Hứa trả lại tiền nhưng không trả thì xử lý thế nào?

Câu hỏi của khách hàng: Hứa trả lại tiền nhưng không trả thì xử lý thế nào?

Xin mọi người tư vấn giúp em với ạ!
Chuyện là thế này, nhà em có ông anh trai bỏ học từ năm lớp 7, ngoại hình kém nhưng muốn đi Nhật. Qua 1 thằng giới thiệu em có biết được 1 thằng làm bên tuyển nguồn của 1 công ty xuất khẩu lao động nhưng nó cũng tự gọi mình là công ty kiểu như trung gian để ăn hoa hồng kiếm lợi đó. Nó hứa là sẽ lo được đỗ cho anh em bay sớm và anh em phải nộp 1000 usd tiền bao đỗ (thi đơn hàng Nhật) đó, 10 triệu tiền phí nguồn, và 10 triệu tiền chạy bằng,… Sau khi lên sức khỏe Ok xong xuôi thì nó hứa hẹn ngon ngọt kiểu gì cũng sang Nhật, bắt anh em nộp tiền trước 27 triệu (15 triệu tiền đặt cọc bao đỗ trên 1000usd, 10 triệu tiền đặt cọc để thi đơn hàng của công ty xuất khẩu lao động và 2 triệu tiền học nguồn). Nộp xong xuôi ký giấy cho nó rồi thì nó mới dẫn anh trai em vào trong công ty xuất khẩu lao động nhưng vào đấy anh trai em làm bài kiểm tra đầu vào không được bị loại nó không nhận. Thế là nó bảo dừng lại và sẽ trả toàn bộ lại số tiền cho nhà em. Nhưng mà nó hứa bao nhiêu lần, hẹn hết lần này sang lần khác mà nó không trả bảo lên tận nơi mà nó bảo để nó chuyển qua ATM cũng không chuyển. Nó kiểu muốn lảng tránh không trả lại số tiền 27 triệu đó cho nhà em làm nhà em rất bức xúc. Ở nhà quê đó cả 1 số tiền to lớn. Bây giờ em không muốn bị nó lừa gạt hứa hẹn nhiều nữa, muốn nhờ pháp luật giải quyết thì phải làm như thế nào ạ!


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 29/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ

  • Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Bộ luật Dân sự năm 2015
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Hứa trả lại tiền nhưng không trả thì xử lý thế nào?

Trong trường hợp bạn đưa ra, bên môi giới để người anh của bạn xuất khẩu lao động đã đồng ý việc trả lại số tiền trên theo thỏa thuận ban đầu giữa các bên. Tuy nhiên, người này lại không thực sự thực hiện theo thỏa thuận đó, do vậy, người anh của bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố cáo hành vi này tới cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự.

Để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, người anh của bạn cần nộp hồ sơ khởi kiện và thực hiện theo thủ tục tố tụng vụ án dân sự. Trong trường hợp này, người môi giới hoàn toàn công nhận việc họ có nghĩa vụ trả lại số tiền 27 triệu đồng cho anh của bạn. Nhưng lại thường hay kiếm lý do để thỏa thuận lại thời hạn trả số tiền trên cho anh của bạn. Việc kéo dài này ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của anh bạn. Do vậy, khi không thỏa thuận được, người anh của bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân yêu cầu giải quyết. Căn cứ  Khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự thì việc giải quyết tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Người anh của bạn cần nộp hồ sơ khởi kiện, kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc người bị khởi kiện không thực hiện nghĩa vụ như đã thỏa thuận gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Nơi nộp hồ sơ trong trường hợp này thường là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người bị khởi kiện.

Trong trường hợp hành vi của bên môi giới có dấu hiệu của tội phạm. Mà ở đây thường là Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; 

b)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. …

Theo đó, nếu bên môi giới có dấu hiệu trốn tránh thực hiện nghĩa vụ mặc dù có điều kiện thực hiện hoặc bỏ trốn,… thỏa mãn các cấu thành tội phạm theo quy định trên thì anh của bạn có quyền tố cáo hành vi này của bên môi giới tới cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, người anh của bạn có thể khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên môi giới cư trú, làm việc để yêu cầu giải quyết. Hoặc nếu, hành vi của bên kia có dấu hiệu của tội phạm thì có thể tố cáo người này tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục hình sự.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191