Xử lý trong trường hợp mẹ bị ép ký giấy trả nợ thay bố khi người bố đã mất

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Xử lý trong trường hợp mẹ bị ép ký giấy trả nợ thay bố khi người bố đã mất

Xin chào các luật sư, bố em có vay nợ của 1 số người, tổng  số tiền vay nợ là khoảng hơn 50 triệu đồng, bố em vừa bị tai nạn và mất tuần trước, tài sản cũng không có gì để lại cho em và mẹ. Trong đám tang, gia đình người đó sang và đòi nợ. Em và mẹ chỉ có 1 mình nên không dám cãi họ, mẹ em có bị họ ép lập, ký và điểm chỉ 1 giấy trả nợ thay. Em đã tố cáo công an nhưng họ bảo đây là dân sự và là tự nguyện nên họ không can thiệp. Giờ em đã lo xong cho bố, mẹ em khóc rất nhiều và nói sẽ bán hết vật dụng trong nhà cùng gia súc để trả nợ nhưng sợ vẫn chưa đủ. Em rất băn khoăn vì nếu bố em nợ thật thì mẹ con em sẽ cố gắng trả tuy nhiên đến lúc bố em mất họ mới đến đòi và không có ai đối chứng nên không biết bố em có nợ thật không, giờ lại có thêm giấy nợ của mẹ em thì liệu gia đình em có bất lợi không, em muốn nhờ pháp luật bảo vệ thì phải làm như thế nào.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 13 tháng 09 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Hợp đồng vô hiệu

Bộ luật Dân sự năm 2015

3./ Luật sư tư vấn

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định- đây là định nghĩa của hợp đồng vay tài sản trong Bọ luật Dân sự. Qua quy định này thì hợp đồng vay tài sản phải là sự thỏa thuận giữa các bên, tức là các bên phải hoàn toàn tự nguyện trong việc giao kết hợp đồng, trong trường hợp việc giao kết hợp đồng không được thực hiện trên sự tự nguyện của một trong hai bên thì:

Căn cứ Điều 127 Bộ luật Dân sự quy định về “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”:

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. …”

Yếu tố lừa dối trong giao dịch dân sự được hiểu là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Còn yếu tố đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự được hiểu là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Mà khi có một trong các yếu tố trên khi xác lập giao dịch dân sự thì bên xác tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc đe dọa, cưỡng ép có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đã xác lập do bị lừa dối hoặc đe dọa, cưỡng ép là vô hiệu, khi đó, các bên trong giao dịch sẽ không có nghĩa vụ phải thực hiện thỏa thuận trên, các bên phải hoàn trả lại những gì đã nhận cho bên kia theo quy định. Theo Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch này là vô hiệu là 02 năm, kể từ ngày người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối; Hoặc người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép.

Khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự quy định:

“1.Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu. …

Theo đó, các quy định đã được nêu trên với giao dịch dân sự cũng được áp dụng để làm căn cứ xác định một hợp đồng vô hiệu.

Trong trường hợp của bạn, việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu là của Tòa án (thường là cấp huyện). Tuy nhiên, do đây là vụ dân sự nên việc chứng minh bên kia có hành vi lừa dối hoặc đe dọa, cưỡng ép trong việc xác lập giao dịch là của bên khởi kiện nên bạn cần có những văn bản, tài liệu chứng minh việc có hành vi lừa dối hoặc đe dọa, cưỡng ép. Yếu tố lừa dối hoặc đe dọa, cưỡng ép có thể được chứng minh bằng các văn bản ghi nhận có sự việc này của người làm chứng, của chính đương sự, bằng hoàn cảnh cụ thể khi có xác lập hợp đồng (như chênh lệch về số lượng người của các bên, yếu tố tâm lý khi xác lập hợp đồng này,…).

Còn về hợp đồng vay của bố bạn với những người này có tồn tại không thì bạn có thể yêu cầu họ chứng minh việc vay này có xảy ra bằng các giấy tờ như hợp đồng vay nợ giữa bố bạn và những người nay hay các tài liệu chứng minh khoản vay,… Trong trường hợp bố bạn thực sự có vay của những người này và hợp đồng trả nợ thay của mẹ bạn đã được tuyên vô hiệu thì nghĩa vụ trả nợ sẽ được chuyển cho những người thừa kế hàng thứ nhất theo quy định của pháp luật (khi bố bạn không để lại di chúc), mỗi người này sẽ có trách nhiệm trả khoản nợ trên như nhau và số tiền trả nợ của mỗi người bị giới hạn trong số tài sản mà chính họ nhận thừa kế từ bố bạn. Hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” (điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự), tương ứng trong trường hợp của bạn là mẹ bạn và bạn. Theo đó, mẹ bạn và bạn sẽ phải chịu số tiền mà bố bạn chưa trả trong phạm vi đã nhận thừa kế nếu bố bạn để lại di sản cho cả hai người.

Ngoài ra, trong trường hợp khoản vay này của bố bạn được vay sử dụng cho việc chung của gia đình thì nghĩa vụ trả nợ được liên đới cho mẹ của bạn, tức là trong trường hợp này mẹ bạn sẽ phải trả toàn bộ số tiền nợ.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mẹ bạn đã ký là vô hiệu, việc chứng minh trong hợp đồng này là các tài liệu, văn bản chứng minh có sự việc này xảy ra. Còn việc gia đình bạn có nghĩa vụ trả nợ hay không còn tùy thuộc vào thỏa thuận của gia đình bạn với bên kia, nếu không thỏa thuận được thì bên kia có thể yêu cầu Tòa giải quyết nhưng họ phải chứng minh được bố bạn có vay họ và chưa trả hết số nợ.

Với những tư vấn về câu hỏi Xử lý trong trường hợp mẹ bị ép ký giấy trả nợ thay bố khi người bố đã mất, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191