Phơi thóc trên đường dẫn đến tai nạn thì bị xử lý như thế nào?

Phơi thóc trên đường dẫn đến tai nạn thì bị xử lý như thế nào?

Em trai tôi có đèo vợ 2 đứa con trên một chiếc xe máy bị ngã, hậu quả là vợ chết. Nguyên nhân bị ngã do có một gia đình chiếm lòng đường phơi thóc, để lại mép đường khoản 30cm; khi đó tránh xe đi ngược chiều nên tránh sang bạt phơi thóc thì bánh trước xe chạm vào khúc gỗ tròn kê ở dưới bạt to bằng cổ chân làm xe nhấc bổng lên bị ngã. Xin hỏi, em trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì làm chết vợ hay không? Người đã lấn chiếm đường phơi thóc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không và có phải bồi thường thiệt hại cho gia đình em trai tôi không?

Gửi bởi: lò văn sâm

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại Điều 202 của Bộ luật hình sự thì một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nếu như người đó vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý.

Trường hợp mà bạn nêu, em trai bạn không vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, không có lỗi đối với hậu quả chết người của em dâu bạn, do vậy, em trai bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Giao thông đường bộ thì hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Việc người dân phơi lúa trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao bởi người phơi lúa, kể cả dụng cụ phơi như: cào, trang, chổi… lấn hết phần đường dành cho xe thô sơ, xe máy làm người điều khiển phương tiện giao thông đi qua những đoạn đường này buộc phải chạy ra gần giữa đường, rất dễ gây tai nạn. Theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, hành vi chiếm dụng lòng đường, lề đường để phơi thóc, lúa, rơm, rạ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ với mức phạt tiền đối với cá nhân từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; bị buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt là phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu vi phạm tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm; gây hậu quả rất nghiêm trọng; đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù.

Do vậy, người đã lấn chiếm lòng đường để phơi thóc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự.

3. Theo quy định tại Điều 604 của Bộ luật dân sự thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm thì người gây thiệt hại sẽ phải bồi thường các khoản theo quy định tại Điều 610 của Bộ luật dân sự.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 171/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Luật 23/2008/QH12 Giao thông đường bộ

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

1900.0191