Hoàn thiện pháp luật về căn cứ ly hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Hoàn thiện pháp luật về căn cứ ly hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

07/10/2015Theo số liệu thống kê của Tòa án các cấp, hàng năm, số vụ án hôn nhân và gia đình liên tục tăng, trong đó có án ly hôn. Để giải quyết các vụ án ly hôn một cách thấu tình đạt lý, thì một trong những vấn đề đầu tiên và được xem như “mắt xích” không thể thiếu khi giải quyết đó là xác định căn cứ cho ly hôn.

Trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình nói chung và vụ án ly hôn nói riêng, thì việc áp dụng các căn cứ ly hôn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Mặc dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng về vấn đề này nhưng còn mang tính chung chung, thiếu cụ thể, chi tiết. Nội dung căn cứ ly hôn chưa được định lượng nên nhận định của thẩm phán khi giải quyết vụ việc chưa thống nhất, đồng bộ.

Trong một số trường hợp, có sự nhầm lẫn giữa căn cứ ly hôn với nguyên nhân ly hôn và động cơ ly hôn, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của vợ chồng, gia đình và xã hội. Thông qua bài viết này, tác giả chỉ ra những vướng mắc, bất cập và đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về căn cứ ly hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành.

1. Bất cập trong việc áp dụng căn cứ ly hôn để giải quyết các vụ việc ly hôn

Căn cứ ly hôn là cơ sở pháp lý và chỉ khi có các điều kiện đó thì Tòa án mới có thể giải quyết ly hôn[1].

Thứ nhất, bất cập trong việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng

Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Đây là một quy định mới, mang tính khái quát cao. Tuy nhiên, việc quy định về căn cứ ly hôn thể hiện yếu tố tình cảm vẫn còn chung chung. Khi giải quyết các trường hợp cụ thể, với sự đa dạng của cuộc sống, thì mỗi cặp vợ chồng, mỗi vụ án ly hôn thường có mâu thuẫn cũng như hoàn cảnh không giống nhau. Trong khi đó, không có căn cứ rõ ràng để xác định thế nào là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, thế nào là hành vi “vi phạm nghiêm trọng” nên việc xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn, vướng mắc.

Chính vì vậy, thực tiễn có những trường hợp cùng một vụ việc nhưng có nhiều cách lý giải khác nhau khi áp dụng pháp luật. Ví dụ:

– Vụ án ly hôn giữa ông Nguyễn Văn Đ và bà Đàm Thị X

Ông Nguyễn Văn Đ và bà Đàm Thị X kết hôn năm 1974, hôn nhân do cả hai tự nguyện có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân phường 4, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Thời gian đầu khi kết hôn, ông bà sống có hạnh phúc, nhưng sau đó thì phát sinh mâu thuẫn mà nguyên nhân là do ông Đ đã nhiều lần có quan hệ với người phụ nữ khác, về nhà đối xử tệ bạc với bà X. Nhưng nay bà X cũng không đồng ý ly hôn[2].

Tại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã Bến Tre cho ông Nguyễn Văn Đ được ly hôn với bà Đàm Thị X. Trong khi tại Bản án số 36/2007/HN-PT ngày 12/4/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã bác đơn xin ly hôn của ông Nguyễn Văn Đ và bà Đàm Thị X.

Ở đây, Ông Đ có quan hệ ngoại tình được Tòa án cấp sơ thẩm xác định là căn cứ cho ly hôn. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm lập luận rằng, ông Đ có quan hệ ngoại tình mà lại là người đứng đơn xin ly hôn, còn bà X thì không đồng ý ly hôn; ông Đ cho rằng bà X thường hay la cà, nói xấu chồng con nhưng cũng không chứng minh được điều đó, như vậy, nhận định không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu xin ly hôn.

– Vụ án ly hôn giữa anh Ngô Thanh B và chị Nguyễn Thị L

Anh Ngô Thanh B và chị Nguyễn Thị L kết hôn hợp pháp và có đăng ký kết hôn tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vào ngày 05/9/2002. Sau khi cưới, hai vợ chồng sống hạnh phúc, nhưng cách đây khoảng 04 năm thì xảy ra mâu thuẫn. Nguyên nhân mâu thuẫn theo chị L trình bày là do anh B thường xuyên đánh chị, ngoài ra, anh B có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác. Chị L và anh B không còn sống chung từ tháng 9/2014 cho đến nay.

Xét thấy, tình trạng hôn nhân của chị L và anh B ngày càng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không còn đạt được, nên căn cứ vào Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án đã xét xử chị Nguyễn Thị L được ly hôn với anh Ngô Thanh B (Bản án số 20/2015/HNGĐ-ST ngày 02/3/2015 “V/v tranh chấp ly hôn” của Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Tóm lại, thông qua các bản án trên cho thấy, cùng là hành vi ngoại tình nhưng cách giải quyết của các cấp Tòa án, các thẩm phán lại khác nhau. Vì pháp luật quy định không rõ ràng, cụ thể các căn cứ ly hôn, nên thực tiễn xét xử phụ thuộc hoàn toàn vào thẩm phán, có thể cùng một hiện tượng nhưng có nhiều cách lý giải khác nhau, từ đó hướng giải quyết vụ việc cũng khác nhau. Do vậy, cần thiết phải lượng hóa bằng các tiêu chí cụ thể căn cứ ly hôn để áp dụng vào thực tiễn.

Thứ hai, đối với trường hợp vợ, chồng đã ly thân trên thực tế

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định ly thân là căn cứ cho ly hôn. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, các Tòa án thường đánh giá ly thân là căn cứ để giải quyết cho ly hôn.

Ví dụ: Chị T và anh M không còn sống chung từ tháng 6/2009 cho đến nay. Trong khoảng thời gian này, hai vợ chồng không thể đoàn tụ được. Chị T và anh M cũng không còn quan tâm và trách nhiệm với nhau. Tại phiên tòa giải quyết ly hôn, chị T vẫn yêu cầu được ly hôn. Trong vụ án này, chị T và anh M đã có thời gian ly thân dài, không quan tâm và trách nhiệm với nhau, không cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Tòa án đã mở phiên hòa giải tạo điều kiện cho vợ chồng anh chị có giải pháp đoàn tụ, nhưng anh M vắng mặt. Xét thấy mâu thuẫn gia đình trầm trọng nên Tòa án giải quyết theo hướng cho ly hôn.

Vấn đề này không được luật quy định nên đã gây khó khăn trong cả việc xác định vợ, chồng nào đó có trong tình trạng ly thân hay không. Mặt khác, không xác định được thời gian ly thân, nên việc giải quyết án ly hôn thường phải kéo dài khiến cho nhiều đương sự gặp khó khăn trong việc xây dựng cuộc sống mới.

Thứ ba, trường hợp vợ hoặc chồng ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa quy định căn cứ ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng đang chấp hành án phạt tù. Vì vậy, trường hợp vợ hoặc chồng xin ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù thì không đủ cơ sở giải quyết cho ly hôn[3]. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đề nghị giải quyết cho ly hôn.

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về căn cứ ly hôn

Thứ nhất, cần lượng hóa nội dung tiêu chí về căn cứ ly hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Ngoại tình là một trong những hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thủy giữa vợ chồng, là hành vi trái với đạo đức xã hội. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ[4]. Trước đây, theo Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định trường hợp ngoại tình và một bên bỏ nhà đi quá hai năm không có duyên cớ chính đáng là một trong những căn cứ để Tòa án cho ly hôn[5].

Do đó, cần bổ sung hướng dẫn áp dụng căn cứ ly hôn khi vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình vào Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể như sau:

“Trường hợp một bên vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà vẫn tiếp tục vi phạm hoặc có văn bản của cơ quan điều tra là có dấu hiệu tội phạm (tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của bên còn lại, làm cho gia đình tan vỡ.

Trường hợp vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình và bỏ nhà đi quá hai năm mà không có tin tức, không có trách nhiệm với gia đình, không cùng nhau xây dựng mục đích hôn nhân làm cho quan hệ vợ chồng rạn nứt”.

Thứ hai, cụ thể hóa quy định về hành vi bạo lực gia đình làm căn cứ cho ly hôn

Nghị định số 126/2014/NĐ-CP cần bổ sung hướng dẫn áp dụng căn cứ ly hôn khi vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình, cụ thể như sau:

“Trong trường hợp chồng hoặc vợ có hành vi bạo lực gia đình thì vợ hoặc chồng được Tòa án giải quyết cho ly hôn khi có căn cứ sau:

Đối với hành vi bạo lực vật chất: Vợ, chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe mà chưa đến mức xử lý về hình sự hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với bạo lực tinh thần: Vợ, chồng bị chửi bới, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín.

Hành vi bạo lực của vợ, chồng được lặp đi lặp lại nhiều lần, đã được chính quyền địa phương nhắc nhở hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có văn bản của cơ quan điều tra có dấu hiệu tội phạm (tội ngược đãi vợ; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội bức tử) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam cần công nhận ly thân và xem ly thân là một trong những căn cứ để cho ly hôn

Căn cứ ly hôn do ly thân: “Trong trường hợp vợ chồng đã sống ly thân hơn 3 năm mà vẫn không thể quay về với nhau để chung sống hạnh phúc hoặc sống ly thân hơn 3 năm theo quyết định của Tòa án thì Tòa án giải quyết cho ly hôn mà không phải xem xét, đánh giá thực trạng quan hệ vợ chồng và các bên không phải chứng minh tình trạng trầm trọng của hôn nhân”.

Thứ tư, cần bổ sung quy định căn cứ ly hôn khi chồng hoặc vợ phạm tội và đang chấp hành án phạt tù

Cần bổ sung quy định căn cứ ly hôn khi chồng hoặc vợ phạm tội và đang chấp hành án phạt tù, cụ thể như sau: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người đang chấp hành án phạt tù yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”.

Kiến nghị này xuất phát từ những lý do sau:

Một là, chúng ta nên học hỏi pháp luật nước ngoài trong việc quy định trường hợp vợ hoặc chồng ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù. Ví dụ, pháp luật Thái Lan quy định: “Vợ hoặc chồng đã bị Tòa án kết án có phán quyết cuối cùng và bị tù hơn một năm vì phạm tội mà không có bất cứ sự tham gia, đồng tình hoặc hay biết của người kia và sự chung sống như vợ chồng gây cho người kia phải chịu đựng thiệt hại hoặc quấy nhiễu quá đáng”[6]. Ngoài ra, luật hôn nhân và gia đình hiện hành nên kế thừa những quy định của pháp luật trước đây về căn cứ ly hôn. Tại Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: Một trong những căn cứ ly hôn là trường hợp một bên vợ hoặc chồng can án phạt giam[7].

Quy định này nhằm tạo điều kiện cho vợ chồng thực hiện quyền được ly hôn khi một bên vợ, chồng có đạo đức không tốt, vi phạm pháp luật. Quy định này cũng có ý nghĩa răn đe những người là vợ, chồng chuẩn bị phạm tội phải suy nghĩ, đắn đo khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của nó đối với chính mình.

Hai là, gia đình có các chức năng cơ bản: Chức năng kinh tế, giáo dục, duy trì nòi giống và thỏa mãn nhu cầu sinh lý, tình cảm. Khi một người đang chấp hành án phạt tù thì không thực hiện được nghĩa vụ giữa vợ chồng. Vì vậy, họ không thể duy trì hạnh phúc gia đình, không có trách nhiệm với gia đình, không cùng nhau xây dựng mục đích của hôn nhân cũng như trong việc chung tay nuôi dưỡng con cái. Việc duy trì hôn nhân chỉ là hình thức bên ngoài. Mặt khác, người đang chấp hành án phạt tù thì không thể chăm lo được về đời sống vật chất cũng như tinh thần cho gia đình, người phạm tội có thể là người mất tư cách, có đạo đức xấu ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái.

Lê Đức Hiền

Đại học Quy Nhơn


[1] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, tr. 407.

[2]Lê Vĩnh Châu, Lê Thị Mận (2010), Tuyển tập bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam về hôn nhân gia đình, Nxb. Lao động, tr. 517 – 519.

[3] Nguyễn Ngọc Điện (2002), Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình, tập I – Gia đình, Nxb. Trẻ TP. Hồ Chí Minh, tr. 350.

[4]Điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[5]Khoản 1, khoản 3 Điều 2 Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

[6] Điều 1516 Bộ Luật Dân sự và Thương mại Thái Lan.

[7] Khoản 2 Điều 2 Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

1900.0191