Quyền được nhận cha, mẹ của con chưa thành niên

Quyền được nhận cha, mẹ của con chưa thành niên

Ba tôi có quan hệ ngoại tình với một cô gái, hiện giờ đã có thai được 8 tuần. Ba tôi có xác nhận là đã từng quan hệ với cô ta nhưng còn cái thai thì không chắc chắn. Khi phát hiện có thai, mẹ cô ta có đến gặp gia đình tôi yêu cầu gia đình tôi giải quyết thế nào vì con gái bà đã bỏ đi mấy ngày nay chưa về. Ba tôi có gọi điện và cô ta trả lời là sẽ không về sống với ba tôi vì đã có người yêu cô ta hơn. Sau đó cô ta thay số điện thoại và không liên lạc được cho tới giờ. Tuy nhiên, hiện tại mẹ cô ta đang làm khó dễ cho gia đình chúng tôi, bà ta nói gia đình tôi phải nuôi bà ta trong thời gian con gái bà ta đi như thế này. vì cô ta là nguồn lao động chính (bà ta có 2 con trai và 1 con gái; 1 người con trai đã mất;bà ta đang sống với con dâu, 2 cháu và cô con gái đó). Do đó, gia đình tôi không biết phải làm như thế nào trong hoàn cảnh này. Tôi nghĩ bà ta đang vịn vào sự việc này để vòi tiền gia đình tôi. Tôi muốn hỏi đối với sự việc mà ba tôi đã gây nên thì gia đìnhtôi phải có những trách nhiệm gì đối với cái thai và người con gái đó? Còn về mẹ cô ta thì chúng tôi có trách nhiệm như thế nào?

Gửi bởi: Phan Thị Hoàng Oanh

Trả lời có tính chất tham khảo

Câu hỏi thứ nhất của bạn liên quan đến vấn đề xác định trách nhiệm pháp lý của các thành viên trong gia đình đối với cô gái đang có thai (chưa xác định rõ đây có phải là con của bố bạn hay không) và câu hỏi thứ hai liên quan đến vấn đề nghĩa vụ cấp dưỡng của gia đình bạn đối với mẹ của cô gái.

Về vấn đề thứ nhất, gia đình của bạn không có trách nhiệmđối với cô gái đang mang thai vì hiện nay không có căn cứ pháp luật nào quy định về điều đó.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý riêng đối với bố của bạn, ông sẽ phải có trách nhiệm trong trường hợp người mẹ yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con ngoài giá thú theo Điều 65 và Điều 66 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, cụ thể là:

Điều 65 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về quyền được yêu cầu nhận cha, mẹ của con như sau:

1. Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.

2. Con đã thành niên xin nhận cha, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của cha”.

Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự:

1. Mẹ, cha hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.

2. Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.

3. Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự:

a) Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

b) Hội liên hiệp phụ nữ.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, nếu người mẹ có yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên và Tòa án xác định bố của bạn là cha của đứa bé thì bố của bạn phải có trách nhiệm trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc đứa bé, không được phân biệt giữa con trong giá thú và con ngoài giá thú.

Về nghĩa vụ cấp dưỡng của gia đình bạn đối với người mẹ của cô gái đã có thai với bố bạn, Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về có quy định như sau: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

Căn cứ vào quy định này cho thấy nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh ở những người có quan hệ hôn nhân và quan hệ gia đình. Trong khi đó, giữa bố của bạn và cô gái đã có thai (chưa xác định rõ đây có phải là con của bố bạn hay không) chưa có quan hệ kết hôn hợp pháp nên không được coi là vợ chồng. Như vậy, gia đình bạn không có trách nhiệm phải cấp dưỡng, hay phải đưa tiền cho mẹ của cô gái đang mang thai này.

Các văn bản liên quan:

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: CTV2

1900.0191