Vụ kiện đơn giản, giấy tờ rõ ràng thì thời hạn xử lý trong bao lâu

Câu hỏi của khách hàng: Vụ kiện đơn giản, giấy tờ rõ ràng thì thời hạn xử lý trong bao lâu

Chào mọi người và các anh chị luật sư, tháng trước tôi có gửi đơn kiện lên tòa án Quận 3 đòi tiền công ty CT phương nam, địa chỉ của nó ở Leman nguyễn đình chiểu, công ty con của CT Group. Vụ kiện của tôi rất đơn giản, có giấy tờ trả tiền rõ ràng, nội dung cũng không có gì phức tạp nghĩa vụ trả tiền của bọn nó là rất rõ ràng. Tôi đã đóng án phí và hoàn tất các thủ tục, tòa triệu tập 2 lần nó vẫn không lên. Tôi đọc trong luật thì tối đa 6 tháng có thể đòi được tiền, nhưng thẩm phán nói có thể kéo dài 1 năm, vì hồ sơ kiện tụng trên quận rất nhiều không thể xét xử nhanh được. Tôi không hiểu vì sao vụ kiện của tôi rất đơn giản rõ ràng như vậy mà phải làm gì kéo dài tới 1 năm. Còn theo luật tối đa 6 tháng tôi nghĩ là đề phòng với những vụ kiện phức tạp, vụ của tôi rất đơn giản con nít đọc vô cũng hiểu mà làm gì lâu vậy trời. Luật pháp việt nam như vậy thảo nào bọn lừa đảo mới lộng hành như vậy.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 01/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thời hạn giải quyết vụ án tranh chấp dân sự

  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
  • Luật Khiếu nại năm 2011

3./ Luật sư trả lời Vụ kiện đơn giản, giấy tờ rõ ràng thì thời hạn xử lý trong bao lâu

Theo thông tin bạn cung cấp, đây là vụ án tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, việc giải quyết tranh chấp phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trong đó, bạn hiện đang thắc mắc về thời gian giải quyết tranh chấp của bạn kể từ khi Tòa án ra quyết định thụ lý vụ án.

Căn cứ Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thời hạn xét xử:

“1.Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a)Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; …

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. …”

Theo đó, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án (từ thời điểm thụ lý hồ sơ đến  thời điểm đưa vụ án ra xét xử) nhiều nhất là 04 tháng trong trường hợp bình thường và có thể kéo dài không quá 2 tháng nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

Tuy nhiên, việc vụ án có tính chất phức tạp hay đơn giản là do chính Chánh án nhận định. Việc kéo dài thời gian quá 06 tháng mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật chỉ đúng khi có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án (do thời gian kéo dài do tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án không được tính vào thời hạn chuẩn bị xét xử).

Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:

“1.Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a)Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;

b)Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;

c)Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;

d)Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;

đ)Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;

e)Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;

g)Theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản;

h)Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

Ngoài những trường hợp trên thì việc kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì theo quy định tại Khoản 4 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa (trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng).

Bên cạnh đó, sau khi có quyết định/bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp, việc thực hiện nghĩa vụ theo bản án cũng không được thực hiện luôn mà có một thời hạn để các chủ thể kháng cáo, kháng nghị, và khi có kháng cáo/ kháng nghị mà Tòa án chấp nhận thì thời hạn để giải quyết dứt điểm tranh chấp còn bị kéo dài hơn nữa.

Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp không phải bao giờ cũng được hoàn thành trong một phiên họp nên việc giải quyết tranh chấp cũng có thể bị kéo dài trong bước này do bị đơn không hợp tác hay do các trở ngại khách quan khác.

Trong trường hợp của bạn, mặc dù theo quan điểm của bạn thì vụ án này là một vụ án đơn giản, rõ ràng nhưng để giải quyết dứt điểm vụ án của bạn, để bị đơn phải trả tiền cho bạn theo bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì pháp luật không có thời hạn về việc giải quyết mà chỉ có thời hạn của từng giai đoạn trong việc chuẩn bị xét xử, tổ chức phiên tòa xét xử,… Nói cách khác, mặc dù thời hạn tối đa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là 06 tháng nhưng việc giải quyết tranh chấp hết thời gian bao lâu còn phụ thuộc vào nhìn nhận của chủ thể có thẩm quyền, sự hợp tác của các đương sự,… mà không bắt buộc phải xét xử trong trong thời hạn 06 tháng hay trong một thời hạn nào khác.

Như vậy, với những chi tiết bạn đưa ra, pháp luật không quy định thời hạn để giải quyết xong tranh chấp của bạn nhưng nếu bạn nhận thấy các chủ thể có thẩm quyền áp dụng sai thủ tục tố tụng dân sự thì bạn có thể khiếu nại hành vi đó tới các chủ thể có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191