Tai nạn ô tô rồi bỏ chạy đến đồn công an có bị coi là bỏ trốn

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Tai nạn ô tô rồi bỏ chạy đến đồn công an có bị coi là bỏ trốn?

Tôi tuần trước vào thứ năm khi đi trên đường quốc lộ 1A thì có xảy ra va chạm với 1 xe máy đi cùng chiều, chiếc xe máy này đổ ra người kia vô tình đưa tay vào lốp xe tôi, sau khi biết mình gây ra tai nạn, tôi định dừng xe nhưng thấy người dân chạy ra chi hô rất đông và hung hãn, có người còn cầm cả gậy, xẻng, tôi sợ hãi quá nên tiếp tục lao xe về phía hà nội và phóng tới đồn công an để báo sự việc, tôi làm vậy có thể bị coi là bỏ trốn sau khi gây ra tai nạn không, tôi hỏi công an thì họ không trả lời?


Tai nạn ô tô rồi bỏ chạy đến đồn công an có bị coi là bỏ trốn?
Tai nạn ô tô rồi bỏ chạy đến đồn công an có bị coi là bỏ trốn?

Luật sư Tư vấn Tai nạn ô tô rồi bỏ chạy đến đồn công an có bị coi là bỏ trốn – Gọi 1900.0191

1./Thời điểm xảy ra tình huống pháp lý

Ngày 01 tháng 02 năm 2018

2./Cơ sở văn bản Pháp Luật áp dụng

  • Luật Giao thông đường bộ 2008
  • Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

3./Luật sư trả lời

Căn cứ Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ, trong đó có nguyên tắc:

“5. Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”

Theo Khoản 17 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm cũng nêu rõ việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là một hành vi bị ngăn cấm.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sau khi gây ra tai nạn giao thông, bản thân người điều khiển phương tiện ý thức được trách nhiệm của mình đối với người bị thiệt hại nhưng do vì những lý do khách quan như là nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích.

Trong những trường hợp này, pháp luật cho phép người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn được phép rời khỏi hiện trường. Nhưng việc rời khỏi chỉ là tạm thời và sau đó phải đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất, còn việc bỏ trốn khỏi hiện trường và trốn tránh luôn cả trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 38 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông có quy định:

“1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.”

Do đó, trong trường hợp người gây tai nạn nhưng bỏ trốn lên đồn công an để trình báo về vụ việc mà không nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm của mình thì có thể được xem xét không phải là hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trường hợp người gây tai nạn ô tô nhưng không dừng xe, không giữ nguyên hiện trường và không tham gia cứu giúp người bị tai nạn thì người gây tai nạn vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật cụ thể:

Căn cứ Điểm b Khoản 7 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi gây tai nạn ô tô nhưng không dừng xe, không giữ nguyên hiện trường và không tham gia cứu giúp người bị tai nạn như sau:

7. Phạt tiền 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h;

b) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;”

Như vậy, hành vi bỏ trốn nhưng đến trình báo tại cơ quan công an sẽ không được xem xét trách nhiệm về hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm, nhưng người bỏ trốn khỏi hiện trường tai nạn vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi gây tai nạn của mình và các trách nhiệm khác có liên quan theo quy định pháp luật nêu trên.

Với những tư vấn trên đây Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Tham khảo thêm bài viết:

1900.0191