Sự tham gia của Viện kiểm sát trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn

Sự tham gia của Viện kiểm sát trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn

15/09/2015

Bản dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi được trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vừa qua diễn ra vào tháng 5/2015 . Một trong số những nội dung được xây dựng hoàn toàn mới trong dự thảo Bộ luật này chính là việc bổ sung chế định thủ tục rút gọn (TTRG) giải quyết vụ án dân sự. Hàng loại các vấn đề được đặt ra, đó là vai trò của Viện kiểm sát (VKS) trong các vụ án dân sự được áp dụng TTRG có gì khác so với các vụ án dân sự giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường, pháp luật tố tụng dân sự (TTDS) sẽ quy định vấn đề này như thế nào, sự tham gia phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của VKS trong các vụ án dân sự có cần thiết hay không…

Theo quan điểm của chúng tôi, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi sắp tới nên quy định cụ thể về vai trò kiểm sát trong TTDS. Theo đó, vai trò này có thể thông qua việc kiểm tra, giám sát các giai đoạn của quá trình tố tụng bằng nghiên cứu hồ sơ, thực hiện hành vi yêu cầu, kiến nghị và đặc biệt là kháng nghị theo quy định của pháp luật (quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành) và chỉ tham gia giới hạn trong một số phiên tòa. Chính vì vậy, không cần có sự tham gia của đại diện VKS trong các phiên tòa sơ thẩm đối với vụ án được giải quyết theo TTRG và đại diện Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên tòa phúc thẩm trong trường hợp có kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát.

1. Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự

Khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013[1] quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Ở đại đa số các nước trên thế giới, cơ quan công tố không có vai trò trong các vụ án dân sự. Tuy nhiên ở Việt Nam, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì VKS có nhiệm vụ “thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”.

Đối với chức năng “kiểm sát hoạt động tư pháp” của VKS được quy định trong các đạo luật về tố tụng. Phạm vi pham gia của VKS trong hoạt động TTDS vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong quá trình lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, có ý kiến nêu rằng VKS thực hiện việc giám sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án chỉ nên thông qua quyền năng kháng nghị. Nhưng có quan điểm khác cho rằng nên giữ nguyên quy định sự tham gia của VKS như tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, cụ thể: “Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần”.

Như vậy, dựa trên nền tảng nguyên tắc hiến định, nguyên tắc kiểm sát hoạt động xét xử trong TTDS nói chung và trong việc xét xử theo TTRG nói riêng là vấn đề phụ thuộc vào quy định của pháp luật TTDS.

2. Sự tham gia của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm giải quyết theo thủ tục rút gọn

Vai trò, chức năng của VKS trong TTDS nói chung và tại phiên tòa sơ thẩm được quy định cụ thể tại Điều 21, Điều 207 và Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, VKS tham gia hầu hết các phiên tòa sơ thẩm (khoản 2 Điều 21).

Phiên tòa sơ thẩm có thể bị hoãn nếu vắng mặt đại diện VKS trong các trường hợp VKS phải có mặt (quy định tại Điều 207 và Điều 208). Hoạt động của VKS tại phiên tòa sơ thẩm thể hiện qua bước “hỏi” của phiên tòa, tiếp theo đó tại bước “tranh luận”. VKS chỉ phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án mà không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án (theo quy định tại Điều 234).

Như vậy, đối với các phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự nói chung hiện nay (trong đó có các vụ án dân sự có tiêu chí để áp dụng TTRG), theo quy định tại khoản 2 Điều 21 có thể nhận thấy, hầu hết các phiên tòa này đều phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát (vì đối với vụ án mà Tòa án thu thập chứng cứ là khá phổ biến trong thực tiễn xét xử hiện nay). Vì vậy, lẽ dĩ nhiên, nếu đại diện VKS vắng mặt thì Tòa án phải hoãn phiên tòa.

Xung quanh vấn đề cần quy định về sự tham gia của VKS trong các phiên tòa sơ thẩm dân sự hiện nay còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Có quan điểm cho rằng, cần có sự tham gia của VKS trong tố tụng dân sự theo như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện nay để cơ quan này kiểm sát tất cả các hành vi tố tụng của Tòa án và những người tham gia tố tụng trước, trong và sau khi tòa diễn ra. Vì theo yêu cầu của cải cách tư pháp, hoạt động xét xử tại phiên tòa, phiên họp là trọng tâm trong giải quyết các vụ việc dân sự. Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, phiên họp. Do đó, nếu VKS không tham gia phiên tòa, phiên họp sẽ không giải quyết tốt được quyền kiểm sát của mình. Có ý kiến chỉ rõ rằng: “Trong các phương thức kiểm sát thì hoạt động kiểm sát tại phiên tòa là phương thức hiệu quả nhất. Nếu chỉ tham gia nghiên cứu hồ sơ, quyết định, bản án thì VKS rất khó phát hiện vi phạm. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn”[2].

Quan điểm khác ngược lại cho rằng, việc quy định VKS tham gia các phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự như hiện nay là không cần thiết. Chính điều này trên thực tế đã làm cho nhiều phiên tòa sơ thẩm phải bị hoãn vì lý do vắng mặt của VKS. Ngoài ra, không quy định bắt buộc phải có đại diện VKS tham gia các phiên tòa sơ thẩm cũng không làm mất đi hoặc hạn chế quyền giám sát hoạt động tư pháp của VKS. Bởi lẽ, theo quy định hiện nay, VKS có thể thực hiện quyền kiểm sát của mình thông qua kiểm tra hồ sơ vụ án để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị hoặc yêu cầu (theo quy định tại khoản 1 Điều 21).

Như vậy, cần cân nhắc bản chất vụ việc dân sự cốt là ở hai bên đương sự tự định đoạt[3] khi xem xét vấn đề có cần thiết quy định sự tham gia của VKS ở mức độ nào. Nên chăng giới hạn sự tham gia của VKS trong các phiên tòa sơ thẩm, đặc biệt đối với những vụ án áp dụng TTRG[4] nhằm tránh sự can thiệp quá sâu và không cần thiết của VKS và tránh việc kéo dài thời hạn giải quyết tranh chấp. Đây là vấn đề cần phải được cân nhắc, xem xét và quy định cho phù hợp bởi lẽ “nếu có VKS tham gia là vi phạm nguyên tắc lợi ích tư đang được tố tụng thế giới tôn trọng. Nếu cho VKS tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm dân sự chỉ để nhận định về tố tụng xem tòa xử đúng hay sai thì không có ý nghĩa”[5].

Trong thực tiễn xét xử khá nhiều các vụ án dân sự nói chung đã có sự thừa nhận hoàn toàn nghĩa vụ từ phía bị đơn nhưng Tòa án vẫn phải gửi hồ sơ cho VKS nghiên cứu và chỉ có thể tiến hành phiên tòa khi có mặt của VKS. Nhưng trên thực tế, qua nghiên cứu của chúng tôi, với tính chất của các vụ án như vậy thì “đóng góp” của VKS dường như rất hạn chế. Khi tham gia vụ án này tại phiên tòa sơ thẩm, ý kiến của VKS cũng chỉ giới hạn như sau: “Qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án thấy rằng Thẩm phán đã thực hiện đúng nội dung quy định tại Điều 41 Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án về thẩmquyền thụ lý vụ án, xác định tư cách pháp lý và mối quan hệ của những người tham gia tố tụng cũng như thời hạn gửi các văn bản tố tụng, hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu”.

Như vậy, việc gửi hồ sơ cho VKS nghiên cứu và sự tham gia của VKS tại phiên tòa cũng chỉ giới hạn ở việc kiểm tra các trình tự, tố tụng đã tuân thủ hay chưa chứ không có ý kiến gì về nội dung và đề xuất về phương án giải quyết vụ án vì bị đơn đã thừa nhận nghĩa vụ ngoài việc VKS có thể cho ý kiến về tính hợp pháp của các yêu cầu khởi kiện.

Thiết nghĩ, khi giải quyết những vụ án dân sự có tiêu chí áp dụng TTRG như khi bị đơn đã thừa nhận hoàn toàn nghĩa vụ nhưng vì nhiều lý do khác nhau bị đơn không thực hiện nghĩa vụ nhưng Tòa án vẫn phải tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, vẫn phải bảo đảm việc hòa giải cho dù đa số trường hợp mang tính hình thức… Đặc biệt vẫn phải bảo đảm sự tham gia của VKS mà vai trò và sự đóng góp không thực sự là cần thiết trong những trường hợp này.

Dự thảo của Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi hoàn toàn không đề cập đến sự tham gia của VKS tại phiên tòa sơ thẩm có áp dụng đặc thù của các vụ án áp dụng TTRG. Theo quy định tại Điều 22 của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự về nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS vẫn ghi nhận hai phương án sửa đổi: Một phương án giữ nguyên như Điều 21 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành[6] và một phương án khác thu hẹp sự tham gia của VKS trong các phiên tòa sơ thẩm[7]. Tuy nhiên, cả hai phương án đều không quy định đối với vụ án áp dụng TTRG thì VKS có tham gia phiên tòa sơ thẩm hay không.

Tác giả cho rằng để hài hòa giữa việc bảo đảm nguyên tắc hiến định là Viện kiểm sát thực hiện chức năng giám sát hoạt động xét xử và hiệu quả công tác xét xử, nên xác định vai trò tham gia của VKS tại giai đoạn sơ thẩm đối với các vụ án được giải quyết theo TTRG ở mức đủ để bảo đảm việc thực hiện chức năng giám sát của VKS.

Như vậy, đối với các vụ án dân sự áp dụng TTRG, thì ở cấp sơ thẩm vai trò của VKS chỉ nên giới hạn trong việc thực hiện quyền kiểm sát của mình thông qua kiểm tra hồ sơ vụ án để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị hoặc yêu cầu (theo quy định tại khoản 1 Điều 21). Bởi lẽ, các vụ án được giải quyết theo TTRG thì về cơ bản các tình tiết của vụ án đã rõ, cũng không phức tạp kể cả về mặt xác định sự thật khách quan của vụ án và áp dụng pháp luật nên VKS không cần thiết phải tham gia phiên tòa để giám sát trực tiếp hoạt động xét xử của Tòa án.

Như vậy, nếu lựa chọn phương án giữ nguyên như quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, khi đó vụ án áp dụng TTRG mà đáp ứng một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21thì vẫn phải có sự tham gia của VKS tại phiên tòa sơ thẩm để giải quyết đối với vụ án đó. Chúng tôi cho rằng, quy định này là không phù hợp. Quan điểm của chúng tôi, dù có lựa chọn phương án nào cho sự tham gia của VKS tại các phiên tòa dân sự nói chung thì cũng không thể áp dụng tương tự cho những vụ án dân sự áp dụng TTRG.

3. Về vai trò và phạm vi tham gia của Viện kiểm sát tại cấp phúc thẩm

Theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Tố tụng dân sự (tương ứng với Điều 293 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi), kiểm sát viên VKS cùng cấp phải tham gia các phiên tòa phúc thẩm. Cũng tương tự như sự phân tích vai trò của VKS khi thực hiện chức năng kiểm tra và giám sát hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động TTDS nói riêng. Theo tác giả, nếu theo hướng quy định hạn chế sự tham gia của VKS ở thủ tục sơ thẩm thì cần thiết ở phiên tòa phúc thẩm cũng cần phải có quy định hạn chế sự tham gia của VKS. Chúng tôi cho rằng, không nên quy định đại diện VKS tham gia phiên tòa phúc thẩm trừ trường hợp việc xét xử phúc thẩm được thực hiện do có kháng nghị của VKS.

Khác với sự tham gia của VKS tại phiên tòa sơ thẩm không được quy định cụ thể, Điều 321 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi hiện nay đã có ghi nhận rõ về việc VKS chỉ tham gia phiên tòa phúc thẩm khi có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với vụ án áp dụng TTRG. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quy định này.

Kết luận

Khi xây dựng các quy định liên quan đến việc tham gia của VKS trong quá trình tố tụng giải quyết những vụ án dân sự áp dụng TTRG cần nghiên cứu và sửa đổi để làm sao vừa bảo đảm vai trò và chức năng kiểm sát của VKS trong TTDS nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc tự do quyết định và định đoạt của đương sự trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự nói chung và đặc biệt làm sao để đảm bảo cho việc giải quyết những vụ án dân sự có tiêu chí để áp dụng TTRG được nhanh chóng, rút gọn thời gian mà vẫn hiệu quả và đảm bảo công lý.

Từ đây, chúng tôi nhận thấy cần xem xét và cân nhắc khi quy định sự tham gia của VKS tại các phiên tòa dân sự áp dụng TTRG tại Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi sắp tới, làm sao đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu công lý với quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; tránh việc kéo dài thời hạn giải quyết tranh chấp gây lãng phí thời gian, chi phí cho các đương sự và cho toàn xã hội. Cụ thể, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 21 và khoản 2 Điều 264 Bộ luật Tố tụng dân sự (tương ứng Điều 232, Điều 22 và khoản 5 Điều 321 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi) về sự tham gia phiên tòa của VKS đối với những vụ án áp dụng TTRG theo hướng VKS chỉ tham gia phiên tòa phúc thẩm trong trường hợp có kháng nghị của VKS.

Đặng Thanh Hoa



[1]Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp này vào ngày 28/11/2013.

[2]Xem ý kiến phát biểu của Nguyễn Xuân Thủy, “Viện Kiểm sát cần có mặt tại tòa dân sự” trên trang web http://www.thesaigontimes.vn/131616/Dai-bieu-QH-Vien-Kiem-sat-can-co-mat-tai-toa-dan-su.html.

[3]Xem ý kiến phát biểu của Nguyễn Thị Hoài Phương, Sửa đổi bộ luật tố tụng dân sự: Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa dân sự, không cần thiết? trên trang web https://luatminhkhue.vn/dan-su/sua-doi-bo-luat-to-tung-dan-su-vien-kiem-sat-tham-gia-phien-toa-dan-su,-khong-can-thiet-.aspx.

[4]Điều 314 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: “1. Tranh chấp có giá trị dưới 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Vụ án đơn giản, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ rõ ràng, đủ cơ sở giải quyết Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; b) Các đương sự đều có nơi cư trú rõ ràng; c) Không có yếu tố nước ngoài;

2. Tranh chấp có giá trị từ 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) trở lên được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Các đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ rõ ràng và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; b) Các đương sự đều có nơi cư trú rõ ràng; c) Không có yếu tố nước ngoài; d) Các đương sự đề nghị hoặc đồng ý áp dụng thủ tục rút gọn”.

[5]Xem ý kiến phát biểu của Nguyễn Thị Hoài Phương, Sửa đổi bộ luật tố tụng dân sự: Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa dân sự, không cần thiết? trên trang webhttps://luatminhkhue.vn/dan-su/sua-doi-bo-luat-to-tung-dan-su-vien-kiem-sat-tham-gia-phien-toa-dan-su,-khong-can-thiet-.aspx.

[6]… 2. Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần; 3. Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

[7]… 2. Viện kiểm sát nhân dân tham giacácphiên tòasơ thẩm đối với những vụ án đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần; 3. Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa phúc thẩm đối với các vụ án mà Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm và những vụ án mà Viện kiểm sát kháng nghị, phiên họpgiám đốc thẩm, tái thẩm.

Tham khảo thêm:

1900.0191