục để theo đuổi mục đích thuộc các lãnh vực tôn giáo, tế tự, từ thiện, văn hóa, giáo dục, xã hội, khoa học, mỹ thuật, giải trí, đồng nghiệp tương tế, ái hữu, thanh niên và thể dục, thể thao không có tính cách chính trị, thương mãi hoặc phân chia lợi tức. Hội do các nguyên tắc tổng quát của luật pháp chi phối, nhất là luật về khế ước và nghĩa vụ”[3]. Chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng rõ nét của Luật về hội năm 1901 của Pháp trong pháp luật về hội của Việt Nam thời kỳ này. Điều này có thể dễ dàng giải thích bởi ảnh hưởng về mặt học thuật và tư tưởng pháp lý của người Pháp đối với những người chấp bút nên các văn bản pháp lý đầu tiên về hội ở Việt Nam.

Hiện nay, hội theo định nghĩa pháp lý được quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ là“Tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”. Về cơ bản, đây là định nghĩa đã tồn tại trong Nghị định số 88 có trước đó.

Khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đưa ra một số đặc trưng của hội: “Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản và có thể có biểu tượng riêng”.

2.2. Một số bất cập và đề xuất

Theo chúng tôi, định nghĩa về hội trong Nghị định 45/2010/NĐ-CP tồn tại một số bất cập sau:

– Việc quy định hội là “tổ chức tự nguyện” chưa rõ ràng về phạm vi và dễ dẫn đến sự hiểu lầm về nội dung. Bởi lẽ, nếu chỉ là “tổ chức tự nguyện” thì về mặt thuật ngữ pháp lý, có thể có tổ chức một thành viên. Ví dụ, trong Luật Công ty, có khái niệm “công ty một thành viên”. Tuy khoản 4 Điều 5 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định cần có tối thiểu 10 thành viên để thành lập hội (cho hội có phạm vi hoạt động ở cấp xã) nhưng theo chúng tôi, quy định này không phù hợp với thực tế, và có thể là một cản trở đối với quyền tự do về hội của người dân. Để khắc phục, chúng tôi đề xuất quy định:  “Hội là tổ chức liên kết tự nguyện của công dân với sự tham gia chính thức của ít nhất hai cá nhân hoặc tổ chức”.

Việc quy định đối tượng áp dụng của hội chỉ là “công dân, tổ chức Việt Nam”, loại bỏ đối tượng “cá nhân người nước ngoài, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam” là không phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thực tế hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều các hội do người nước ngoài thành lập hoặc tham gia hoạt động. Hay quy định “tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, sở thích…” như trong Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đã ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài, hoặc doanh nghiệp liên doanh không thể được kết nạp vào các hiệp hội được thành lập theo pháp luật Việt Nam. Các đối tượng này chỉ có thể trở thành hội viên liên kết và hội viên danh dự của các tổ chức Việt Nam (Điều 17 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP) với các quyền hội viên bị hạn chế (không được tham gia biểu quyết, không được bầu cử, ứng cử vào ban lãnh đạo, ban kiểm tra hội…). Ví dụ, trường hợp các công ty liên doanh với nước ngoài trong ngành kho vận vẫn chưa thể là hội viên chính thức của Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam, cho dù trong lĩnh vực logistic, các công ty nước ngoài đảm nhận một vai trò rất lớn[4].

Trước đây, tại Pháp cũng từng tồn tại quy định bắt buộc các hiệp hội nước ngoài hoặc do người nước ngoài điều hành phải được thành lập với sự cho phép trước của chính quyền sở tại, nhưng Luật ngày 9/10/1981 đã xóa bỏ sự kiểm tra trước đối với các hiệp hội nước ngoài[5]. Và như vậy, một hiệp hội nước ngoài có thể có tư cách pháp lý khi nộp lên Tòa tỉnh trưởng điều lệ hợp thức với các quy định của Luật về hội năm 1901. Đồng thời, ngày 18/12/1998, Pháp đã phê chuẩn Công ước của Hội đồng châu Âu ngày 24/4/1986 về “công nhận tư cách pháp lý của các tổ chức phi chính phủ quốc tế”. Công ước này cho phép hội có trụ sở ở một quốc gia thành viên Công ước được thụ hưởng một cách tự động năng lực pháp lý giống như tại quốc gia nơi hội thành lập. Có nghĩa là, các hội của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu được hưởng quy chế pháp lý như các hội được thành lập theo pháp luật của Pháp mà không cần tiến hành thêm bất kỳ thủ tục nào.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hội đoàn của các công dân và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, cũng là để phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về tự do hiệp hội, chúng tôi đề xuất sử dụng thuật ngữ “cá nhân và tổ chức” thay cho cụm từ “cá nhân và tổ chức Việt Nam”.

– Tiêu chí của hội là “không vụ lợi” cũng có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. “Không vụ lợi” trong tiếng Việt được hiểu là không thu lợi, kiếm lợi cho chủ thể của hành vi. Thông thường, “không vụ lợi” hay được dùng với ý nghĩa tiêu cực để chỉ một cá nhân thu vén, kiếm lợi riêng tư cho chính bản thân mình. Đối với một tổ chức, “không vụ lợi” được hiểu là tổ chức này không đi tìm kiếm lợi ích riêng cho mình. Trong khi đó, trên thực tế, các tổ chức hội có tôn chỉ mục đích riêng của mình, có mối quan tâm về lợi ích đặc thù của tổ chức. Lợi ích ở đây không chỉ bao hàm các lợi ích về vật chất mà là các lợi ích về tinh thần. Ví dụ, hội trồng rừng tìm kiếm lợi ích của mình trong việc bảo vệ rừng. Đây là mối quan tâm và tìm kiếm lợi ích một cách chính đáng, cao đẹp, trong khi đó, vụ lợi là một khái niệm chỉ hành vi tư lợi và thường mang ý nghĩa tiêu cực.

Trong tiếng Việt, có thể lựa chọn thuật ngữ “phi lợi nhuận” hay “không vì mục đích lợi nhuận” như một tiêu chí của hội. Tuy nhiên, “phi lợi nhuận” còn có thể được hiểu là không có lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với ý là hội không thể có những hoạt động mang lại lợi nhuận. Trong khi đó, pháp luật ở nhiều quốc gia quy định rằng, việc thành lập hội không xuất phát từ mục đích lợi nhuận, nhưng hội vẫn có quyền tiến hành những hoạt động mang lại lợi nhuận. Lợi nhuận đó phải từ những hoạt động hợp pháp, không được chia cho các hội viên và phải dành vào việc chi tiêu cho các hoạt động của hội theo Điều lệ[6]. Do vậy, chúng tôi đề xuất sử dụng thuật ngữ không vì mục đích lợi nhuận”,hàm ý là vẫn có thể có thu nhập, có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận không phải là mục đích cơ bản, mà chỉ là phương tiện đạt được mục tiêu đã nêu trong Điều lệ hội.

– Một trong những tiêu chí khác của Hội theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP là “nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Tiêu chí này chưa đáp ứng được yêu cầu phân loại hội theo hai dạng tổ chức hội: “vì lợi ích hội viên” và “vì lợi ích công cộng” (hay “phục vụ công ích”). Việc phân loại hội thành hai dạng tổ chức theo mục đích hoạt động được nhiều quốc gia và hầu hết các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Trung tâm quốc tế về Luật phi lợi nhuận) thống nhất áp dụng. Việc phân định theo tiêu chí này sẽ xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện hỗ trợ về thuế, tài chính và các nguồn lực khác cho các hội hoạt động“vì lợi ích công cộng” hay “phục vụ công ích”. Vì vậy, chúng tôi đề xuất phương án sửa đổi thành: “nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên hoặc vì lợi ích công cộng”.

– Một vấn đề rất quan trọng, liên quan đến khái niệm hội là việc mở rộng phạm vi khái niệm hội, bao gồm cả hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân.

Hội theo khái niệm được quy định trong Nghị định số 45/2010/NĐ-CPphải “có tư cách pháp nhân”. Phải chăng, một nhóm gồm các cá nhân hoặc tổ chức tự nguyện chỉ có thể được pháp luật cho phép hoạt động khi “có tư cách pháp nhân”? Nói cách khác, công dân chỉ có thể thực hiện quyền lập hội, hội họp khi lập thành một nhóm, một tổ chức nhất định và phải được công nhận là có tư cách pháp nhân? Quy định này có thể làm cản trở quyền lập hội, hội họp của các cá nhân, khi chưa được công nhận hoặc không đủ điều kiện để được công nhận “có tư cách pháp nhân”.

Ở Việt Nam hiện nay, quyền lập hội vẫn được các công dân sử dụng mà không cần tới “tư cách pháp nhân”. Các hội đồng hương, hội cựu học sinh, hội khuyến học… là những tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện ca một số cá nhân. Những tổ chức này hoạt động bình thường mà không cần tới “tư cách pháp nhân”. Ví dụ, hội khuyến học của một thôn, là một tập hợp tự nguyện của các vị phụ huynh trong thôn, đóng góp hội phí làm giải thưởng cho những cháu học giỏi, giúp đỡ chi phí mua sách vở cho con cháu những gia đình nghèo khó… Các thành viên của hội khuyến học cũng không cảm thấy cần phải có tư cách pháp nhân của hội để thực hiện các giao dịch kinh tế, dân sự. Trong bối cảnh này, nếu lấy tiêu chí là hội phải có “tư cách pháp nhân” thì sự tồn tại và hoạt động của những hội kiểu như hội khuyến học có được coi là hợp pháp không?

Với những căn cứ nêu trên, theo chúng tôi, cần xem xét lại tiêu chí tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, không có nghĩa là phủ nhận tiêu chí “tư cách pháp nhân” của hội. Cần phải thấy rằng một hội có “tư cách pháp nhân” chính là điều kiện pháp lý quan trọng để hội có thể tham gia các quan hệ pháp lý về hành chính, dân sự, kinh tế… Đồng thời, với cơ quan nhà nước, tư cách pháp nhân của hội cũng là điều kiện pháp lý quan trọng trong việc quản lý nhà nước đối với hội. Chúng ta có thể tham khảo giải pháp này trong pháp luật của Pháp đã nêu ở mục 1. Theo đó, hoạt động của một hội không có tư cách pháp nhân hoàn toàn hợp pháp, nhưng bị hạn chế, nhưkhông thể tham gia tố tụng dân sự, ký kết hợp đồng, nhận các khoản tặng cho và tài trợ, cũng như sở hữu tài sản riêng. Tuy nhiên, hội không có tư cách pháp nhân có thể thu lệ phí của hội viên và bảo vệ mình trước tòa án trong một số trường hợp.

Kết luận

Việc mở rộng khái niệm hội, bao gồm cả hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân là việc làm cần thiết, đáp ứng được thực tiễn nước ta cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Với các lập luận liên quan đến thành viên của hội, mục đích hoạt động và quy chế pháp nhân của hội đã trình bày ở trên, chúng tôi đề xuất nên hoàn thiện khái niệm về hội như sau:

“Hội là tổ chức liên kết tự nguyện của nhân dân với sự tham gia chính thức của ít nhất hai cá nhân hoặc tổ chức, thường xuyên đóng góp kiến thức và sinh hoạt, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Hội gồm các hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân”./.

[1] CE, Ass., 11 juil. 1956, Amicale des Annamites de Paris et sieur Nguyen Duc-Frang.

[2] Điều 5 Luật về hội năm 1901 của Pháp.

[3] Sắc luật số 038-TT/SLU ngày 22/12/1972 sửa đổi một số điều khoản của Dụ số 10 ngày 6/8/1950 quy định thể lệ lập hội, Quy pháp vựng tập, Quyển XV, Sở Công báo ấn hành, 1972.

[4] Xem: Phạm Thị Hồng, Hoàn thiện pháp luật về hội ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, 2012, tr. 91.

[5] Loi n° 81-909 du 9 octobre 1981.

[6] Theo Luật về hội của Pháp, tuy hội lập ra không hướng tới “mục đích chia lời”, nhưng thực tế là không gì ngăn cản hội hành xử như một doanh nghiệp và tham gia trên thị trường để cung cấp các tài sản và dịch vụ để kiếm thù lao.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/khai-niem-ve-hoi-trong-phap-luat-cong-hoa-phap-va-gop-y-hoan-thien-khai-niem-ve-hoi-cua-viet-nam

1900.0191