Hỏng máy móc do tai nạn lao động thì người lao động có phải bồi thường không

Câu hỏi của khách hàng: Hỏng máy móc do tai nạn lao động thì người lao động có phải bồi thường không

Mọi người cho e hỏi chút.
Anh A lái máy xúc cho anh B (không có hợp đồng lao động) trong quá trình làm việc không may xảy ra tai nạn lao động làm lật máy. May mắn anh A không việc gì chỉ chầy xước nhẹ. Nhưng máy xúc bị hư hỏng khá nặng. Anh B yêu cầu anh A bồi thường mọi chi phí sửa chữa máy móc. Xin hỏi anh B làm như vậy có đúng không


Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 26/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm bồi thường do tai nạn lao động

Bộ luật lao động năm 2012

3./ Luật sư trả lời Hỏng máy móc do tai nạn lao động thì người lao động có phải bồi thường không

Theo quy định của pháp luật thì tai nạn lao động được hiểu là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động dẫn tới hư hỏng tài sản của người sử dụng lao động (máy móc công ty) thì việc bồi thường của người lao động được xem xét trên yếu tố lỗi của người lao động trong việc để xảy ra tai nạn lao động, tức trong việc làm hỏng máy móc của bên sử dụng lao động.

Trong nhận định dưới đây thì anh B là bên sử dụng lao động và anh A được coi là người lao động.

Căn cứ quy định tại Mục 2 Chương XIII Bộ luật lao động thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động được quy định như sau:

-Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Căn cứ Khoản 1 Điều 131 Bộ luật lao động thì việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

-Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Căn cứ Điều 130 Bộ luật lao động thì người lao động phải bồi thường trong trường hợp:

+Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động. Trong trường hợp này, nếu thiệt hại xảy ra không nghiêm trọng và là do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định.

+Người  lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép. Trong trường hợp này người lao động chỉ phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường.

Tuy nhiên, nếu hai bên (tức là giữa anh A và anh B) có hợp đồng trách nhiệm thì việc bồi thường thiệt hại phải được thực hiện theo hợp đồng trách nhiệm.

-Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Căn cứ Khoản 2 Điều 130 Bộ luật lao động thì trường hợp thiệt hại xảy ra là do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.

-Ngoài ra, nếu việc thiệt hại trên xảy ra do lỗi của bên thứ ba hoặc do chính nên sử dụng lao động thì người lao động cũng không phải bồi thường mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ do bên có lỗi trong việc gây thiệt hại gánh chịu.

Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, những thông tin bạn cung cấp chưa đủ để loại trừ cũng như yêu cầu anh A hay anh B phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động gây ra. Tuy nhiên, thông thường, bên nào có lỗi trong việc gây thiệt hại thì bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc thiệt hại xảy ra do có tai nạn lao động không phải căn cứ chắc chắn làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động hay người sử dụng lao động.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191