Vi phạm nghĩa vụ khi tham gia hụi, họ

Vi phạm nghĩa vụ khi tham gia hụi, họ

Gia đình tôi và chị A cùng tham gia hụi. Chị A đã lấy tiền hụi trước nhưng các tháng sau thì không đóng hụi lại cho gia đình tôi. Sau đó chị A tuyên bố vỡ nợ, và nói rằng tham gia hụi giúp một người khác, người đó cũng thừa nhận là có việc đó. Hiện tại số tiền gia đình tôi đã đóng cho hụi là khoảng 50 triệu đồng. Tôi phải làm đơn khởi kiện gửi đến đâu?

Gửi bởi: võ tô thái bảo

Trả lời có tính chất tham khảo

Ðiều 479 Bộ luật Dân sự quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:

– Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

– Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Khi gia đình bạn và chị A cùng tham gia hụi đã tự thỏa thuận với nhau về số người, số tiền tham gia, về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia… Theo thông tin bạn cung cấp thì có thể hiểu rằng, mỗi tháng gia đình bạn và chị A cùng đóng một số tiền hụi nhất định, rồi cho một người lấy hụi trước, các tháng sau người đó vẫn phải tiếp tục đóng hụi để cho những người khác được lấy. Chị A đã lấy tiền hụi trước nên chị A có nghĩa vụ tiếp tục đóng hụi vào các tháng sau để gia đình bạn được lấy hụi.

Sau khi vỡ nợ, việc chị A nói rằng chị A tham gia hụi giúp người khác là không có căn cứ chứng minh. Vì chị A đã trực tiếp thỏa thuận với gia đình bạn về việc tham gia, trực tiếp lấy tiền hụi nên chị A phải là người có quyền, nghĩa vụ đối với gia đình bạn và những người tham gia hụi khác. Nếu đúng là chị A tham gia giúp người khác thì phải có sự thỏa thuận với những người tham gia hụi ngay từ ban đầu và phải có ủy quyền của người đó cho chị A thay mặt mình tham gia hụi.

Hiện nay, nếu chị A không thể thực hiện nghĩa vụ góp tiền hụi thì gia đình bạn có thể thỏa thuận với chị A về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ. Nếu không thỏa thuận được hoặc chị A cố tình không đóng hụi thì gia đình bạn có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết.

Khi khởi kiện, chị bạn phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự:

– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

– Tên, địa chỉ của người bị kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Gia đình bạn có thể gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

– Nộp trực tiếp tại Toà án;

– Gửi đến Toà án qua bưu điện.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: CTV3

1900.0191