Giải quyết tranh chấp về nhà đất

Giải quyết tranh chấp về nhà đất

Cha bạn đã mất cách đây 32 năm và trước thời điểm chuyển nhượng (tặng, cho, hoặc mua bán) sang cho bạn, mẹ bạn là người đứng tên căn hộ. Hiện nay, bạn là người đứng tên căn hộ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà và anh chị em của bạn làm đơn tố cáo bạn là người gạt mẹ bạn để chuyển nhượng sang cho bạn.

Gửi bởi: Hưa

Trả lời có tính chất tham khảo

Vì bạn chưa nêu rõ thời gian chuyển nhượng căn hộ từ mẹ bạn sang tên bạn và chưa nêu rõ căn hộ của bạn thuộc căn hộ tập thể hay căn hộ có có đất, do vậy, có hai trường hợp cụ thể là:

Trường hợp một, căn hộ được xây dựng trên một thửa đất thì căn cứ điểm b Điều 127 Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực năm 2004) quy định “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 quy định “Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết;”

Trường hợp hai, nếu căn hộ của bạn là căn hộ tập thể hoặc căn hộ chung cư thì theo quy định tại Điều 93 Luật Nhà ở về giao dịch nhà ở quy định: “3. Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn, trừ các trường hợp sau đây:

a) Cá nhân cho thuê nhà ở dưới sáu tháng;

b) Bên bán, bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở;

c) Thuê mua nhà ở xã hội;

d) Bên tặng cho nhà ở là tổ chức.” .

Theo quy định của Luật Nhà ở tại Điều 147 về giải quyết tranh chấp về nhà ở như sau:

“1. Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về nhà ở thông qua hoà giải.

2. Tranh chấp về nhà ở do Toà án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật.”

Điều 148 về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo quy định như sau:

1. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Trong thời gian khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện, tổ chức, cá nhân vẫn phải thi hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nhà ở hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì các bên có liên quan phải thi hành các quyết định hoặc bản án đó.”

Do vậy, cả hai trường hợp nêu trên căn cứ vào quy định của pháp luật, có thể bạn đã làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc pháp luật về nhà ở khi chuyển nhượng nên bạn mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (đứng tên căn hộ).

Nếu bạn đã làm đúng quy định của pháp luật về đất đai hoặc nhà ở thì việc anh chị em của bạn tố cáo bạn ít có cơ sở pháp lý.

Nếu anh chị em của bạn vẫn khiếu nại, tố cáo thì trong thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo các bên vẫn phải chấp hành việc bạn đang đứng tên căn hộ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết những khiếu nại, tố cáo của anh chị em bạn. Nếu các cơ cơ quan chuyên môn gặp bạn để hỏi những vấn đề có liên quan bạn trình bày một cách trung thực, đầy đủ để các cơ quan này giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp anh chị em của bạn khởi kiện ra Toà án thì bạn cũng cần gặp gỡ Toà án để trình bày những trình tự, thủ tục bạn đã thực hiện để Toà án xem xét, quyết định.

Bạn cũng có thể đến các Văn phòng Luật sư, Công ty luật hoặc các Trung tâm tư vấn pháp lý để được hướng dẫn cụ thể hơn trong trường hợp của bạn.

Các văn bản liên quan:

Luật 56/2005/QH11 Nhà ở

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Trả lời bởi: CTV8

1900.0191