Chồng cũ bỏ bê không cấp dưỡng giờ có đòi được quyền nuôi con không?

Câu hỏi của khách hàng: Chồng cũ bỏ bê không cấp dưỡng giờ có đòi được quyền nuôi con không?

em xin chào mọi người ạ !
Chuyện của em là lúc mới mang bầu phía gia đình chồng và chồng em có nói là cái bầu này chắc gì là con của chồng em . lúc ấy em bầu con gái và có vào nói như vậy với ba mẹ ruột em.
Từ lúc mang bầu em bị chồng cũ có đánh đập mấy lần . và có 1 lần bị chồng và gia đình chồng khóa cửa phòng nhốt lại không cho em đi về nhà mẹ đẻ vì chồng em ăn chơi nợ nần em phải điện thoại nói gia đình em để gia đình em ra đón được về nhà .( lúc ấy em gần sinh ) từ lúc bầu bì chồng em có nợ nần và lừa em tiền về nhiều lý do và có cầm xe bỏ nhà đi mấy hôm em đi tìm về . ( từ lúc bầu bì chồng em chưa lo được gì cho mẹ con em mà còn lừa em lấy tiền ăn xài chơi bời ** chồng cũ em có đập đá và hút cỏ Mỹ **)
Lúc em sinh chồng em cũng không đưa cho em được 1 đồng nào để trang trải mà còn ở bệnh viện đòi hỏi và lấy thêm tiền của em . lúc ở bệnh viện cũng chỉ gia đình em chăm mẹ con em còn gia đình chồng em chưa có ở lại chăm chỉ lên thăm rồi về . chồng cũ em có ở lại đúng 1 đêm . Và từ lúc em sinh đến khi bé của em tròn 1 tháng thì gia đình chồng cũ em có đem vô 5 triệu bảo với gia đình em là số tiền này lo đầy tháng cho bé . từ lúc đó trở đi là không có 1 lần nào nữa . Lúc em ở cữ thì chồng cũ em nợ nần mượn tiền người ta và em bị họ điện thoại đòi nợ . em đã rất sốc và gần như stress rất nặng vì từ lúc bầu bì đến lúc sinh chồng cũ em chưa hề làm tròn trách nhiệm đã có lúc em nghĩ quẩn và định nhảy cầu tự tử . Em đã ở với ba mẹ đẻ từ lúc sinh bé tới bây giờ . và chỉ ở với gia đình chồng sau khi sinh bé tính chưa được 3 tháng vì em hay về mẹ đẻ khi chồng cũ hay đi chơi vì bạn bè mà không chú ý đến vợ con. con đau ốm mà vẫn bỏ đi cùng bạn bè em điện thoại thì không về. Và từ đó đến nay em ở suốt với ba mẹ đẻ đến hiện tại bé em gần 20 tháng tuổi . ( chồng cũ chưa cho bé em được 1 lon sữa để uống vì em mất sữa sớm tới nay )
khi bé được 1 tuổi vì chồng em không thay đổi tính nết nên em có đưa đơn ly hôn lên tòa án nhưng vì em bận công việc và phía chồng cũ em có vay tiền ngân hàng nhưng em không liên quan đến hồ sơ vay đó mà chồng cũ em cứ đòi quy vô nợ chung nên kéo dài đơn quá lâu . Lại phải hay lên xuống nên em không thể sắp xếp thời gian được và em rút đơn .Lúc em đưa đơn ở tòa án thì chồng cũ em có thuê người đón em để đánh rạch mặt em khi em bước ra khỏi tòa nhưng may mắn em không bị làm sao và có gặp được người mà chồng em thuê đánh em để nói chuyện .Thời gian ngắn sau chồng cũ em tự đưa đơn và sau thời gian vì quá mệt mỏi nên em có đồng ý hỗ trợ cho chồng cũ em là 27 triệu tiền ngân hàng và chỉ có giấy viết tay chứ không quy vào nợ chung hay gì cả . Tháng 9 vừa rồi em mới nhận được quyết định ly hôn . chồng cũ không chu cấp hay gì cho con em cả . và từ lúc con em được 1 tuổi đến này chồng cũ chưa bao giờ điện thoại hay vào thăm con em 1 lần nào . Chỉ có ông bà vô thăm được 2 lần .
Và mới đây có vô thăm đòi bồng bé em đi về ngoài nhà ông bà chơi thì em có không đồng ý vì lúc ấy trời đang chuyển gió bé em lại dễ đau . Lúc ấy phía bà nội bé có thái độ và kiểu hành động muốn đành dựt bồng đi dù em đã nói nhẹ nhàng là hôm nay em không đồng ý cho đi thì lúc quay về bà nói vọng lại là coi chừng bà . Bà không để yên cho đâu .
Và mới đây em có nhận được đơn dành quyền nuôi con em từ tòa án do chồng cũ em đưa đơn yêu cầu .
Cho em nói thêm là phía gia đình chồng cũ em : Ba má chồng em giữ trẻ nhưng vì có đánh đập và có hành động không tốt đến trẻ nên có 1 lần bị đưa lên mạng và có bị phường xuống làm việc nhưng hiện tại vẫn lén giữ tiếp .
Chị chồng em làm giáo viên nhưng ăn chơi bài bạc nợ nần và đã bị gia đình chồng trả về và cũng đã ly hôn . nợ nần và lừa nhiều người nên có bị đưa lên mạng xã hội mấy lần .
Còn chồng cũ em thì có chơi đập đá , hút cỏ , banh bóng dẫn đến nợ nần khi còn là vợ chồng sau khi em về ở với gia đình mẹ đẻ thì có cầm cố xe thêm mấy lần .
Còn em hiện tại đang có 1 mối quan hệ với người đã từng tán em lúc em chưa có chồng . lúc biết em xảy ra biến cố anh ấy đã giúp đỡ và chăm sóc em và bé khi thì em đau và khi bé bệnh nhập viện cũng anh ấy lên chăm sóc 24/24 . anh đã xin với ba mẹ em để được chăm sóc em và bé và xin được nhận bé làm con để bé có thể gọi anh là ba .
Sau tất cả những nỗi buồn và vấp ngã chính anh lại là người giúp mẹ con em gầy dựng lại từ nơi buôn bán đến công việc để ổn định kinh tế . em đã thương lại anh và hiện tại em cũng xác định và phía gia đình 2 bên cũng muốn em với anh có thể bước đến 1 nhà và cho bé của em được 1 mái ấm đủ đầy như bao người . Vì bé em rất thương quý mến anh cả anh cũng thương bé của em như ba ruột . Hiện tại em có lỡ mang thai với anh và cũng tính đến chuyện đi tiếp bước nữa để có thể có 1 cuộc sống hạnh phúc hơn cho con gái em có được 1 người cha yêu thương thì phía chồng cũ em lại đâm đơn dành quyền nuôi bé .
mọi người giúp em xem trong trường hợp này em và chồng mới em đều muốn bé ở với tụi em để được chăm sóc và nuôi dạy trong môi trường tốt ạ . Vì việc này mà chồng mới của em đã suy sụp và khóc rất nhiều mỗi khi nghĩ đến việc không có bé nữa .
em xin mọi người giúp tụi em và con gái của em.


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 27/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Chồng cũ bỏ bê không cấp dưỡng giờ có đòi được quyền nuôi con không?

Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình thì cha mẹ có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Trong trường hợp hai bên nam nữ ly hôn, thì quyền của một bên trong việc trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người con sẽ bị hạn chế theo quyết định/bản án của Tòa án có hiệu lực. Tuy nhiên, khi có căn cứ, người không có quyền trực tiếp nuôi dưỡng người con hoàn toàn có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Căn cứ Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình thì việc Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi hai bên nam nữ ly hôn chỉ đặt ra khi có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ chỉ được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau:

-Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

-Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo đó, Tòa án sẽ chỉ thay đổi người trực tiếp nuôi bé nhà bạn khi bạn và chồng cũ thỏa thuận được về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con hoặc chồng cũ của bạn chứng minh được bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của hai người.

Mà theo thông tin bạn cung cấp thì bạn không hề có ý định nhường con của hai người cho chồng cũ của bạn trực tiếp nuôi dưỡng. Do vậy, việc thay đổi người trực tiếp nuôi bé nhà bạn sẽ chỉ được thực hiện khi chồng cũ của bạn có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc bạn hiện tại không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục bé.

Mặc dù hiện tại pháp luật Việt Nam chưa đưa ra một văn bản nào quy định về việc thế nào là đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Nhưng thông thường, Tòa án sẽ dựa vào những yếu tố về tài chính (như nơi cư trú có ổn định, có tiện ích,… hay không), đặc biệt là các yếu tố về nhân thân để đảm bảo sự phát triển phẩm chất, tính cách của bé (như các yếu tố về nhân phẩm, đạo đức, tính cách, có mắc tệ nạn xã hội gì không,…).

Nói cách khác, nếu xét trên những thông tin bạn cung cấp, thì khi bạn không đồng ý về việc thay đổi người trực tiếp nuôi bé nhà bạn, theo quy định của pháp luật, sẽ có rất ít khả năng Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng bé. Bởi, bên kia ngoài việc chứng minh bạn không đủ điều kiện nuôi bé, cũng cần chứng minh chồng cũ của bạn đủ điều kiện để nuôi dưỡng bé khi bạn có chứng cứ, tài liệu chứng minh cho lối sống của chồng cũ của bạn.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191