Công ty Luật tư vấn Thừa kế tại Quảng Nam – Thẩm quyền của tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Công ty Luật tư vấn Thừa kế tại Quảng Nam – Thẩm quyền của tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Ông A kết hôn với bà B cư trú tại huyện T, sinh được 2 người con là C, D đã trưởng thành. Tài sản của ông bà gồm một ngôi nhà và một thửa đất được thừa kế chung. Anh C đã lập gia đình có 1 con chung là G và 1 con riêng là H. Đến tháng 7/2008 anh C qua đời, tháng 12/2010 ông A qua đời không để lại di chúc. Đến tháng 2/2011 gia đình bà B yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Q chia tài sản thừa kế của ông A, hỏi:

1. Tòa án nhân dân huyện Q có thẩm quyền chia tài sản thừa kế của ông A không? Vì sao?

2. Nếu Tòa án nhân dân huyện Q có thẩm quyền chia tài sản thừa kế của ông A thì chia như thế nào?

Gửi bởi: Viết Hùng

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện Q giải quyết yêu cầu của gia đình bà B về việc chia di sản thừa kế do ông A để lại

Thứ nhất, về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

– Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;

– Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;

– Tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này.

Yêu cầu chia di sản thừa kế của gia đình bà B được nêu tại Khoản 5 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện là đúng.

Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân huyện Q.

Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ như sau:

– Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

– Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

– Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.

Căn cứ vào quy định nêu trên thì phải xác định yêu cầu chia thừa kế của gia đình bà B có phải là tranh chấp về bất động sản hay không. Nếu yêu cầu của gia đình bà B là tranh chấp về bất động sản thì tòa án nhân dân huyện Q chỉ có thẩm quyền giải quyết khi tại địa bàn huyện Q có nhà đất của ông A; nếu di sản là nhà đất của ông A để lại không nằm trên địa bàn huyện Q thì tòa án nhân dân huyện Q không có thẩm quyền giải quyết. Nếu yêu cầu của gia đình bà B không phải là tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân huyện Q được xác định theo Điều 35, Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự (cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn hoặc theo sự lựa chọn của nguyên đơn).

Liên quan đến việc xác định yêu cầu chia thừa kế của gia đình bà B có phải là tranh chấp về bất động sản hay không thì hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết về vấn đề này và thực tế cũng có nhiều quan điểm và cách thực hiện không thống nhất giữa các tòa và các địa phương.

Có quan điểm cho rằng, tranh chấp thừa kế về việc chia di sản thừa kế là nhà đất không phải là tranh chấp về bất động sản vì đối tượng tranh chấp ở đây trước hết là xác định xem ai là người có quyền hưởng thừa kế và chia thừa kế như thế nào; do vậy, thẩm quyền giải quyết phải thuộc về Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú làm việc. Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng tranh chấp thừa kế mà di sản là bất động sản thì phải do Tòa án nhân dân nơi có bất động sản giải quyết.

Văn bản chưa hướng dẫn, quan điểm thì có nhiều nên thực tế thực hiện cũng không thống nhất (hiện tại thì phần lớn các vụ tranh chấp yêu cầu chia thừa kế mà di sản là bất động sản sẽ được coi là tranh chấp về bất động sản và thẩm quyền giải quyết thuộc về Toà án nơi có bất động sản). Tuy nhiên thì các đương sự vẫn phải phụ thuộc vào việc tòa án có nhận và thụ lý đơn khởi kiện hay không và phải trực tiếp đến tòa án có thẩm quyền để được hướng dẫn cụ thể.

2. Chia di sản thừa kế của ông A

Trước hết, xác định di sản thừa kế do ông A để lại.

Ðiều 634 Bộ luật Dân sự quy định: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Như vậy, di sản của ông A để lại sẽ là một phần quyền sở hữu nhà ở và phần quyền sử dụng đất ở của ông A trong khối tài sản chung (ngôi nhà và thửa đất) với vợ là bà B.

Tiếp theo, xác định những người thừa kế của ông A.

Vì ông A không để lại di chúc nên di sản của ông A là ngôi nhà và thửa đất được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của ông A theo Ðiều 676 Bộ luật Dân sự:Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Đối chiếu với quy định nêu trên, những người thừa kế theo pháp luật của ông A gồm những người thừa kế thứ nhất là vợ, con của ông A, bố mẹ của ông A nếu họ còn sống. Trong trường hợp của bạn nêu, con của ông A là C đã chết tháng 7/2008 tức là chết trước ông A (tháng 2/2011) nên sẽ áp dụng thừa kế thế vị theo Điều 677 Bộ luật Dân sự (trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống). Như vậy, vì C đã chết trước A nên con của C (không phân biệt con chung, con riêng) sẽ được hưởng thừa kế thế vị phần di sản của C được hưởng nếu còn sống.

Chia di sản: Mặc nhiên coi những người thừa kế theo pháp luật của ông A chỉ có vợ và các con như bạn nêu thì di sản của ông A được chia như sau:

Di sản của ông A được chia thành ba phần bằng nhau và được chia cho:

B – vợ A: được hưởng một phần ba (1/3) di sản của ông A.

D – con A: được hưởng một phần ba (1/3) di sản của ông A.

H và G – cháu A: cùng được hưởng chung một phần ba (1/3) di sản của ông A (chính là phần của C được hưởng nếu còn sống).

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: CTV3

1900.0191