Luật Tiếp công dân năm 2013 – Cơ sở pháp lý quan trọng góp phần đổi mới công tác tiếp công dân và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

Luật Tiếp công dân năm 2013 – Cơ sở pháp lý quan trọng góp phần đổi mới công tác tiếp công dân và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

14/04/2014

Tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta. Trong những năm qua, công tác tiếp công dân đã thu được những kết quả nhất định như: Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiến nại tố cáo. Nhiều nơi đã lập trụ sở, ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, bố trí công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, đầu tư cơ sở, trang thiết bị cho trụ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức và trụ sở tiếp công dân của các cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nhà nước ta cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật về công tác tiếp công dân (như Quy chế Tổ chức tiếp công dân ban hành kèm theo Nghị định số 89/CP ngày 7/8/1997 của Chính phủ), trong đó quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của trụ sở, bộ phận làm công tác tiếp dân. Nhưng giữa những văn bản này còn có nội dung chưa thống nhất; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, của công chức trong hoạt động tiếp công dân chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng; tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với người tiếp công dân chưa được quy định cụ thể.

Để góp phần đổi mới công tác tiếp công dân, nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngày 25/11/2013 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp công dân. Với 9 chương, 36 điềuLuật Tiếp công dân được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn tình hình tiếp công dân, kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Nghị định số 89/CP ngày 08/7/1997 về ban hành Quy chế Tổ chức tiếp công dân và các văn bản pháp luật khác quy định về vấn đề này.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp công dân trong giai đoạn hiện nay, Luật Tiếp công dân được coi là đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất về tổ chức và hoạt động tiếp công dân. Theo đó, Luật quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trách nhiệm của người tiếp công dân; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị; điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân; quy định về tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ngoài những nội dung chính nêu trên, Luật Tiếp công dân còn quy định về nguyên tắc tiếp công dân, quản lý công tác tiếp công dân, các hành vi bị nghiêm cấm, những trường hợp được từ chối tiếp công dân. Cụ thể:

Thứ nhất,nguyên tắc tiếp công dân

Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Việc tiếp công dân phải được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời, thủ tục đơn giản, thuận tiện, giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật, bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Thứ hai,về trách nhiệm tiếp công dân

Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm: Chính phủ; Bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục và tổ chức tương đương, cục; Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước; Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Căn cứ vào quy định của Luật Tiếp công dân, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội quy định về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình; Chính phủ quy định cụ thể việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ ba,về các hành vi bị cấm khi tiếp công dân

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi tiếp công dân không được: (i) Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; (ii) Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; (iii) Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; (iv) Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; (v) Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; (vi) Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.

Thứ tư,về quyền và nghĩa vụ của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đồng thời cũng xác định rõ các nghĩa vụ của họ trong thực hiện các quyền này, Điều 7 Luật quy định khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền như: Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân; nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch. Ngoài ra, công dân còn có các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Để đảm bảo thiết lập trật tự, kỷ cương tại nơi tiếp công dân và ngăn chặn trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự công cộng, khoản 2 Điều 7 quy định nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bao gồm: Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân; trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Thứ năm,về trách nhiệm của người tiếp công dân

Nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động tiếp công dân, Luật quy định người tiếp công phải có trách nhiệm: Bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định; Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc; Có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân; Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu,trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác tiếp công dân

Trên thực tế, ở một số nơi, người đứng đầu cơ quan chưa thật sự quan tâm đến công tác tiếp dân, chưa nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác này, Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của họ như sau:

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình, gồm: Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân; phân công cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân; có trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân; báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Hai là, trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.

Ba là, thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau đây: Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bốn là, khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.

Có thể nói sự ra đời của những quy định này góp phần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh, qua đó nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ bảy,trách nhiệm tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung

Vấn đề phối hợp xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Do vậy, Luật dành Chương VII quy định về trách nhiệm tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung. Theo đó, quy định cụ thể về việc cử người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung (Điều 29); tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân (Điều 30); trách nhiệm phối hợp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Điều 31); trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (Điều 32).

Ngoài những nội dung cơ bản nêu trên, Luật Tiếp công dân còn quy định về quản lý công tác tiếp công dân; những trường hợp được từ chối tiếp công dân; vấn đề tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân.

Có thể nói, Luật Tiếp công dân đã quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân, hi vọng rằng, Luật đi vào cuộc sống sẽ góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn về công tác tiếp công dân; xây dựng được cơ chế hữu hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh một cách đầy đủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân.

Quốc Khánh

Tham khảo thêm:

1900.0191