Thế nào thì bị coi là báo án gấp và thời hạn tối thiểu để báo án

Câu hỏi của khách hàng: Thế nào thì bị coi là báo án gấp và thời hạn tối thiểu để báo án

Chào luật sư.
Em mới bị người khác lừa chiếm đoạt tài sản trị giá 60 triệu đồng. Hiện đã tìm lại được hàng, đang ở đồn công an.
Anh chị em có thể giúp em giải đáp chút không ak.
Sau khi hàng hoá đã chuyển đi, người phụ nữ cùng em đi lấy tiền ở nơi mà chị ta nói để tiền ở đó. Em đợi khoảng 15-20 phút thì không thấy chị ta, gọi điện thoại thì không nghe và thuê bao, em liền gọi cho công an để báo án
Anh chị em cho em hỏi. Thời gian báo án của em như thế có gấp quá không ak? Em có bị kiện lại tội vu khống không ak


Luật sư Tư vấn Bộ luật Tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 02/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Tố giác, tin báo về tội phạm

  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017

3./ Luật sư trả lời Thế nào thì bị coi là báo án gấp và thời hạn tối thiểu để báo án

Hiện nay pháp luật không có quy định về thời gian tối thiểu để báo án. Chỉ cần thấy có dấu hiệu của tội phạm bạn có thể tố giác với cơ quan có thẩm quyền càng sớm càng tốt. Còn tội vu khống theo quy định của pháp luật hiện hành trong trường hợp của bạn phải có yếu tố bịa đặt. Cụ thể:

Căn cứ theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự:

“1.Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2.Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

3.Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

4.Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5.Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.”

Trong trường hợp của bạn, khi bạn có căn cứ cho rằng người đó có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của bạn thì bạn hoàn toàn có thể gọi điện báo công an, và ngay cả khi công an điều tra ra người này không có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản như bạn đã báo thì bạn cũng sẽ không bị kiện về tội vu khống do lúc bạn báo án bạn hoàn toàn có căn cứ để cho rằng người này có hành vi phạm tội.

Căn cứ Điều 156 Bộ luật Hình sự:

Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. …”

Theo đó, chỉ trừ khi, cơ quan chức năng chứng minh được bạn báo án mà không có căn cứ (thông tin là bịa đặt) thì bạn mới phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

Như vậy, với những thông tin bạn đã cung cấp thì khi có căn cứ cho rằng có tội phạm xảy ra, bạn có quyền báo án mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống khi tội phạm bạn báo án không thực sự xảy ra hoặc sẽ xảy ra.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191