Đăng ký khai sinh và xác định cha cho trẻ khi người mẹ bỏ đi biệt tích

Đăng ký khai sinh và xác định cha cho trẻ khi người mẹ bỏ đi biệt tích

Anh Huy và chị Bích cùng làm ăn, buôn bán ở cửa khẩu và chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn. Tháng 4 năm 2006 chị Bích sinh con, sau đó, do mâu thuẩn trong cuộc sống chung nên chị Bích đã bỏ đi biệt tích, để con lại cho anh Huy nuôi khi cháu bé mới được 4 tháng tuổi. Anh Huy đã đi tìm và nhờ người quen biết hỏi thăm tin tức về chị Bích nhưng không có kết quả gì, chỉ nghe nói là chị Bích đã đi cùng người khác sang bên kia biên giới.

Khi con gần đầy tuổi, Anh Huy đến Uỷ ban nhân dân xã nơi mình có hộ khẩu thường trú để đăng ký khai sinh cho con. Anh nộp Giấy chứng sinh của cháu bé và đề nghị cán bộ tư pháp – hộ tịch ghi tên mình vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh của cháu bé. Cán bộ hộ tịch biết rõ anh Huy là người đã cư trú nhiều năm ở địa phương và cũng biết rõ việc anh chung sống nhưng vì cha, mẹ cháu bé không có Giấy chứng nhận kết hôn nên cán bộ tư pháp – hộ tịch rất phân vân khi giải quyết việc đăng ký khai sinh.

Trong trường hợp này, cán bộ tư pháp – hộ tịch sẽ phải giải quyết như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Tình huống nói trên đòi hỏi cán bộ tư pháp – hộ tịch phải vận dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề sau:

– Giải quyết đăng ký khai sinh cho cháu bé;

– Giải quyết việc cha nhận con, để có thể ghi tên anh Huy vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh của cháu bé theo nguyện vọng của đương sự. Cần lưu ý: Chỉ có thể ghi tên anh Huy vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh của cháu bé sau khi hoàn tất việc đăng ký cha nhận con và có quyết định công nhận việc xác nhận cha cho con.

Với tình huống như trên, điều quan trọng mà cán bộ tư pháp – hộ tịch cần lưu ý, vì đây là trường hợp có thể vận dụng quy định mới tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP: “Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh” để giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp này mẹ của cháu bé bỏ đi biệt tích, không xác định được nơi cư trú, mặt khác giữa cha và mẹ cháu bé không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp (không có Giấy chứng nhận kết hôn) nên trong việc xác định thẩm quyền, thủ tục, trình tự giải quyết cần vận dụng pháp luật như sau:

Về việc xác định thẩm quyền và vận dụng pháp luật về thẩm quyền đăng ký khai sinh và đăng ký cha nhận con

Do người mẹ cháu bé đã bỏ đi biệt tích, không xác định được nơi cư trú, mặt khác vào thời điểm thụ lý yêu cầu đăng ký khai sinh chưa xác định được người cha hợp pháp của trẻ (do người cha và người mẹ cháu bé không đăng ký kết hôn và không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp), vì vậy trường hợp này cần vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ là Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ đang thực tế sinh sống. Đây cũng đồng thời là cơ quan có thẩm quyền đăng ký việc anh Huy nhận con. Việc xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh như vậy vừa bảo đảm đúng pháp luật, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, vì đấy cũng chính là Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi anh Huy cư trú.

Về thủ tục

Để Uỷ ban nhân dân xã có cơ sở giải quyết các yêu cầu của mình, anh Huy cần nộp các giấy tờ sau:

– Đối với việc đăng ký khai sinh: nộp Giấy chứng sinh của trẻ;

– Đối với việc đăng ký nhận con: nộp Tờ khai đăng ký nhận con. Trong trường hợp này vì chị Bích là mẹ cháu bé đã bỏ đi biệt tích nên Tờ khai không cần có ý kiến thể hiện sự đồng ý của chị Bích về việc anh Huy nhận con. Ngoài ra nếu có các giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác chứng minh về quan hệ cha con thì anh Huy xuất trình cùng Tờ khai, làm căn cứ cho việc giải quyết đăng ký nhận con.

Về trình tự giải quyết

Do kết hợp giải quyết cùng lúc cả việc đăng ký khai sinh và đăng ký nhận con nên trình tự giải quyết được Uỷ ban nhân dân xã tiến hành như sau:

Bước 1: Yêu cầu anh Huy nộp bổ sung Tờ khai đăng ký nhận con và xuất trình các giấy tờ, đồ vật, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, con (nếu có);

Bước 2: Thụ lý hồ sơ đăng ký khai sinh, hồ sơ đăng ký nhận con và thu lệ phí (lệ phí đăng ký khai sinh quá hạn và lệ phí đăng ký nhận con);

Bước 3: Xác minh tính xác thực về quan hệ cha – con giữa anh Huy và cháu bé trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ. Nếu có cơ sở để khẳng định ngay việc anh Huy nhận con là đúng sự thật thì có thể tiến hành ngay bước tiếp theo, chứ không đợi hết thời hạn 5 ngày. Trong trường hợp cần xác minh thêm thì được phép kéo dài thời hạn không quá 5 ngày.

Bước 4: Kết hợp đăng ký việc cha nhận con và khai sinh cho cháu bé: sau khi xác minh, nếu thấy việc anh Huy nhận con là đúng sự thật và không có tranh chấp gì phát sinh thì Uỷ ban nhân dân xã mời anh Huy đưa con lên xã để tiến hành đăng ký việc anh Huy nhận con và đăng ký khai sinh cho cháu bé.

Cán bộ tư pháp – hộ tịch căn cứ vào Giấy chứng sinh và hỏi anh Huy các thông tin cần thiết để lập Giấy khai sinh cho cháu bé, đồng thời lập Quyết định công nhận việc cha nhận con và ghi vào Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con. Đến thời điểm này, cán bộ tư pháp – hộ tịch có thể ghi tên anh Huy vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh của cháu bé, xác định họ và dân tộc của cháu bé theo họ và dân tộc của anh Huy. Phần khai về người mẹ căn cứ theo Giấy chứng sinh để ghi.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ký Quyết định công nhận cha, mẹ, con, đồng thời ký Giấy khai sinh và cấp các bản chính này cho đương sự. Nếu đương sự có yêu cầu cấp bản sao thì cấp số lượng bản sao theo yêu cầu.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191