Nhà không thống nhất bán đất thì xử lý tiền cọc của người mua thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Nhà không thống nhất bán đất thì xử lý tiền cọc của người mua thế nào

Chào mọi người, mọi người ai hiểu về luật về đất đai có thể tư vấn giúp tôi với. Chuyện là thế này: ba mẹ tôi muốn bán 1 mảnh đất đứng tên cả hai người. Mẹ tôi đã tìm được người mua và đã ký nhận tiền đặt cọc. Nhưng ba tôi đi công tác xa nhà lại không muốn bán nên đã không ký. Hiện nay người mua yêu của nhà tôi bồi thường gấp đôi nhưng nhà tôi không đủ khả năng chi trả nên muốn ngỏ lời chỉ trả lại tiền cọc. Người mua không chấp nhận và đòi thưa nhà tôi ra tòa vì tội lừa đảo. Vì không rõ luật pháp nên tôi mong anh chị có thể tư vấn cho tôi cách giải quyết. Hiện giờ tôi không biết phải làm như thế nào nữa. Mong mọi người giúp đỡ.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 14/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý tiền cọc

Bộ luật dân sự 2015

3./ Luật sư trả lời Nhà không thống nhất bán đất thì xử lý tiền cọc của người mua thế nào

Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn có dự định bán một mảnh đất, đã tìm được người mua và người mua đã đặt cọc, nhưng do trong gia đình không thống nhất được nên không bán được mảnh đất đó. Bạn đang thắc mắc về việc xử lý tiền đặt cọc của người mua như thế nào.

Trên thực tế, trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng dân sự có giá trị lớn, các bên thường sử dụng biện pháp bảo đảm để đảm bảo chắc chắn việc giao kết hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ của các bên. Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm được luật dân sự quy định.

Căn cứ Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đặc cọc:

“1.Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2.Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Theo đó, khi bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì bên nhận đặt cọc sẽ phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc (hay còn gọi là tiền phạt cọc).

Trong trường hợp của bạn, mẹ của bạn được xác định là bên nhận đặt cọc. Do vậy, khi mẹ của bạn đã nhận cọc nhưng sau đó từ chối giao kết hợp đồng. Nên mẹ của bạn có trách nhiệm trả lại cho bên đặt cọc (bên mua) số tiền đặt cọc đã nhận cùng với một số tiền tương ứng với tiền cọc đã nhận đó. Nếu mẹ của bạn không trả được khoản tiền đó, bên mua có quyền khởi kiện ra Tòa.

Tuy nhiên, việc không trả khoản tiền tương đương với khoản tiền mà bên kia đặt cọc là do mẹ của bạn, gia đình bạn không có khả năng chi trả. Nói cách khác, mẹ bạn không hề có hành vi chối việc trả số tiền đó, không có hành vi chiếm đoạt tài sản của bên đặt cọc. Nên, việc khởi kiện ra Tòa của bên đặt cọc chỉ là yêu cầu mẹ của bạn trả số tiền trên mà không phải là tố cáo hành vi lừa đảo của mẹ bạn (bởi, thực chất mẹ bạn không hề có hành vi lừa đảo). Khi Tòa án xác định được mẹ của bạn không có khả năng chi trả luôn số tiền trên, mẹ bạn sẽ được trả dần số tiền này.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bên đặt cọc có quyền đòi lại tiền đặt cọc và tiền phạt cọc vì phía gia đình bạn từ chối ký kết hợp đồng bán đất. Trong trường hợp gia đình không có đủ số tiền để trả bên mua, mẹ của bạn thừa nhận nghĩa vụ trả tiền và sẽ trả khi có điều kiện thì hành vi của mẹ bạn không bị coi là hành vi lừa đảo.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191