Đôi điều về năng lực và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên

Đôi điều về năng lực và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên.

Như đã biết, đặc trưng nổi bật và khác biệt nhất của công chứng viên so với những người hành nghề khác là mặc dù với tư cách cá nhân (là một công dân hoặc một viên chức bình thường) nhưng được Nhà nước tin tưởng, bổ nhiệm để trao cho một phần quyền lực công của Nhà nước (thực hiện dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm) nhằm thực hiện chức năng chính là chứng nhận tính xác thực, tính chính xác, tính hợp pháp và tính phù hợp với đạo đức xã hội của các hợp đồng, văn bản giao dịch dân sự hoặc các giấy tờ dân sự khác. Qua đó, chính công chứng viên sẽ làm cho các văn bản, giấy tờ này trở thành có hiệu lực pháp luật như các văn bản của Nhà nước ban hành ra, được nhân dân và Nhà nước thừa nhận. Đồng thời, với chức năng nói trên của mình, hành vi của công chứng viên còn được toàn bộ xã hội nhìn nhận như một chuẩn mực về sự đúng đắn, đặt vào đó một sự tin cậy rất cao nếu như không muốn khẳng định gần như là tuyệt đối. Chính vì những lý do nêu trên mà vấn đề năng lực và đạo đức của công chứng viên luôn luôn phải được đặt lên hàng đầu trong tất cả các quy định về công chứng viên nói riêng và các quy định về công chứng nói chung để đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao đó của người dân và của xã hội. Với các nước có nền pháp luật lâu đời và phát triển thì đội ngũ công chứng viên của họ đã gần như khẳng định được vị thế chắc chắn, uy tín rất cao trong giới những người hành nghề pháp luật và trong lòng xã hội. Còn đối với nước ta, một đất nước vẫn còn nghèo, lịch sử pháp luật chưa dài, ý thức pháp luật của người dân chưa cao, trình độ và kinh nghiệm của những nhà xây dựng pháp luật dù sao vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, nên việc xây dựng và thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về công chứng nói riêng vẫn còn rất nhiều tồn tại, bất cập. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đang phát triển theo định hướng kinh tế thị trường, lĩnh vực công chứng đã chính thức được xã hội hóa, thì cùng với sự phát triển về số lượng, những yêu cầu về chất lượng, mà trong đó yếu tố năng lực và yếu tố đạo đức của các công chứng viên buộc phải đặt ra một cách cấp bách và phải thực thi một cách triệt để.

Đôi điều về năng lực và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên

Theo lý luận, năng lực chuyên môn và đạo đức là hai phạm trù khác nhau, nhưng trên thực tế, năng lực và đạo đức của một công chứng viên tuy có sự độc lập song lại cùng phải phục vụ một mục đích cơ bản là đảm bảo cho chất lượng của hành vi và văn bản công chứng. Suy rộng ra, nó sẽ quyết định chất lượng cả một chế định công chứng, quyết định uy tín cho cả đội ngũ công chứng viên của một quốc gia. Với sự chỉ đạo của Đảng, sự cố gắng chung của Nhà nước và toàn xã hội, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm về công chứng. Theo đó, văn bản có hiệu lực cao nhất hiện nay là Luật Công chứng năm 2014. Luật này đã quy định khá đầy đủ về mặt hình thức đối với điều kiện, tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng công chứng viên. Ngoài ra, còn có nhiều văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện khác mà đặc biệt là Thông tư số 11/2012/TT-BTP do Bộ Tư pháp ban hành ngày 30/10/2012 chỉ để quy định riêng về “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”. Thông tư này bao gồm nhiều nội dung quy định về đạo đức hành nghề của công chứng viên. Tuy nhiên, từ quy định cho đến kết quả thực thi là một khoảng cách còn khá lớn. Biểu hiện trên thực tế là, cho đến hiện tại, những sai phạm xuất phát từ cả năng lực của công chứng viên lẫn sai phạm về đạo đức hành nghề của công chứng viên vẫn còn rất nhiều và có biểu hiện ngày càng tinh vi hơn, thậm chí nhiều trường hợp còn lẫn lộn rất khó phân biệt đó là sai phạm về năng lực hay về đạo đức hành nghề công chứng, khó phân biệt đó là sai phạm do vô ý hay cố ý của công chứng viên. Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích, bình luận về một số quy định pháp luật và việc áp dụng những quy định này trên thực tế.

1. Về tiêu chuẩn công chứng viên

Tiều chuẩn công chứng viên được quy định tại Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 như sau:

“Điều 8. Tiêu chuẩn công chứng viên

Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

1. Có bằng cử nhân luật;

2. Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

3. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;

4. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

5. Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”.

Nhìn chung những quy định tiêu chuẩn dành cho công chứng viên như trên là đúng đắn, hợp lý và cũng khá tương đồng với tiêu chuẩn đối với một số chức danh tư pháp khác. Tuy nhiên, như đã phân tích, hoạt động công chứng là một hoạt động đặc thù chỉ do một cá nhân (công chứng viên) tiếp nhận, tự quyết định xử lý và thực hiện việc công chứng từ đầu đến cuối, đồng thời phải tự “chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng” (khoản 4, Điều 4). Như vậy, có thể thấy sức ép về kiến thức pháp luật, về kinh nghiệm áp dụng pháp luật, kinh nghiệm phân tích các mối quan hệ xã hội và cả sức ép về tâm lý đối với công chứng viên khi thực hiện công chứng là rất lớn. Thêm vào đó, Luật Công chứng lại còn khống chế cả thời hạn phải thực hiện việc công chứng:”Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc”(khoản 2 Điều 43). Mặt khác, vì là dịch vụ đã được xã hội hoá nên xuất hiện thêm yếu tố cạnh tranh, do đó việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu công chứng đòi hỏi phải được thực hiện gần như là tức thời, nếu không có các quy địnhkhống chế thời gian của pháp luật. Với tất cả những sức ép như trên, liệu rằng những quy định về tiêu chuẩn công chứng viên trong Luật nói trên đã đủ chưa? Chúng tôi có thể khẳng định: Quy định như vậy còn quá sơ sài, khó đáp ứng được với những diễn biến vô cùng phức tạp trong thực tiễn xã hội, dễ đẩy công chứng viên, nhất là các công chứng viên mới vào nghề mắc phải những sai phạm do thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp. Do vậy, để củng cố thêm năng lực của công chứng viên (trong trường hợp này tạm coi năng lực chỉ bao gồm: Năng lực kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp) thì có lẽ Luật nên quy định chi tiết hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa để nâng cao thêm chất lượng, năng lực công chứng viên. Ví dụ: Thay vì quy định phải có 05 năm công tác pháp luật như quy định hiện hành, nên quy định luôn: Phải có đủ từ 03 đến 05 năm làm giúp việc nghiệp vụ trực tiếp cho công chứng viên, hoặc quy định phải có ít nhất 05 năm làm việc tại tổ chức hành nghề công chứng, chứ không nên quy định chung chung là 05 năm công tác pháp luật như hiện tại…

Còn đối với quy định “phải có phẩm chất đạo đức tốt”cũng cần phải quy định cụ thể hơn. Chuẩn mực đạo đức xã hội chúng ta có thể đã biết nhiều, chuẩn mực đạo đức trong pháp luật chúng ta cũng có thể trích dẫn ra từ một số các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm, nhưng đối với tiêu chuẩn công chứng viên thì nên đặt chuẩn mực đạo đức cao hơn một mức so với các đối tượng thông thường khác, tức là phải quy định rõ hơn thế nào là đạo đức tốt. Ví dụ chúng ta có thể đưa ra những quy định cụ thể hơn như: chưa từng bị kết án tù giam vì lỗi cố ý trong lĩnh vực công chứng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ ba trong lĩnh vực công chứng vì lỗi cố ý mà vẫn cố tình vi phạm, hoặc chưa từng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, hoặc những người không có hành vi gây ra những dư luận xấu có tác động tiêu cực đến xã hội…

2. Về đạo đức hành nghề của công chứng viên

Từ khi xã hội hoá đến nay, nhất là trong giai đoạn đầu do chưa có quy hoạch tổng thể của Chính phủ, số lượng các văn phòng công chứng tăng mạnh và phân bổ không đều. Số lượng công chứng viên cũng tăng lên rất nhanh và được bổ nhiệm khá dễ dàng, lại được tự do cạnh tranh theo xu hướng thị trường nên các văn phòng công chứng đã không ngừng đẩy mạnh cạnh tranh, thu hút lợi nhuận, dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng. Từ đó xuất hiện nhiều vụ việc công chứng viên công chứng hợp đồng, giao dịch (nhiều nhất lại là liên quan đến bất động sản, những tài sản có giá trị lớn) có dấu hiệu vi phạm pháp luật một cách cố ý, nghiêm trọng như: công chứng “treo”, công chứng “khống”, ủy quyền bán một tài sản cho nhiều người, công chứng hợp đồng giao dịch khi chưa có đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, coi nhẹ các quy định của pháp luật, coi nhẹ việc tuân theo đạo đức xã hội, thiếu cẩn trọng trong thẩm định hồ sơ, thu thù lao công chứng chưa thống nhất, thu không theo quy định hoặc có sự khuất tất trong thu thù lao, phí công chứng…

Tất cả những hành vi trên của công chứng viên và của các tổ chức hành nghề công chứng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể do trình độ, năng lực của công chứng viên đó yếu, kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ chưa đủ để đáp ứng. Tuy nhiên trên thực tế nhiều sai phạm không hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân vừa nêu. Rất nhiều những sai phạm trong số đó sau khi được các cơ quan điều tra hay các đoàn thanh tra, kiểm tra vào cuộc tìm hiểu, xem xét, kết luận đã rút ra được nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính sự sai phạm về đạo đức hành nghề của công chứng viên. Đó là một sự vi phạm hoàn toàn mang tính chủ quan, nhằm mục đích trục lợi có chủ ý của công chứng viên khi thực hiện việc công chứng.

Trước tình hình đó cùng với sự phản ánh của dư luận xã hội, ngày 30/12/2012 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP quy định “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”. Theo đó, Thông tư quy định khá đầy đủ vể quy tắc đạo đức hành nghề của riêng công chứng viên. Qua nghiên cứu Thông tư nói trêncó thể thấy, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất của Ngành Tư pháp, với sự tham khảo kinh nghiệm pháp luật nước ngoài, sự đúc kết kinh nghiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật kết hợp với yếu tố thực tiễn, Bộ Tư pháp đã quy định một cách có hệ thống, có chiều sâu và khá toàn diện về tất cả những khía cạnh, các yếu tố nhằm luật hoá đạo đức hành nghề công chứng, trong đó chủ yếu là quy định về công chứng viên, nhằm hướng tới xây dựng nghề công chứng của nước ta thực sự trở thành một nghề cao quý.

Tất cả các quy định trong bộ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng này đều khá rõ ràng, mạch lạc, rất phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với truyền thống đạo đức dân tộc, đạo đức xã hội và đạo đức con người. Tuy nhiên, vì là một bộ quy tắc đạo đức áp dụng để hành nghề, nên các quy định trong bộ quy tắc này dường như thiếu đi những quy định đòi hỏi sự chi tiết. Cụ thể như:

Thứ nhất: Quy định về việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm còn chung chung, chưa đề ra được lịch trình, tiêu chí và thành phần những người tham gia vào đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm. Điều này rất quan trọng, vì nó sẽ bảo đảm cho việc đánh giá được chính xác, kịp thời và quan trọng nhất là phải thật sự công tâm, khách quan và chuẩn mực. Muốn như thế, ngoài các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp hoặc Tổ chức xã hội nghề nghiệp hay chính Tổ chức hành nghề công chứng, thì trong quy chế nên quy định thêm: Trong thành phần đoàn thanh tra, kiểm tra, hay hội đồng giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm phải có mặt thêm các cơ quan báo chí, truyền thông, những người chuyên làm công tác xã hội và nhất là những người yêu cầu công chứng (người yêu cầu ngẫu nhiên và người yêu cầu thường xuyên), … Có như vậy việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm mới được chính xác, quy chế mới thực sự phát huy được tác dụng.

Thứ hai: Cùng với quy định “Công chứng viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, cũng nên quy định thêm việc phải thành lậpđoàn hay hội đồng xử lý vi phạm. Đồng thời, nên quy định chi tiết hơn từng vi phạm cụ thể của công chứng viên sẽ phải chịu hình thức xử phạt nào, mức độ bao nhiêu…

3. Ý kiến đóng góp của một số chuyên gia

– Theo Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: “Trong tất cả các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực công chứng nói riêng, con người luôn là yếu tố quyết định. Là một người công chứng viên, tiêu chuẩn đầu tiên là cần phải có đủ trình độ năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Điều đó sẽ được thể hiện qua chất lượng công chứng, qua thái độ niềm nở, ân cần, làm việc cặn kẽ, có trách nhiệm. Hiện nay, các công chứng viên chủ yếu vẫn làm công tác đối nội với các loại giao dịch trong nước, ít các hợp đồng giao dịch có yếu tố nước ngoài, đa số chất lượng ngoại ngữ của các công chứng viên còn thấp, kiến thức về hội nhập rất hạn chế. Vì vậy tự bản thân mỗi người làm công tác công chứng phải có ý thức trau dồi những hạn chế nói trên.

Thêm vào đó hiện nay theo quy định chung thì những cán bộ đã được đào tạo, công tác ở các cơ quan tư pháp, hành pháp được miễn thực tập công chứng viên. Đây là một kẽ hở, mặc dù quy định đó đúng, nhưng chưa được hoàn thiện bởi vì mỗi lĩnh vực của pháp luật lại có những yêu cầu riêng, nếu chỉ có nền kiến thức chung của ngành tư pháp để đem vào làm việc cụ thể trong lĩnh vực công chứng thì chưa đủ. Những người đã qua đào tạo, công tác tại các cơ quan tư pháp, hành pháp muốn làm việc trong lĩnh vực công chứng vẫn phải qua lớp đào tạo ngắn hạn, có thi, kiểm tra một cách nghiêm túc để lấy chứng chỉ. Nếu chỉ dựa trên quá trình công tác mà miễn thực tập thì sẽ chỉ đáp ứng được về mặt số lượng, không đáp ứng được về chất lượng”.

– Luật gia Đỗ Văn Chỉnh, nguyên thẩm phán, Trưởng ban Thanh tra TANDTC cho biết hiện nay những tiêu chuẩn đối với công chứng viên trong luật công chứng đã tương đối chặt chẽ và đầy đủ. Đối với người công chứng viên không đặt quá nặng những tiêu chuẩn về hình thức như ngoại hình, giọng nói điều quan trọng là phải có sức khỏe, có năng lực, phải qua đào tạo bài bản và phải có tinh thần trách nhiệm trong công việc.

– Luật gia Phương Linh, Sở Tư pháp Bắc Giang nêu: Nên có thêm tiêu chuẩn về độ tuổi công tác bởi hiện nay Luật Công chứng của nước ta không quy định việc hạn chế độ tuổi hành nghề công chứng, điều này chưa phù hợp bởi hoạt động công chứng ngoài đòi hỏi kỹ năng về nghiệp vụ, công chứng viên còn cần có tư duy về nghiệp vụ sắc bén, đòi hỏi cần có sự tinh thông và “nhạy cảm” trong nghề nghiệp. Nếu công chứng viên hành nghề cao tuổi sẽ bị hạn chế về sức khoẻ, không đáp ứng được các yêu cầu này.

Và cuối cùng, thay cho lời kết, chúng tôi xin trích dẫn một ý kiến khách quan dưới đây của một người khách yêu cầu công chứng thực tế: Ông Nguyễn Thế Hòa, một người dân đến yêu cầu công chứng tại Văn phòng công chứng Ngọn Lửa Việt, số 16, đường 10, khu đô thị Trung Yên, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đóng góp: “làm người công chứng viên phải thật sự khách quan, trung thực, không thiên vị, không vì lợi ích cá nhân, vì sự quen thân làm ảnh hưởng đến lợi ích người khác, không công chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung trái đạo đức xã hội. Công chứng viên phải có đủ năng lực để nắm rõ và giải thích cho người yêu cầu công chứng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước, về quyền được khiếu nại, tố cáo của người yêu cầu công chứng khi tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch hay không?. Những tiêu chuẩn đó không chỉ dừng lại ở việc các văn phòng công chứng tự đánh giá, mà chính những người đi công chứng như chúng tôi cũng sẽ được tham gia đánh giá trực tiếp bằng nhận xét khách quan của mình”.

Chu Hồng Sơn

Công chứng viên Phòng Công chứng số 1 TP. Hà Nội

Tham khảo thêm:

1900.0191