Vi phạm thời gian cam kết trong đặt hàng giữa 2 công ty

Câu hỏi của khách hàng: Vi phạm thời gian cam kết trong đặt hàng giữa 2 công ty

Công ty A gửi giá bán đơn hàng cho công ty B, giá muốn bán là 800 kg chất lượng loại 1 có mẫu sản phẩm kèm theo với giá là 800k/1kg nếu công ty B muốn mua thì trả lời trước ngày 15/2/2018 nếu công ty B muốn mua thì chúng tôi sẽ giao hàng vào ngày 19/2/2018
ngày 3/2/2018 công ty B gửi công văn phúc đáp lại cho công ty A nhưng với giá 750k/1kg công văn này công ty A nhận được vào ngày 9/2/2018, nhưng cũng chính ngày 9/2/2018 công ty B lại thay đổi ý định gửi ngay 1 công văn thứ 2 theo đường hỏa tốc và nói chúng tôi chấp nhận mua với giá 800k/1kg.
công văn này công ty A nhận được vào ngày 12/2/2018. Ngày 14/2/2018 công ty A đã bán toàn bộ số mực trên cho 1 công ty C
cho hỏi công ty B có bắt công ty A phải bồi thường thiệt hại được hay không?
mong mọi người giúp đáp.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 16/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giá trị của lời đề nghị giao kết hợp đồng

Bộ luật dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Vi phạm thời gian cam kết trong đặt hàng giữa 2 công ty

 Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận. Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc giao kết hợp đồng, trong đó,  đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định. Cụ thể, trong trường hợp này, công ty A đã đề nghị giao kết hợp đồng với Công ty B, được thể hiện qua những việc sau:

-Gửi giá bán đơn hàng cho công ty B với giá muốn bán là 800k/kg chất lượng loại 1.

-Đề nghị công ty B trả lời trước ngày 15/02/2018 và thời gian giao hàng vào ngày 19/02/2018 nếu Công ty B đồng ý.

Vào ngày 03/02/2018, trước thời hạn mà Công ty A đưa ra, Công ty B đã gửi công văn phúc đáp sẽ chấp nhận mua hàng với giá 750k/kg, công ty A nhận được vào ngày 09/02/2018. Tuy nhiên, công ty A không trả lời về việc có đồng ý bán với mức giá 750k/1kg không nên về mặt pháp lý, lời đề nghị giao kết hợp đồng mà công ty A gửi cho công ty B vẫn có giá trị đến hết ngày 15/02/2018.

Nhưng cũng chính ngày 09/02/2018 công ty B lại gửi ngay 01 công văn thứ 2 theo đường hỏa tốc và đồng ý mua với mức giá 800k/kg. Công văn này được công ty A nhận được vào ngày 12/02/2018, tức là  Công ty  A đã biết về việc công ty B đồng ý với mức giá này. Tuy nhiên ngày 14/02/2018, công ty A đã bán toàn bộ số mực trên cho công ty C.

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 386 Bộ luật dân sự quy định về “Đề nghị giao kết hợp đồng”:

 “… 2.Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.”

Đồng thời, Điều 390Điều 391 Bộ luật dân sự quy định về việc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng và việc chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng:

Điều 390. Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng

Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.”

 “Điều 391.Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1.Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;

2.Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;

3.Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

4.Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

5.Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;

6.Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.

 Trong trường hợp này, Công ty A đã đưa ra lời đề nghị giao kết là Công ty B trả lời trước ngày 15/02/2018. Sau khi Công ty B trả lời và gửi công văn hỏa tốc thì Công ty A nhận được trước ngày hết thời hạn đã nêu ra. Nếu công ty A muốn hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng thì phải thông báo cho Công ty B biết và thông báo này chỉ có hiệu lực khi Công ty B nhận được thông báo trước khi Công ty B chấp nhận mua mực. Đề nghị giao kết hợp đồng của công ty A chỉ được chấm dứt khi Công ty B trả lời không chấp nhận hoặc hết thời hạn (ngày 15/02/2018) mà công ty B không trả lời hoặc Công ty A và Công ty B thỏa thuận trong thời hạn Công ty A chờ câu trả lời từ công ty B.

Tuy nhiên công ty A lại giao kết hợp đồng với Công ty C trong thời gian này (vẫn thuộc thời gian chờ Công ty B trả lời) nên công ty A phải bồi thường thiệt hại do việc này gây ra.

Nếu muốn hủy đề nghị giao kết Công ty A phải thông báo cho Công ty B và được công ty B chấp thuận. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phát sinh của công ty A được xác định theo thiệt hại trên thực tế do việc không giao được hàng gây ra.

Tóm lại, trong trường hợp trên, nếu công ty A không chứng minh được việc công ty đã thông báo cho công ty B biết về việc không chấp nhận giá 750k/1kg mà công ty B đưa ra trước khi nhận được văn bản chấp nhận mua của công ty B thì công ty A sẽ phải bồi thường thiệt hại do việc không cung cấp hàng gây ra cho công ty B.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191