Bảo vệ quyền của lao động di trú trong ASEAN theo Tuyên bố Cebu 2007

Bảo vệ quyền của lao động di trú trong ASEAN theo Tuyên bố Cebu về bảo vệ và thúc đầy quyền của lao động di trú năm 2007 (TB Cebu về lao động di trú) và Chương trình hành động thực hiện Tuyên bố này.

ASEAN là một trong những khu vực có số lượng và tỉ lệ người lao động di trú cao nhất trên thế giới. Đây cũng là khu vực rất đa dạng xét về phương diện lao động, bởi có cả những nước gửi, nước nhận lao động và những nước vừa gửi, vừa nhận lao động. Trong nhiều văn kiện chính thức của ASEAN, việc bảo vệ người lao động di trú được coi là một trong những mục tiêu chủ yếu mà ASEAN cần đạt được phù hợp với tầm nhìn của tổ chức là xây dựng ASEAN thành “một cộng đồng chia sẻ và quan tâm” theo Tuyên bố Cebu về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di trú ghi nhận trong Cam kết của ASEAN. Các nước ASEAN đã và đang cố gắng xây dựng một khuôn khổ pháp lý chung cho việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú trong khu vực và ở mỗi nước. Trong giới hạn, bài tập tập trung nghiên cứu nội dung bảo vệ quyền của lao động di trú trong ASEAN theo Tuyên bố Cebu về bảo vệ và thúc đầy quyền của lao động di trú năm 2007 (TB Cebu về lao động di trú) và Chương trình hành động thực hiện Tuyên bố này.

I. Một số vấn đề lý luận

1. Định nghĩa lao động di trú

Hiện nay có không ít định nghĩa về lao động di trú như Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ (ICRMW), Công ước số 97 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) (Điều 11)… Để thống nhất cách hiểu các nội dung được đề cập trong bài viết, định nghĩa “lao động di trú” được xác định theo Điều 2 ICRMW, theo đó: “lao động di trú là một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân”.

2. Vị trí, vai trò của người lao động di trú

Ở các nước nhận lao động (receiving countries), người lao động di trú giúp thỏa mãn cơn khát về sức lao động của nhiều ngành kinh tế, góp phần duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của những ngành này, đồng thời là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân công cho những công việc mà người lao động bản xứ không muốn làm. Lực lượng lao động này sẵn sàng đảm nhiệm những công việc lương thấp, nguy hiểm, độc hại, những công việc lao động chân tay hay trong những ngành bị coi coi là thấp kém như nông nghiệp, xây dựng…

Ở các nước gửi (sending countries), việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là một trong những biện pháp quan trong trong chính sách tạo việc làm, góp phần làm giảm sức ép của tình trạng thất nghiệp trong nước, tạo cơ hội đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề. Hơn nữa, thu nhập của người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về có thể nâng cao đáng kể đời sống của gia đình họ và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của nước nhà.

3. Sự cần thiết bảo vệ quyền của người lao động di trú

Với những đóng góp quan trọng trên, người lao động di trú đáng lẽ ra phải được trân trọng và tôn vinh nhưng ngược lại, họ đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Trong trường hợp họ đi bằng con đường bất hợp pháp (tự mình hoặc trả tiền cho các băng buôn lậu người để được ra nước ngoài làm việc, giả dạng khách du lịch rồi ở lại…), những vấn đề họ phải đối mặt nghiêm trọng hơn rất nhiều so với ra đi bằng con đường hợp pháp, có thể kể tới như bị cướp, hãm hiếp hoặc bị bỏ mặc ở dọc đường, bị bán vào nhà chứa, bị bắt làm việc như nô lệ mà không được trả công… Những người lao động di trú ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp cũng không tránh khỏi nhiểu rủi ro, họ vẫn là một trong những nhóm người dễ bị bóc lột và phân biệt đối xử nhất trên thế giới. Họ thường phải đối mặt với sự bấp bênh về việc làm, tình trạng thiếu nhà ở, không được chăm sóc y tế, bị loại trừ về giáo dục, bị trục xuất, đối xử tàn ác, hạ nhục… Xét về thực trạng và những đóng góp của người lao động di trú, ta có thể thấy việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động di trú là rất cần thiết và cấp thiết.

II. Các vấn đề pháp lý theo Tuyên bố Cebu về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di trú năm 2007 và Chương trình hành động thực hiện Tuyên bố này

1. Các vấn đề pháp lý theo Tuyên bố Cebu về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di trú năm 2007

1.1. Các Nguyên tắc

  1. Cả các nước gửi và nước nhận lao động cần tăng cường ba trụ cột kinh tế và xã hội của Cộng đồng ASEAN thông qua việc thúc đẩy nhân phẩm và tiềm năng đầy đủ của người lao động di trú trong bối cảnh tự do, bình đẳng và ổn định, phù hợp với pháp luật, quy định, chính sách của các nước thành viên;
  2. Các nước gửi và nhận lao động cần, vì những lý do nhân đạo, hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vụ việc liên quan đến lao động di trú trở thành không có giấy tờ xuất phát những nguyên nhân không phải do lỗi của họ;
  3. Các nước gửi và nhận lao động cần tính đến các quyền cơ bản và nhân phẩm của lao động di trú và các  thành viên trong gia đình đi kèm với họ mà không làm tổn hại đến việc áp dụng pháp luật, chính sách và quy định của các nước nhận lao động;
  4. Không quy định nào trong Tuyên bố này có thể được giải thích như là việc luật hóa tình trạng lao động di trú không giấy tờ.

1.2. Nghĩa vụ của các bên

1.2.1. Đối với nước nhận lao động

Theo TB Cebu về lao động di trú, nước tiếp nhận lao động có nghĩa vụ ban hành và thể chế các quy định pháp luật của nước mình nhằm những mục đích được quy định tại Tuyên bố này[1]. Có thể thấy rằng, nghĩa vụ của các nước nhận lao động rất cụ thể, phù hợp với tình hình lao động di trú hiện nay. Nghĩa vụ của nước nhận lao động tập trung chủ yếu trên hai phương thức: phương thức bảo vệ trực tiếp (bảo vệ quyền cơ bản của lao động di trú; đảm bảo các điều kiện về đào tạo tay nghề; khắc phục tình trạng bóc lột lao động;…) và phương thức bảo vệ gián tiếp (thông qua việc hỗ trợ tiếp cận pháp luật và thực hiện chức năng đối ngoại đối với nước gửi lao động). Tuy nhiên, TB Cebu về lao động di trú cần quy định rõ ràng hơn về quyền cơ bản của lao động di trú, đặc biệt phải quy định chi tiết về quyền sở hữu tài sản bởi mục đích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng tới là xây dựng một khối tài sản cho riêng mình.

1.2.2. Đối với nước gửi lao động

Như nước nhận lao động, nước gửi lao động cũng có nghĩa vụ ban hành các quy định pháp luật nhằm những mục đích được quy định tại Tuyên bố này[2]. Nước gửi lao động cũng có cơ chế bảo vệ bảo vệ những người thân trong gia đình của lao động di trú và vấn đề bảo vệ tài sản hợp pháp của họ. TB Cebu về lao động di trú tập trung điều chỉnh các vấn đề lao động trong nội bộ ASEAN. Trên thực tế, lao động di trú của các nước ASEAN vẫn có khả năng di trú sang nước thứ ba. TB Cebu về lao động di trú vẫn chưa có quy định liên quan tới sự ràng buộc của Tuyên bố này đối với nước thứ ba khi tiếp nhận lao động từ các nước thành viên ASEAN cũng như cơ chế bảo vệ lao động di trú của các nước ASEAN tại các nước thứ ba.

2. Chương trình hành động thực hiện Tuyên bố Cebu về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di trú

Để thực hiện việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di trú, ASEAN đã xây dựng chương trình chương trình thực hiện tuyên bố này thông qua phần cam kết của ASEAN được ghi nhận trong Tuyên bố. Theo đó, sẽ có 8 chương trình hành động mà ASEAN sẽ triển khai thực hiện[3]. Chương trình hành động thực hiện TB Cebu về lao động di trú không chỉ dừng lại ở việc thiết lập một trật tự pháp lý điều chỉnh về vấn đề lao động di trú mà còn thực tiễn triển khai những dự án phát triển nguồn nhân lực, tái hòa nhập, nâng cao trình độ lao động di trú, tạo điều kiện cho họ phát triển, mà bên cạnh đó còn đề ra những biện pháp khắc phục khi những người lao động di trú bị xâm hại như bị buôn lậu, cho xuất nhập cư trái phép, bị mắc kẹt trong những cuộc xung đột… ASEAN cũng có cái nhìn mang tính chiều sâu và khả quan khi đưa ra giải pháp khuyến khích các tổ chức quốc tế, các đối tác của ASEAN tôn trọng các nguyên tắc trong TB Cebu về lao động di trú và hỗ trợ, tạo điều kiện cho ASEAN thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lao động di trú trong Tuyên bố này.

III. Thực tiễn triển khai

1. Thành tựu

Trong những năm qua, các nước ASEAN đã có sự nỗ lực nhất định trong việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia đối với vấn đề lao động di trú. ASEAN đã thực hiện được hoạt động cụ thể như triển khai hoạt động của Ủy ban ASEAN về thực hiện Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di  cư; đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ các quyền con người cơ bản, thúc đẩy lợi ích và giữ gìn phẩm giá của người lao động di cư qua hỗ trợ chức năng lãnh sự của cơ quan lãnh sự hoặc ngoại giao khi có lao động di cư bị bắt hoặc bị tù hoặc bị giam giữ dưới bất cứ cách thức nào theo luật và quy định của nước tiếp nhận lao động và theo Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963; đưa Chương trình thúc đẩy Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) vào chương trình nghị sự của doanh nghiệp và nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững tại các quốc gia thành viên ASEAN… Thông qua các hoạt động đó việc triển khai thực hiện việc bảo vệ quyền lao động di trú đã thuận lợi hơn.

2. Hạn chế

Hiện nay, sự liên kết giữa các quốc gia chủ yếu mang tính hình thức. Trên thực tế, các nước ASEAN vẫn chưa thể đạt được một sự thỏa thuận cụ thể nào trong vấn đề quyền của lao động di trú do có quá nhiều sự khác biệt trong định hướng cũng như lợi ích giữa các quốc gia thành viên. Trong khi chưa có những cơ chế và văn kiện chung có hiệu quả để bảo vệ người lao động di trú thì ở đa số các nước thành viên ASEAN hiện chưa có một hệ thống bảo trợ xã hội áp dụng một cách rộng khắp có tác dụng bảo vệ mọi người lao động ở tất cả các lĩnh vực. Ở nhiều các quốc gia ASEAN vẫn còn thiếu các cơ chế nhằm thúc đẩy các điều kiện sống và xóa đói giảm nghèo cho khối dân số ngày càng tăng về số lượng. Thêm vào đó, tuy Tuyên bố đã đặt ra lộ trình cho việc thiết lập một thỏa thuận khu vực mới mà hy vọng sẽ đảm bảo sự công bằng và bình đẳng cho tất cả những người lao động di trú của các nước thành viên; song trên thực tế việc triển khai thực hiện lộ trình đó rất chậm chạp. Những điều này tác động tiêu cực đến việc bảo vệ lực lượng lao động.

TB Cebu về lao động di trú không phải là một văn kiện có tính ràng buộc về nghĩa vụ pháp lý nên hiệu lực tác động của Tuyên bố rất hạn chế. Ví dụ như, Điều 22 của Tuyên bố đề cập đến việc làm hài hòa pháp luật lao động của các nước trong khu vực với các Công ước cơ bản và với Các nguyên tắc và các quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO. Đây là một quy định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền của người lao động di trú, bởi việc làm hài hòa pháp luật về lao động của các nước với các tiêu chuẩn của ILO là làm cho tất cả các quy định pháp luật của các nước trong khối sẽ được áp dụng với tất cả mọi người lao động một cách bình đẳng, bất kể quốc tịch của họ. Nhưng thực tế hầu như chưa có quốc gia nào trong khu vực ASEAN đã và đang tích cực thực hiện nội dung của điều này. Phần lớn các nước ASEAN, đặc biệt là những nước có nhiều lao động di trú ở nước khác như Việt Nam, Indonesia hay Philippines luôn muốn thúc giục ASEAN nhanh chóng có những hành động cụ thể và thực tế để thực hiện TB Cebu về lao động di trú, nhưng bên cạnh đó vẫn có các nước nhận nhiều lao động di trú như Malaysia lại chỉ muốn có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các chính sách lao động di trú ở nước mình. Do đó, người lao động vẫn phải tiếp tục đối mặt với sự phân biệt đối xử, nạn buôn người, nguy cơ bị bóc lột sức lao động cao hơn trong khi khả năng tiếp cận các hình thức bồi thường còn hạn chế.

Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thành lập vào 31/12/2015 với ba trụ cột quan trọng Cộng đồng chính trị – an ninh ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN và Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN đã mở ra nhiều cơ hội trên nhiều lĩnh vực cho không chỉ các nước thành viên mà cả đối với mỗi người dân trong khu vực. Riêng vấn đề lao động di trú, cần sớm có cơ chế hiệu quả và một thiết chế pháp lý mang tính pháp lý bắt buộc để bảo vệ hơn nữa nhóm người lao động này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Cộng đồng ASEAN, Nxb.Công an nhân dân,  Hà Nội – 2012;
  2. Triệu Thị Hồng Liễu, Quyền của người lao động di trú trong pháp luật quốc tế và Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội – 2012;
  3. Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân, Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong khu vực ASEAN, Nxb. Lao động – xã hội, Hà Nội – 2012;
  4. Hội Luật gia Việt Nam, Bảo vệ quyền của người lao động di trú, Pháp luật & Thực tiễn quốc tế, khu vực và quốc gia, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội – 2008;
  5. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Đồng chủ biên), Khoa luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội,

PHỤ LỤC

8.627 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 1 năm 2016 

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 1 năm 2016 là 8.627 lao động (3.308 lao động nữ), gồm các thị trường: Đài Loan: 5.362 lao động (2.107 lao động nữ), Nhật Bản: 2.019 lao động (882 lao động nữ), Hàn Quốc: 68 lao động (0 lao động nữ), Malaysia: 530 lao động (315 lao động nữ), Ả rập – Xê út: 129 lao động (0 lao động nữ), Macao: 32 lao động) và các thị trường khác.

Như vậy, trong tháng 1 năm 2016, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 8.627 lao động (3.308 lao động nữ), đạt 8,63% kế hoạch năm 2016 và bằng 99,52% so với cùng kỳ năm ngoái.

(Ngày cập nhật 03/02/2016 trên http://dolab.gov.vn/)

Công việc và thu nhập của lao động Việt Nam tại Malaysia

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc từ Malaysia từ năm 2002, đến nay đã có hàng trăm ngàn lượt lao động sang đây làm việc, có thời điểm số lao động Việt Nam có mặt tại Malaysia lên tới 130.000 người. Hiện lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia khoảng 65.000 người (khoảng hơn 12.000 người trong số này là cư trú bất hợp pháp), công việc chủ yếu là sản xuất chế tạo trong các nhà máy điện tử, nội thất, may mặc, đóng gói sản phẩm hay trong ngành dịch vụ (phục vụ nhà hàng- quán ăn, lau chùi dọn vệ sinh, nấu ăn, bán hàng…), ngành nông nghiệp và số ít làm giúp việc nhà trong các gia đình người Mã gốc Hoa. Việt Nam đang xúc tiến đưa trở lại lao động xây dựng và đưa mới lao động trồng cọ cho các trang trại cọ thuộc 02 tập đoàn SIM DARBY và FELDA của Malaysia.

Tiền lương cơ bản (tối thiểu) áp dụng đối với người lao động Việt Nam là 21RM/ngày hay 546RM/tháng, làm việc 08h/ngày hay 48h/tuần.

Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn có thu nhập từ làm thêm giờ (tính theo hệ số nêu trên) và các khoản trợ cấp khác như: chuyên cần, ca, bộ phận,… hoặc tiền trang phục, tiền thưởng….

Tổng thu nhập hàng tháng của người lao động Việt Nam hiện đạt khoảng 900-1.200RM/tháng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm năm 2013, chính phủ Malaysia sẽ áp dụng quy định tiền lương cơ bản mới là 900RM/tháng, theo đó mức lương kỳ vọng của lao động Việt Nam (vốn cần cù, chịu khó sàng làm thêm nhiều) sẽ đạt khoảng 1.400-1.700RM/tháng (tương đương khoảng 460-560USD/tháng).

(Ngày cập nhật 02/07/2013 trên http://dolab.gov.vn/)


[1] 5- Tăng cường những nỗ lực nhằm bảo vệ các quyền con người cơ bản, thúc đầy hạnh phúc và bảo vệ nhân phẩm của lao động di trú; 6- Xây dựng tốt quan hệ giữa các nước nhận lao động và lao động di trú; 7 – Giáo dục và đào tạo người lao động; hỗ trợ người lao động tiếp cận với tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội theo quy định chính sách đang áp dụng tại các nước đó hoặc theo quy định trong các hiệp định có liên quan; 8 – Thúc đẩy một cách thích đáng và công bằng sự bảo vệ việc làm, trả công và tiếp cận bình đẳng với công việc và điều kiện sống tử tế cho lao động di trú; 9 – Hỗ trợ người lao động di trú bị phân biệt đối xử, lạm dụng, bóc lột, bạo lực được tiếp cận với hệ thống pháp luật và tư pháp của nước nhận lao động; 10 – Hỗ trợ thực hiện các chức năng ngoại giao và lãnh sự của nước gốc theo quy định trong pháp luật của nước nhận lao động và phù  hợp với Công ước Viên về quan hệ lãnh sự khi lao động di trú bị bắt, bị kết tội, giam giữ dưới bất kỳ hình thức nào (tríchTB Cebu về lao động di trú)

[2] 11 – Tăng cường các biện pháp liên quan đến thúc đẩy và bảo vệ các quyền của lao động di trú; 12 – Bảo đảm sự tiếp cận với việc làm và cơ hội kiếm sống cho công dân của nước mình như là những sự lựa chọn vững chắc cho sự di trú của người lao động; 13 – Xây dựng các chính sách và thủ tục nhằm hỗ trợ các vấn đề về di trú lao động, bao gồm việc tuyển dụng, chuẩn bị cho người lao động ra nước ngoài làm việc, bảo vệ họ khi làm việc ở nước ngoài cũng như khi hồi hương và tái hòa nhập họ vào cộng đồng sau khi hồi hương; 14 – Xóa bỏ những hành vi lừa đảo tuyển dụng lao động di trú bằng cách kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng, quản lý và cấp chứng nhận cho các cơ sở tuyển dụng lao động và người sử dụng lao động, và theo dõi những cơ sở làm trái hay cố tình vi phạm các quy định pháp luật về vấn đề này (trích TB Cebu về lao động di trú)

[3] 15 – Thúc đẩy các cơ hội việc làm hợp pháp và được tôn trọng nhân phẩm cho người lao động di trú; 16 – Xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển nguồn nhân lực và các chương trình tái hòa nhập cho người lao động ở các quốc gia gốc; 17 – Thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng đưa lậu và buôn bán người, trong đó bao gồm việc đưa ra  các chế tài nghiêm khắc cho những kẻ thực hiện các hành vi như vậy; 18 – Hỗ trợ việc chia sẻ dữ liệu về các vấn đề liên quan đến người lao động di trú nhằm tăng cường các chính sách và chương trình liên quan đến người lao động di trú ở cả nước gửi và nước nhận lao động; 19- Chia sẻ thông tin, các bài học kinh nghiệm tốt cũng như những cơ hội và thách thức mà các nước thành viên ASEAN đang phải đối mặt trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động di trú; 20 – Trợ giúp người lao động di trú của các nước thành viên ASEAN bị kẹt trong các cuộc xung đột hoặc khủng hoảng ở các nước ngoài ASEAN; 21 – Khuyến khích các tổ chức quốc tế, các đối tác của ASEAN và các quốc gia tôn trọng các nguyên tắc và cung cấp sự trợ giúp, hỗ trợ để thực hiện các biện pháp nêu trong Tuyên bố này; 22 – Thảo luận với các cơ quan có liên quan đến ASEAN để tiếp tục thực hiện Tuyên bố và để xây dựng một văn kiện về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (trích TB Cebu về lao động di trú)

1900.0191