Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án khi người phải thi hành án chết

Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án khi người phải thi hành án chết

 

 

Thủ tục thi hành án về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án khi người phải thi hành án chết?

 

Gửi bởi: thanhnhon

Trả lời có tính chất tham khảo

Nội dung này được thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự 2008 và Điều 7 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự. Theo đó, trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Pháp luật về thừa kế tại Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Khi người phải thi hành án chết thì tổ chức, cá nhân được thừa kế được hưởng di sản và phải thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản trong phạm vi phần di sản được hưởng.

Tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án hoặc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao và ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đây. Đối với các quyết định, thông báo khác về thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan thi hành án dân sự giữ nguyên, thu hồi hoặc ra các quyết định, thông báo khác phù hợp theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Trường hợp đương sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ về thi hành án cho người thứ ba thì người thứ ba có quyền, nghĩa vụ của đương sự.

Trường hợp thi hành nghĩa vụ về trả tài sản mà người phải thi hành án đã chết nhưng có người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó thì cơ quan thi hành án ấn định thời hạn không quá 30 ngày để người quản lý, sử dụng tài sản của người phải thi hành án giao tài sản cho người được thi hành án. Hết thời hạn này mà họ không thực hiện hoặc tài sản không có người quản lý, sử dụng trực tiếp thì cơ quan thi hành án tổ chức giao tài sản, kể cả cưỡng chế giao tài sản cho người được thi hành án theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì cơ quan thi hành án có văn bản thông báo, ấn định thời hạn không quá 30 ngày để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải thi hành án thoả thuận thực hiện. Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản không thoả thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án, thì cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản để lại của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án, đồng thời ấn định thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS

Tham khảo thêm:

1900.0191