Quá trình hình thành và phát triển công chứng ở Việt Nam

Quá trình hình thành và phát triển công chứng ở Việt Nam.

Cùng với quá trình đẩy mạnh phát trển kinh tế – xã hội đất nước, kéo theo các quan hệ dân sự, thương mại, đất đai,… cũng ngày càng phát triển mãnh mẽ hơn. Do đó, nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch phát sinh trong đời sống xã hội ngày càng tăng cao. Cùng với đó là việc thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, làm cho số lượng các phòng công chứng và văn phòng công chứng ngày càng tăng. Để có sự phát triển như ngày hôm nay, hoạt động công chứng đã trải qua quá trình hình thành và phát triển gắn liền với quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Để hiểu rõ hơn về quá trình này, em đã chọn tìm hiểu vấn đề: “Quá trình hình thành và phát triển công chứng ở Việt Nam”.

I. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG CHỨNG

1. Khái niệm

Luật Công chứng 2014 ghi nhận: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng[1].

Tuy nhiên, dựa trên quy định pháp luật về công chứng về chủ thể thực hiện hoạt động công chứng, mục đích, giá trị pháp lý của văn bản công chứng,… thì khái niệm trên chưa bao hàm được hết bản chất của hoạt động công chứng. Khái niệm công chứng cần được hiểu như sau:

Công chứng, với tư cách là một hoạt động bổ trợ tư pháp, là việc công chứng viên, các chủ thể có thẩm quyền theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức hoặc theo quy định của pháp luật, chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng nhằm tạo ra những bảo đảm pháp lý để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cả nhân, tổ chức yêu cầu công chứng, phòng ngừa vi phạm pháp luật, giúp việc giải quyết các tranh chấp được thuận lợi và góp phần tăng cướng pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Đặc điểm

Từ khái niệm nêu trên, có thể thấy công chứng mang những đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về chủ thể thực hiện hoạt động công chứng: Theo quy định của pháp luật công chứng hiện nay, hoạt động công chứng được diễn bởi hai loại chủ thể:

 Một là, công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 2 Luật Công chứng 2014.

Hai là, Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước nước ngoài theo quy định tại Điều 78 Luật Công chứng, cụ thể:

Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam…”

Hoạt động công chứng của Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện thông qua các viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của cơ quan đó và hoạt động công chứng bị giới hạn đối với các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về đối tượng của hoạt động công chứng: Hoạt động công chứng được thực hiện với các đối tượng bao gồm: hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản; bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Thứ ba, về nội dung của hoạt động công chứng: Nội dung của hoạt động công chứng là chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Tính xác thực ở đây được hiểu là việc xác thực chính xác về thời gian, địa điểm diễn ra việc giao kết hợp đồng, giao dịch; xác định đúng người yêu cầu công chứng (trên cơ sở giấy tờ tùy thân, giấy tờ, tài liệu về tình trạng hôn nhân, giấy tờ được ủy quyền,… mà người yêu cầu công chứng cung cấp) cũng như năng lực hành vi của người yêu cầu công chứng tại thời điểm công chứng; xác định đúng đối tượng của hợp đồng, giao dịch (trên cơ sở các giấy tờ, tài liệu về tài sản, về công việc phải làm,… mà người yêu cầu công chứng cung cấp); xác định đúng nội dung các điều khoản của hợp đồng, giao dịch (trên cơ sở ghi nhận chính xác ý chí chủ quan của các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch); tính chính xác của giấy tờ văn bản được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc tiếng Việt sang tiếng nước ngoài (bản dịch).

Tính hợp pháp ở đây được hiểu là việc lập và giao kết hợp đồng, giao dịch phải tuân thủ đúng thủ tục mà pháp luật quy định, đồng thời nội dung các điều khoản, thỏa thuận (ý chí của các bên) trong hợp đồng giao dịch không được trái với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội. Có nghĩa là, chỉ các hợp đồng giao dịch hợp pháp mới được công chứng viên xác nhận, những hợp đồng giao dịch bất hợp pháp sẽ bị từ chối công chứng. Điều này cũng tương tự đối với việc công chứng các bản dịch. Chính đặc điểm này của công chứng làm cho hoạt động công chứng có chức năng đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng ngừa các tranh chấp xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân tổ chức có liên quan đến hợp đồng giao dịch.

Thứ tư, về phạm vi công chứng: Luật Công chứng không quy định cụ thể phạm vi những hợp đồng giao dịch, bản dịch nào bắt buộc phải thực hiện việc công chứng nhưng tại các luật chuyên ngành khác có liên quan, chúng ta có thể liệt kê một số loại hợp đồng, giao dịch sau thuộc diện phải công chứng: hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại (Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014); hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013);….

Ngoài các trường hợp theo quy định của pháp luật phải bắt buộc công chứng, thì các hợp đồng, giao dịch, bản dịch có thể được thực hiện hoạt động công chứng khi người yêu cầu công chứng tự nguyện yêu cầu công chứng và không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Thứ năm, chức năng của hoạt động công chứng: Hoạt động công chứng được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, công chứng còn có chức năng tạo lập và cung cấp các chứng cứ cho hoạt động tài phán. Pháp luật công chứng đã thể hiện chức năng này thông qua việc đề cao giá trị pháp lý của văn bản công chứng, cụ thể Khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định:“ Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”. Chức năng này được xuất phát từ việc những thỏa thuận, tính tiết sự kiện trong văn bản công chứng đã được công chứng viên xác nhận tính xác thực và tính hợp pháp theo một thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định. Chính vì vậy, mà văn bản công chứng không thể tùy tiện bị hủy bỏ mà phải tuân theo quy định của pháp luật cụ thể. Cũng bởi chức năng này đã thể hiện bản chất của hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, một biện pháp bảo đảm an toàn pháp lý chứ không phải là một thủ tục hành chính.

3. Vai trò của hoạt động công chứng

Trong nền kinh tế thị trường phát triển nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu giao dịch, trai đổi, không ngừng tăng, công chứng thực sự là công cụ pháp lý gần gũi trực tiếp, giúp bảo đảm an toàn pháp lý cho các cá nhân, tổ chức. Xuất phát từ, nội dung, chức năng của công chứng, có thể thấy, hoạt động công chứng có những vai trò sau đây:

(i) Công chứng là công cụ đảm bảo an toàn pháp lý và phòng ngừa các tranh chấp có thể xảy ra

(ii) Công chứng là công cụ quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực

(ii) Công chứng tạo lập và cung cấp chứng cứ cho hoạt động tố tụng

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM

Tính đến năm 2012, cả nước ta có 625 tổ chức hành nghề công chứng, so với con số 131 tổ chức hành nghề công chứng của năm 2007[2]. Điều này cho thấy, hoạt động công chứng của nước ta phát triển nhanh chóng, đồng thời cho thấy sự phát triển của kinh tế xã hội, khi nhu cầu giao kết dân sự của người dân càng tăng cao. Tính riêng thành phố Hà Nội, Số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố tăng qua các năm, cụ thể: nếu như năm 2007 TP có 9 tổ chức (6 Phòng và 3 Văn phòng công chứng) thì đến năm 2012 đã có 96 tổ chức (10 Phòng và 86 Văn phòng công chứng), tăng so với năm 2011 là 28 tổ chức và so với năm 2007 là 87 tổ chức.Tính đến hết ngày 31/8/2015, toàn Thành phố có 104 tổ chức hành nghề công chứng (10 Phòng Công chứng và 94 Văn phòng công chứng), phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, đáp ứng nhu cầu công chứng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố[3]. Để đạt được các kết quả nêu trên, hoạt động công chứng đã trải qua quá trình hình thành và phát triển khó khăn, trầm bổng, cụ thể:

1. Thời kỳ Pháp thuộc đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945

Hoạt động công chứng xuất hiện khá sớm ở Việt Nam, kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Hoạt động công chứng ở nước ta thời kỳ này đều áp dụng theo mô hình của Pháp và chủ yếu phục vụ cho chính sách cai trị của Pháp tại Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Theo một số tài liệu lưu trữ hiện còn lại, thì văn bản công chứng đầu tiên được lập tại Việt Nam là vào năm 1886 (văn bản này hiện còn lưu trữ tại phòng công chứng số 1 thành phố Hồ Chí Minh[4]. Theo Sắc lệnh ngày 24 tháng 8 năm 1931 của Tổng thống Pháp về tổ chức công chứng tại Pháp (được áp dụng tại Đông Dương theo quyết định ngày 7 tháng 10 năm 1931 của Toàn quyền Đông Dương P.Pasquies), thì người thực hiện công chứng là công chứng viên mang quốc tịch Pháp do Tổng thống Pháp bổ nhiệm và giữ chức vụ suốt đời. Thời Pháp thuộc, ở Việt Nam chỉ có một văn phòng công chứng ở Hà Nội, ba văn phòng công chứng ở Sài Gòn, ngoài ra các thành phố Hải Phòng, Nam Định , Đà Nẵng  thì việc công chứng do Chánh lục sự Tòa án sơ thẩm kiêm nhiệm.

2. Thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1991

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn, phức tạp lúc bấy giờ, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn không quên việc giải quyết vấn đề về thể chế công chứng. Ngày 1 tháng 10 năm 1945 (một tháng sau khi tuyên bố độc lập), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đã ký quyết định về một số việc liên quan đến hoạt động công chứng như: bãi chức công chứng viên người Pháp tên là Deroche tại Văn phòng công chứng; bổ nhiệm một công chứng viên người Việt Nam là ông Vũ Quý Vỹ (luật khoa cử nhân, luật sư tập sự tại Tòa thượng thẩm Hà Nội) thay thế cho công chứng viên người Pháp tại Hà Nội. Trong nghị định này đã chỉ rõ: những quy định cũ về công chứng của Pháp vẫn được áp dụng, trừ những quy định trái với chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa; công chứng viên chịu trách nhiệm và chịu sự kiểm tra giám sát của Ủy ban hành chính các cấp.

Như vậy, có thể thấy rằng, tổ chức công chứng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là sự kế thừa tổ chức công chứng của Pháp để lại, tuy nhiên cũng chỉ còn một phòng công chứng tại Hà Nội[5]. Các nguyên tắc quy chế hoạt động công chứng vẫn như cũ, trừ những quy định trái với nền độc lập và chính thể Dân chủ công hòa của nước ta lúc bấy giờ. Điểm mới của thể chế công chứng này được thể hiện ở chỗ: Đó là thể chế công chứng của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, công chứng viên là người Việt Nam và đây cũng là lần đầu tiên trong một văn bản pháp lý nhà nước ta đã sử dụng thuật ngữ “công chứng”.

Để đáp ứng các nhu cầu giao kết dân sự của nhân dân, ngày 15 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 59/SL ấn định thể lệ về thị thực các giấy tờ trong đó có cả các khế ước chuyển dịch quyền sở hữu bất động sản. Theo Sắc lệnh này, quyền thị thực các giấy tờ trước đây (tức thời Pháp thuộc) giao cho lý trưởng các làng và trưởng phố ở thành thị, thì nay giao về Ủy ban nhân dân các làng hoặc Ủy ban nhân dân hàng phố. Riêng ở thành thị, việc thị thực của Ủy ban hàng phố phải có thêm Ủy ban nhân dân thị xã xác nhận. Tuy nhiên, Ủy ban làm nhiệm vụ phải là Ủy ban nơi trú quán của một hoặc các bên đương sự lập ước, nếu là bất động sản phải là Ủy ban nơi có bất động sản…[6]. Xét về nội dung, đây chỉ là một thủ tục hành chính, càng về sau việc áp dụng Sắc lệnh 59/SL càng mang tính hình thức, chủ yếu xác nhận ngày tháng năm, chữ ký và địa chỉ thường trú của đương sự. Sau đó, ngày 29 tháng 2 năm 1952, Chủ Tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL quy định về thể lệ trước bạ về các việc mua bán, cho, đổi nhà cửa, ruộng đất. Do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ nên Sắc lệnh 85/SL chỉ áp dụng với những vùng tự do hoặc những vùng thuộc Ủy ban kháng chiến. Cũng theo Sắc lệnh này, Ủy ban kháng chiến cấp xã hoặc thị xã được nhận thực vào các văn tự theo hai nội dung: nhận thực chữ ký của các bên mua, bán, cho, đổi nhà cửa, ruộng đất; nhận thực người đứng ra bán, cho, đổi là chủ của những nhà cửa, ruộng đất, đem bán, cho hay đổi. Theo hai Sắc lệnh này, có thể thấy Ủy ban hành chính các cấp sẽ thực hiện một số việc chứng nhận giấy tờ.

Hoạt động công chứng thời kỳ này không được phát triển vì một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất là do điều kiện kinh tế – xã hội, hoàn cảnh chiến tranh của nước ta thời kỳ này. Đất nước bị chia cắt, các hoạt động kinh tế – hội đều nhằm mục đích phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, thống nhất đất nước.

Thứ hai là do nước ta không chấp nhận sở hữu của các thành phần kinh tế khác ngoài kinh tế quốc doanh và tập thế. Vì vậy, tổ chức công chứng không được thành lập trong giai đoạn này. Hoạt động công chứng chỉ mang tính chất chứng thực các quan hệ sở hữu tư nhân. Mọi giao lưu kinh tế, dân sự đều dựa trên quan hệ hành chính, quan hệ thương mại hầu như không phát triển. Do vậy, không nhất thiết phải thiết lập các tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện hoạt động công chứng.

Trên cơ sở quy định của Nghị định số 143/HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1981 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 574/QLTPK ngày 10 tháng 10 năm 1987 về công tác công chứng Nhà nước. Theo đó là sự ra đời của Phòng công chứng thành phố Hồ Chí Minh, Phòng công chứng thành phố Hà Nội và một số phòng công chứng ở các địa bàn khác (nếu có nhu cầu). Sau đó, để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận gần hơn với hoạt động công chứng, Bộ Tư pháp đã ban hành tiếp Thông tư số 858/QLTPK ngày 15 tháng 10 năm 1987 hướng dẫn thực hiện các việc làm công chứng. Tại thời điểm này, chủ thể thực hiện công chứng duy nhất là phòng công chứng.

Căn cứ vào những văn bản này, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiến hành thành lập các phòng công chứng, điều này góp phần tạo nên mạng lưới các phòng công chứng Nhà nước trên phạm vi toàn quốc.

Tại miền Nam Việt Nam, sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, với âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, cùng với việc củng cố bộ máy hành chính, chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn cũng đã quan tâm đến việc thiết lập ra thể chế công chứng ở Miền Nam. Văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của thể chế công chứng dưới thời chính quyền Ngụy – Sài Gòn được điều chỉnh bởi Dụ 43 ngày 29 tháng 11 năm 1954 quy định về ngạch chưởng khế (chưởng khế là người Việt Nam) do Bảo Đại ký với tư cách là Quốc trưởng ban hành. Về cơ bản, nội dung của Dụ số 43 nói trên là sự sao chéo những quy định về tổ chức và hoạt động công chứng của Pháp ở Đông Dương ( Sắc lệnh năm 1931 của Tổng thống Pháp) và gọi dưới tên Chưởng khế. Mục đích ban hành chưởng khế là nhằm thiết lập trong quản hạt của mỗi Tòa án cấp sơ thẩm thuộc Bộ Tư pháp có một văn phòng chưởng khế tại Sài Gòn và văn phòng đó đã hoạt động cho đến năm 1975.

3. Thời kỳ từ năm 1991 đến nay

a) Từ năm 1991 đến trước khi Luật Công chứng 2014 có hiệu lực (1/1/2015)

Sang đầu thập kỷ chín mươi, sự nghiệp đổi mới toàn diện ở đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thu được nhiều thành tựu rực rỡ. Cụ thể, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 là một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển đất nước ta – Đại hội của sự đổi mới, mở cửa, chúng ta tiến hành đổi mới quản lý kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp theo sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 với cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời lỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chiến lược kinh tế – xã hội đã vạch ra những định hướng lớn về kinh tế, tiếp tục phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đảng, ngày 27 tháng 2 năm 1991 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 45/HĐBT về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo giá trị pháp lý của các văn bản pháp luật về công chứng. Theo Nghị định này thì “ Phòng Công chứng Nhà nước là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng ở Ngân hàng, có con dấu mang hình quốc huy”, theo đó, mỗi tỉnh sẽ có một phòng công chứng riêng. Ở những nơi chưa thành lập được phòng công chứng thì Ủy ban nhân dân được thực hiện một số việc công chứng.

Sau hơn 5 năm thực hiện (từ tháng 2/1991-5/1996) Nghị định 45/HĐBT, chúng ta đã thu được khá nhiều thành công trong việc tổ chức và hoạt động công chứng. Thể chế công chứng ở nước ta đã được hình thành và phát triển khá nhanh trên thực tế do gặp được môi trường thuận lợi, đó là cơ chế thị trường. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta, nhu cầu về giao kết dân sự, hợp đồng kinh tế,… của các tổ chức, cá nhân ngày càng tăng và có nhiều thay đổi liên quan đến hoạt động công chứng và Nghị định 45/HĐBT không còn đáp ứng được. Chính vì thế, ngày 18 tháng 5 năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/CP về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước thay thế cho Nghị định số 45/HĐBT, theo đó, Phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp nhằm chuyên môn hóa hoạt động công chứng và giảm tính trạng quá tải cho Ủy ban nhân dân. Ngày 03 tháng 10 năm 1996, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 411-TT/CC hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/CP.Tuy nhiên, những văn bản này vừa quy định về công chứng, vừa quy định về chứng thực và sự phân biệt giữa công chứng và chứng thực là không rõ ràng.

Do nhu cầu giao kết ngày càng phong phú, đa dạng về số lượng cũng như nội dung các lĩnh vực giao kết, nên Nghị định 31/CP đã bộc lệ nhiều điểm bất cập. Do đó, ngày 08 tháng 12 năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực. Nghị định này quy định về phạm vi công chứng, chứng thực; tổ chức phòng công chứng; nguyên tắc hoạt động; trình tự thủ tục thực hiện việc công chứng, chứng thực; công tác chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. Cũng trong Nghị định này, thuật ngữ phòng công chứng đã được sử dụng để thay thế cho thuật ngữ phòng công chứng Nhà nước, góp phần vào yêu cầu quan trọng trong việc xã hội hóa hoạt động công chứng ở nước ta.

Trước nhu cầu công chứng ngày càng lớn, để đáp ứng nhu cầu của những người yêu cầu công chứng và thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Ngày 29 tháng 11 năm 2006, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI, Luật Công chứng đã được thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 07 năm 2007. Theo Luật Công chứng 2006, công chứng viên được thừa nhận là một nghề, ghi nhận tổ chức hành nghề công chứng tư và công chứng viên chứng nhận các hợp đồng, giao dịch và không thực hiện các việc chứng thực như: sao y, chứng nhận chữ ký,… Để góp phần vào việc thực hiện hoạt động công chứng tốt hơn, các văn bản hướng dẫn thi hành luật công chứng cũng lần lượt ra đời như Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18 tháng 5 năm 2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký giao về Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; Nghị định số 02/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 01 năm 2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.

Việc Quốc hội khoá XI tại kỳ họp thứ 10 thông qua Luật công chứng là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hoá nội dung hoàn thiện thể chế về công chứng ở nước ta trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đến năm 2013, sau 6 năm thi hành Luật công chứng, những kết quả bước đầu đạt được đã khẳng định Luật thực sự phát huy vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là hết sức đúng đắn. Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. So với thời điểm giữa năm 2007 khi Luật công chứng bắt đầu có hiệu lực thi hành, đội ngũ công chứng viên hành nghề đã tăng từ 393 lên 1.327 người (tăng 3,4 lần); số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng từ 84 lên 704 tổ chức (tăng hơn 8 lần). Sau 6 năm, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được gần 7 triệu việc, với doanh thu gần 2.780 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng[7]. Những kết quả đạt được đã khẳng định Luật đã thực sự đi vào cuộc sống, hoạt động công chứng đã phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời tạo một bước phát triển mới cho hoạt động công chứng ở nước ta. Thông qua việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự và kinh tế, hoạt động công chứng đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp, được Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương mới đây ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật công chứng năm 2006 cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó phải kể đến những điểm cơ bản sau đây:

Một là, công chứng là dịch vụ công, công chứng viên do Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện dịch vụ này cần được phát triển theo quy hoạch. Tuy nhiên, trong 2 – 3 năm đầu thực hiện Luật công chứng, chưa có quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, các Văn phòng công chứng phát triển quá nhanh, có địa bàn quá nóng, trong khi đó nhiều địa bàn, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa lại không có tổ chức hành nghề công chứng để cung cấp dịch vụ này cho người dân.

Hai là, chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hoạt động công chứng còn nhiều hạn chế; một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến những sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản công chứng; một số công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí còn có hiện tượng công chứng viên cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, phải bị xử lý hình sự gây ảnh hưởng đến uy tín nghề công chứng.

Ba là, nhiều tổ chức hành nghề công chứng được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập), thiếu tính ổn định, bền vững, khi công chứng viên chết phải đóng cửa hoặc khi công chứng viên ốm đau nghỉ việc thì không có công chứng viên để tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của người dân.

Bốn là, công tác quản lý nhà nước về công chứng cũng còn bất cập, có nơi chưa theo kịp với sự phát triển của việc xã hội hóa hoạt động công chứng, vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên chưa được phát huy.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là nhiều quy định của Luật công chứng năm 2006 đã không còn phù hợp hoặc còn thiếu so với thực tiễn cần điều chỉnh. Chẳng hạn, Luật chưa xác định rõ địa vị pháp lý của công chứng viên, quy định về quyền và trách nhiệm công chứng viên chưa đầy đủ; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên có điểm còn dễ dãi, thiếu quy định về chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với công chứng viên đang hành nghề… nên khó bảo đảm chất lượng văn bản công chứng; quy định về điều kiện thành lập Văn phòng công chứng chưa gắn với tính chất đặc thù của nghề công chứng; thực tiễn hoạt động công chứng phát sinh nhiều vấn đề như Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động, chuyển nhượng Văn phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng… nhưng chưa có quy định điều chỉnh dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Các quy định của Luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa có quy định về việc công chứng viên tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các quy định về tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên để phát huy vai trò tự quản của công chứng viên phù hợp với đặc thù của nghề công chứng và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, việc Luật công chứng năm 2006 không tiếp tục quy định công chứng viên được công chứng bản dịch giấy tờ mà giao cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực chữ ký người dịch trong thời gian qua đã dẫn đến chất lượng bản dịch giấy tờ còn nhiều hạn chế trong khi trách nhiệm của người chứng thực và người dịch không rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng; thiếu cơ chế hình thành và phát triển đội ngũ người dịch chuyên nghiệp. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch thuật cơ bản bị buông lỏng.

b) Từ khi Luật Công chứng 2014 có hiệu lực (1/1/2015) đến nay

Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng và để tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động công chứng, đảm bảo thực hiện tốt các nghĩa vụ thành viên của Liên minh công chứng Quốc tế, Luật công chứng mới đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 20/6/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015 (sau đây gọi là Luật công chứng năm 2014).

Sự ra đời của Luật công chứng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập của Luật công chứng năm 2006, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng, công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động công chứng đồng thời phù hợp với công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế đã được đề ra tại Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để thực hiện Luật Công chứng đạt được những thành tựu trong quá trình phát triển của hoạt động công chứng, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn dân chi tiết bao gồm: Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (có hiệu lực ngày 1/5/2015) về chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng; hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng Văn phòng công chứng; chính sách ưu đãi đối với Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng; niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên; Thông tư số 06/2015/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (có hiệu lực ngày 1/8/2015) về thủ tục đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, đăng ký hành nghề, cấp Thẻ công chứng viên; đào tạo nghề công chứng, khoá bồi dưỡng nghề công chứng, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm; tổ chức và hoạt động công chứng; một số mẫu giấy tờ trong hoạt động công chứng.

Như vậy, có thể nói rằng: Quá trình hình thành và phát triển của hoạt động công chứng của nước ta là một quá trình thăng trầm, thay đổi khá phức tạp, khó khăn và nó thực sự hình thành với tư cách là một hệ thống thể chế chỉ mới bắt đầu khi Nhà nước ban hành Nghị định 45/HĐBT ngày 27/1/1991. Cho đến khi Luật Công chứng 2014 ra đời, thể chế này đã tương đối hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước. Để có được sự phát triển như hiện nay, ngay từ đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, Đảng và Nhà nước đã chú trọng công tác hoàn thiện hơn nữa đội ngũ cán bộ làm công tác công chứng, chứng thực cũng như xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện đủ và tốt hoạt động pháp lý thiết yếu này.

[1] Xem Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014

[2] Theo Báo cáo Thống kê của Bộ tư pháp – Hoàng Thị Hồng Trang, Luận văn Thạc sỹ Luật học: Bản chất, phạm vi và vai trò của hoạt động công chứng của nước ta hiện nay,2016, Tr. Phụ lục

[3] Hà Nội: Đề nghị bổ sung số lượng tổ chức hành nghề công chứng vào Quy hoạch đăng trên : http://bttp.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-cong-chung.aspx?ItemID=293

[4] Đàm Văn Thanh, Vài nét về quá trình hình thành và phát triển của tổ chức công chứng tại Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 3/1999, Tr.3.

[5] Đàm Văn Thanh, Vài nét về quá trình hình thành và phát triển của tổ chức công chứng tại Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 3/1999, Tr.7.

[6] Đàm Văn Thanh, Vài nét về quá trình hình thành và phát triển của tổ chức công chứng tại Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 3/1999, Tr.7.

[7] Bài viết: Đề cương giới thiệu Luật Công chứng 2014 đăng trên: http://www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn/phapluat/Lists/Posts/Post.aspx?List=ab554686-92e8-4b31-9cab-6c8dc0683632&ID=181

Tham khảo thêm:

1900.0191