Tạm giữ tiền để bảo đảm thi hành án

Tạm giữ tiền để bảo đảm thi hành án

 


Ông Nguyễn Văn A phải thi hành án là 300.000 đồng. Cơ quan thi hành án B đã ra quyết định thi hành án, ông A có tiền tạm thu tại công an C ở địa phương khác. Cơ quan thi hành án B ra quyết định tạm giữ số tiền đó có đúng không?

 

Gửi bởi: tran thi huong

Trả lời có tính chất tham khảo

 

Điều 68 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định biện pháp bảo đảm thi hành án “tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự”. Theo đó, Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng. Việc tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và đương sự. Trường hợp đương sự không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho đương sự.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, Chấp hành viên ra một trong các quyết định sau đây:

a) Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu xác định được tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án;

b) Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ phải lập biên bản, có chữ ký của các bên.

Tài sản theo quy định tại Điều luật này được xác định theo Bộ luật Dân sự. Điều 163 Bộ luật Dân sự quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Như vậy, nếu có căn cứ thì Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự có quyền áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản để tạm giữ số tiền ông A có tiền tạm thu tại công an C ở địa phương khác để đảm bảo thi hành án.Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải ghi rõ tên người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ; loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ; số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ. Tài sản tạm giữ là tiền mặt thì phải ghi rõ số lượng tờ, mệnh giá các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số sê ri trên tiền.

Tuy nhiên, trong trường hợp bạn nêu, nếu đã xác định số tiền đó của ông A, thì Chấp hành viên nên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 81 Luật Thi hành án dân sự “Thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ”: Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS

Tham khảo thêm:

1900.0191