Mức độ mâu thuẫn để được ly hôn

Mức độ mâu thuẫn để được ly hôn, điều kiện về mâu thuẫn khi ly hôn, mâu thuẫn thế nào thì được phép ly hôn. Có lẽ trên đây là những câu hỏi rất khó để hình dung một khuôn mẫu nhất định. Với từng mâu thuẫn cụ thể có thể là quá sức chịu đựng với người này nhưng lại là bình thường với người khác. Vậy dựa vào đâu để Tòa án đưa ra được quyết định đã đủ điều kiện và cho phép ly hôn. Chúng tôi sẽ cùng làm rõ trong nội dung bài viết dưới đây.

Nếu có nhu cầu bạn có thể tham khảo thêm bài viết:

Ly hôn là gì

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Ly hôn có hai loại chính đó là ly hôn thuận tình và ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Thông thường việc xét tới yếu tố “mâu thuẫn” sẽ chỉ được đặt nặng đối với ly hôn theo yêu cầu một bên, do khi thuận tình ly hôn các bên đều đã thống nhất tất cả các quan điểm và không cần tới sự nhận định của Tòa án.

Mức độ mâu thuẫn để được ly hôn
Mức độ mâu thuẫn để được ly hôn

Mâu thuẫn khi ly hôn

Mâu thuẫn để dẫn tới ly hôn trong thực tiễn rất đa dạng, có thể là ngoại tình, quan điểm sống khác nhau, tính tình không hợp, sức ép của cuộc sống, kinh tế, bạo hành, lối sống, thói quen tư duy và vô vàn những lý do khác trong cuộc sống thường nhật hàng ngày.

Những mâu thuẫn này tích tụ lâu ngày, không được giải quyết, dần thành trở ngại, xa cách và gây ra những rạn nứt trong tình cảm. Và tất nhiên, hậu quả ly hôn là lẽ tất yếu xảy đến.

Mức độ mâu thuẫn thế nào thì coi là đủ điều kiện ly hôn

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Như vậy, có 3 căn cứ để cân nhắc mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng đó là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng”, “đời sống chung không thể kéo dài” và “mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Thứ nhất, chúng ta xem xét yêu cầu “mâu thuẫn làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng”.

Vậy thế nào được coi là trầm trọng?! Có rất nhiều quan điểm trong quá trình thực tiễn xét xử, nhưng đa phần nghiêng về quan điểm sau. “Tình trạng trầm trọng” là một trạng thái được đánh giá bằng chính nhận thức của những người trong cuộc. Pháp luật ở yếu tố này tôn trọng sự quyết định cũng như giới hạn chịu đựng riêng cho mỗi cặp vợ chồng. Những mâu thuẫn xảy ra dù ít hay nhiều, nhưng nếu bản thân người vợ, người chồng vì thế mà cảm thấy tổn thương nặng nề và không còn muốn duy trì cuộc sống hôn nhân nữa thì đã đủ điều kiện “trầm trọng” để có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Thứ hai, chúng ta xem xét yêu cầu “mâu thuẫn làm cho đời sống chung không thể kéo dài”.

Ở đây cần làm rõ yếu tố “không thể kéo dài”. Vậy khi nào thì cuộc sống chung sẽ không thể kéo dài. Đó là khi việc tiếp tục sống chung sẽ gây ra những hậu quả có thể lường trước. Ví dụ như việc bạo hành, đe dọa tính mạng, các hành vi cố tình xâm phạm quyền và lợi ích của vợ/chồng. Những tình huống này hay xảy ra đối với những vụ việc ly hôn vì yếu tố vợ/chồng có lối sống không lành mạnh, cờ bạc, rượu chè, tiền án tiền sự. Tòa án sẽ cân nhắc dựa trên hồ sơ được cung cấp, quá trình chung sống và lý lịch của đương sự để đưa ra quyết định cuối cùng. Kết luận cuộc sống hôn nhân có thể kéo dài nữa hay không.

Thứ ba, chúng ta xem xét yêu cầu “mâu thuẫn làm cho mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Mục đích hôn nhân là gì. Theo quy định Chương III về Quan hệ vợ chồng tại Luật hôn nhân và Gia đình 2014 có đưa ra mục đích hôn nhân như sau:

  • Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình
  • Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
  • Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
  • Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau.
  • Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
  • Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Những điều được liệt kê trên đây được coi là mục đích của hôn nhân và giá trị của gia đình. Nếu vì một lý do nào đó mà những giá trị này không còn được lưu giữ, thì sẽ được coi là mục đích hôn nhân không đạt được. Và là căn cứ để Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn đơn phương của vợ hoặc chồng.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về căn cứ Mức độ mâu thuẫn để được ly hôn. Xin cảm ơn bạn đã theo dõi.

Trân trọng!

1900.0191