Dì có được đuổi cháu ra khỏi nhà khi bố mẹ đã mất

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Dì có được đuổi cháu ra khỏi nhà khi bố mẹ đã mất


Luật sư Tư vấn Luật nhà ở – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 04 tháng 07 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Dì có quyền được đuổi cháu ra khỏi nhà khi bố mẹ đã mất

  • Luật nhà ở 2014
  • Luật hôn nhân và gia đình 2014

3./ Luật sư tư vấn

Trước tiên, bạn cần xác định người dì có phải chủ sở hữu của căn nhà hay không. Trường hợp người dì không phải chủ sở hữu căn nhà thì người dì không có quyền đuổi bạn ra khỏi nhà. Trường hợp người dì là sở hữu căn nhà thì pháp luật quy định như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 10 Luật nhà ở 2014, chủ sở hữu nhà ở có những quyền sau đây:

Điều 10. Quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở

1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:

a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;

c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai;

d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

đ) Sử dụng chung các công trình tiện ích công cộng trong khu nhà ở đó theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Trường hợp là chủ sở hữu nhà chung cư thì có quyền sở hữu, sử dụng chung đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư và các công trình hạ tầng sử dụng chung của khu nhà chung cư đó, trừ các công trình được xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở;

e) Bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng;

g) Được bồi thường theo quy định của luật khi Nhà nước phá dỡ, trưng mua, trưng dụng nhà ở hoặc được Nhà nước thanh toán theo giá thị trường khi Nhà nước mua trước nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai;

h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và các hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở.”

Do đó, chủ sỡ hữu nhà ở có quyền quyết định cho phép ai ở trong nhà của mình. Tuy nhiên, bạn và người dì là mối quan hệ được pháp luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh.

Theo Khoản 16 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thành viên gia đình:

 “16. Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.”

Đồng thời, theo Điều 106 Luật hôn nhân và gia đình 2014, người dì có nghĩa vụ sau:

“Điều 106. Quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con và những người được quy định tại Điều 104 và Điều 105 của Luật này hoặc còn nhưng những người này không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.”

Như vậy, khi bố mẹ mất, dì có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu ruột khi cháu ruột không có đủ điều kiện và chỗ ở khác để sinh sống. Trường hợp người dì đuổi bạn ra khỏi nhà thì bạn có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan can thiệp, giúp đỡ.

Với những tư vấn về câu hỏi Dì có được đuổi cháu ra khỏi nhà khi bố mẹ đã mất, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191