Khi phát hiện con em bị xâm hại tình dục phải làm gì để thu thập chứng cứ

Câu hỏi của khách hàng: Khi phát hiện con em bị xâm hại tình dục phải làm gì để thu thập chứng cứ

Tôi muốn hỏi khi phát hiện con em mình bị xâm hại tình dục, chúng tôi phải làm gì để thu thập, bảo vệ chứng cứ, nộp cho cơ quan điều tra?

Rất cám ơn và mong có hướng dẫn sớm từ luật sư.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 28/09/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thu thập chứng cứ khi phát hiện con em bị xâm hại tình dục

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

3./ Luật sư trả lời Khi phát hiện con em bị xâm hại tình dục phải làm gì để thu thập chứng cứ

Xâm hại tình dục trẻ em được hiểu là tất cả các hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo hay ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất tính dục không phù hợp với lứa tuổi của trẻ mà không phải chỉ gói gọn trong việc có hành vi quan hệ tình dục. Khi phát hiện con em bị xâm hại tình dục, bậc phụ huynh cần chú ý một số việc cần phải làm để thu thập chứng cứ sau:

Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chứng cứ được hiểu là:

“… những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý giá trị của những gì bạn thu thập, cung cấp. Căn cứ Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự thì những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Do đó, khi thấy dấu hiệu bất ổn ở phía trẻ, phụ huynh phải yêu cầu nhà trường (nếu nghi ngờ trẻ bị xâm hại vào thời gian do trường có trách nhiệm quản lý), mời công an lập biên bản ghi nhận hiện trạng, rồi yêu cầu giám định pháp y.

Trên thực tế, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kết quả giám định là một trong những chứng cứ quan trọng nhất để cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can,… Tuy nhiên, việc lấy kết quả giám định ở các cơ sở y tế mà các bậc phụ huynh hay làm lại thường không được công nhận ở phía cơ quan nhà nước. Do đó, việc lựa chọn cơ quan giám định là rất quan trọng, bởi nếu bản kết luận của cơ quan giám định đó không được công nhận thì kết luận đó không được xem là chứng cứ chứng minh về hành vi xam hại tình dục. Về phía các cơ quan nhà nước, tòa án, thì họ thường chỉ chấp nhận kết luận giám định của một số cơ quan nhất định trực thuộc bộ công an, do đó, để chắc chắn kết luận giám định đó được công nhận thì phụ huynh nên mời công an đến lập biên bản khi phát hiện và yêu cầu giám định pháp y.

Ngoài việc thông báo công an và yêu cầu giám định, khi phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần giữ lại những gì nghi ngờ có lưu lại dấu vết của việc xâm hại (ví dụ như quần áo mà nạn nhân mặc khi diễn ra vụ việc), bảo quản hợp lý, ghi âm lời khai của người chứng kiến, của trẻ, của những người liên quan để bảo quản, lưu giữ và có thể xuất trình khi cần.

Đương nhiên, ngay cả khi bạn cung cấp được các tài liệu dùng để chứng minh trên thì khi điều tra vụ việc, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy lời khai của bị can, nhân chứng, camera, thực nhiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, đối chất và các hoạt động tố tụng khác để làm sáng tỏ vụ việc.

Nhưng vấn đề xác minh trên nhằm một mục đích là chứng minh rằng có người người thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu.

Theo đó, trong trường hợp phát hiện con em mình bị xâm hại tình dục thì phụ huynh cần giữ bình tĩnh, không thực hiện việc gì làm xáo trộn hiện trạng gây mất dấu vết bị xâm hại (như tắm rửa cho nạn nhân) và báo ngay cho cơ quan công an, yêu cầu giám định và thực hiện việc thu thập, bảo quản lời khai, video ghi hình sự việc,… Tuy nhiên, những tài liệu, văn bản,… này sẽ phải được cơ quan có thẩm quyền xác minh theo quy định, nếu đáp ứng mới được coi là chứng cứ.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191