Điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện tập trung

Điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện tập trung

Tại xã X, huyện Lộc Bình có một đối tượng tên là Hoàng Văn B, 28 tuổi, là đối tượng nghiện ma túy đã bị UBND xã X áp dụng biện pháp giáo dục tại xã từ tháng 6/2004. Hết thời hạn bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cơ sở, gần đây, B có biểu hiện tái nghiện, thường xuyên vắng nhà qua đêm và kết bạn với các đối tượng nghiện hút khác. Qua nắm tình hình, Công an xã thấy, kể từ khi tái nghiện, B thường xuyên hạch sách đòi tiền vợ, không được thì quay ra chửi bới, đánh đập vợ con gây mất trật tự. Gia đình, hàng xóm đã khuyên bảo, góp ý nhiều lần, Công an xã cũng đã hai lần yêu cầu B lên trụ sở để giáo dục, răn đe về hành vi gây mất trật tự nhưng đối tượng vẫn không chịu thay đổi lối sống hư hỏng. Bất lực vì không khuyên bảo được con trai nên tháng 6/2006, cha mẹ B đã thống nhất làm đơn gửi UBND xã đề nghị cho B đi cai nghiện tập trung. Chủ tịch UBND xã sẽ giải quyết yêu cầu đó như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Đây là tình huống thường xảy ra ở các địa bàn có nhiều người tái nghiện ma tuý. Để giải quyết yêu cầu của gia đình B về việc đề nghị đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung theo diện cưỡng chế bắt buộc một cách đúng pháp luật, Chủ tịch UBND xã phải vận dụng đúng các quy định về thẩm quyền, thủ tục, trình tự áp dụng biện pháp xử lý hành chính bắt buộc cai nghiện tập trung theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 34/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục và chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma tuý đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các vấn đề pháp lý cần nắm vững để giải quyết tình huống này là:

Thứ nhất, cần xác định xem liệu có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp buộc cai nghiện tập trung đối với B hay không?

Đối tượng Hoàng Văn B đã 28 tuổi, đang cư trú tại xã X, huyện Lộc Bình và đã từng bị Chủ tịch UBND xã X quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã về hành vi nghiện ma túy. Sau khi hết thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính nói trên, thực tế cho thấy B vẫn có biểu hiện tái nghiện. Vì vậy, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 26 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì có thể khẳng định nhân thân của đối tượng đã hội đủ các điều kiện để có thể bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh (cai nghiện).

Thứ hai, về thẩm quyền quyết định áp dụng bắt buộc cai nghiện tập trung và trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong vấn đề này như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, thì việc quyết định buộc cai nghiện tập trung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện trên cơ sở hồ sơ đề nghị của Chủ tịch UBND cấp xã. Do đó, trong giải quyết vấn đề này, theo quy định tại Điều 93 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện cư trú tại địa bàn quản lý của mình đi cai nghiện tập trung để trình Chủ tịch UBND huyện quyết định.

Thứ ba, trình tự các bước Chủ tịch UBND cấp xã cần tiến hành để lập hồ sơ đối tượng bắt buộc cai nghiện tập trung:

+ Chủ tịch UBND xã chỉ đạo Công an xã thu thập tài liệu cần thiết để lập hồ sơ đề nghị đưa B đi cai nghiện tập trung. Công an xã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…) để lập hồ sơ.

Hồ sơ đề nghị phải có đủ các tài liệu sau: tóm tắt lý lịch; bệnh án (hoặc kết quả xét nghiệm) nghiện ma tuý; các tài liệu về vi phạm pháp luật của B; kết quả biện pháp giáo dục đã được áp dụng; nhận xét của Công an, ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội cùng cấp.

+ Chủ tịch UBND xã gửi hồ sơ và công văn đề nghị cho B đi cai nghiện tập trung báo cáo lên Chủ tịch UBND cấp huyện để giải quyết theo thẩm quyền.

Các văn bản liên quan:

Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 Xử lý vi phạm hành chính

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191