Cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành nghĩa vụ trả tiền

Cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành nghĩa vụ trả tiền

 

 

Tại quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án có nêu rõ: Buộc ông Nguyễn Văn A phải trả bà Nguyễn Thị B số tiền là 3 tỷ đồng. Nếu ông A không trả được thì bà B có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mãi tài sản là nhà và đất mà ông A đã thế chấp cho bà B. Tại cơ quan thi hành án, ông A và bà B cùng thỏa thuận nhất trí để cơ quan thi hành án phát mãi tài sản bảo đảm thế chấp ở trên. Tuy nhiên, không yêu cầu kê biên tài sản, mà ông A và bà B yêu cầu tổ chức có chức năng thẩm định giá và tổ chức có chức năng đấu giá để Chấp hành viên ký hợp đồng phát mãi tài sản trên để nhanh chóng thu hồi tiền. Vấn đề đặt ra là: Khi nhận được yêu cầu đó, Chấp hành viên phải tiến hành kê biên tài sản, trên cơ sở quyết định kê biên mới tổ chức kê biên rồi định giá, phát mãi theo trình tự hay là Chấp hành viên không phải ra quyết định kê biên, không làm thủ tục kê biên thực tế, mà ký ngay hợp đồng thẩm định giá và hợp đồng bán đấu giá (sau khi đã thẩm định) do ông A và bà B lựa chọn để phát mãi tài sản? Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn để này, tuy nhiên chưa quan điểm nào đưa ra được cơ sở lý luận của mình là kê biên là thủ tục bắt buộc để phát mãi tài sản hay không phải là thủ tục bắt buộc?

 

Gửi bởi: Hoàng Minh Châu

Trả lời có tính chất tham khảo

 

Trong trường hợp này, do không có hồ sơ thi hành án cụ thể, nên chúng tôi không khẳng định đúng sai một cách chính xác. Chúng tôi trao đổi như sau:

Nội dung quyết định thi hành án buộc ông Nguyễn Văn A phải trả bà Nguyễn Thị B số tiền là 3 tỷ đồng, nếu ông A không trả được thì bà B có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mãi tài sản là nhà và đất mà ông A đã thế chấp cho bà B. Như vậy, quyết định thi hành án nêu trên thuộc diện thi hành bản án, quyết định về nghĩa vụ trả tiền. Bản án không tuyên kê biên tài sản. Do đó, về nguyên tắc khi tổ chức việc thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết để đảm bảo thi hành nghĩa vụ trả tiền.

Trong trường hợp bạn nêu, mặc dù ông A và bà B cùng thỏa thuận nhất trí để cơ quan thi hành án phát mãi tài sản thế chấp mà không yêu cầu kê biên tài sản. Tuy nhiên, nhà đất đã thế chấp là bất động sản, vì vậy cơ quan thi hành án dân sự không có thẩm quyền bán đấu giá, trừ trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nhưng ở địa phương không có tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản từ chối ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản. Mặt khác, việc ký hợp đồng bán đấu giá, thanh toán tiền thi hành án, giao nhà đất cho người trúng đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự phải thực hiện thông qua nhiều trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, thậm chí phải áp dụng biện pháp cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá. Hơn nữa, pháp luật về thi hành án dân sự quy định việc thoả thuận của đương sự trong thi hành án dân sự không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba và không trốn phí thi hành án.

Vì vậy, đối với vụ việc này, sau khi nhận được quyết định thi hành án, Chấp hành viên cần thông báo quyết định thi hành án và yêu cầu đương sự tự nguyện thi hành nghĩa vụ trả tiền. Trường hợp đương sự không trả tiền thi hành án thì áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án phù hợp, kể cả biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đã thế chấp để thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

1900.0191