Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay

Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay


1. Bài tiểu luận số 1 – Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay

MỞ ĐẦU

Nhà nước pháp quyền là thiết chế của nền dân chủ, là thành quả phát triển của nhân loại. Đó là nhà nước lấy nhân dân làm chủ thể, lấy pháp luật làm tiêu chí để quản lý xã hội. Cốt lõi của tư tưởng, quan điểm về Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa chính là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; quản lý xã hội và quản lý chính bản thân mình bằng pháp luật.

Từ đó, với bản chất dân chủ sâu sắc, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc được nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân lao động trong quản lí hành chính nhà nước, nó cũng xác định những nhiệm vụ mà Nhà nước phải thực hiện trong việc đảm bảo những điều kiện cơ bản để nhân dân lao động tham gia vào quản lí hành chính nhà nước.

Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay
Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay
(Ảnh minh họa)

Qua quá trình học tập và nghiên cứu môn Luật Hành chính Việt Nam, em xin được chọn đề tài “Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay” làm nội dung bài tập lớn của mình.

NỘI DUNG

I.Một số vấn đề lý luận

1) Khái niệm Nhà nước và quản lí hành chính nhà nước

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, là công cụ tổ chức thực hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân để quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội. Nhà nước chịu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, hay nói cách khác Đảng là cơ quan lãnh đạo của Nhà nước.

Như vậy, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa là cơ quan quyền lực, vừa là bộ máy chính trị, hành chính, vừa là tổ chức quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

– Quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành pháp là Quản lí hành chính nhà nước. Quản lí hành chính nhà nước là một hình thức hoạt động của nhà nước, được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là đảm bảo sự chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực, nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp, thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hoá-xã hội và hành chính-chính trị. Nói cách khác, quản lí hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành và điều hành của nhà nước.

2) Các nguyên tắc quản lí hành chính nhà nước

Cũng giống như bất kì hoạt động có mục đích nào, quản lí hành chính nhà nước được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Đây chính là tư tưởng chủ đạo rất quan trọng trong tổ chức và hoạt động giúp cho các chủ thể quản lí hành chính nhà nước thực hiện có hiệu quả các công việc của mình trên các lĩnh vực đã được phân công.

Xem xét một cách cụ thể, ở góc độ của luật hành chính, nguyên tắc trong quản lí hành chính nhà nước là tổng thể các quy phạm pháp luật hành chính có nội dung là những tư tưởng chủ đạo làm cơ sở để tổ chức thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước.

Các nguyên tắc này thường được phân chia thành hai nhóm: các nguyên tắc chính trị – xã hội và các nguyên tắc tổ chức – kỹ thuật.

Các nguyên tắc chính trị – xã hội là các nguyên tắc chung, được quán triệt trong toàn bộ tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong đó có hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Đây là các nguyên tắc thể hiện sâu sắc bản chất giai cấp của Nhà nước, bao gồm:

  • Nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lí hành chính Nhà nước;
  • Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước;
  • Nguyên tắc tập trung dân chủ;
  • Nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc;
  • Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Các nguyên tắc tổ chức – kĩ thuật là những nguyên tắc mang tính đặc thù cho hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Nội dung của những nguyên tắc này chi phối các yếu tố mang tính chất kĩ thuật của hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Nhóm nguyên tắc này gồm rất nhiều nguyên tắc khác nhau, đại diện là:

  • Nguyên tắc quản lí theo ngành, chức năng kết hợp với quản lí theo địa phương;
  • Nguyên tắc quản lí theo ngành kết hợp với quản lí theo chức năng và phối hợp quản lí liên ngành.

II.Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính Nhà nước

1) Cơ sở của nguyên tắc

Nhà nước xã hội chủ nghĩa do chính nhân dân lao động tự tổ chức để thực hiện quyền lực của mình. Do vậy, mục tiêu của nó là nhằm phát huy hết tài năng, sức lực của người lao động trong việc gánh vác các công việc của Nhà nước và xã hội nhằm phục vụ lợi ích của chính bản thân. Ghi nhận nội dung này, Điều 2 Hiến pháp 1992 đã có quy định:

“Điều 2:

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”

Mặt khác, để nhân dân lao động thực sự giữ vai trò là người làm chủ đất nước, việc tạo điều kiện để nhân dân lao động tham gia vào quản lí hành chính nhà nước cũng đã được Hiến pháp 1992 khẳng định tại Điều 3:

“Điều 3:

Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân..

Như vậy, quyền được tham gia vào quản lý các công việc của Nhà nước và xã hội là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.

2) Các hình thức thực hiện của nguyên tắc

Trong quản lí hành chính nhà nước, nguyên tắc trên biểu hiện cụ thể ở những hình thức tham gia vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước của nhân dân lao động. Đây là những hình thức được pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện bằng các phương tiện của Nhà nước. Các hình thức này bao gồm:

  • Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước

Các cơ quan trong bộ máy nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước. Người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định đều có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước để trực tiếp hay gián tiếp thực hiện công việc quản lí hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước hết, người lao động có thể tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước với tư cách là thành viên của cơ quan này, hay nói cách khác chính là những đại biểu được lựa chọn thông qua con đường bầu cử (đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Hội thẩm nhân dân…) hoặc với tư cách là những cán bộ, công chức (của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử, cơ quan điều tra…); từ đó trực tiếp xem xét, sử dụng quyền lực nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương, trong đó có các vấn đề về quản lí hành chính nhà nước.

Ngoài ra, những người lao động có thể gián tiếp tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua việc thực hiện quyền bầu cử để lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương hay địa phương hoặc bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Đây là cách thức rộng rãi nhất để nhân dân lao động có thể tham gia vào quản lí các công việc của Nhà nước.

  • Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội

Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, đồng thời hỗ trợ nhân dân lao động có thể dễ dàng tham gia một cách tích cực vào các tổ chức xã hội. Điều 9 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Ngoài Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có các tổ chức xã hội khác như Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí minh, Hội nông dân việt Nam,… Đây là một hình thức hoạt động đã và đang được quần chúng nhân dân hưởng ứng, đạt được nhiều thành công nhất định trên thực tế, góp phần thúc đẩy mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

  • Tham gia vào hoạt động tự quản ở cơ s

Ở nơi cư trú, sinh hoạt, làm việc, nhà nước đã tạo những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhân dân lao động phát huy được vai trò chủ động, tích cực, thường xuyên thực hiện các hoạt động mang tính chất tự quản như bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tổ chức đời sống công cộng, tổ hoà giải… Đây là những hoạt động do chính nhân dân lao động tự thực hiện và chúng có mối liên quan chặt chẽ với các công việc khác nhau của quản lí nhà nước, quản lí xã hội. Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản mà quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội của người dân thực sự được tôn trọng và đảm bảo thực hiện.

  • Trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lí hành chính nhà nước

Điều 53 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã quy định công dân có quyền “tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Để thực hiện quyền cơ bản này, pháp luật đã quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực khác nhau của quản lí hành chính nhà nước. Những quyền, nghĩa vụ này của công dân có thể thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hoặc cũng có thể được chính người dân trực tiếp thực hiện. Việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ này cũng chính là một hình thức tham gia vào quản lí hành chính nhà nước của nhân dân lao động. Cùng với sự phát triển của xã hội, các quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm thực hiện một cách đầy đủ hơn. Do vậy, đây cũng là một hình thức để nhân dân lao động phát huy vai trò làm chủ của mình.

III. Đánh giá việc thực hiện nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính Nhà nước ở nước ta hiện nay

1) Kết quả đạt được và những hạn chế gặp phải

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định và hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở nhằm vận dụng nguyên tắc tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính Nhà nước một cách hiệu quả trong đời sống thực tế. Quy chế dân chủ ra đời đánh dấu một bước tiến bộ xã hội lớn ở nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực sự phát huy quyền làm chủ của mình, tham gia quản lý các công việc ở trung ương và địa phương, kiểm soát và đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ ở các cơ quan công quyền hay các biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, cùng với các mặt tích cực đạt được, trong quá trình vận dụng nguyên tắc trên vẫn còn một số hạn chế tập trung vào những lý do sau đây:

– Thứ nhất, là do trình độ năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế. Có rất nhiều ý kiến cho rằng nhân dân ở các vùng đồng bào công giáo, hay dân tộc ít người luôn bị hạn chế về điều kiện sinh hoạt và kiến thức nên dễ bị các phần tử xấu lợi dụng phá hoại, do vậy dân chủ trực tiếp ở những nơi này là không cần thiết, chỉ càng gây khó khăn cho các cán bộ lãnh đạo trong công tác quản lý, điều hành tại cơ sở. Những nhận thức trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện quyền dân chủ trong việc quản lí hành chính Nhà nước của nhân dân.

– Thứ hai, công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý cán bộ, công chức có vi phạm pháp luật tiến hành chưa nghiêm minh, chưa thường xuyên, thiếu khách  quan, công bằng dẫn đến kém hiệu quả, ít tính giáo dục, răn đe…Do vậy đạo đức, trách nhiệm của công chức chậm được nâng cao. Một bộ phận cán bộ, công chức sa xút về phẩm chất lối sống, tham nhũng, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước yêu cầu của dân, của xã hội, không còn đảm bảo được quyền làm chủ của nhân dân.

– Thứ ba, Đảng phải là cơ quan lãnh đạo các chi bộ, đảng viên, các tổ chức Chính quyền, đoàn thể đưa việc thực hiện pháp luật dân chủ vào cuộc sống. Nhưng trên thực tế, có những nơi Đảng cơ sở rất chú trọng đến công việc này, quán triệt đầy đủ, sâu sắc, xác định đúng vai trò lãnh đạo toàn diện, chỉ đạo trực tiếp và thực hiện nghiêm túc pháp luật dân chủ. Nhưng lại có những nơi Đảng chưa làm tốt vai trò lãnh đạo trực tiếp làm cho kết quả thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở hiệu quả kém.

Vậy muốn vận dụng nguyên tắc tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính Nhà nước một cách hiệu quả, thì Đảng phải thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình ở mọi nơi, không phân biệt là trung ương hay địa phương.

2) Kiến nghị, giải pháp nhằm thực thi nguyên tắc này trong thực tế đạt được nhiều hiệu quả hơn nữa

Để khắc phục những hạn chế trên, từ đó nhằm nâng cao hơn vai trò của nhân dân trong quản lí hành chính nhà nước, em có một số đề xuất như sau:

– Đảng cần đặc biệt tăng cường sự lãnh đạo của mình để làm cho dân chủ có định hướng đúng, dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ thật sự, dân chủ gắn liền với kỷ luật kỷ cương, lấy Hiến pháp và pháp luật làm khung pháp lý

– Nhân dân cần được tạo mọi điều kiện để chủ động tham gia vào quá trình quản lý; giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, và có thể thông qua các đại biểu của mình bãi miễn chức vụ của cán bộ công chức không đủ uy tín, năng lực, với cơ chế thuận tiện, khả thi. Cần thể chế hoá các quy định liên quan tới quyền và nghĩa vụ công dân một cách rõ ràng, cụ thể nhằm đảm bảo cho công dân thực sự được hưởng quyền và nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ như cho ra đời Luật Giám sát của nhân dân, Luật bãi nhiệm của nhân dân, Luật trưng cầu ý dân,.v.v.

– Tăng cường giáo dục nhận thức cho nhân dân cũng như tầng lớp cán bộ, công chức về vấn đề dân chủ và làm thế nào để thực hiện quyền dân chủ của mình trong quản lí hành chính nhà nước, cũng như đảm bảo quyền dân chủ cho người khác. Từ đó, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước.

– Xây dựng cơ chế và biện pháp để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, xoá bỏ mầm mống cửa quyền, lộng quyền, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân; ngăn chặn và khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, đồng thời nghiêm trị những hoạt động phá hoại gây rối…

– Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ trong tổ chức và trong sinh hoạt của bộ máy Nhà nước.

KẾT LUẬN

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân là một nguyên tắc cơ bản để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là nguyên tắc thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội ngày càng phát triển ở nước ta bấy giờ.

Trong thời gian qua mặc dù đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, tuy nhiên hoạt động của Nhà nước và của nền hành chính quốc gia vẫn còn nhiều điểm bất cập không đáng có. Trước yêu cầu phát triển sâu hơn của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu hội nhập mạnh mẽ và toàn diện, Nhà nước việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Để vượt qua những thách thức này, cần phải có những thay đổi hết sức sâu sắc cả về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, của bản thân hệ thống thể chế hành chính, của cơ cấu hệ thống tổ chức hành chính và của cả đội ngũ công chức hành chính hiện nay.

Mục lục

MỞ ĐẦU

NỘI DUNG

I.Một số vấn đề lý luận

1) Khái niệm Nhà nước và quản lí hành chính nhà nước

2) Các nguyên tắc quản lí hành chính nhà nước

II. Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính Nhà nước

1) Cơ sở của nguyên tắc

2) Các hình thức thực hiện của nguyên tắc

III. Đánh giá việc thực hiện nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính Nhà nước ở nước ta hiện nay

1) Kết quả đạt được và những hạn chế gặp phải

2) Kiến nghị, giải pháp nhằm thực thi nguyên tắc này trong thực tế đạt được nhiều hiệu quả hơn nữa

KẾT LUẬN

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb CAND, Hà Nội, 2008;
  • Khoa luật, Đai học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2005;
  • Học viện hành chính quốc gia, Giáo trình luật hành chính và tài phán hành chính, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005;
  • Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)

2. Bài tiểu luận số 2 – Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước và việc đánh giá vận dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay

Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước và việc đánh giá vận dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay.

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp tri thức”.

Điều này đã được ghi nhận trong các bản Hiến Pháp của nước ta, quyền lực của nhà nước là thuộc về nhân dân, nhà nước và xã hội có là để phục vụ giai cấp nhân dân. Lấy nhân dân làm trung tâm để đưa ra những chính sách để phục vụ lợi ích cho nhân dân. Trong Luật Hành chính cũng vậy  nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước là một nguyên tắc hiến định và rất quan trọng.

Vậy sau đây chúng ta hãy đi tìm hiểu “ Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước và việc đánh giá vận dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay”.

I, Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước

Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo và hoạt quản lí hành chính nhà nước là để cho nhân dân lao động thực sự giữ vai trò là người làm chủ đất nước.

Việc tạo điều kiện để nhân dân lao động tham gia vào quản lí hành chính nhà nước phải được nghi nhận và đảm bảo thực hiện như là một nguyên tắc cơ bản trong quản lí hành chính nhà nước. Điều 3 Hiến pháp 2013 đã khẳng định “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân”.

Trong Hiến pháp đã quy định rất rõ về quyền làm chủ của nhân dân, vì vậy nhân dân có quyền tham gia một cách đông đảo vòa hoạt động quản lí hành chính nhà nước.

Nguyên tắc này đã khẳng định vai trò của nhân dân trong việc quản lí hành chính là đúng như một nguyên lí khoa học “ Nhân dân là gốc của quyền lực nhà nước”.

Bác Hồ của chúng ta rất đề cao sức mạnh của nhân dân và coi nhân dân làm trung tâm để phục vụ lợi ích của nhân dân, Bác từng nói “ cán bộ, đảng viên là đầy tớ trung thành của nhân dân” “ Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Như vậy ta có thể thấy vai trò rất to lớn của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước. Những nhiệm vụ cơ bản của đất nước được thực hiện phải được đảm bảo điều kiện cơ bản là để nhân dân lao động tham gia vào quản lí hành thính nhà nước. Các hình thức tham gia vào quản lí hành chính nhà nước của nhân dân gồm:

1, Hình thức tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước

Các cơ quan trong bộ máy nhà nước là một công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước. Vì vậy trong bộ máy nhà nước có sự tham gia của nhân dân là vô cùng quan trọng. Sự tham gia tích cực của đông đảo nhân dân lao động thể hiện tính dân chủ cao, mặt khác còn tạo nên hiệu quả một cách tích cực.

Tất cả mọi người nếu có đầy đủ điều kiện mà pháp luật đưa ra thì hoàn toàn có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước một cách trực tiếp hay gián tiếp. Nhân dân có thể tham gia vào cơ quan nhà nước để quản lí hành chính trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. ( ví dụ tham gia vào các cơ quan nhà nước ở địa phương…).

Người lao động có thể tham gia vào cơ quan nhà nước bằng các cách thức như bầu cử, là thành viên của cơ quan này và được những đại biểu lựa chọn. ( Ví dụ: những người từ đủ 22 tuổi trở lên nếu đáp ứng được đầy đủ những điều kiện thì có thể ứng cử vào các cơ quan nhà nước ).

Khi được bầu vào trong các cơ quan nhà nước và giữ những cương vị nhất định thì người lao động trực tiếp xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, đơn vị trong vấn đề quản lí hành chính nhà nước.

Không chỉ tham gia vào các cơ quan nhà nước để quản lí hành chính nhà nước mà người lao động có thể tham gia vào những cơ quan như cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử với tư cách là cán bộ, công chức có chuyên môn.

Khi trong vai trò là công chức, viên chức, cán bộ nhân dân lao động sẽ được sử dụng một cách trực tiếp quyền lực của nhà nước để tiến hành nhưng công việc khác nhau trong quản lí hành chính nhà nước, thể hiện vai trò làm chủ đất nước là chủ xã hội của mình.

Những người lao động lúc đó họ sẽ có đầy đủ những điều kiện để biến ý trí, nguyện vọng của mình thành hiện thực “ Nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện để phát triển toàn diện.

Ví dụ như người dân lao động có chuyên môn về pháp Luật như giáo sư, thạc sĩ Luật học thì có thể làm việc trong các cơ quan về pháp luật để ban hành ra các bộ luật phù hợp với thực tiến cuộc sống để phục vụ lợi ích của nhân dân góp phần xây dựng đất nước ngày một văn minh.

Ngoài việc nhân dân lao động tham gia một cách trực tiếp vào các cơ quan nhà nước thì họ có thể tham gia một cách gián tiếp vào hoạt động của các cơ quan nhà nước như thông qua việc bầu cử của nhân dân. Bầu cử là sự lựa chọn những đại biểu tiên tiến xứng đáng thay mặt họ vào làm việc ở các cơ quan nhà nước ở trung ương hay ở địa phương.

Đây là một hình thức phổ biến để nhân dân lao động tham gia và quản lí các công việc của đất nước.

Ví dụ: Tất cả những công dân Việt Nam đủ 18 tuổi thì đều có quyền đi bầu cử. Trừ những trường hợp bị pháp luật hạn chế và cấm, những người mất năng lực…

2, Hình thức tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội

Các tổ chức chính trị xã hội có vị trí rất quan trọng trong việc quản lí nhà nước.

Vì vậy nhà nước luôn tạo những điều kiện thuận lợi đề nhân dân lao động có thể tham gia một cách tích cực vào những hoạt động ncuar tổ chức xã hội. Nhà nước ban hành nhiều quy định liên quan đến vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội trong quản hành chính và quản lí nhà nước. 

Trong đó đã có những tổ chức xã hội đã được đề cao trong Hiến pháp. Điều 9 Hiến phát 2013 quy định “ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” hay điều 10 khẳng định “ Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của  giai cấp công nhân và người lao động … tham gia quản lí nhà nước, quản lí kinh tế xã hội”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội rất lớn và có vai trò rất quan trọng trong việc phản biện xã hội, tập chung nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết của nhân dân để bảo vệ và phát triển đất nước.

Công nhân và người lao động Việt Nam được Công đoàn Việt Nam đứng ra để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh cho thành lập các tổ chức xã hội nhà nước ta còn tạo điều kiện để giúp đỡ về vật chất và tinh thần để các tổ chức này hoạt động và phát triển và trở thành công cụ đắc lực của nhân dân lao động trong quản lí hành chính nhà nước.

3, Hình thức tham gia vào các hoạt động tự quản ở cơ sở

Nơi cư trú, sinh hoạt, làm việc của nhân dân lao động thường xuyên thực hiện những hình thức mang tính chất tự quản. Đây là hoạt động do chính nhân dân lao động thực hiện và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với những công việc khác nhau của quản lí hành chính nhà nước, quản lí xã hội. Các hoạt động tự quản ở cơ sở như bảo vệ an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, tổ chức đời sống công cộng… rất gần gũi và thiết thực với đời sống của nhân dân.

Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản mà người dân lao động là những chủ thể tích cực tham gia. Quyền tham gia vào việc quản lí nhà nước, quản lí xã hội của người dân mà pháp luật đã quy định thì đều được tôn trọng và bảo vệ như các hoạt động tự quản ở cơ sở.

Nhà nước sẽ tạo những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhân dân phát huy vai trò chủ động tích cực của mình vào những hoạt động tự quản ơ cơ sở.

4, Hình thức trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lí hành chính nhà nước

Để thực hiện quyền này trong Hiến Pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định công dân có quyền “ Tham gia quản lí nhà nước xã hội , tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương, cả nước” điều 28 Hiến pháp 2013.

Thực hiện quyền cơ bản này pháp luật đã quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong những lĩnh vực khác nhau của hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ này của công dân có thể thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội hoặc cũng có thể do chính họ thực hiện.

Việc trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình cũng chính là một hình thức tham gia vào quản lí hành chính nhà nước của nhân dân lao động.

II, Đánh giá việc vận dụng nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính của nước ta hiện nay

Trước tiên là việc vận dụng “ Hình thức tham gia vào các cơ quan nhà nước”. Như chúng ta có thể thấy quyền lực nhà nước ta là thống nhất, tập chung dân chủ, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan.

Theo đó nhân dân có quyền tham gia vào các cơ quan nhà nước từ địa phương đến trung ương. Từ cơ qun cao nhất ở trung ương là Quốc hội cho đến cơ quan nhà nước ở địa phương như Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân… Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hình thức tham gia tích cực của nhân dân lao động vào quản lí hành chính nhà nước.

Nếu người lao động đáp ứng được đầy đủ điều kiện của pháp luật quy định thì có thể tham gia vào các cơ quan nhà nước để trực tiếp thực hiện việc quản lí hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một hình thức trực tiếp của việc nhân dân thực hiện quản lí hành chính nhà nước. Ngoài ra còn có hình thức gián tiếp nữa.

Trong Hiến Pháp 2013 quy định Quốc Hội là cơ quan cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ ngĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước… và Quốc Hội là cơ quan đại biểu của nhân dân. Nhân dân trục tiếp bầu cử những đại biểu của Quốc hội để đại diện cho mình quyết định những vấn đề liên quan đên lợi ích của nhân dân và đất nước.

Những vị đại biểu được nhân dân tin tưởng bầu ra phải có trách nhiện trước nhân dân về việc làm của mình, phải lấy lợi ích của đất nước và nhân dân làm hang đầu, không được phù sự kì vọng của  nhân dân. Khi họ không làm đúng trách nhiêm của mình và không được sự tin tưởng của nhân dân thì đại biểu đó sẽ bị cách chức.

Như vậy, ta có thể thấy nhân dân là một thành phần rất quan trọng trong việc quản lí hành chính nhà nước. Ngoài ra nhân dân lao động còn còn tham gia vào những cơ quan khác như hành pháp, tư pháp. Họ làm việc trong Chính phủ, Viện kiểm sát, Tòa án, các cơ quan ngang bộ… đều này cho thấy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống nhân dân lao động đều tham gia đông đảo bằng các hình thức trực tiếp hay gián tiếp.

Nhà nước ta rất coi trong sự tham gia này của nhân dân để góp phần tạo ra sự công bằng xã hội và xây dựng phát triển đất nước giàu mạnh hợp với long dân.

Vận dụng hình thức“ Nhân dân tham gia vào hoạt động của tổ chức xã hội”. Các tổ chức xã hội là hình thức tổ chức tự nguyện của công dân hoạt động thep pháp luật và điều lệ của tổ chức không nhằm lợi nhuận mà hoạt động đựa trên lợi ích của các thành viên trong hội. Bao gồm các tổ chức chính trị, như Đảng cộng sản Việt Nam luôn là thiết chế duy nhất giữ vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối với nhà nước và các tổ chức khác nằm trong hệ thống chính trị. Các đảng viên đều có trách nhiệm thực hiện tốt những điều lệ của Đảng.

Tổ chức chính trị-xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức một cách hợp pháp để tập hợp các tầng lớp nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, đại diện cho lợi ích của nhân dân, tham gia vào hệ thống chính trị tùy theo tính chất tôn chỉ, mục đích của mình nhằm bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trọng sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước, phát huy quyền làm chủ, nâng cao trách nhiệm của công dân và các hội viên.

Mặt khác tổ chức này còn là chính quyền của nhân dân là nơi thể hiện ý trí và nguyện vọng của nhân dân, giáo dục chính trị tư tưởng, động viên và phát huy tính tích cực xã hội của nhân dân. Góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, thâm gia vào công việc quản lí nhà nước quản lí xã hội. Ngoài ra còn có các tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập theo dấu hiệu nghề nghiệp.

Ví dụ: Hội luật sư Việt Nam, Hội doanh nhân Việt Nam. Có thể thấy các tổ chức nhân danh chính mình để tham gia vào hoạt động quản lí nhà nước

Nhà nước đã tạo những điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội. Đồng thời nhà nước cũng ban hành nhiều quy định liên quan đến vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội trong quản lí hành chính nhà nước.

Mặt khác các tổ chức xã hội cũng thông qua hoạt động của mình góp phần vào vào quản lí nhà nước, giữ gìn trật tự xã hội góp phần tạo ra sự phát triển của đất nước. Thông qua việc thể hiện ý chí nguyện vọng của các thành viên để đưa ra những ý kiến đóng góp trong việc quản lí và điều hành của bộ máy nhà nước.

Hình thức“ Nhân dân tham gia vào các hoạt động tự quản ở cơ sở”. Việc tham gia vào các hoạt động tự quản của nhân dân ở cơ sở là một hoạt động rất thiết thực và gần gũi đối với nhân dân với cuộc sống sinh hoạt hang ngày của nhân dân. Điều này do chính nhân dân tổ chức thể hiện mối liên hệ gắn bó mất thiết giữa những nhân dân trong làng xã, khu phố, phường…

Những hoạt động tự quản ấy không chỉ tích cực góp phần vào quàn lí hành chính nhà nước, giữ gìn trật tự xã hội nói chung mà còn góp phần tạo ra một xã hội văn minh. Những hoạt động ấy rất thiết thực như giữ gìn trật tự an ninh ( chống trộm cắp ở khu dân cư), bảo vệ môi trường( thu gom rác thải, không vứt rác bừa bãi), phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình…Thực hiện những hoạt động vì cộng đồng như các phong trào ủng hộ vì người nghèo, gây quỹ khuyến học, quỹ nhân đạo, quỹ biển đảo… Những hoạt đó đã gián tiếp quản lí hành chính nhà nước. Những hoạt động của các hội như hội phụ nữ, hội người cao tuổi… không những tạo ra một xã hội lành mạnh mà còn cho thấy sự tích cực của nhân dân vào những phong trào bổ ích.

Ngoài ra những ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua các tổ chức tự quản cơ sở cũng góp phần vào việc các cơ quan nhà nước nhận ra được sự thiếu xót của minh như hội xóm, phường đưa ra ý kiến về các chính sách về thương binh xã hội, chính sách của các gia đình có công với cách mạng, chính sách cho người nghèo, người tàn tật… Đây cũng là một cách tham gia tích cực của nhân dân lao động vào quá trình quản lí nhà nước.

Nhà nước thì luôn tạo điều kiện về vật chất cũng như tinh thần để các tổ chức tự quản này phát huy được hết sức mạnh của mình. Hiện nay các tầng lớp tham gia rất đông đảo vào các hoạt động tự quản ở cơ sở để nói lên tiếng nói của mình.

Vận dụng hình thức“ Nhân dân lao động trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lí hành chính nhà nước. Trong các bản Hiến pháp đã đề cao việc nhân dân có quyền đóng góp ý kiến vào các hoạt động của nhà nước. Mỗi khi nhà nước có vấn đề quan trọng đến việc đối nội hay đối ngoại, ban hành, sửa đổi luật…thì nhân dân có quyền đóng góp ý kiến thông qua việc trưng cầu ý dân.

Như vậy nhân dân có thể tham gia quản lí hành chính nhà nước dưới nhiều hình thức. ( Ví dụ: như việc sửa đổi các bộ Luật mới đây đã được đưa ra đề hỏi ý kiến của nhân dân và đã có rất nhiều ý kiến góp ý hay mà các cơ quan Tư pháp cần xem xét). Như vậy quản lí hành chính nhà nước không thể chỉ là cán bộ quản lí nhân dân mà ngược lại nhân dân giám sát bộ máy các cơ quan nhà nước. Chỉ có hợp với ý dân thì các chính sách đề ra của nhà nước mới được thực hiện.  Nhân dân vừa có quyền những cũng đồng thời có các nghĩa vụ đối với quản lí hành chính nhà nước. Nhưng muốn nhân dân thực hiện nghĩa vụ thì trước hết phải cho họ được thực hiện quyền lợi của mình. Hình thức này là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc thể hiện sự đông đảo của nhân dân lao động trong quản lí hành chính nhà nước. Góp phần tạo ra sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với các chính sách quy định của nhà nước ban hành và bảo đamt việc thực hiện có hiệu quả.

“ Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước” là một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng và cơ bản trong quản lí hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Với bản chất là một nhà nước của dân, do dân và vì dân thì việc nhân dân tham gia đông đảo vào quản lí hành chính thì lại càng quan trọng. Nhân dân lao động có thể tham gia quản lí nhà nước dưới nhiều hình thức như thông qua các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các tổ chức tự quản hay thông qua quyền và nghĩa vụ của mình.

Chính sự tham gia đông đảo của nhân dân lao động vào quản lí hành chính nhà nước khiến cho nhà nước càng ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của nhà nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân hơn. Lòng tin của nhân dan vòa bộ máy lãnh đạo góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước lên một tầng cao mới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2014.
  2. Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia.
  3. Học viện hành chính quốc gia, Giáo trình luật hành chính và tài phán hành chính, Nxb. Giáo dục.

Tham khảo thêm:

1900.0191