Thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài


Luật sư Tư vấn Luật Giao dịch điện tử – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 29 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài

  • Luật giao dịch điện tử năm 2005
  • Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 106/2011/NĐ-CP).
  • Nghị định 106/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
  • Nghị định số 170/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định 106/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.

3./ Luật sư tư vấn

Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ số chữ ký điện tử và chứng thư điện tử cũng được công nhận, tuy nhiên, các chữ ký điện tử và chứng thư nước ngoài không phải mặc nhiên được sử dụng ở ở Việt Nam như các chữ ký điện tử và chứng thư điện tử được hình thành, xác lập ở Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam mà cần phải đáp ứng các điều kiện nhất định và được Chính phủ Việt Nam thừa nhận. Cụ thể việc thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài ở Việt Nam được pháp luật quy định như sau:

Căn cứ theo Điều 27 Luật giao dịch điện tử về Thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài

“Nhà nước công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài nếu chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử đó có độ tin cậy tương đương với độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử theo quy định của pháp luật. Việc xác định mức độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài phải căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các yếu tố có liên quan khác.”

Quy định này được  hướng dẫn tại Chương 7 Nghị định 26/2007/NĐ-CP, theo đó:

Điều 52 Nghị định 26/2007/NĐ-CP bị thay thế bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 170/2013/NĐ-CP về “Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài”:

“1.Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy công nhận thì chữ ký số và chứng thư số do tổ chức này cấp được công nhận. 

2.Tổ chức được cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện sau: 

a)Quốc gia mà tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đó đăng ký hoạt động có ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có quy định về việc công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài mà Việt Nam có tham gia; 

b)Thành lập và hoạt động hợp pháp tại quốc gia mà tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài đăng ký hoạt động; 

c)Đáp ứng Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc các tiêu chuẩn quốc tế về chữ ký số được Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình thẩm tra hồ sơ xác định có độ an toàn thông tin tương đương; 

d)Có văn phòng đại diện tại Việt Nam.”

Điều 53 Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định về “hồ sơ cấp giấy công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài” bị thay thế bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 106/2011/NĐ-CP theo đó, hồ sơ đề nghị cấp giấy công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được lập thành 06 bộ (02 bộ gốc và 04 bộ sao) gồm:

+Đơn đề nghị công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài theo mẫu.

+Bản nội dung gốc và bản dịch ra tiếng Việt của điều ước quốc tế có quy định về việc công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài mà Việt Nam có ký kết hoặc tham gia với quốc gia nơi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đó đăng ký hoạt động.

+Bản sao hợp lệ (có công chứng hoặc một hình thức chứng nhận hợp pháp khác) giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số tại nước sở tại.

+Giấy chứng nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đang hoạt động được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp trong vòng 03 tháng trước ngày nộp hồ sơ đăng ký.

+Các tài liệu kỹ thuật chứng minh độ tin cậy của chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài đó cấp không thấp hơn độ tin cậy của chữ ký số và chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam, tối thiểu phải đáp ứng các tiêu chuẩn thuộc Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

+Bản sao hợp lệ giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Như vậy, chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài được thừa nhận nếu đáp ứng được độ tin cậy, đảm bảo đúng quy trình thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam và theo tiêu chuẩn quốc tế, điều ước quốc tế.

Với những tư vấn về câu hỏi Thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191