Hoàn thiện các quy định của pháp luật về rút ngắn thời gian thử thách của án treo

Hoàn thiện các quy định của pháp luật về rút ngắn thời gian thử thách của án treo

15/02/2016

Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, là một bước tiến lớn trong công tác thi hành án hình sự nói chung và thi hành án treo nói riêng cũng như hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Qua gần năm năm thực hiện Luật Thi hành án hình sự và gần 4 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT/BCA-BQP-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo (viết tắt là Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT) bước đầu đã phát huy được hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác kiểm sát việc rút ngắn thời gian thử thách của  án treo, chúng tôi nhận thấy Luật Thi hành án hình sự và Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT tuy có hướng dẫn nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Để thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật về rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân phù hợp với điều kiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Do đó, trong phần quyết định của bản án đối với người được hưởng án treo là cán bộ, công nhân, viên chức. Tòa án phải quyết định giao bị án cho cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi người đó làm việc, đối với các bị án khác thì Tòa án giao cho chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Tại khoản 5 Điều 60 BLHS quy định: Nếu người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Toà án quyết định buộc họ phải chấp hành toàn bộ hình phạt của bản án treo và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 BLHS. Người được hưởng án treo phải chấp hành toàn bộ hình phạt của bản án treo mà không được trừ đi thời gian đã chấp hành thời gian thử thách, bởi lẽ, như đã phân tích ở trên, bản chất của việc chấp hành thời gian thử thách là chấp hành điều kiện của án treo chứ không phải là chấp hành hình phạt. Do vậy, khi cần tổng hợp hình phạt của bản án treo với các hình phạt khác thì chỉ cần tổng hợp hình phạt tù của bản án treo với các hình phạt khác theo quy định tại Điều 51 BLHS.

Tại Điều 64 BLHS quy định những trường hợp đương nhiên được xoá án tích, trong đó có trường hợp “người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và chương XXIV BLHS, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây: Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo…”. Cần chú ý là, việc xoá án tích với người được hưởng án treo chỉ đặt ra khi người đó đã chấp hành xong bản án treo. Việc chấp hành xong bản án treo không chỉ hiểu với nghĩa là họ đã chấp hành xong thời gian thử thách (mà không phạm tội mới) mà còn phải chấp hành xong các nội dung khác trong bản án treo như: Án phí, các hình phạt bổ sung (nếu có). Do vậy, không phải đương nhiên khi người được hưởng án treo chấp hành xong thời gian thử thách thì đương nhiên được xoá án tích mà Toà án vẫn phải xem xét việc họ đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác trong bản án treo thì mới công nhận việc xoá án tích cho người bị kết án.

Thực tiễn trong lĩnh vực kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo vẫn còn bất cập. Ví dụ: Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 63 ngày 01/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh B tuyên phạt Nguyễn Ngọc H, 03 năm tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 năm. Giao bị cáo về Hạt kiểm lâm huyện Đ, (đứng chân tại thị trấn L) tỉnh B quản lý, giám sát, giáo dục. Ngày 06/12/2012, Tòa án nhân dân huyện Đ ra quyết định thi hành án và trong Quyết định thi hành án giao cho Hạt kiểm lâm huyện Đ, tỉnh B quản lý, giám sát, giáo dục. Sau khi có quyết định Hạt kiểm lâm huyện Đ đã phân công một Phó hạt trưởng trực tiếp giám sát, giáo dục bị án H và 3 tháng một lần bị án H đều có viết bản nhận xét và báo cáo cho Cơ quan thi hành án Công an cấp huyện. Ngày 12/08/2015, bị án H làm đơn gửi Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, Tòa án nhân dân huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, xem xét rút ngắn thời gian thử thách đối với bị án H. Ngày 14/08/2015, Hạt kiểm lâm huyện Đ có biên bản cuộc họp cơ quan có đầy đủ các thành phần trong cơ quan xác nhận trong thời gian làm việc bị án H có nhiều tiến bộ, chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan không vi phạm pháp luật và có công văn đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Đ xem xét đề nghị Tòa án rút ngắn thời gian thử thách đối với bị án H. Ngày 19/08/2015, cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Đ có công văn đề nghị Tòa án nhân dân huyện Đ xét rút ngắn thời thời gian thử thách đối với bị án H.

Theo quy định của Luật thi hành án hình sự và tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT, văn bản đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách và nhận xét của Ủy ban nhân dân thị trấn L về việc chấp hành nghĩa vụ của người được hưởng án treo đề nghị mức rút ngắn thời gian thử thách; nhưng không đề cập đến việc nhận xét của cơ quan trực tiếp quản lý bị án nơi người được hưởng án treo làm việc, học tập là trái với quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự quy định về việc giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục. Do vậy, trong trường hợp này nếu Ủy ban nhân dân thị trấn L lập hồ sơ đề nghị Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện Đ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách án treo của bị án H chỉ là trên giấy tờ, thực tế Ủy ban nhân dân thị trấn L không nắm bắt được quá trình phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan cũng như việc lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm đối với bị án H. Nhưng nếu không có thủ tục này thì Tòa án nhân dân huyện Đ không thể mở phiên họp để xét rút ngắn thời gian thử thách cho bị án H, gây bất lợi cho bị án trong thời gian chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo đã có nhiều tiến bộ cũng như thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hưởng án treo và chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế nơi làm việc, tích cực lao động, học tập và sữa chữa lỗi lầm để trở thành người công dân có ích cho xã hội. Trong trường hợp nêu trên thì bị án H hiện đang công tác tại Hạt kiểm lâm huyện Đ nên phải chịu sự phân công, quản lý, giám sát của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đ và Hạt kiểm lâm huyện Đ đóng trên địa bàn thị trấn L, huyện Đ; về mặt quản lý nhà nước thì Hạt kiểm lâm chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân huyện Đ, còn Công an thị trấn L chỉ có nhiệm vụ quản lý về việc khai báo tạm trú, tạm vắng và an ninh trật tự của Hạt kiểm lâm huyện Đ. Do vậy, trong trường hợp này theo quy định của Luật thi hành án hình sự và Thông tư liên tịch số 08/2012 hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn L không có thẩm quyền để phân công Hạt trưởng hoặc Phó Hạt trưởng cũng như cán bộ Hạt kiểm lâm để giám sát, giáo dục bị án H, và cũng không thể phân công các tổ chức đoàn thể của Ủy ban nhân dân thị trấn L để giám sát, giáo dục bị án H; Công an thị trấn L cũng không thể nắm bắt được quá trình chấp hành nội quy, quy chế cũng như công tác chuyên môn, nghiệp vụ nơi công tác của bị án H. Do vậy, Công an thị trấn L không thể tham mưu để Ủy ban nhân dân thị trấn phối hợp với các ban ngành của Ủy ban nhân dân thị trấn L để họp nhận xét trong quá trình chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế cũng như trong việc lao động, học tập, sửa chữa lỗi lầm và hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của bị án H. Mà chỉ có cơ quan Hạt kiểm Lâm huyện Đ mới là cơ quan quản lý, nhận xét, đánh giá về quá trình chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế cũng như trong việc lao động, học tập, sữa chữa lỗi lầm và hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của bị án H.

Với các trường hợp là học sinh, sinh viên bị kết án phạt tù, nhưng được hưởng án treo đang học tập tại các trường học cũng chưa có quy định nào về việc giao họ cho nhà trường giám sát, giáo dục và nhận xét đối với các trường hợp này. Thực tế, có những học sinh, sinh viên học bán trú phải chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của nhà trường nếu trong quá trình học tập theo quy định của pháp luật họ làm đơn xin rút ngắn thời gian thử thách thì cơ quan nào là người nhận xét và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp quận, huyện nơi người đó học tập để đề nghị Tòa án xét rút ngắn thời gian thử thách đối với họ.

Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên nhằm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Khuyến khích người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động, cải tạo, bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành án phạt tù được hưởng án treo, chúng tôi thiết nghĩ cần phải sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Thông tư liên tịch số 08/2012 cho phù hợp với Điều 60 của Bộ luật Hình sự quy định về án treo như sau:

Thứ nhất, Bổ sung vào khoản 1 Điều 61 Luật thi hành án hình sự:  Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ tên người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được hưởng án treo; mức hình phạt tù và thời gian thử thách của người được hưởng án treo; hình phạt bổ sung; Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. Trong trường hợp người được hưởng án treo đang làm việc, học tập thì Tòa án phải giao bị án về cơ quan, tổ chức, trường học nơi người bị kết án làm việc, học tập để  giám sát, giáo dục.

Thứ hai, Sửa đổi khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 08/2012 như sau: 1. Khi người được hưởng án treo có đủ điều kiện được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ đối với người được hưởng án treo cư trú. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, Hiệu trưởng các trường học nơi người bị kết án được hưởng án treo làm việc, học tập phải phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án treo làm việc, học tập hoặc cư trú xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo; đơn vị Quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được hưởng án treo làm việc xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo.

Bổ sung vào khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 08/2012 như sau:

…………….

Đối với người bị kết án được hưởng án treo là cán bộ, công nhân, viên chức hoặc học sinh, sinh viên thì phải có bản nhận xét trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước nơi cư trú đối với họ.

Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, chúng tôi mong nhận được ý kiến của bạn đọc để góp ý xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật về thủ tục rút ngắn thời gian thử thách của án treo nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.

                                          Đoàn Thị Ngọc Hải

Tham khảo thêm:

1900.0191