Mượn xe nhưng không trả

Mượn xe nhưng không trả

Em cho bạn mượn xe nhưng không thấy trả và cũng không liên hệ được. Em lên công an phường trình báo thì được hướng dẫn khởi kiện. Vậy em phải làm thế nào. Em xin cảm ơn!

Gửi bởi: Đinh văn hoàng khanh

Trả lời có tính chất tham khảo

Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Khi bạn cho mượn xe, bạn của bạn (bên mượn tài sản) có các nghĩa vụ sau đây:

– Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;

– Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;

– Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;

– Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.

Trong trường hợp, bạn của bạn không thực hiện đúng nghĩa vụ trả xe cho bạn thì bạn có quyền khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Khi khởi kiện, bạn phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự:

– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

– Tên, địa chỉ của người bị kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

Bạn có thể gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

– Nộp trực tiếp tại Toà án;

– Gửi đến Toà án qua bưu điện.

Nếu bạn có căn cứ cho rằng hành vi của người bạn đó có dấu hiệu tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bạn có quyền tố cáo tới cơ quan công an để điều tra làm rõ.Điều 140 Bộ luật hình sự quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: CTV3

1900.0191