Nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp ở Việt Nam

Nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp ở Việt Nam

28/12/2015

1. Đặt vấn đề

Phát triển khu công nghiệp là tất yếu ở nước ta với mục tiêu tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, tập trung các nguồn thải ô nhiễm vào khu vực nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hiện trạng môi trường trong các khu công nghiệp đang diễn biến xấu đi, tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung, trong khu công nghiệp nói riêng có vai trò quan trọng đối với việc răn đe, giáo dục chủ thể vi phạm, lập lại trật tự xã hội và bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc truy cứu trách nhiệm hình sự rất khó khăn, chủ yếu là truy cứu trách nhiệm hành chính. Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện đang có hiệu lực thi hành. Nhằm tăng cường bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, một trong những hoạt động cần tiến hành kịp thời là nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp ở nước ta.

2. Một số vấn đề lý luận về nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp

2.1. Khái niệm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một bộ phận của xử phạt vi phạm hành chính. Khái niệm này được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó,“xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”. Xử phạt vi phạm hành chính là một trong những hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ “quyền lực – phục tùng” giữa một bên có quyền nhân danh nhà nước ra những mệnh lệnh bắt buộc đối với bên kia là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có nghĩa vụ phục tùng các mệnh lệnh đó[1]. Cụ thể, trong quan hệ xử phạt vi phạm hành chính luôn có một bên chủ thể nhân danh quyền lực nhà nước ra những mệnh lệnh đơn phương (quyết định xử phạt), một bên chủ thể là cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật hành chính có nghĩa vụ phục tùng các quyết định xử phạt ấy. Trên cơ sở quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Có thể định nghĩa, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là việc người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2.2. Đặc trưng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp mang những đặc điểm chung của xử phạt vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: Chủ thể xử phạt phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đối tượng bị xử phạt là cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quyết định xử phạt mang tính cá biệt; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, các biện pháp xử lý hành chính khác, thủ tục xử phạt… áp dụng đối với chủ thể vi phạm phải căn cứ theo quy định của pháp luật… Bên cạnh những đặc điểm chung đó, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn mang những đặc trưng riêng. Cụ thể:

Thứ nhất, đối tượng bị xử phạt chủ yếu là các tổ chức, cụ thể là các doanh nghiệp. Khu công nghiệp là nơi tập trung của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp có nhiều hành vi tác động tới môi trường khu công nghiệp và môi trường xung quanh khu công nghiệp. Vì vậy, nếu như ở các khu vực khác như làng nghề, bệnh viện, trường học, khu đô thị…, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể do cả tổ chức, cá nhân thực hiện, thì tại khu công nghiệp, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện.

Thứ hai, chủ thể có thẩm quyền tham gia vào quá trình xử phạt ngoài những chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường còn có sự tham gia của Ban quản lý khu công nghiệp. Hiện nay, chủ thể này được trao quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để phát hiện và xử lý kịp thời những doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, mức xử phạt áp dụng đối với chủ thể vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp thường cao. Chủ thể vi phạm thường là các doanh nghiệp (tổ chức), vì thế, mức phạt tiền áp dụng gấp đôi so với cá nhân có cùng hành vi vi phạm. Mặt khác, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường mức xử phạt thường dựa vào hậu quả mà hành vi gây ra cho môi trường. Hành vi gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thường gây ra hậu quả nghiêm trọng bởi lượng chất thải, đặc biệt chất thải nguy hại do chủ thể này xả thải ra môi trường thường lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp là nơi tập trung sản xuất, doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khác.

2.3. Các yêu cầu của việc nâng cao hiệu quả hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp

Muốn nâng cao hiệu quả công tác thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Các giải pháp đó phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như sau:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn

Hiện nay, không có quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp. Khi xử phạt các chủ thể có hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào các quy định pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đầu tiên để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp là hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nếu không giải quyết được yêu cầu này thì những giải pháp khác không phát huy được tác dụng. Bởi lẽ: Các chủ thể thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật. Khi hoàn thiện hệ thống pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần phải thống nhất với Hiến pháp năm 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Các nhà làm luật cần phải xem xét tình hình thực tế và dự đoán trước những thay đổi trong xã hội để xây dựng các quy phạm pháp luật đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh. Ngoài ra, các quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải thống nhất với nhau. Đặc biệt, các nhà làm luật cần cân nhắc kỹ mức xử phạt sao cho tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Thứ hai, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu xử phạt

Trình độ chuyên môn, đạo đức của cán bộ có thẩm quyền có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả công tác thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Muốn nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật không thể bỏ qua khâu nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp. Vì thế, hàng năm, ngân sách nhà nước cần trích ra một khoản nhất định để chi phí cho hoạt động tập huấn cán bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp. Bên cạnh việc tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn phải chú trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bởi vì, nếu có trình độ chuyên môn nhưng thiếu đạo đức nghề nghiệp thì cán bộ có thẩm quyền cũng không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Văn bản quy phạm pháp luật liên tục được thay thế, sửa đổi, bổ sung và thực tế luôn biến động không ngừng. Một trong những chủ thể cần được quan tâm tập huấn là Ban quản lý khu công nghiệp. Thực tế cho thấy, Ban quản lý khu công nghiệp là chủ thể có điều kiện để phát hiện ra sai phạm kịp thời. Khi Ban quản lý khu công nghiệp được tập huấn về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, họ được nhận thức đầy đủ hơn về quyền và trách nhiệm của mình đối với việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp.

Thứ ba, nâng cao trình độ nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong khu công nghiệp về vai trò của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp và nghĩa vụ chấp hành các quyết định xử phạt

Người dân với tư cách là chủ thể bị gây tổn hại về quyền trong lĩnh vực môi trường. Mặc dù khu công nghiệp tương đối cách biệt với các khu dân cư nhưng môi trường có tính lan truyền nên có thể hành vi gây ô nhiễm môi trường trong khu công nghiệp nhưng vẫn ảnh hưởng tới đời sống dân sinh khu vực xung quanh. Ngoài ra, môi trường là tài sản chung của mọi cá nhân, tô chức trong xã hội. Vì vậy, quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường cũng thuộc mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Doanh nghiệp với tư cách là chủ thể vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khu công nghiệp, bị xử phạt và phải tuân thủ các quyết định xử phạt. Nếu họ nhận thức đúng đắn về vai trò của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, biết được nghĩa vụ của mình là một trong những điều kiện nâng cao tinh thần tự giác thực hiện các quyết định xử lý.

Để nâng cao hiệu quả công tác thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong khu công nghiệp về vai trò của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng trong xã hội.

Thứ tư, phải có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp hợp lý, hiệu quả

Thanh tra, kiểm tra là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp. Bên cạnh vai trò phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra còn có tác dụng phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra tác động đến cả chủ thể vi phạm với lỗi vô ý và chủ thể vi phạm với lỗi cố ý. Đối với chủ thể do thiếu hiểu biết nên đã vi phạm, thì công tác thanh tra, kiểm tra có tác dụng giúp chủ thể này nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp và làm thay đổi hành vi xử sự của chủ thể. Đối với chủ thể có ý thức chống đối lại pháp luật thì công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục và chủ thể dần phải thay đổi hành vi theo hướng thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp ở Việt Nam

Trong thời gian qua, hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp đã thu được nhiều thành tựu đáng kể góp phần giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm, hạn chế. Để nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

3.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hoàn chỉnh, đồng bộ và thống nhất mới tạo tiền đề để nâng cao hiệu quả công tác xử phạt. Trên cơ sở tìm hiểu pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 179/2013/NĐ-CP), tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định pháp luật về xác định thẩm quyền xử lý. Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính cần xác định thứ tự ưu tiên các nguyên tắc. Theo đó, người thụ lý vụ việc đầu tiên có quyền áp dụng các biện pháp xử phạt là nguyên tắc ưu tiên trước để đảm bảo mọi hành vi vi phạm hành chính đều được phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm minh. Tránh tình trạng, trong khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và chủ thể vi phạm vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi gây tổn hại cho môi trường.

Thứ hai, pháp luật cần bổ sung quy định về trả lại Giấy phép môi trường, cho hoạt động trở lại trong trường hợp chủ thể hoàn thành nghĩa vụ khắc phục hậu quả vi phạm sớm. Nên chăng pháp luật quy định theo hướng: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ghi ấn định thời gian cụ thể tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường, thời gian đình chỉ hoạt động trong quyết định xử phạt. Tuy nhiên, nếu thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động đã đủ mức tối thiểu theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét để trả lại Giấy phép môi trường và cho hoạt động trở lại sớm hơn thời hạn đã ấn định (tại thời điểm hoàn thành nghĩa vụ khắc phục hậu quả vi phạm). Quy định như vậy vừa đảm bảo được mục đích răn đe, giáo dục của biện pháp xử phạt này, đồng thời khuyến khích chủ thể vi phạm nhanh chóng khắc phục hậu quả đối với môi trường.

Thứ ba, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có quy định về cam kết bảo vệ môi trường nhưng Luật bảo vệ môi trường năm 2014 không còn quy định về nội dung này, thay vào đó có nội dung quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường. Hiện nay, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP đang được soạn thảo nên chưa có quy định về nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng: Các hành vi vi phạm quy định về thực hiện cam kết bảo vệ môi trường theo Luật bảo vệ môi trường năm 2005 và các hành vi vi phạm quy định về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014 được điều chỉnh tại Điều 8 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thứ tư, Điều 17 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định về hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn. Khoản 8, khoản 9 của Điều này có quy định như sau:

“8. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

9. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA”.

Vậy, trường hợp gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn 40 dBA thì xử phạt như thế nào? Đây là trường hợp thuộc về lỗi kỹ thuật lập pháp, sự thiếu thận trọng trong việc sử dụng từ ngữ dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng. Chủ thể có thẩm quyền không có căn cứ để xử lý những chủ thể gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn 40 dBA.

Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sửa đổi khoản 9 Điều 17 như sau: “Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên” tạo cơ sở để chủ thể có thẩm quyền xử phạt những hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn 40 dBA, tránh tình trạng bỏ lọt vi phạm.

3.2. Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp tại khu công nghiệp

Việc tuyên truyền, giáo dục hướng tới hai đối tượng là người dân và doanh nghiệp tại khu công nghiệp. Vị trí, vai trò trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp của hai chủ thể này là khác nhau nên nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục khác nhau. Đối với người dân, nội dung chính cần tuyên truyền là quyền và nghĩa vụ của họ trong bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường khu công nghiệp nói riêng; trong trường hợp có vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo, người dân cần thực hiện các hành vi hợp pháp gì để bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pkháp của mình. Đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức sẽ có tác dụng theo hai hướng:

Thứ nhất, khi biết được các chế tài nghiêm khắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, họ thường có thái độ cẩn trọng hơn khi khai thác, sử dụng các yếu tố của môi trường để tránh rơi vào trường hợp vi phạm.

Thứ hai, khi đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, họ sẽ tuân thủ nghiêm chỉnh các quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khắc phục những hậu quả đã gây ra cho môi trường. Nội dung tuyền truyền đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp nên chú trọng tới các hành vi bị coi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt…

Hình thức tuyên truyền, giáo dục rất đa dạng như: Đưa vào chương trình học tại các cơ sở giáo dục – đào tạo, phổ biến trên Đài Truyền hình, Truyền thanh của Trung ương và địa phương, thành lập các website, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, treo các băng rôn, áp phích với các khẩu hiệu tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…

3.3. Tập huấn chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng đạo đức cho chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Cơ quan nhà nước có chủ thể được trao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là đơn vị chủ trì việc thực hiện hoạt động tập huấn chuyên sâu về chuyên môn và bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ. Thông thường, trên thực tế, chủ thể có vai trò quan trọng nhất trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan công an, thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường. Vì thế, cơ quan tiến hành tập huấn cán bộ nên là Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan công an, cơ quan thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường. Nội dung cơ bản nhất cần phải tập huấn là các quy định về những hành vi bị coi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các biện pháp xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính khác áp dụng đối với từng hành vi vi phạm, từng chủ thể; giới hạn thẩm quyền của mỗi chủ thể; trình tự, thủ trong kiểm tra, lập biên bản, chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc ra quyết định xử phạt nhằm bảo đảm các vụ việc vi phạm hành trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được xử phạt đúng quy định của pháp luật.

Trong nhiều trường hợp cán bộ có thẩm quyền xử phạt buông lỏng quản lý, để mặc cho chủ thể vi phạm, gây tổn hại cho môi trường. Có trường hợp khác, cơ quan có thẩm quyền đã nhận lợi ích vật chất của chủ thể vi phạm và bao che cho hành vi sai phạm của chủ thể đó. Vì thế, bên cạnh việc tập huấn chuyên sâu về trình độ chuyên môn, còn phải bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Có thể gắn thi đua, khen thưởng đối với cán bộ công chức, viên chức vào vấn đề này. Việc gắn thi đua khen thưởng phải tuân thủ quy định của pháp luật và nên được thể chế hóa thành nội quy, quy chế của mỗi cơ quan.

3.4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai thông tin thực hiện các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp

Cơ quan có thẩm quyền thanh tra cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp. Chúng ta cần lưu ý ở đây, chức năng thanh tra việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khác với thanh tra việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường. Thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa, phát hiện những hành vi gây tổn hại cho môi trường. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt kịp thời, đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng mức và đảm bảo chủ thể bị xử phạt tuân thủ nghiêm chỉnh các quyết định xử phạt. Bên cạnh đó cơ quan có trách nhiệm cần phải xử phạt nghiêm chỉnh những chủ thể vi phạm việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để răn đe, giáo dục chính chủ thể đó và chủ thể khác. Cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan xử phạt vi phạm nêu làm tốt nhiệm vụ của mình sẽ đảm bảo việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiệu quả.

Một giải pháp nữa có thể kể tới đó là tăng cường vai trò của công cụ thông tin. Công khai việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nội dung của việc công khai thông tin là biểu dương những chủ thể thực hiện tốt, phê bình những chủ thể thực hiện chưa tốt, có hành vi sai phạm. Hình thức của việc công khai thông tin khá đa dạng như báo, đài, trang điện tử, bảng tin… Mục đích của việc công khai thông tin nhằm tạo sức ép đối với chủ thể thực hiện chưa nghiêm chỉnh và khuyến khích những chủ thể thực hiện tốt pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đối với khu công nghiệp, chịu trách nhiệm công khai thông tin việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của doanh nghiệp có thể giao cho Ban Quản lý khu công nghiệp.

3.5. Phát huy vai trò của Ban quản lý khu công nghiệp trong kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp

Ban quản lý khu công nghiệp có vai trò đặc biệt trong việc theo dõi, quản lý các doanh nghiệp trên nhiều phương diện, trong đó có việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của Ban quản lý khu công nghiệp trong kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp là cần thiết. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường…) cần có kế hoạch phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp vi phạm. Trong hoạt động này, Ban quản lý khu công nghiệp đóng vai trò:

Một là, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường cùa các doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh khác trong khu công nghiệp.

Hai là, tiếp nhận, giải quyết bước đầu đơn thư khiếu kiện (xác nhận nội dung đơn thư khiếu kiện có đúng hay không) về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp.

Ba là, phối hợp với các cơ quan được trao quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường trong việc thanh tra, kiểm tra (đột xuất hoặc có kế hoạch) việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Bốn là, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có hành vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc phát triển khu công nghiệp là tất yếu trong sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay môi trường trong các khu công nghiệp đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nước ta thời gian qua đã thể hiện vai trò trong công tác đấu tranh phòng, ngừa những hành vi gây tổn hại cho môi trường, lập lại trật tự công bằng xã hội nói chung, tại khu công nghiệp nói riêng. Để đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường khu công nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và một trong những giải pháp là nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

ThS. Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2013, Website: Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, cập nhật thứ 4, ngày 16/10/2013, 02:10;

2. Nguyễn Thị Bình (2015), Nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009), Báo cáo môi trường Quốc gia – Môi trường khu công nghiệp Việt Nam, Hà Nội.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), Thông tư 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Hà Nội.

5. Chính phủ (2009), Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 về xử lí vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Hà Nội.

6. Chính phủ (2013), Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Hà Nội.

7. Chính phủ (2013), Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11 về xử lí vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Hà Nội.

8. Chính phủ (2013), Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/03/2013 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Hà Nội.

9. Chính phủ (2015), Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường năm 2013, Hà Nội.

10. Công ty Hào Dương vẫn chưa chịu nộp hơn 6,3 tỉ đồng tiền bị phạt, Website Tin nhanh về môi trường Việt Nam, cập nhật 21:34:32 PM, ngày 07/01/2015.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội.

12. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính năm 2013 của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, Website: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, cập nhật ngày 14/01/2014.

13. Trần Hồng Hà (2009), Quản lý nhà nước về môi trường – thực trạng và giải pháp, Tạp chí Quản lý nhà nước số 157/2009.

14. Vũ Quốc Huy, Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam, Website: Khu công nghiệp Việt Nam, cập nhật: 26/12/2014, 5:19 CH.

15. Nông Trung Kiên, Kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên môi trường năm 2014, Website: UBND tỉnh Cao Bằng – Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng, cập nhật: Thứ hai ngày 16/02/2015, 10:16.

16. Mai Luận, Khắc phục ô nhiễm môi trường do Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái gây ra, Báo Nhân dân điện tử, cập nhật thứ Tư, ngày 24/09/2014 – 05:09 PM (GMT+7).

17. Quốc hội (2012), Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, Hà Nội

18. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội.

19. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường số 52/2014/QH13, Hà Nội

20. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Hà Nội.

21. Quốc hội (1999), Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10, Hà Nội.

22. Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thái Bình Minh, Website: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai – Sở Tài nguyên và Môi trường, cập nhật ngày 02/7/2014, 3:19:03 CH.

23. Xử lí nghiêm các doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lí môi trường, Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, cập nhật ngày 28/06/2012, 10:33:00 AM.

24. Xử lý nghiêm doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, Báo Nhân dân điện tử, Cập nhật thứ Ba, ngày 06/01/2015, 12:49PM (GMT+7).

25. Xử lý vi phạm về môi trường: Tìm “thuốc giải”!, Cổng thông tin POPS Việt Nam, cập nhật ngày 12/04/2013, 10:09:00 SA.



[1]Trường Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb. Công an Nhân dân, Tr.21.

Tham khảo thêm:

1900.0191