Cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng?

Cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng?


Tôi là cán bộ Tư pháp thuộc UBND phường, nay có một vụ việc tranh chấp dân sự xin được tư vấn để giải quyết cụ thể như sau: Tháng 9/2007, UBND phường đã hòa giải thành một vụ tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, với thông báo kết quả giải quyết vụ việc do UBND đã gởi cho các bên (không quy định thời gian thực hiện cho các bên) thì bên A phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất cho bên B số tiền thiệt hại 40.000 triệu đồng. Đến tháng 3/2010 (sau 18 tháng), bên được bồi thường gởi đơn khiếu nại đến UBND với nội dung bên A không chịu thực hiện Thông báo hòa giải của UBND phường;

Tôi muốn biết việc làm của bên B như vậy có đúng với quy định của pháp luật hay không? Cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp này là gì? Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Gửi bởi: Hồ Đức Long

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo Điều 1 và Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì Biên bản hoà giải thành của UBND phường không thuộc đối tượng thi hành án. Điều này có nghĩa là Biên bản hoà giải thành này không được đảm bảo thi hành bằng các chế tài hay sự cưỡng chế nhà nước.

Như vậy, mặc dù nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức có tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh nên chủ động thương lượng hoà giải, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có quy định nào cụ thể hướng dẫn thi hành khi một hoặc các đương sự không thực hiện.

Về việc khiếu nại đối với việc biên bản hoà giải không được thi hành:

Theo khoản 1, Điều 1, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, thì công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, bên B chỉ có thể khiếu nại nếu Biên bản hoà giải của UBND Phường được giải quyết sai với quy định của pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên B.

Ngoài ra, theo nội dung ông/bà trình bày và hiệu lực thi hành đối với Biên bản hoà giải hiện nay thì bên B sẽ không có căn cứ để khiếu nại quyết định của UBND Phường.

Cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp:

Biên bản hoà giải thành không được bảo đảm thi hành bằng các chế tài hay sự cưỡng chế của nhà nước. Biên bản này chỉ có ý nghĩa về thời hiệu khởi kiện đối với vụ việc tranh chấp thuộc thẩm quyền của Toà án (Theo điểm c, khoản 1, Điều 162, Bộ luật Dân sự năm 2005).

Theo khoản1, Điều 29, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, thì tranh chấp về kinh doanh thương mại trong lĩnh vực xây dựng sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án. Tranh chấp về kinh doanh thương mại trong lĩnh vực xây dựng không cần bắt buộc phải thông qua hoà giải cơ sở.

Vì vậy trong trường hợp này bên B xác định lại thời hiệu yêu cầu khởi kiện và khởi kiện bên A ra Toà án có thẩm quyền giải quyết.

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội

Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Luật 09/1998/QH10 Khiếu nại, tố cáo

Trả lời bởi: z

1900.0191