Bàn về quyền “sống” trong Hiến pháp năm 2013

Bàn về quyền “sống” trong Hiến pháp năm 2013.

Hiện nay thế giới đang đứng trước rất nhiều thách thức mang tính chất thời đại như tình trạng tranh chấp biên giới lãnh thổ, nguy cơ về thảm họa môi trường…thì một trong những điểm nóng được nhiều người quan tâm đó là tình trạng xung đột sắc tộc, tôn giáo bùng phát đẫm máu tại nhiều nơi trên thế giới.

Điều này đã thực sự làm cho quyền sống-một quyền cơ bản của con người đang bị thách thức và trở nên mong manh.

Quyền sống (hay quyền được sống) là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của Nhân quyền. Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.”

Từ trước tới nay, quyền sống đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quan trọng của quốc tế, của các quốc gia khác nhau và của nước ta như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc năm 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989; Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776; Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 1945… Tại Điều 3 của bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945 không những đã kế thừa tinh hoa về quyền con người trên thế giới mà còn phát triển những tư tưởng ấy lên một tầm cao mới bằng việc nhắc lại những luận điểm bất hủ trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ và “Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền” của Pháp. Người khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Ngay sau khi nước nhà tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên càng sớm càng tốt để thực hiện quyền dân chủ, quyền công dân.

Về việc ban hành Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta đã bị chế độ quân chủ cai trị rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có Hiến pháp dân chủ”.

Mặc dù được soạn thảo trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Hiến pháp năm 1946 đã dành sự quan tâm đặc biệt về vấn đề quyền con người, trong 70 điều thì có 18 điều quy định tập trung về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân.

Nhận xét về Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Bản Hiến pháp chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do.

Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông, đã được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”

Ngày 31 tháng 12 năm 1959, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp mới – Hiến pháp năm 1959. Lúc bấy giờ, miền Bắc đã giành được độc lập, cơ sở kinh tế của chế độ ta mới đang bắt đầu hình thành, cuộc kháng chiến ở miền Nam đang bắt đầu.

Hoàn cảnh kinh tế – xã hội cho phép quy định về quyền và nghĩa vụ công dân một cách đầy đủ hơn, bổ sung thêm các quyền về kinh tế, văn hóa so với Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp 1959 với 10 chương, 112 điều, trong đó có 21 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Sau khi đất nước được giải phóng, Hiến pháp năm 1980 được Nhà nước ban hành ngày 18 tháng 12 năm 1980 với vấn đề cơ bản nhất, xác định bản chất giai cấp của Nhà nước, thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động mà nòng cốt là liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong Hiến pháp năm 1980, có 29 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Trong bối cảnh đất nước đã thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội, quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định một cách đầy đủ hơn và mang hơi hướng của chế độ tập trung, bao cấp. Những quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp 1980 là cơ sở để Nhà nước ta xây dựng một loạt các văn bản pháp luật chi tiết hóa, cụ thể hóa quyền con người trong đời sống xã hội.

Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra và thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Hiến pháp năm 1992 được ban hành trên cơ sở kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1980 và những bản Hiến pháp trước đó. Vấn đề quyền con người được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng.

Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12 tháng 7 năm 1992 về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định: “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”.

Một trong những nội dung quan trọng của Hiến pháp 1992 là hướng mạnh vào tôn trọng, bảo đảm các quyền công dân.

Theo Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 thì chương quy định Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân gồm 34 điều. Cùng với hệ thống pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn thiện, hầu như các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội đều được điều chỉnh bởi các đạo luật đã cụ thể hóa, chi tiết hóa các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992 để công dân có thể dễ dàng thực hiện trong cuộc sống, quyền con người ở Việt Nam ngày càng được tôn trọng và bảo đảm.

Hiến pháp 2013 đã tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Quyền con người và quyền công dân là hai khái niệm có sự khác biệt nhất định song lại có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Quyền con người có tính chất bao quát và rộng hơn quyền công dân được áp dụng chung cho tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc khác nhau đang sinh sống trên phạm vi toàn cầu, không phân biệt quốc tịch, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với toàn thể cộng đồng.

Còn quyền công dân là khái niệm gắn liền với Nhà nước, thể hiện mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước, được xác định bởi chế định quốc tịch, là tập hợp những quyền con người được pháp luật của một nước ghi nhận và chỉ những người mang quốc tịch nước đó mới được hưởng các quyền công dân mà nước đó quy định.

Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung một quyền mới đó là quyền sống. Tại điều 19 Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” Hiến pháp cũng bổ sung một nguyên tắc hiến định đó là: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” (Điều 14).

Có thể nói quy định về quyền sống trong Hiến pháp 2013 là một quy định mới hết sức tiến bộ khẳng định giá trị nhân văn của bản Hiến pháp nói chung cũng như sự xác lập quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội, nhân dân là chủ thể quyền lực tối cao.

Đồng thời việc xác lập quyền sống còn khẳng định rằng Việt Nam chúng ta luôn luôn thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ các cam kết quốc tế về nhân quyền đối với Liên Hiệp Quốc, chúng ta luôn thực hiện một cách nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế về nhân quyền mà mình là thành viên.

Xin trích một số nội dung quy định của pháp luật quốc tế về quyền sống: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”; tại Điều 6 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) 1966 tiếp tục khẳng định: “Mọi người đều có quyền cố hữu là quyền được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước quyền sống một cách tùy tiện”.

Ngoài ra, một số công ước quốc tế khác về quyền con người cũng đề cập đến quyền sống như: Công ước về ngăn chặn và trừng trị tội diệt chủng, Công ước về trấn áp và trừng trị tội ác A-pác-thai, Công ước về quyền trẻ em 1989, Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị đưa đi mất tích, Công ước về quyền của những người khuyết tật năm 2006…

Một vấn đề đặt ra là khi nghiên cứu chế định về quyền sống trong Hiến pháp 2013 không nên hiểu quyền này theo nghĩa hẹp chỉ là sự toàn vẹn về tính mạng mà quyền này bao gồm cả khía cạnh nhằm đảm bảo sự tồn tại của con người.

Việc bảo đảm quyền sống đòi hỏi Nhà nước phải có những biện pháp để đảm bảo quyền được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển về thể chất, làm giảm tỷ lệ chết ở trẻ em và tăng tuổi thọ bình quân của người dân, xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và các dịch bệnh, xóa đói, giảm nghèo…

Các chế định này được thể hiện khá toàn diện và ngày càng hoàn thiện trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

Về mối quan hệ giữa hình phạt tử hình và quyền sống, luật pháp quốc tế không bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ hình phạt tử hình song các quốc gia đều phải có nghĩa vụ hạn chế sử dụng nó và việc giới hạn áp dụng hình phạt này cũng được coi là một hình thức bảo vệ quyền sống.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, xuất phát từ yêu cầu khách quan về phòng chống tội phạm, pháp luật của Nhà nước ta vẫn còn duy trì hình phạt tử hình song đang thu hẹp dần phạm vi áp dụng hình phạt này.

Cụ thể là từ 44 điều có khung hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1985 còn 29 điều trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2009 thì hiện nay còn 22 điều luật  có khung hình phạt tử hình. Về giới hạn áp dụng, Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.

Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân”.

Như vậy, quyền sống là quyền tất yếu, vốn có của quyền con người; là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất, lần đầu tiên được quy định với ý nghĩa sâu sắc, cụ thể, đầy đủ và toàn diện về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, đánh dấu sự hoàn thiện của Hiến pháp – đạo luật gốc trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta và phù hợp với luật pháp quốc tế về quyền con người.

Hiện nay thế giới đang đứng trước rất nhiều thách thức mang tính chất thời đại như tranh chấp lãnh thổ, nguy cơ về thảm họa môi trường, nguy cơ về sự suy giảm nguồn năng lượng…thì một trong những thách thức rất lớn đó là tình trạng bạo lực bùng phát mang tính chất diệt chủng của nhóm phiến quân Hồi giáo IS trong thời gian vừa qua đã gây ra một sự phẫn nộ đi kèm với nỗi sợ hãi, lo lắng của người dân trên toàn thế giới.

Hành động bạo lực của nhóm phiến quân Hồi giáo IS mang tính chất diệt chủng, coi thường quyền được sống – một trong những quyền cơ bản của con người được đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng như các quốc gia là thành viên thừa nhận. Các hành vi vũ lực nhằm tước đoạt mạng sống của nhóm phiến quân Hồi giáo này dù xét trên phương diện nào thì cũng đều mang tính chất phi nhân tính, xâm phạm một cách thô bạo quyền cơ bản nhất của một con người. Thủ đoạn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng này đó là sẵn sàng giết bất kỳ người nào mà không cần lý do với những hình thức còn hung bạo hơn thời kỳ trung cổ như treo cổ, cắt đầu, đốt cháy, ném đá, dìm nước…đối với những ai mà chúng cho là có tư tưởng đối lập.

Rõ ràng, việc quy định quyền được bảo đảm và thừa nhận về quyền được sống trong hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là căn cứ pháp lý cho mỗi quốc gia để từ đó mỗi quốc gia có sự bảo vệ tốt nhất các quyền cơ bản của mỗi người dân.

Như vậy, từ thực tiễn các quy định của pháp luật quốc tế về nhân quyền cho tới Hiến pháp 2013 đã có một sự tiến bộ rõ rệt, đây là một sự ghi nhận cao nhất dành cho một quyền cơ bản nhất của con người. Đồng thời nó cũng cho thấy Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta luôn quan tâm, ghi nhận và bảo vệ các giá trị của con người nói chung cũng như quyền được sống nói riêng.

Hồ Nguyễn Quân

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4

1900.0191