Xác định thẩm quyền của Tòa án và thời hiệu, thủ tục giải quyết vụ án hành chính

Xác định thẩm quyền của Tòa án và thời hiệu, thủ tục giải quyết vụ án hành chính tiếp phần Các kỹ năng của luật sư trong giai đoạn khởi kiện vụ án hành chính

Về thẩm quyền của Tòa án

Dưới góc độ đánh giá điều kiện khởi kiện, Luật sư chỉ được tư vấn cho người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Khi thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính, người khởi kiện chỉ được khởi kiện đối với những loại việc Tòa án được quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính (thẩm quyền theo loại việc) và phải khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết (thẩm quyền theo cấp Tòa án và theo lãnh thổ).

a. Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc

Luật Tố tụng hành chính đã quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại Điều 28, đó là:

-Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

– Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

– Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.

– Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Với quy định trên, thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, có nhiều loại việc mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án so với quy định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 264 của Luật Tố tụng hành chính về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai thì với những tranh chấp quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai, sau khi Chủ tịch UBND cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) đã giải quyết các vụ án hành chính còn hiệu lực thì loại việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước. Nay loại việc trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, thuộc nhóm việc quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật tố tụng hành chính.

Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì hầu hết các quyết định hành chính, hành vi hành chính nếu xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể khởi kiện ra Tòa án. Về nguyên tắc chung, Tòa án có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện đối với các đối tượng nói trên, trừ một số trường hợp:

– Những quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc phòng, chính sách đối ngoại của nhà nước.

– Những quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

b. Thẩm quyền của các cấp Tòa án

Sau khi giúp khách hàng xác định loại việc mà khách hàng yêu cầu đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, luật sư cần giúp khách hàng xác định rõ Tòa án cụ thể nào có thẩm quyền giải quyết vụ kiện của họ căn cứ quy định tại Điều 29, Điều 30 Luật tố tụng hành chính.

Điều 29 LTTHC quy định Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

– Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;

– Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan lập danh sách chử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Điều 30 LTTHC quy định Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Tòa án cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

– Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;

– Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại điểm a khoản này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;

– Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;

– Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án. Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;

– Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;

– Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;

– Trong trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.

Đối với những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, Luật sư cần lưu ý các trường hợp ưu tiên xác định thẩm quyền của Tòa theo nơi cư trú, làm việc … của người khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện

Việc quy định về thời hiệu khởi kiện cũng là một bước tiến mới của pháp luật tố tụng hành chính. Thời hiệu khởi kiện đối với hầu hết các quyết định hành chính, hành vi hành chính là 1 năm thay vì chỉ là 30, 45 ngày như quy định trước đây trong Pháp lệnh TTGQCVAHC. Việc quy định thời hiệu khởi kiện dài hơn tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan có đủ thời gian chuẩn bị tài liệu , chứng cứ , lựa chọn phương thức bảo vệ quyền lợi của mình trước khi khởi kiện ra Tòa. Luật TTJC cũng đã có sự phân định hợp lý về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính ddối với các loại án hành chính đặc thù như khiếu kiện quyết định hành chính về giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định về khiếu nại danh sách cử tri nhằm đảm bảo giải quyết dứt điểm, nhanh chóng vụ việc và đưa phán quyết vào thi hành trên thực tế một cách hữu ích.

Luật sư cần căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính để hướng dẫn người khởi kiện vụ án hành chính làm đơn gửi Tòa án trong thời hiệu sau:

– 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

– 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

– Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Trong trường hợp có dấu hiệu quá thời hiệu khởi kiện, cần căn cứ Khoản 3 Điều 104 để xem xét trường hợp của khách hàng có ssự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn hay không vì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời điểm khởi kiện.

Ngoài ra, còn có trường hợp trong thời hạn 01 năm kể từ ngày 1/7/2011 (ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực), người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01 tháng 6 năm 2006 đến ngày 1/7/2011, nếu khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Để xác định thời hiệu khởi kiện của đương sự còn hay đã hết, Luật sư cần xác định được các thời điểm quan trọng: thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thời điểm khởi kiện và thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Thứ nhất, xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện:

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 104 của Luật TTHC thì thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính,quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính,hành vi hành chính,quyết định kỷ luật buộc thôi việc; do đó, để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp nào là “kể từ ngày nhận được”. trường hợp nào là “kể từ ngày biết được” thì Luật sư cần căn cứ vào đối tượng bị tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và phân biệt như sau:

a)Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và họ là đối tượng được nhận quyết định thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ nhận được quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc (được cơ  quan,người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc giao trực tiếp,được nhận qua nhân viên bưu điện,qua chính quyền địa phương hoặc những người khác theo quy định của pháp luật). Ví dụ: Ngày 08-7-2011 ông N nhận được Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Ủy ban nhân dân quận B về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho ông với diện tích 150m2 thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông N đối với quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Ủy ban nhân dân quận B là kể từ ngày ông N nhận được quyết định đó (Ngày 08-7-2011);

b) Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là đối tượng bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, họ không phải là đối tượng được nhận quyết định và thực tế là họ không nhận được quyết định đóthì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ biết được quyết định đó. Ví dụ: Trong trường hợp ví dụ nêu tại điểm a khoản 1Điều này, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông N đã tiến hành xây tường bao diện tích đất 150m2 đó.Ông Q là hàng xóm của ông N cho rằng ông N đã xây tường bao lên cả phần diện tích đất của ông Q. Ngày 28-7-2011, ông N đã đưa cho ông Q xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông N và ông Q thấy rằng một phần diện tích đất của ông Q. Trong trường hợp này, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông Q đối với Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Ủy ban nhân dân quận B là kể từ ngày ông Q biết được quyết định đó (ngày 28-7-2011);

c) Trường hợp hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan , tổ chức đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hành vi hành chính đó được thực hiện (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức đã chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó) hoặc kể từ ngày được thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó đã được thực hiện) hoặc kể từ ngày biết được hành vi hành chính đó đã được thực hiện, nhưng họ đã biết được hành vi hành chính đó qua các thông tin khác như được người khác kể lại);

Ví dụ1: Ngày 10-7-2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tổ chức lực lượng , phương tiện cưỡng chế tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép của ông H và ông H đã chứng kiến việc tháo dỡ nhà đó thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông H đối với hành vi tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đó là kể từ ngày hành vi tháo dỡ nhà ở đó được thực hiện (ngày 10-7-2011).

Ví dụ 2: Trong ví dụ 1 nêu tại điểm c này, ông T có căn nhà ở cạnh nhà của ông H đã bị cưỡng chế tháo dỡ và trong thời gian cưỡng chế tháo dỡ nhà ở của ông H thì ông T đi công tác nước ngoài. Ngày 15-7-2011, ông T mới đi công tác về và thấy tường nhà mình bị rạn nứt và được hàng xóm kể lại là nhà ông H đã bị cưỡng chế tháo dỡ. Nếu ông T khởi kiện hành vi hành chính tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông T đối với hành vi tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đó là kể từ ngày ông T được kể lại về việc thực hiện hành vi cưỡng chế tháo dỡ nhà ở của ông H (ngày 15-7-2011).

d)Trường hợp hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Ông A là người thành lập doanh nghiệp đã nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, nhưng hết thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ông A vẫn không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là kể từ ngày hết hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, thời điểm khởi kiện (là thời điểm người khởi kiện nộp (gửi) đơn khởi kiện đến Tòa án)

Phải hướng dẫn cho khách hàng về thời điểm khởi kiện để đảm bảo việc nộp (gửi) đơn khởi kiện trong thời hiệu khởi kiện.

Thứ ba, thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện

Đó là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan như thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu khởi kiện;

– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thàn niên, người mất năng lực hành vi dân sự,người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

Thủ tục khởi kiện

Trước đây, pháp lệnh bắt buộc người khởi kiện phải thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện, hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã có khiếu nại mà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đó thì mới được khởi kiện ra Tòa. Một số lĩnh vực như quản lý đất đai, kỷ luật buộc thôi việc, xử lý vụ việc cạnh tranh còn phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì mới được khởi kiện. Nay Luật Tố tụng hành chính đã bỏ quy định này. Như vậy, khách hàng và Luật sư được quyền chủ động lựa chọn một trong hai cách là khởi kiện ngay ra Tòa án hoặc thực hiện khiếu nại trước khi khởi kiện.

Tuy nhiên, Luật sư cần chú ý: Riêng đối với trường hợp khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai xảy ra trước ngày 1/7/2011, nếu người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính,hành vi hành chính về quản lý đất đai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01 tháng 6 năm 2006 đến ngày 1/7/2011, nếu khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Điều này có nghĩa là: Đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai xảy ra trước ngày 1/7/2011, vẫn bắt buộc phải thực hiện thủ tục khiếu nại đến cơ quan hành chính từ ngày 01 tháng 6 năm 2006 đến hết ngày 30/6/2011 thì người khởi kiện mới có quyền khởi kiện.

Luật sư cần hướng dẫn hoặc giúp khách hàng soạn thảo đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 105 Luật Tố tụng hành chính và xác định các tài liệu chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện.

1900.0191