Yêu cầu gia đình hàng xóm chuyển địa điểm chuồng trâu ra khỏi khu vực nhà ở

Câu hỏi của khách hàng: Tư vấn về việc yêu cầu gia đình hàng xóm chuyển địa điểm chuồng trâu ra khỏi khu vực nhà ở

Nội dung câu hỏi : Gia đình nhà hàng xóm em có nuôi trâu nên xây dựng một chuồng trâu . Vị trí của chuồng trâu nằm sát vách với khu vực nhà ở của gia đình em . Do nhà hàng xóm nuôi trâu nên các chất thải thu được , họ phơi và thu gom để ngay sát khu vực nhà em . Việc này gây ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của gia đình em . Vậy xin Luật sư tư vấn có cách nào để di chuyển chuồng trâu ra khỏi khu vực sinh hoạt của gia đình em không . Em xin cảm ơn !

Luật sư Tư vấn – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành,các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./Thời điểm tư vấn: 06/06/2019

2./Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề 

  • Luật bảo vệ môi trường 2014
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình,

3./Luật sư trả lời 

Ở khu vực gia đình bạn sinh sống , gia đình hàng xóm xây dựng chuồng trâu ngay sát khu vực nhà ở của gia đình bạn . Ngoài ra , họ còn phơi  các chất thải của động vật gây mất vệ sinh ảnh hưởng tới gia đình bạn .

Căn cứ khoản 6 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định về “ Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình ’’ thì :

“… 6.Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn.”

Theo đó , các hộ gia đình khi nuôi trâu phải có những công trình vệ sinh , chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để bảo đảm vệ sinh, an toàn. Khi hộ gia đình có các hành vi nuôi gia súc, gia cầm mà không thực hiện việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi, các chủ thể đó sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP  quy định xử lý vi phạm về giữ gìn vệ sinh chung:

“Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung

1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: …

d)Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng; …

e)Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.

3.Biện pháp khắc phục hậu quả:

a)Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Điểm b, c, d, đ, e Khoản 1 và Điểm b, d Khoản 2 Điều này; …”

Theo đó, hành vi của những hộ gia đình có nuôi trâu mà không thực hiện đúng các quy định trên là hành vi vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tùy vào hành vi cụ thể trong trường hợp bạn đưa ra, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Trường hợp đặc biệt, vi phạm cả điểm d và điểm e Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì chủ thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo đó, khi hàng xóm của bạn có hành vi chăn nuôi trâu gây mất vệ sinh trong khu dân cư gây ảnh hưởng tới gia đình bạn và những hộ xung quanh thì bạn có thể tố cáo hành vi này tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để yêu cầu xử lý.

Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như sức khỏe của gia đình bạn, bạn nên làm đơn tường trình gửi tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu giải quyết. Việc yêu cầu cũng có thể làm đơn tập thể nếu như những hộ xung quanh cũng có chung ý kiến như gia đình của bạn.

Với những tư vấn trên,Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191