Vấn đề đại lý thương mại và quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại lý

Vấn đề đại lý thương mại và quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại lý theo quy định pháp luật.


Vấn đề đại lý thương mại và quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại lý
Vấn đề đại lý thương mại và quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại lý

MỞ ĐẦU

Trong nội dung của đề bài này, em sẽ đi sâu tìm hiểu về vấn đề đại lý thương mại và vấn đề quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại lý. Đại lý thương mại là một trong số các hoạt động của dịch vụ trung gian thương mại. Ta có thể hiểu “dịch vụ trung gian thương mại” như sau, trong phương thức giao dịch trực tiếp chỉ có hai chủ thể trực tiếp thiết lập quan hệ với nhau, nhưng trong một số hoàn cảnh thực tế do bị hạn chế về điều kiện khách quan hay cũng có thể là để giảm thiểu chi phí bỏ ra, hoạt động thương mại không sử dụng hình thức giao dịch trực tiếp nữa mà chuyển sang sử dụng hình thức giao dịch qua trung gian. Hình thức giao dịch qua trung gian sẽ xuất hiện một chủ thể khác, người này đứng ở vị trí độc lập với hai bên còn lại trong quan hệ và là người thực hiện dịch vụ theo sự uỷ quyền, vì lợi ích của người khác để hưởng thù lao, khi đó mọi việc thiết lập quan hệ giữa người mua và người bán hàng hoá cũng như việc xác định các điều kiện giao dịch phải thông qua người trung gian này. Có thể gọi công việc do người trung gian thực hiện trong hoạt động thương mại đó để hưởng thù lao là dịch vụ trung gian thương mại. Ngoài đại lý thương mại, ở nước ta hiện nay dịch vụ trung gian thương mại còn gồm một số các hoạt động khác như đại diện thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá, môi giới thương mại.

 

NỘI DUNG

I.Phân tích các quyền và nghĩa vụ của công ty X với tư cách là bên giao đại lý, và công ty Y với tư cách là bên đại lý bán hàng.

1) Quyền và nghĩa vụ của của công ty X với tư cách là bên giao đại lý:

a) Quyền:

Theo Điều 172 Luật Thương mại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, công ty X tức bên giao đại lý có các quyền sau:

– Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng. Trong trường hợp thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng (tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ) thì bên giao đại lý sẽ ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng và bên đại lý buộc phải tuân thủ mức giá đã ấn định;

– Ấn định giá giao đại lý. Đối với hình thức đại lý bao tiêu (là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý), bên đại lý sẽ ấn định giá giao đại lý, còn giá bán, giá mua hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng bên đại lý có quyền quyết định;

– Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;

– Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;

– Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý

Ngoài những quyền trên, trừ trường hợp có thoả thuận khác thì công ty X tức bên giao đại lý còn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo khoản 1 Điều 177 Luật Thương mại, nhưng lúc này sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên đại lý tức công ty Y theo quy định trong khoản 2 cũng tại Điều 177 này:

Điều 177. Thời hạn đại lý

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

2. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó.

Mặt khác do hợp đồng đại lý cũng là một loại hợp đồng dịch vụ nên theo khoản 2 Điều 521 Bộ luật Dân sự 2005, công ty X tức bên giao đại lý có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên công ty Y tức bên đại lý vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

 

b) Nghĩa vụ:

Dựa theo Điều 173 Luật Thương mại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, công ty X tức bên giao đại lý có các nghĩa vụ sau:

– Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;

– Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá của đại lý mua bán hàng hoá, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ;

– Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;

– Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;

– Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.

 

2) Quyền và nghĩa vụ của của công ty Y với tư cách là bên đại lý:

a) Quyền:

Theo Điều 174 Luật Thương mại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, công ty Y tức bên đại lý có các quyền sau:

– Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hoá hoặc dịch vụ nhất định;

– Yêu cầu bên giao đại lí giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;

– Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;

– Quyết định giá bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu;

– Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại. Theo Điều 171 Luật Thương mại, nếu các bên không có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả theo các hình thức sau:

1.Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.

2.Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ.

3.Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.

4.Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được tính như sau:

a) Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó;

b) Trường hợp không áp dụng được điểm a khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác;

c) Trường hợp không áp dụng được điểm a và điểm b khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.

Theo Điều 523 bộ Luật Dân sự 2005 về quyền của bên cung ứng dịch vụ, thì bên đại lý tức công ty Y còn có quyền sau:

– Ðược thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên thuê dịch vụ hay công ty X, mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên thuê dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên thuê dịch vụ;

Mặt khác theo khoản 3 Điều 177 Luật Thương mại, bên đại lý tức công ty Y có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng:

– Trong trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.

Nhưng quy định trên đây là áp dụng cho trường hợp không có lỗi của bên giao đại lý tức công ty X, còn nếu có lỗi của bên giao đại lý để dẫn đến việc buộc bên đại lý phải đơn phương chấm dứt hợp đồng thì ta có thể áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 525 bộ Luật Dân sự 2005:

– Trong trường hợp bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng theo thỏa thuận thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

b) Nghĩa vụ:

Dựa theo Điều 175 Luật Thương mại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, công ty Y tức bên đại lý có các nghĩa vụ sau:

– Mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định. Đối với hình thức đại lý mà bên giao đại lý đã ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng , bên đại lý phải mua hoặc bán hàng hoá cung ứng dịch vụ cho bên thứ ba theo đúng giá mà bên đại lý quy định. Bên đại lý không được tự ý nâng giá bán hoặc giảm giá mua. Đối với hình thức đại lý bao tiêu, nghĩa vụ này được hiểu là bên đại lý phải mua hoặc bán hàng hoá theo đúng giá tối đa hoặc giá tối thiểu đã thoả thuận với bên giao đại lý;

– Thực hiện đúng các thoả thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý. Đây là một nghĩa vụ rất quan trọng của bên đại lý. Đối với đại lý bán, bên đại lý có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền cho bên giao đại lý. Đối với đại lý mua, bên đại lý có nghĩa vụ nhận tiền và giao hàng cho bên giao đại lý. Đối với đại lý cung ứng dịch vụ bên đại lý phải có nghĩa vụ thanh toán tiền cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Điều 176 Luật Thương mại quy định, trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền hàng, tiền cung ứng dịch vụ và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng một khối lượng dịch vụ nhất định.

– Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;

– Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;

– Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá của đại lý mua bán hàng hoá, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;

– Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý. Quy định này cho thấy sự lệ thuộc chặt chẽ của bên đại lý vào bên giao đại lý, đây là một điểm quan trọng làm cho đại lý mua bán hàng hoá khác với uỷ thác mua bán hàng hoá.

– Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hoá hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.

Mặt khác, do hợp đồng đại lý là một loại hợp đồng dịch vụ nên ngoài những nghĩa vụ trên công ty Y tức bên đại lý, bên cung ứng dịch vụ còn phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại Điều 522 bộ Luật Dân sự 2005 như:

– Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ tức công ty X;

– Báo ngay cho bên thuê dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;

– Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định;

– Bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ tức công ty X, nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.

 

II.Khi công ty Y nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng (mặc dù trong hợp đồng kí thời hạn 5 năm) của công ty X, công ty Y đã yêu cầu công ty X phải trả một khoản tiền tương đương với thời gian 4 năm làm đại lý cho công ty X, nhưng đã bị từ chối. Hãy bình luận về vụ việc trên ?

Trước hết để xem xét việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của công ty X có được phép hay không, và việc yêu cầu của công ty Y buộc công ty X phải trả một khoản tiền tương đương 4 năm làm đại lý cho công ty X là hợp pháp hay không hợp pháp, ta phải quay lại xem xét các quy định trong hợp đồng đại lý mà hai bên đã ký kết.

Nếu trong hợp đồng đại lý đã quy định cho hay không cho phép hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên giao đại lý tức công ty X, cũng như quy định mức phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại, thì mọi việc xẽ được tiến hành theo hợp đồng dưới sự bảo hộ của pháp luật và sức mạnh của Nhà nước, khi một trong hai bên là bên giao đại lý và bên đại lý, bên nào có hành vi vi phạm hợp đồng thì sẽ bị tiến hành xử phạt theo thoả thuận của hợp đồng. Vậy nếu mức phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại đã được thoả thuận trong hợp đồng đúng với yêu cầu của công ty Y trong tình huống, thì việc từ chối thực hiện nghĩa vụ của công ty X là vi phạm hợp đồng vi phạm pháp luật. Công ty Y có thể khởi kiện để được bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình. Ngược lại, nếu trong hợp đồng có quy định về mức bồi thường khác với yêu cầu của công ty Y hay không có quy định về mức bồi thường thì yêu cầu của công ty Y là vi phạm pháp luật, và công ty X sẽ có thể khởi kiện để xử lý tranh chấp và bảo vệ uy tín của mình.

Mặt khác, nếu trong hợp đồng đại lý giữa công ty X và công ty Y có nhiều thiếu sót thì phần nào trong hợp đồng không có quy định rõ ràng ta sẽ áp dụng quy định của pháp luật đối với phần đó. Trong tình huống đề bài, nếu trong hợp đồng đại lý không có quy định về cho hay không cho quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng như các quy định về phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại thì ta sẽ áp dụng quy định tại Điều 177 Luật Thương mại 2005 để xử lý những tranh chấp phát sinh. Em sẽ tập trung bình luận về vụ việc đề bài trong trường hợp này.

Thứ nhất, nếu hợp đồng không có quy định, thì dựa vào quyền của bên giao đại lý tại phần I trên và theo khoản 1 Điều 177 Luật Thương mại, công ty X hiển nhiên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, hơn nữa công ty X cũng đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng cho công ty Y, hành vi hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật tại điều khoản này. Vì thế việc gửi thông báo chấm dứt hợp đồng (mặc dù trong hợp đồng kí thời hạn 5 năm) của công ty X là hợp pháp.

Thứ hai, khi hai bên không có thoả thuận, thì mức bồi thường thiệt hại khi công ty X đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ được áp dụng theo khoản 2 Điều 177 Luật Thương mại. Bên đại lý tức công ty Y có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó. Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý. Xét với tình huống đề bài, ta có thể hiểu theo hai khả năng:

+ Khả năng thứ nhất: là công ty Y mới làm đại lý cho công ty X được 1 năm thì nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Trong khả năng này thì việc công ty Y yêu cầu công ty X phải trả một khoản tiền tương đương với thời gian 4 năm làm đại lí cho công ty X là trái pháp luật. Vì theo quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 177 Luật Thương mại, thì bên giao đại lý chỉ phải bồi thường về thời gian mà bên đại lý đã làm đại lý cho mình, chứ không phải chịu trách nhiệm bồi thường về các khoảng thời gian sau này sau khi đã chấm dứt hợp đồng. Vậy bên đại lý hay công ty Y chỉ có thể đòi bồi thường đối với 1 năm làm đại lý cho công ty X của mình, và mức bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.

+ Khả năng thứ hai: là công ty Y đã làm đại lý cho công ty X được 4 năm thì mới nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Đối với khả năng này thì việc công ty Y yêu cầu công ty X phải trả một khoản tiền tương đương với thời gian 4 năm làm đại lí cho công ty X vẫn là trái pháp luật. Bởi vì theo quy định tại khoản 2 Điều 177 Luật Thương mại, giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý, nên công ty Y sẽ chỉ được yêu cầu công ty X bồi thường với khoản tiền bằng 4 tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.

Thứ ba, việc công ty X từ chối trong tình huống đề bài là hợp pháp, vì theo phân tích ở trên, trong mọi khả năng có thể xảy ra công ty X đều không có nghĩa vụ phải đáp ứng yêu cầu bồi thường thiệt hại quá đáng của công ty Y. Công ty X chỉ phải bồi thường cho công ty Y một tháng thù lao hoặc 4 tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý tuỳ thuộc khả năng xảy ra.

Từ những bình luận trên, ta có thể thấy rõ ngoài những điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng tại Điều 525 bộ Luật Dân sự 2005, thì tại Điều 177 Luật Thương mại, luật pháp còn trao cho các bên quyền tự do đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đại lý và chỉ cần thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt trong thời hạn quy định tại Điều này. Do lý do này, nên theo em, để bảo vệ quyền lợi của bản thân, các công ty tổ chức khi ký kết hợp đồng đại lý cần lưu ý thoả thuận rõ về hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng của các bên có thể xảy ra sau này để từ đó đưa ra các hình thức phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại hợp lý, tránh tối đa khỏi những tranh chấp thương mại sẽ phát sinh trong tương lai.

KẾT THÚC

Trên đây là bài trình bày của em, do còn thiếu sót nhiều về kiến thức nên có phần hạn chế trong nội dung phân tích của bài, rất mong sẽ nhận được sự thông cảm của quý thầy cô!

 

Danh mục tài liệu tham khảo:

– Bộ luật Thương mại năm 2005

– Bộ luật Dân sự năm 2005

– Giáo trình Luật thương mại 2

– Bộ bài tập Luật thương mại của Bộ môn Luật thương mại – ĐH Luật Hà Nội.

Bài luận liên quan:

1900.0191