Bị tai nạn lao động đền bù không thỏa đáng làm sao để đòi lại quyền lợi

Câu hỏi của khách hàng: Bị tai nạn lao động đền bù không thỏa đáng làm sao để đòi lại quyền lợi

Em có việc xin nhờ tới các luật sư
Anh trai em làm công nhân của một công ty ở khu công nghiệp nam tân uyên không may bị tai nạn và mất đi một cánh tay, công ty cũng chi trả tiền viện phí và nói bảo hiểm chỉ trả 20 triệu cho tiền thuốc, đã chuyển khoản. Vậy là xong em thấy rất buồn và thấy bất công mong anh em giúp em đòi lại quyền lợi cho anh em với . Em xin chân thành cảm ơn


Luật sư Tư vấn Bộ luật Lao động – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 26/09/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động

  • Bộ luật lao động năm 2012
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
  • Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015

3./ Luật sư trả lời Bị tai nạn lao động đền bù không thỏa đáng làm sao để đòi lại quyền lợi

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Vì tai nạn lao động ảnh hưởng tới cả người lao động lẫn người sử dụng lao động, pháp luật lao động cũng có những quy định cụ thể về việc bồi thường cho người lao động sau khi gặp phải tai nạn lao động.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 145 Bộ luật lao động thì người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định và theo Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Lao động thì:

2.Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.”

Mà theo quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động thì mức hưởng trợ cấp, hỗ trợ đối với người bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động, mức đóng và thời gian đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong trường hợp người lao động đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng chế độ tai nạn lao động thì người lao động sẽ được hưởng chế độ như được trả phí khám giám định thương tật, được trợ cấp và được hỗ trợ,… theo quy định.

Ngoài ra, bên cạnh việc Quỹ bảo hiểm phải chi trả các khoản trên thì người sử dụng lao động cũng có các trách nhiệm được quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động, trong đó bao gồm:

“2.Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a)Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b)Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c)Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3.Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trongthời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4.Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trongthời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.”

Căn cứ vào thực tế của người lao động bị tai nạn lao động mà Quỹ bảo hiểm cũng như người sử dụng lao động sẽ có những chế độ khác nhau, nhưng có thể thấy ngoài khoản viện phí, chi phí thuốc do bảo hiểm chi trả thì người lao động còn phải được nhận số tiền lương tháng bị tai nạn lao động và số tiền được trợ cấp theo mức độ nhất định.

Dựa vào những quy định trên bạn có thể tính mức tiền mà người sử dụng lao động phải đưa cho người lao động  bị tai nạn lao động. Và trong trường hợp người sử dụng lao động không làm đúng theo quy định thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người này có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

 Về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Điều 200 và Khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động:

“Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

1.Hoà giải viên lao động.

2.Toà án nhân dân.”

“Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

1.Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

d)Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế…..”

Theo quy định trên tranh chấp của anh trai bạn và công ty không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải nên anh trai bạn có thể nộp đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở chính theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự:

“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây: …

c)Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.”

Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về tranh chấp lao động về “bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”

Như vậy, trong tình huống trên thì việc bồi thường sau tai nạn lao động của công ty tới anh trai bạn là không thỏa bồi thường sau đáng (do còn thiếu một số khoản đã nêu trên). Vì vậy, để đòi quyền lợi, anh trai bạn và gia đình có quyền làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty của anh bạn đặt trụ sở theo quy định của pháp luật để yêu cầu giải quyết.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191