‘Bêu tên’ người không thi hành án có vi phạm bí mật đời tư

Cơ quan thi hành cho rằng việc đưa thông tin người chưa thi hành án trên mạng không vi phạm bí mật đời tư và không “đá bóng” gây sức ép về phía người dân.
Theo thông tư 01/2016 do Bộ Tư pháp ban hành có hiệu lực từ ngày 16/3, sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự lập danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Cục Thi hành án dân sự tổ chức đăng tải danh sách trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, đồng thời gửi Tổng cục Thi hành án dân sự để tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự.

 

Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi trao đổi với VnExpress về vấn đề này.

– Thưa ông, vì sao cơ quan quản lý đưa thông tin của người chưa có điều kiện thi hành án lên mạng mà không phải là biện pháp khác?

– Đây là quy định của pháp luật, khoản 2 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 cho phép: “Thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết”.

Chính phủ cũng quy định việc này tại Điều 11 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015. Do đó, Thông tư của Bộ Tư pháp chỉ hướng dẫn rõ hơn về cách thức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan và giải quyết khiếu nại liên quan đến công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành.

Theo quy định của Luật và Nghị định nêu trên, ngoài việc đăng tải tên, địa chỉ và nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang/Cổng thông tin điện tử thì cơ quan thi hành án dân sự còn gửi cho ủy ban nhân dân cấp xã để niêm yết công khai.

– Nhiều người lo ngại với quy định này cơ quan thi hành án đang “gây sức ép” với người phải thi hành án?

– Những năm qua, có thực trạng số lượng việc thi hành án dân sự chuyển từ năm trước sang năm sau còn nhiều. Tính đến 30/9/2015, số việc chuyển kỳ sau khoảng 257.000 vụ, tăng 3,72% so với năm trước. Do đó, việc tìm và thực hiện các giải pháp giải quyết án chuyển kỳ sau đã luôn được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự chú trọng. Các cơ quan sẽ tích cực giải quyết việc thi hành án có điều kiện, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình trốn tránh.

Quy định về xác định việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành và công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 cũng có thể xem là một trong những giải pháp, công khai, minh bạch để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự.

– Bí mật đời tư của công dân sẽ ảnh hưởng thế nào trước việc đăng công khai tên tuổi người chưa thi hành án?

– Tôi cho rằng việc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành như hiện nay không vi phạm bí mật đời tư.

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý: Đây là quy định tại văn bản quy phạm pháp luật với hình thức pháp lý cao là Luật Thi hành án dân sự do Quốc hội ban hành (Điều 44a).

Thứ hai, về điều kiện và phạm vi công khai thông tin: Thông tin về cá nhân, cơ quan, tổ chức thì có rất nhiều, rất đa dạng, đây chỉ là thông tin của người phải thi hành án “chưa có điều kiện thi hành”.

Nội dung đăng tải thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành chỉ bao gồm 3 loại thông tin: Tên, địa chỉ và nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Trong khi đó, nghĩa vụ phải thi hành án đã được TAND giải quyết, xét xử công khai và đã ban hành bản án, quyết định để các bên có liên quan thi hành.

Những thông tin khác của người phải thi hành án không thuộc phạm vi 3 loại thông tin nêu trên thì không đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử thi hành án dân sự. Vì thế việc này không vi phạm bí mật đời tư.

Thứ ba, thủ tục công khai thông tin được quy định chặt chẽ, rõ ràng. Thông tư quy định để đăng tải thông tin của người phải thi hành án thì chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án của họ, nếu chưa có điều kiện thi hành án thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định xác định việc thi hành án đó chưa có điều kiện thi hành. Quyết định xác định việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành được gửi cho các đương sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án biết.

beu-ten-nguoi-khong-thi-hanh-an-co-vi-pham-bi-mat-doi-tu

Nguồn: Tổng cục Thi hành án dân sự. Đồ họa: Việt Chung.

– Trường hợp đưa nhầm, đưa sai thông tin ảnh hưởng tới danh dự của người bị “bêu tên”, việc giải quyết sẽ thế nào?

– Trường hợp đưa nhầm, đưa sai thông tin hoặc có thay đổi về thông tin của người phải thi hành án thì Nghị định của Chính phủ đã quy định cách thức, thời hạn sửa đổi, bổ sung, chấm dứt đăng tải. Nếu cơ quan thi hành án dân sự không thực hiện đúng về công khai thông tin của người phải thi hành án thì các đương sự có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật; tùy mức độ để xem xét trách nhiệm.

Trường hợp cơ quan thi hành án gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

– Quá nhiều vụ việc tồn đọng, ông nhận thấy trách nhiệm của cơ quan thi hành án thế nào?

– Về khách quan, số lượng việc và tiền thi hành án dân sự thụ lý ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015 đạt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay với gần 800.000 việc và số tiền thu khoảng 126.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,55% và 32,43% so với 2014. Thế nhưng biên chế thi hành án dân sự không được tăng, dẫn tới tình trạng quá tải, nhất là ở những tỉnh, thành phố lớn.

Tính đến hết ngày 30/9/2015 cả nước có tổng số gần 15.000 việc đã kê biên, thẩm định giá nhưng bán đấu giá không thành, tương ứng với số tiền là gần 18.000 tỷ đồng. Trong đó, số việc bán đấu giá từ 3 lần trở lên vẫn không có người mua là hơn 10.000 việc. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc thi hành án bị tồn đọng kéo dài, hạn chế kết quả thực hiện chỉ tiêu được giao.

Đặc biệt, những năm gần đây có nhiều vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước, giá trị phải thi hành lớn nhưng khả năng thi hành thấp do tài sản của đương sự có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án như vụ Vinashin, vụ Vinalines, vụ Huỳnh Thị Huyền Như…

Các quy định của pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự, cơ chế quản lý sử dụng tiền mặt, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân, tổ chức chưa hoàn thiện nên việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, hạn chế đáng kể kết quả thi hành án. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối quyết liệt.

Ngoài ra còn có nguyên nhân do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức, chấp hành viên, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý còn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự quyết liệt, thiếu sâu sát. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong toàn ngành đã có nhiều tiến bộ nhưng một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn trường hợp vi phạm, thậm chí bị xử lý hình sự.

Bảo Hà thực hiện

Tham khảo thêm:

1900.0191