Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại

Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại

22/01/2013

Thực hiện Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội khóa XII, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh.

Sau 03 năm Nghị định 61 ra đời, các Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên được thành lập (tháng 05/2010), đến nay bước đầu đã đạt được những thành công nhất định.

Thời gian qua, các Văn phòng Thừa phát lại đã tổ chức thi hành xong 26 việc, thu hồi được 7.318.317.993 đồng, với số phí là 359.966.280 đồng, chiếm 2,09% doanh thu; tiến hành xác minh điều kiện thi hành án 147 việc, thu được 682.550.000 đồng, chiếm 3,98% doanh thu. Tuy nhiên, do là một định chế mới, trong quá trình hoạt động, các Văn phòng Thừa phát lại gặp không ít những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án. Một trong những nguyên nhân chính là những quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chưa được xây dựng đầy đủ và hoàn thiện.

Nhằm góp phần nâng cao hiệu lực và hoàn thiện hơn nữa chức năng tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng Thừa phát lại Quận 10 đề xuất một số vấn đề sau:

1. Hoàn thiện pháp luật về chức năng tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại

Công tác tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại liên quan đến nhiều ngành khác nhau (Tòa án, Viện kiểm sát, công an, cơ quan thi hành án dân sự, ngân hàng, cơ quan thuế, Trung tâm đăng ký quyền sử dụng đất…). Vì vậy, để Thừa phát lại hoạt động có hiệu quả, về mặt thể chế, cần phải đảm bảo ba yêu cầu: (i) Văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại phải là văn bản có giá trị pháp lý cao, cụ thể là đạo luật của Quốc hội; (ii) Phải có sự đồng bộ của các ngành luật liên quan như: Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Thuế, Luật Luật sư, Luật Công chứng…; (iii) Phải có hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành một cách cụ thể.

Tuy nhiên, với tính chất là một định chế đang trong thời gian thí điểm, khó có thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, nhưng hệ thống văn bản hiện hành làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của Thừa phát lại có giá trị pháp lý chưa cao, vì vậy, trong giai đoạn này, khi chưa thể ban hành ngay Luật về Thừa phát lại, kiến nghị Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép áp dụng về mặt nguyên tắc các quy định trong các đạo luật hiện hành cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, cần phải ban hành Luật về Thừa phát lại theo hướng cụ thể hóa tất cả các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong Luật, bao gồm cả những quy phạm liên quan đến Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế… Khi các đạo luật này được sửa đổi, bổ sung, thì quy định thêm các quyền, nghĩa vụ của Thừa phát lại tương ứng trong Luật.

Qua quá trình 02 năm thực tiễn hoạt động, chúng tôi nhận thấy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chức năng tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại như sau:

1.1. Về chức năng tổ chức thi hành án

Trong bối cảnh Ngành Thi hành án luôn quá tải, thì chức năng tổ chức thi hành án được xem như định hướng để chia sẻ bớt gánh nặng của ngành thi hành án hiện nay. Để đánh giá hiệu quả của việc thí điểm, không thể nào xem nhẹ hiệu quả tổ chức thi hành án của Thừa phát lại. Tuy nhiên, việc tổ chức thi hành án hiện nay còn gặp phải một số khó khăn cần phải tháo gỡ:

Thứ nhất, số việc thi hành án hiện nay các Văn phòng Thừa phát lại đang thụ lý rất ít so với tiềm năng. Điều này do người dân chưa biết nhiều đến thẩm quyền tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại. Mặc dù công tác tuyên truyền liên tục được đẩy mạnh, nhưng hiệu quả thực tế chưa cao. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp xem xét kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao bổ sung vào biểu mẫu bản án, quyết định nội dung “Bản án, quyết định có thể được thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự Quận X hoặc Văn phòng Thừa phát lại quận X…”.

Thứ hai, về phạm vi địa hạt thi hành án quá hẹp

Số việc thi hành án hiện nay các Văn phòng Thừa phát lại đang thụ lý rất ít so với tiềm năng một phần là do phạm vi thẩm quyền tổ chức thi hành án theo địa bàn quận, huyện quá hẹp. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 61 theo hướng quy định thẩm quyền tổ chức Thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức thi hành án đối với toàn bộ các bản án, quyết định của Tòa án các cấp tại TP. Hồ Chí Minh như là thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án hiện tại.

Thứ ba, về việc rút đơn yêu cầu thi hành án từ cơ quan thi hành án dân sựsang Văn phòng Thừa phát lại

Thực tế có nhiều trường hợp người dân đang có đơn yêu cầu thi hành án tại cơ quan thi hành án dân sự, nay có yêu cầu rút đơn để chuyển sang thi hành án tại Văn phòng Thừa phát lại. Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể trường hợp này. Để giải quyết thực tiễn nói trên, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Công văn số 2099/TCTHA-NV1 ngày 23/7/2010 hướng dẫn “đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉthi hành án do người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án thì sau đó họ vẫn có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành”. Tuy nhiên, về lâu dài, cần quy định cụ thể nội dung này trong Luật. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hậu quả pháp lý, cũng như giải quyết các vấn đề về thanh, quyết toán theo giai đoạn thi hành án đã thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi thi hành trên thực tế.

Thứ tư, về cơ chế ủy thác

Hiện nay pháp luật chưa quy định về việc ủy thác giữa Văn phòng Thừa phát lại với các cơ quan thi hành án và ngược lại. Vậy trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại đang tổ chức thi hành án mà phát sinh các tài sản ở các địa phương khác hoặc bản án, quyết định đang tổ chức thi hành ở địa phương khác, mà phát hiện tài sản tại TP. Hồ Chí Minh, mà đương sự có yêu cầu ủy thác cho Văn phòng Thừa phát lại thụ lý, thì hiện nay chưa có hướng xử lý. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này trong thời gian tới.

1.2. Về chức năng xác minh điều kiện thi hành án

Thứ nhất, về nghĩa vụ cung cấp thông tin

Mặc dù Nghị định 61 có quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện lại gặp nhiều vướng mắc do các cơ quan này viện dẫn luật chuyên ngành. Mặc khác, dù một số luật được ban hành sau Nghị định 61, nhưng quá trình xây dựng pháp luật lại thiếu đồng bộ.

Ví dụ: Luật Các tổ chức tín dụng, ban hành ngày 16/6/2010, tức là ban hành sau Nghị định 61, nhưng trong quy định về bảo mật thông tin tại Điều 14 chỉ quy định cung cấp thông tin theo “yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.

Bên cạnh đó, một số cơ quan nhà nước có cách hiểu quá máy móc về luật chuyên ngành, mà không quan tâm đến chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại đã được quy định cụ thể trong Nghị định 61, dẫn đến trường hợp từ chối cung cấp thông tin. Ví dụ: Vụ Pháp chế của Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 7102/NHNN-PC ngày 09/9/2011 hướng dẫn Ngân hàng Vietcombank, cho rằng không có cơ sở pháp lý để thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại về việc cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản vì Văn phòng Thừa phát lại hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, không phải là cơ quan nhà nước.

Vì vậy, như đã trình bày ở trên, Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép áp dụng về mặt nguyên tắc các quy định trong các đạo luật hiện hành cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại để đảm bảo các chức năng của Thừa phát lại được thực hiện một cách đầy đủ.

Thứ hai, về thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án

Hiện nay Nghị định 61 mới chỉ cho phép thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà không đề cập đến thẩm quyền xác minh trong quá trình khởi kiện tại Tòa án nhằm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tránh tẩu tán tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, cần quy định thêm thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại ngay trong giai đoạn khởi kiện, hoặc tiền khởi kiện để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong giai đoạn khởi kiện.

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của thừa phát lại

Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Thừa phát lại trong hoạt động tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án, cần phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Thừa phát lại, để người dân được biết bên cạnh cơ quan thi hành án dân sự, người dân còn có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án, đồng thời có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án để cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành.

Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại. Mặc dù Thừa phát lại là những người đã đủ điều kiện để bổ nhiệm chức danh tư pháp, được bồi dưỡng về nghiệp vụ tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ Thừa phát lại hiện nay chưa thể so sánh với đội ngũ chấp hành viên nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thi hành án. Vì vậy, cần thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho Thừa phát lại để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án.

Mặc khác, trong thời gian chưa có chương trình đào tạo Thừa phát lại chuyên biệt, cần có cơ chế cho phép Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại được tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ chấp hành viên do Học viện Tư pháp tổ chức.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Văn phòng Thừa phát lại và các cơ quan thi hành án dân sự trong việc phối hợp tổ chức thi hành án, sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án do Thừa phát lại cung cấp, nhằm thực hiện nhiệm vụ chung của Ngành Thi hành án.

Bên cạnh đó, từng bước xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Văn phòng Thừa phát lại và các ngành hữu quan như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất… để Thừa phát lại thực hiện tốt các chức năng của mình.

Thứ tư, các Văn phòng Thừa phát lại phải phát huy tính chủ động, tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đến người dân thông qua nguồn lực xã hội hóa, chứng minh tính hiệu quả của mình qua thực tiễn tổ chức thi hành án cụ thể, đồng thời luôn tích cực học tập để nhanh chóng bắt kịp trình độ của chấp hành viên, tạo sự tin tưởng từ phía Nhà nước và nhân dân, hoàn thành sứ mệnh của mình.

ThS. Nguyễn Tiến Pháp

Tham khảo thêm:

1900.0191