Bị giữ bằng gốc thì làm gì để lấy lại

Câu hỏi của khách hàng: Bị giữ bằng gốc thì làm gì để lấy lại

Chào các anh chị trong hội ạ. Em muốn nhờ anh chị tư vấn giúp về trường hợp của em với ạ. Em là giáo viên Mầm non. Năm 2015 em có xin làm tại 1 trường Mầm non tư thục và trường nơi em công tác có thu bằng gốc của em. Qua thời gian thử việc thì trường kí hợp đồng chính thức nhưng lại không đóng bảo hiểm cho em. Khoảng 2-3 tháng sau khi ký hợp đồng thì em có bầu. Lúc đó trường vẫn không hề nhắc đến chuyện đóng bảo hiểm cho em. Do ốm nghén sức khỏe của em không tốt nên thi thoảng em lại phải nghỉ vì thế mà lãnh đạo luôn gây áp lực và ép em phải tự xin nghỉ trước khi sinh 2 tháng để thay người khác. Tính đến giờ đã được 3 năm nhưng nhà trường cũng chưa 1 lần nào gọi em quay lại làm việc hay trả lại bằng gốc cho em. Em muốn nhờ anh, chị tư vấn giúp xem giờ em nên làm thế nào để lấy lại bằng gốc. Bởi vì trường luôn gây nhiều khó khăn nên việc lấy bằng cũng rất khó. Có những cô giáo cũng phải bỏ cả bằng vì họ yêu cầu bồi thường hợp đồng rất cao ạ. Và nếu có thể thì em cũng muốn tìm 1 luật sư giúp em ạ. Em xin trân thành cảm ơn!


Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 17/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý người sử dụng lao động khi có hành vi giữ bằng gốc của người lao động

  • Bộ luật lao động năm 2012
  • Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định cử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP)

3./ Luật sư trả lời Bị giữ bằng gốc thì làm gì để lấy lại

Thực tế hiện nay có rất nhiều công ty vì giữ người lao động hoặc để bắt người lao động trả tiền bồi thường,… nên có hành vi giữ bằng tốt nghiệp bản chính của người lao động. Tuy nhiên, hành vi không trả lại bằng tốt nghiệp của người lao động khi có yêu cầu là hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ Điều 20 Bộ luật lao động:

Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1.Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2.Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Theo đó, việc người sử dụng lao động giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ của bạn là hành vi vi phạm pháp luật.

Bạn có quyền yêu cầu bên sử dụng lao động trả lại bằng gốc cho bạn. Hoặc tố cáo người có hành vi/ khiếu nại hành vi trên tới chủ thể có thẩm quyền theo quy định.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 96/2013/NĐ-CP:

Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động 

… 2.Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a)Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

3.Biện pháp khắc phục hậu quả:

a)Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này; …”

Mức phạt tiền trên được áp dụng với cá nhân vi phạm. Với tổ chức, mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Còn việc bồi thường, mức bồi thường được xác định theo thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp không thỏa thuận được thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết heo quy định.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, hành vi giữ bằng gốc của người sử dụng lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có thể trình bày hành vi trên với các chủ thể có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191