Vợ nghỉ ở nhà nuôi con thì có được chia tài sản chung sau ly hôn?

Câu hỏi của khách hàng: Vợ nghỉ ở nhà nuôi con thì có được chia tài sản chung sau ly hôn?

Cho em hỏi với ạ. Em đang khổ tâm lắm. Vợ chồng em không hạnh phúc, chuẩn bị ly hôn. Em đi làm 7 năm lương thấp sau đó nghỉ 2 năm nuôi con. Chồng em thì có nhiều tài. Giờ ly hôn anh ta muốn em sang tên hết cho chị gái anh ta và cho em 1 tỉ tiền mặt. Theo pháp luật em được chia đôi. Nhưng thực tế em không làm ra nên em đồng ý lấy 1 tỉ để nuôi con. Nhưng em còn phân vân không biết mình làm thế đúng hay sai. 1 tỉ có đủ cho mẹ đơn thân nuôi con không. Con em 21 tháng nếu hắn trở mặt đòi nuôi em có bị mất không khi em chưa đi làm.


Luật sư Tư vấn Luật Hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 27/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề chia tài sản sau ly hôn

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
  • Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của luật hôn nhân và gia đình

3./ Luật sư trả lời Vợ nghỉ ở nhà nuôi con thì có được chia tài sản chung sau ly hôn

Trong quá trình hôn nhân, nếu vợ chồng không thỏa thuận về chế độ tài sản trước khi kết hôn, thì tài sản được tạo lập trong quá trình hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Theo đó, việc chia tài sản sau ly hôn được xác định như sau:

Căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nguyên tắc phân chia tài sản chung vợ chồng sau ly hôn :

” Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”

Cụ thể, nguyên tắc chia tài sản sau ly hôn được hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau:

” 4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: 

a) “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng. 

b) “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn. 

c) “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. 

Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng. 

d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. 

Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Theo đó, việc người vợ hoặc chồng ở nhà chăm lo cho gia đình không đi làm có thu nhập vẫn được tính như lao động có thu nhập tương đương với người chồng đi làm.

Do đó, trường hợp của chị, phần tài sản chung sẽ được chia đôi dựa trên công sức đóng góp của mỗi người. Tuy nhiên, việc chị không đi làm không đồng nghĩa với việc chị không tạo lập lên số tài sản chung của vợ chồng mà vẫn được pháp luật công nhận tương đương như người chồng đi làm của mình.

Vậy, trường hợp này, chị có quyền không đồng ý với yêu cầu của người chồng của mình và yêu cầu Tòa án phân chia tài sản theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích cho mình.

Bên cạnh đó, về việc giải quyết người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con chung sau ly hôn, pháp luật có quy định như sau:

Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo đó, trường hợp của chị, con chị đang dưới 36 tháng tuổi, chị là người được giao trực tiếp nuôi con sau ly hôn trừ trường hợp không đủ điều kiện. Chồng chị có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, cho nên, chị có quyền yêu cầu chồng mình cấp dưỡng với một mức phù hợp sau khi ly hôn.

Như vậy, Hiện tại, với những thông tin nêu trên, chị được ưu tiên giao trực tiếp nuôi con nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác hoặc trừ trường hợp không đủ điều kiện nuôi con và có quyền yêu cầu chồng mình cấp dưỡng nuôi con. Về tài sản chung, chị có quyền không chấp nhận yêu cầu của người chồng bởi dù không đi làm, nhưng chị vẫn được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền của mình khi ở nhà chăm sóc gia đình. Cho nên, chị có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề tài sản để được hưởng những quyền và lợi ích tương ứng của mình.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Tham khảo thêm bài viết:

1900.0191