Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy


Luật sư Tư vấn Luật Phòng cháy và chữa cháy – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 31 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy

  • Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013)
  • Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy.
  • Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC hướng dẫn chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
  • Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
  • Nghị định số 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

3./ Luật sư tư vấn

Chữa cháy, theo quy định của pháp luật, được định nghĩa là một tập hợp các công việc như: các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy”. Do hậu quả không thể lường trước được của những vụ cháy, công việc chữa cháy mặc dù rất cần thiết nhưng cũng rất nguy hiểm, để khuyến khích hoạt động này, pháp luật không chỉ quy định điều này như một nghĩa vụ mà còn có những chế độ, chính sách ưu đãi đối với người tham gia chữa cháy, như:

Điều 10 Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định:

Người tham gia chữa cháy được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất; trường hợp bị chết, bị thương, bị tổn hại sức khỏe, bị tổn thất về tài sản thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 31, 32, 33, 34, 35 và Điều 36 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy thì các chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy gồm:

1.Đối với người tham gia cứu nạn, cứu hộ; cán bộ, đội viên đội dân phòng; đội PCCC cơ sở và chuyên ngành tham gia cứu nạn, cứu hộ:

Người được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ, cán bộ, đội viên Đội dân phòng, Đội Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) cơ sở và chuyên ngành khi tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ thì được hưởng các chế độ, chính sách như khi tham gia quy định tại Điều 35 Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Cụ thể:

+Nếu thời gian chữa cháy dưới 02 giờ: Được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,5 ngày lương cơ sở;

+Nếu thời gian chữa cháy từ 02 giờ đến dưới 04 giờ: Được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,75 ngày lương cơ sở.

+Nếu thời gian chữa cháy từ 04 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 01 ngày lương cơ sở. Nếu tham gia chữa cháy vào ban đêm từ 22 giờ – 6 giờ sáng thì được tính gấp 2 lần.

+Trường hợp bị thương thì sẽ được hưởng chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị thương theo quy định tại Chương II Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC khi đủ điều kiện, như: Được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh; Bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động; Được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; Bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí; Nếu bị thương thuộc trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét hưởng chính sách thương binh hoặc như thương binh; Nếu bị chết thuộc trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét công nhận là liệt sỹ.

+Bên cạnh đó thì Đội trưởng, Đội phó đội PCCC cơ sở không chuyên trách ngoài việc được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) còn được hưởng hỗ trợ thường xuyên do cơ quan, tổ chức quản lý chi trả với mức hỗ trợ cho từng chức danh nhưng không thấp hơn hệ số 0,3 lương cơ sở. Còn các án bộ, đội viên đội dân phòng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, mỗi ngày được hưởng trợ cấp một khoản tiền bằng 1,5 ngày lương cơ sở; Cán bộ, đội viên đội PCCC cơ sở và chuyên ngành trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) và mỗi ngày được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng bằng 0,5 ngày lương.

2.Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân Công an thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ:

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân Công an thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ ngoài việc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân còn được hưởng:

-Chế độ định lượng ăn cao, bồi dưỡng khi tập luyện, khi cứu nạn, cứu hộ;

-Chế độ, chính sách như đối với người làm các ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định pháp luật.

3.Đối với người làm nhiệm vụ trực cứu nạn, cứu hộ:

Người trực cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ trực ban đêm (bắt đầu từ 22 giờ) theo mức hưởng quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 30/2017/NĐ-CP. Cụ thể:

Mức 1:Trực có thời gian từ 04 giờ/01 ngày trở lên được hưởng mức tiền ăn thêm/01 ngày bằng 4% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành;

Mức 2:Trực có thời gian từ 02 giờ đến dưới 04 giờ được hưởng mức tiền ăn thêm bằng 2% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành.

4.Đối với người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ

+Người không hưởng lương từ Ngân sách nhà nước (NSNN) trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo mức hưởng quy định tại điểm a và b Khoản 1 Điều 19 Nghị định 30/2017/NĐ-CP. Cụ thể:

-Được trợ cấp ngày công lao động từng ngành nghề theo mức do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quy định:

-Đối với lao động phổ thông, mức trợ cấp ngày công thấp nhất bằng 0,1 lần mức lương cơ sở;

-Đối với lao động có liên quan trực tiếp đến chất phóng xạ, tác nhân sinh học, hóa chất độc hại mức trợ cấp thấp nhất bằng 0,1 lần mức lương cơ sở;

-Nếu làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau được tính gấp đôi;

-Làm nhiệm vụ trong điều kiện có yếu tố độc hại, nguy hiểm thì được bồi dưỡng tại chỗ theo quy định pháp luật;

-Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được cấp huy động bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do UBND cấp tỉnh quy định;

+Người được hưởng lương từ NSNN, trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, được thanh toán phụ cấp đi đường và tiền tàu xe, khi làm việc trong môi trường độc hại và nơi có phụ cấp khu vực, được hưởng theo chế độ hiện hành.

 +Cán bộ, chiến sĩ CAND được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ như đối với người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ không hưởng lương từ NSNN.

5.Đối với những người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị ốm đau, tai nạn và chết:

Chế độ, chính sách đối với người bị ốm đau, tai nạn thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định 30/2017/NĐ-CP. Cụ thể:

+Đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc mà ốm đau, bị tai nạn, bị thương hoặc chết thì được giải quyết chế độ theo quy định về BHXH; an toàn vệ sinh lao động và pháp luật về Bảo hiểm y tế (BHYT);

+Đối với người không tham gia BHXH bắt buộc:

+Bị ốm đau: Trong khi làm nhiệm vụ nếu chưa tham gia đóng BHYT thì được thanh toán tiền khám chữa bệnh như tiêu chuẩn của người tham gia đóng BHYT;

+Bị tai nạn:

-Được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện;

-Sau khi điều trị được cơ quan chức năng giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

-Trường hợp người chưa tham gia đóng BHXH bị suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

-Người bị tai nạn bị mất một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho việc lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với người tàn tật;

-Trường hợp bị chết, kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu, nếu người bị chết chưa tham gia đóng BHXH, thì người trực tiếp mai táng được nhận tiền mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

6.Đối với người bị thương, hy sinh

Người tham gia cứu nạn, cứu hộ khi làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, nếu bị thương, hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi tham gia chữa cháy, người tham gia chữa cháy có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được hưởng các chế độ, chính sách như đã nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191