Tập huấn về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Tập huấn về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

10/12/2013

 Ngày 30/11 và ngày 01/12 năm 2012, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tham dự Hội nghị có đại diện UN Women và các chuyên gia, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đại diện một số địa phương. Tiến sĩ Trần Văn Quảng – Phó Trưởng ban Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành Tư pháp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì Hội nghị.

Trong 02 ngày làm việc, Hội nghị đã tập trung vào những nội dung cơ bản như: (1) Những nội dung cơ bản của Công ước loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử của phụ nữ (Cedaw) và việc thực hiện Công ước tại Việt Nam; (2) Giới thiệu Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Thông tư hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (3) Báo cáo về việc lồng ghép bình đẳng giới trong dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); (4) Việc thực hiện Công ước Cedaw trong Ngành Tư pháp.

 

1. Những nội dung cơ bản của Công ước Cedaw và việc thực hiện Công ước tại Việt Nam

1.1. Những nội dung cơ bản của Công ước Cedaw

Ngày 18/12/1979, Công ước Cedaw đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phê chuẩn. Ngày 03/9/1981, sau khi nước thứ 20 thông qua, Công ước bắt đầu có hiệu lực. Công ước được chia thành 4 phần chính, cụ thể:

(i) Các cam kết chung về mặt nội dung (Điều 1 – 5 và Điều 24)

Công ước khẳng định tất cả các hình thức phân biệt đối xử đều bị lên án. Các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp, kể cả biện pháp pháp luật nhằm đảm bảo cho phụ nữ được thực hiện, thụ hưởng các quyền con người và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng với nam giới.

Phần này cũng bao gồm các quy định áp dụng cho toàn bộ Công ước, đó là khung khái niệm của Công ước với các nội dung chính như: Không phân biệt đối xử; bình đẳng thực chất; nghĩa vụ quốc gia.

– Không phân biệt đối xử: Phải xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử giữa phụ nữ và nam giới, nghiêm cấm phân biệt đối xử với phụ nữ dù là trực tiếp hay gián tiếp.

– Bình đẳng thực chất:

Khuyến nghị chung số 25 của Ủy ban Cedaw đã đưa ra một số hướng dẫn về vấn đề bình đẳng thực chất:

+ Bình đẳng thực chất là bảo đảm bình đẳng về kết quả: Việc bảo đảm bình đẳng không chỉ đơn thuần về cơ hội hay trong tiếp cận, mà yêu cầu phải bình đẳng thực sự về kết quả. Kết quả cuối cùng là phụ nữ được thụ hưởng các quyền của mình trên nhiều lĩnh vực. Khi cần thiết, các nước có thể áp dụng những ưu đãi đối với phụ nữ bằng các biện pháp đặc biệt tạm thời, nhằm thúc đẩy nhanh bình đẳng trên thực tế mà không bị coi là phân biệt đối xử với nam giới, nhưng biện pháp này sẽ phải được chấm dứt ngay khi các mục tiêu bình đẳng đạt được, nhằm tránh sự phân biệt đối xử ngược lại với nam giới.

+ Cần tính đến sự khác biệt giữa giam và nữ: Bình đẳng cần phải xem xét sự khác nhau cả về mặt sinh học (giới tính) và xã hội – văn hóa (giới). Trong những hoàn cảnh nhất định, cần đưa ra cách đối xử không giống nhau giữa nam và nữ nhằm giải quyết sự khác biệt và đạt được bình đẳng thực chất.

+ Sự cần thiết phải tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ có thể thực thi và thụ hưởng các quyền của mình.

– Nghĩa vụ quốc gia: Trách nhiệm bảo đảm bình đẳng và xóa bỏ phân biệt đối xử cần phải được cả quốc gia và phi quốc gia tôn trọng, nhưng quốc gia có trách nhiệm trước hết trong việc thực hiện các nghĩa vụ trong Công ước, chịu trách nhiệm giải trình trực tiếp đối với các vi phạm điều ước. Tất cả các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) không phân biệt cơ quan nhà nước ở trung ương hay ở địa phương đều có nghĩa vụ đối với Công ước Cedaw.

(ii) Các lĩnh vực nội dung cụ thể (Điều 6 – 16): Bao gồm những cam kết riêng cho từng lĩnh vực cụ thể.

(iii) Ủy ban Công ước Cedaw và cơ chế giám sát (Điều 17 – 22): Quy định việc thành lập, thành phần, cơ cấu, số lượng, chức năng cơ chế làm việc của Ủy ban Cedaw; quy trình báo cáo; quy định về cơ sở ban hành các kết luận cuối cùng và khuyến nghị chung.

(iv) Các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và giải thích Công ước (Điều 23, 25 – 30): Quy định về cách thức để một quốc gia có thể trở thành một quốc gia thành viên của Công ước, cách giải thích Công ước, …

1.2. Việc thực hiện Công ước Cedaw tại Việt Nam

Việt Nam đã tích cực tham gia vào việc xây dựng, thông qua và đã ký Công ước Cedaw vào ngày 29/7/1980, phê chuẩn Công ước Cedaw ngày 17/02/1982. Với tư cách là quốc gia thành viên Cedaw, Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế của mình. Đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc và các quy định của Công ước Cedaw. Đặc biệt, Việt Nam đã có đạo luật riêng nhằm thực hiện những nội dung cốt lõi của Công ước này, đó là Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; đạt được những kết quả quan trọng trong sự nghiệp bình đẳng giới trên các bình diện của đời sống xã hội, nâng cao được vị thế của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong hoạt động xã hội. Để đạt được các kết quả này, bài học lớn nhất được rút ra trong 6 năm qua đó là sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm giữa các cấp chính quyền, bộ máy vì sự tiến bộ phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh vì quyền bình đẳng của phụ nữ, vẫn còn nhiều trở ngại trên con đường đi tới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến việc thực hiện Công ước Cedaw do Việt Nam là một nước đang phát triển, nguồn lực còn nhiều khó khăn và hạn chế.

* Một số khó khăn, tồn tại khi thực hiện các điều của Công ước Cedaw

Thứ nhất, định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến, tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi phụ nữ phải gắn với vai trò nội trợ, chăm sóc gia đình dẫn đến thiếu sự chia sẻ trách nhiệm giữa nam giới và nữ giới trong công việc gia đình và hoạt động xã hội; trong cộng đồng một số dân tộc thiểu số còn tồn tại khá nhiều phong tục tập quán lạc hậu (đa thê, kết hôn sớm, tục cướp vợ, tục nối dây…) làm cản trở không nhỏ đến sự tiến bộ của phụ nữ. Để khắc phục tồn tại này, Nhà nước đang tăng cường áp dụng nhiều biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn về bình đẳng giới; khuyến khích duy trì phong tục, tập quán tốt đẹp, loại bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu…

Thứ hai, cán bộ một số cơ quan nhà nước khi xử lý vụ việc còn chưa quan tâm nhiều đến việc áp dụng các quy định của pháp luật bình đẳng giới. Do đó,ngoài việc phổ biến, tuyên truyền, tập huấn thì Nhà nước cũng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

Thứ ba, hệ thống quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở Việt Nam mới được hình thành sau khi có Nghị định số 186/2007/NĐ-CP, quản lý nhà nước về bình đẳng giới được giao cho Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội nên đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới hầu hết còn kiêm nhiệm, còn thiếu về số lượng, hạn chế kiến thức chuyên môn về giới, kỹ năng lồng ghép giới. Do đó, chúng ta cần phải hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này để có thể hoàn thành tốt yêu cầu đặt ra.

2. Giới thiệu Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Thông tư hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

2.1. Giới thiệu Bộ công cụ lồng ghép giới

Bộ công cụ lồng ghép giới trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho những người tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng văn bản QPPL thực hiện việc lồng ghép bình đẳng giới từ khâu lập chương trình đến khâu thông qua dự án, dự thảo.

Bộ công cụ gồm 03 phần cơ bản: Các vấn đề chung về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL; Lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản QPPL; Bộ câu hỏi kiểm tra kỹ thuật việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL.

– Các vấn đề chung về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL

Ở phần vấn đề chung, Hội nghị đã nhấn mạnh một trong những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới đó là đối với biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (hay biện pháp đặc biệt tạm thời trong Cedaw) và biện pháp bảo vệ bà mẹ thì mặc dù chỉ áp dụng cho một giới nhưng không bị coi là phân biệt đối xử về giới. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 và cần lưu ý là, biện pháp này chỉ được thực hiện trong một thời gian nhất định và phải chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được. Biện pháp bảo vệ bà mẹ được quy định tại một số điều khoản trong Luật Bình đẳng giới.

– Lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản QPPL

Việc thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trong các giai đoạn: Lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL; Xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL, bao gồm các công đoạn soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản QPPL; Xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản QPPL.

– Bộ câu hỏi kiểm tra kỹ thuật việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL

Hội nghị đã được giới thiệu về bộ câu hỏi để giải quyết 3 vấn đề chính là xác định vấn đề giới trong dự án, dự thảo; giải quyết vấn đề giới trong dự án, dự thảo và tổ chức thực hiện. Trong đó những câu hỏi được tập trung tập huấn gồm:

+ Cần xem xét có hay không các quy định pháp luật thể hiện sự phân biệt đối xử về giới (bất bình đẳng pháp lý)?

Vấn đề giới do quy định của pháp luật thì giải quyết bằng con đường pháp lý, phải sửa đổi, bổ sung quy định đó. Nếu vấn đề giới do nguyên nhân khác (do thực hiện pháp luật, do yếu tố tập tục, văn hóa, kinh tế, xã hội…) thì giải quyết bằng các biện pháp phù hợp.

+ Tác động của các quy định đối với 2 giới như thế nào?

Các quy định pháp luật nếu không tác động như nhau đối với 2 giới tức là đã có sự bất bình đẳng trên thực tế. Do đó cần phải tìm nguyên nhân để giải quyết vấn đề này.

+ Có phát sinh vấn đề gì mới về giới hay không?

Có thể do các yếu tố kinh tế, xã hội làm phát sinh vấn đề giới mới.

Ví dụ: Quy định một số ngành nghề cấm hoặc hạn chế sử dụng lao động nữ nhằm bảo vệ bà mẹ, trẻ em, nhưng đến nay do điều kiện kinh tế – xã hội, kỹ thuật… đã được cải thiện, phụ nữ có thể đủ điều kiện thực hiện công việc, khi đó quy định này lại trở thành rào cản cơ hội việc làm của phụ nữ, tạo ra vấn đề bất bình đẳng giới mới.

+ Có hay không quy định bảo vệ quyền bà mẹ, trẻ em?

2.2. Thông tư hướng dẫn lồng ghép giới

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư để hướng dẫn thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL. Thông tư điều chỉnh về nội dung xem xét, đánh giá về bình đẳng giới trong dự kiến chính sách, dự thảo văn bản và thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản QPPL.

Đối với thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản QPPL, nhiều đại diện địa phương lo ngại rằng, ở đây đã có sự phát sinh thêm quy trình mới và việc tách ra nhiều công đoạn nhỏ như vậy sẽ gây khó khăn cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây không phải là quy trình mới, mà chỉ là bổ sung đầy đủ thêm nội dung vào quy trình đã có từ trước và khi thực hiện nhuần nhuyễn, chúng ta sẽ thấy một quy trình liền mạch mà không phải ngắt đoạn.

3. Báo cáo về việc lồng ghép bình đẳng giới trong dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi)

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã đạt được nhiều kết quả tốt về vấn đề bình đẳng giới như góp phần quan trọng vào việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, các luật có liên quan về bình đẳng giới, loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân gia đình..; tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và hợp lý về bình đẳng giới, đặc biệt là quyền của phụ nữ, trẻ em… Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế đáng chú ý như:

Thứ nhất, một số quy định liên quan đến bình đẳng giới còn mang tính hình thức, không thực chất hoặc không khả thi.

Ví dụ, việc quy định phải ghi tên cả hai vợ chồng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản chung, về hình thức đã bảo đảm bình đẳng giới về sở hữu, nhưng trên thực tế lại rất khó thực hiện. Tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam (đặc biệt là ở nông thôn) thường thấp hơn so với chồng, nên đàn ông thường nắm giữ tài sản lớn trong gia đình và họ sẽ đứng tên sở hữu một mình nếu họ muốn điều đó.

Đối với vấn đề này, có ý kiến cho rằng, luật nên quy định cho vợ, chồng được lựa chọn việc ghi tên trong giấy tờ sở hữu mà không bắt buộc phải ghi tên cả hai người, khi đó dù giấy tờ sở hữu có tên một người thì suy đoán đó vẫn là tài sản chung trừ trường hợp chứng minh được đó là tài sản riêng. Quy định như vậy sẽ bảo vệ được quyền sở hữu của người phụ nữ, đặc biệt là ở nông thôn.

Thứ hai, một số quan hệ liên quan đến hôn nhân và gia đình có nhạy cảm giới chưa được Luật quy định cụ thể, như:

– Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn chưa được Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cụ thể nên vấn đề giới gần như chưa được xem xét đến trong các quan hệ này, đặc biệt đối với phụ nữ và con.

Tình trạng sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn đã và đang tồn tại tương đối phổ biến trong xã hội, chủ yếu tập trung ở những vùng dân tộc thiểu số, nông thôn, học vấn thấp, lứa tuổi hơn 50.

– Luật chưa quy định cụ thể quyền của vợ chồng được lựa chọn chế độ tài sản trong hôn nhân, nên phụ nữ thường bị thiệt thòi do phụ thuộc vào tập quán… (ví dụ, tỷ lệ chồng đứng tên giấy tờ sở hữu tài sản lớn thường cao hơn nhiều so vớivợ).

Thứ ba, Luật chưa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan (ví dụ, chưa quy định vợ chồng bình đẳng trong các quan hệ xã hội ngoài gia đình trong khi Luật Bình đẳng giới có quy định vấn đề này…).

Vì vậy, trong dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), ngoài việc kế thừa và phát triển các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã bảo đảm tốt vấn đề giới và bình đẳng giới, chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tốt hơn việc thực hiện lồng ghép bình đẳng giới, khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên.

Cũng tại Hội nghị, đã có đại biểu phản ánh tình trạng xảy ra tại địa phương mình như sau: Đứa trẻ sinh ra mà cha mẹ không có đăng ký kết hôn, khi chưa khai sinh cho con thì người mẹ đã bỏ đi biệt tích. Trường hợp này, pháp luật không quy định rõ ràng để có thể áp dụng khai sinh cho trẻ được thuận lợi, nên có khi trẻ sắp đi học mà vẫn chưa có giấy khai sinh. Tại địa phương, cán bộ tư pháp – hộ tịch đã thường phải vận dụng pháp luật (khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch: “… Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”; khoản 2 Điều 13 Nghị định 158: “Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh”…) thì mới giải quyết khai sinh cho những trẻ em đó được. Do đó, người cha rất bức xúc, họ có thể cho rằng điều đó là không bình đẳng, vì nếu người mẹ đi khai sinh cho con dù không xác định được cha cũng được quy định cụ thể (khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP), tạo thuận lợi, tại sao đối với người cha đi khai sinh cho con trong trường hợp này lại gặp khó khăn, rắc rối. Vì vậy, trước mắt thì cán bộ tư pháp – hộ tịch vẫn tiếp tục vận dụng pháp luật để giải quyết những trường hợp tương tự, nhưng việc sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp với thực tiễn cũng cần được đặt ra.

4. Việc thực hiện Công ước Cedaw trong Ngành Tư pháp

Trong bài phát biểu về việc thực hiện Công ước Cedaw trong Ngành Tư pháp, Tiến sĩ Trần Văn Quảng cho biết, hiện nay cán bộ, công chức, viên chức nữ trong Ngành đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng là nữ chiếm tỷ lệ cao và thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, điều hành không kém nam giới. Đặc biệt, nhiều cán bộ nữ còn khá trẻ, nhưng khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã khẳng định được năng lực của bản thân. Tuy nhiên, so với tỷ lệ nữ trong Ngành, thì tỷ lệ lãnh đạo là nữ vẫn còn khiêm tốn. Do đó, Tiến sĩ hy vọng rằng các nữ cán bộ của Ngành tiếp tục cố gắng hơn nữa, tự tin và giúp đỡ hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Cũng tại Hội nghị tập huấn, Tiến sĩ Trần Văn Quảng đã nhấn mạnh vai trò của các cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm bình đẳng giới khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng và thẩm định văn bản QPPL. Tiến sĩ khẳng định Bộ công cụ lồng ghép giới sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện hơn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Công ước Cedaw tại Việt Nam nói chung và trong Ngành Tư pháp nói riêng.

Ngô Huyền

 

Tham khảo thêm:

1900.0191